Nhạc, phim chiếu mạng: Thời của những giá trị cộng thêm

05/08/2020 - 11:45

PNO - Không chỉ giới thiệu những sản phẩm chính, nghệ sĩ còn ''bày'' thêm những ''món ăn'' phụ có "họ hàng, bà con" để tăng sức hút, giữ chân khán giả.

Khi YouTube trở thành ''cửa ra'' phổ biến cho MV ca nhạc, phim, thị trường này trở nên sôi động trong vài năm gần đây. MV, phim chiếu mạng không còn là sân chơi của người trẻ, mà thu hút cả những nghệ sĩ kỳ cựu. Mức độ cạnh tranh trên môi trường YouTube cũng ngày càng khắc nghiệt hơn khi các sản phẩm nghệ thuật, giải trí bị đặt ngang hàng với nhiều thể loại, nội dung sáng tạo khác. 

Việc tạo nội dung hấp dẫn để sản phẩm được chú ý, lọt top thịnh hành là tất yếu, nhưng trong thế cạnh tranh, một sản phẩm thu hút người xem không chỉ cần có vậy. Thời gian gần đây các nghệ sĩ, ca sĩ đang tích cực thực hiện những sản phẩm cộng thêm cho các MV, phim chiếu mạng như: video hậu trường, MV parody... Thậm chí, có ca sĩ còn tổ chức một cuộc thi cover ca khúc sau khi ra mắt MV để sản phẩm lan toả rộng hơn.

Mới nhất, MV Chuyện loài hoa dang dở của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho thấy kế hoạch thực hiện các sản phẩm ''cộng thêm'' được tính toán và thực hiện khá bài bản. Trước ngày ra mắt MV, anh tung 2 clip hậu trường chuẩn bị cho sản phẩm này cũng như buổi ra mắt. Sau khi MV chính thức lên sóng, Đàm Vĩnh Hưng tiếp tục cho ra mắt loạt video liên quan như hậu trường thực hiện MV: đến nhà nhạc sĩ Y Vũ (tác giả ca khúc Chuyện loài hoa dang dở) để xin lỗi vì không biết tác giả đang ở Việt Nam; bản karaoke, audio… 

Đặc biệt, thông thường, việc thực hiện các MV parody (nhại lại MV một cách hài hước) thường được các diễn viên hài xin phép ca sĩ để thực hiện, nay Đàm Vĩnh Hưng chủ động thực hiện luôn MV này. 

Đàm Vĩnh Hưng liên tục tung ra những giá trị cộng thêm cho MV mới nhất
Đàm Vĩnh Hưng liên tục tung ra những giá trị cộng thêm cho MV mới nhất

Bên cạnh đó, các phim chiếu mạng, những clip hậu trường về khâu sản xuất, ghi hình cũng được sử dụng như một yếu tố cộng thêm đầy hấp dẫn. Theo thông lệ, các clip này sẽ được phát sau khi tập phim chính lên sóng từ 3-4 ngày. 

Hầu hết những sản phẩm cộng thêm này đều khá đơn giản trong việc quay, dựng và không tốn quá nhiều công sức tư duy, sáng tạo. Tương tự hình thức làm vlog, clip chỉ thuật lại những hoạt động thực tế của nghệ sĩ, ê-kíp sản xuất trên phim trường, có chèn những tình huống hài hước, pha trò. Còn với những cuộc thi cover do ca sĩ tổ chức, phần thưởng cũng chỉ mang tính tượng trưng nhưng thành quả thu về lại rất lớn.

Với những sản phẩm âm nhạc phát hành trên YouTube, việc thành bại nhanh chóng được xác định sau khoảng 3-4 ngày sản phẩm ra mắt. Nếu sản phẩm thành công, những giá trị cộng thêm góp phần kéo dài tuổi thọ thương hiệu. Nếu sản phẩm không có tiếng vang như mong đợi, dễ thấy các yếu tố bên lề này cũng góp phần cứu vớt, níu chân khán giả. 

Một cảnh hậu trường trong phim Kẻ săn tin được ê-kíp của Minh Hằng tiết lộ
Một cảnh hậu trường trong phim Kẻ săn tin được ê-kíp của Minh Hằng tiết lộ

Khi MV chính thức Chuyện loài hoa dang dở chỉ thu về khoảng 1,9 triệu lượt xem sau 3 tuần thì video hậu trường của sản phẩm này lại có hơn 300 nghìn lượt xem chỉ sau 2 tuần. Vô tình hay hữu ý, đoạn clip Đàm Vĩnh Hưng đến nhà nhạc sĩ Y Vũ xin lỗi cũng giúp sản phẩm được nhắc nhớ nhiều hơn trên báo chí, truyền thông.

Chỉ trong vòng 1 tháng tổ chức cuộc thi cover ca khúc Không thể cùng nhau suốt kiếp, ê-kíp của Hoà Minzy nhận về hơn 1.200 video. Trong đó, có những hoàn cảnh đặc biệt tham gia, nhanh chóng tạo được sự chú ý của dư luận. Bản thân MV Không thể cùng nhau suốt kiếp đã thành công, cuộc thi này còn góp phần kéo dài sự quan tâm của công chúng với MV suốt một thời gian dài sau đó.

Với phim chiếu mạng, giá trị cộng thêm này còn góp phần giữ chân khán giả khi chờ đợi tập tiếp theo phát sóng (khoảng cách giữa các tập thường là 1 tuần). Những bộ phim gần đây như Nhà trọ có quá trời phòngKẻ săn tinBố già... đều được Nam Thư, Minh Hằng, Trấn Thành áp dụng phương thức này.

Trong thời gian chờ đợi các tập phim nối nhau lên sóng, ê-kíp của Nam Thư cũng sử dụng video hậu trường để đãi khán giả, trong đó có không ít màn pha trò hài hước của các diễn viên
Trong thời gian chờ đợi các tập phim nối nhau lên sóng, ê-kíp của Nam Thư cũng sử dụng video hậu trường để đãi khán giả, trong đó có không ít màn pha trò hài hước của các diễn viên.

YouTube đang là gà đẻ trứng vàng khi mang lại nguồn thu không nhỏ cho các nhà sáng tạo nội dung, trong đó có nghệ sĩ. Tại thị trường Việt Nam, trung bình mỗi lượt xem có chèn quảng cáo, chủ kênh sẽ thu về 0,3 USD (khoảng 7.000 đồng). Tuy nhiên, tỷ lệ chèn, nhấp chuột ở mỗi kênh, mỗi sản phẩm là khác nhau. 

Theo một thống kê không chính thức vào năm 2019, trung bình mỗi video có 1 triệu lượt xem tại Việt Nam thu về từ 1.000 USD (khoảng 23 triệu VND) trở lên. Với những kênh hot, có lượt theo dõi cao thì con số này cũng cao hơn rất nhiều.     

Trấn Thành thu về hàng triệu lượt xem cho các tập hậu trường nằm trong series Bố già ra mắt hồi đầu năm nay. Ngay từ tập hậu trường đầu tiên đã có hơn 2 triệu lượt xem, mang về một nguồn thu không nhỏ. Tương tự, các nghệ sĩ khác cũng có khả năng kiếm tiền từ những giá trị cộng thêm.

Trong xu thế cạnh tranh hiện tại, các giá trị cộng thêm đang phát huy tác dụng và mang lại nguồn thu cho nghệ sĩ. Một công lại được đôi lợi, ai nỡ bỏ qua.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI