Xuất hiện cực “xịn”
Vinh Khuất có một lý lịch cực “xịn”: sinh viên Nhạc viện Hannover với chuyên ngành nhạc jazz; từng tham gia và giành được hàng loạt giải thưởng danh giá ở châu Âu như: giải tài năng trẻ cuộc thi Giọng ca vàng tại Đức (2005), giải nhất cuộc thi Made in Schaumburg, giải nhất tại Boss Loop Station World Championship khu vực Đức, Áo, Thụy Sĩ và giải tư toàn thế giới… Với những thành tích đó, ai cũng nghĩ chàng Việt kiều Đức này sẽ mang trong mình thứ âm nhạc cực kỳ hiện đại với màu sắc châu Âu và điện tử đậm đặc.
Thế nhưng, không hẳn. Tại Gala Sao Mai đầu năm 2019, anh mang đến một màn trình diễn chưa từng thấy trên sóng truyền hình đại chúng Việt Nam. Với hai cây piano (một cây truyền thống và một cây điện tử), một cây ghi-ta, một máy looping (ghi lại âm thanh và lặp đi lặp lại đoạn âm thanh đó), một chiếc trống điện tử, Vinh vừa hát vừa biểu diễn.
|
Vinh Khuất mang cả “phòng thu” lên sân khấu biểu diễn |
Khán giả truyền hình một phen choáng ngợp vì chưa từng thấy một màn trình diễn nào “bận rộn” đến vậy, và người nghệ sĩ ấy không tỏ ra một giây nào luống cuống hay mệt mỏi. Anh giữ một ngọn lửa hừng hực từ đầu đến cuối, vừa hát vừa chơi nhạc cụ vừa nhảy múa; cảm giác như tất cả chỉ là một trò chơi thú vị của một chàng trai trẻ, thay vì là một phần biểu diễn trên sóng truyền hình trước hàng triệu người.
Cao trào của màn trình diễn ấy chính là khi bài hát đi tới phần bridge (chuyển tiếp) và tiếng đàn bầu vang lên. Không ai tưởng tượng được với một thứ âm nhạc hiện đại như thế, Vinh Khuất - một nghệ sĩ sinh sống và học tập từ nhỏ ở nước ngoài - lại có thể phối một nhạc cụ truyền thống của Việt Nam vào một cách tài tình, hợp lý đến vậy.
Đàn bầu xuất hiện và đứng ngang hàng với các nhạc cụ phương Tây, nhưng thay vì là một sự khoe mẽ, thể hiện chất dân gian một cách gồng mình, tiếng đàn bầu hòa hợp hoàn hảo vào tổng thể để tạo nên một bản nhạc không thể bắt tai hơn. Và từ đó, Vinh Khuất không còn là một cái tên trôi nổi, chỉ được biết đến trong cộng đồng chơi soundcloud nữa, anh đã chính thức bước ra đời thực, trở thành một trong những nghệ sĩ pop tài năng nhất mà Việt Nam có được trong vài năm gần đây.
Phong độ đỉnh cao dù không cần MV tiền tỷ
Cứ thế, từ bản hit Quá lâu cho đến nay, Vinh Khuất liên tục giới thiệu tới người yêu nhạc Việt Nam những bản pop lạ kỳ, với một sự phối hợp nhạc cụ cực kỳ phức tạp chỉ có thể thấy ở châu Âu nhưng lại được vang lên với lời Việt. Anh cho thấy sự đa năng của mình, khi chơi được từ piano, ghi-ta, trống, kèn saxophone… và đặc biệt nhất là nhạc cụ truyền thống Việt Nam.
Nếu ở Quá lâu, Mặc kệ, Không thể đẹp hơn, là sự xuất hiện của đàn bầu, sang đến Như nhau lại nghe thấy âm thanh của đàn tranh, đến Mỗi em mới ra mắt gần đây, lại có cả tiếng đàn T’rưng… Không chỉ một, mà anh chơi được rất nhiều nhạc cụ truyền thống Việt Nam, đó là điều hiếm có ngay cả đối với một nghệ sĩ trong nước chứ chưa nói tới nghệ sĩ Việt kiều.
Vinh Khuất có phong độ làm nhạc cực cao. Khi cảm hứng đến, anh chỉ sáng tác và làm nhạc trong một ngày. Tuy nhiên, điều thú vị là, dù thời gian ngắn như vậy, nhưng không có bài hát nào của anh giống bài hát nào. Ngay cả ba ca khúc cùng sử dụng nhạc cụ đàn bầu, cũng là ba kiểu kết hợp khác nhau.
Nếu như ở Quá lâu, là tiếng đàn bầu kết hợp cùng trống điện tử đặt ở phần bridge, sang đến Không thể đẹp hơn, tiếng đàn bầu được sử dụng làm âm thanh chính tạo hook (phân đoạn bắt tai đắt giá của bài hát) vang lên liên tục ngay sau điệp khúc. Tới Mặc kệ, tiếng đàn bầu lại có một phân đoạn trình diễn rất dài phối hợp cùng tiếng kèn saxophone để tạo ra một lớp âm thanh hoàn toàn độc đáo chưa từng thấy trên thị trường.
Khả năng phối khí dị thường của Vinh Khuất nằm ở chỗ, nếu đặt trên giấy có vẻ khá khó nghe, mang tính thể nghiệm bởi anh toàn chọn những phương án kết hợp nhạc cụ rất hiếm thấy. Nhưng trên thực tế, không có bất cứ một bài hát nào của anh là thách thức người nghe.
MV Lẽ ra:
Tất cả các bài hát của anh đều xây dựng với dung lượng vàng của một bản nhạc pop (3-4 phút). Chúng sử dụng kết cấu quen thuộc với hai đoạn nội dung, một đoạn điệp khúc với giai điệu cuốn hút cùng một đoạn nối ấn tượng. Tất cả những sáng tạo độc đáo trong mặt kết nối nhạc cụ, Vinh Khuất đều đẩy lùi về sau, không cố gắng kịch tính hóa hay phô trương tài năng một cách quá đà.
Anh hòa trộn chúng vừa vặn với mục đích chính là tạo ra sản phẩm dành cho đại chúng, để ai cũng có thể hát và nhún nhảy theo. Tuy nhiên, những người nghe tinh ý đều có thể nhận ra sự “cao tay” trong từng lớp âm thanh đó.
Trái ngược với sự phức tạp và tính toán kỹ lưỡng trong âm nhạc, MV của anh lại đơn giản một cách… bất ngờ. Vinh Khuất đứng ngoài toàn bộ trào lưu làm MV tiền tỷ đã và đang diễn ra tại V-pop, thay vào đó là những video do mẹ anh hay ông hàng xóm quay hộ. Rất đơn giản, không cầu kỳ và dồn toàn bộ chú ý vào phần âm nhạc, điều đó khiến anh trở thành “của lạ” của V-pop.
Khác thường có đem lại thành công?
Từ đầu năm đến giờ, Vinh Khuất là một trong những nghệ sĩ có phong độ ổn định nhất nhạc Việt với năm ca khúc được phát hành với cả hai phiên bản Việt - Đức. Vẫn là một bữa tiệc âm thanh với đủ loại nhạc cụ, vẫn là những MV với sự đơn giản không thể đơn giản hơn, chàng trai 9X này đã thể hiện được sức hút không hề nhỏ khi sản phẩm của anh đạt hơn 100.000 lượt xem trên YouTube cho mỗi bài hát. Đặc biệt, Hãy nói đi đạt hơn một triệu lượt xem.
Đây không phải là một con số quá lớn so với những nghệ sĩ đầu tư hàng tỷ đồng cho việc làm MV và quảng cáo, nhưng lại là một con số không hề nhỏ đối với một nghệ sĩ Việt kiều không có quá nhiều hoạt động quảng bá ở Việt Nam. Quan trọng hơn cả, không phải nhờ vào bất kỳ chiêu trò nào, khán giả đến với Vinh Khuất hoàn toàn bằng âm nhạc.
MV Hãy nói đi:
Khi thị trường âm nhạc Việt đang bị thống trị bởi thứ ballad buồn bã, nhàm chán, anh đã mang đến một thứ năng lượng tích cực với những màn quậy tung sân khấu, đầy khác biệt. Âm nhạc của anh vừa là pop, nhưng cũng vừa chẳng phải là pop trong gu thưởng thức lâu nay của công chúng Việt. Đó là một thứ pop được đóng dấu bởi Vinh Khuất, vừa hiện đại mà cũng không xa rời truyền thống, lại tiệm cận thứ âm nhạc văn minh mà bất cứ nghệ sĩ thực thụ nào cũng muốn chạm vào. Và hơn hết, lâu rồi, nghe nhạc, mới cảm thấy vui và “đã” như vậy.
Nam Trần