Nhạc kịch: Thành bại tùy khả năng "tự thân vận động"

17/08/2014 - 11:39

PNO - PN - Sau những suất diễn đầu tiên của vở nhạc kịch Chicago, những người làm kịch nói nhanh chóng nhận ra nhạc kịch chính là xu hướng của sân khấu (SK) kịch nói trong tương lai. Nhiều đạo diễn (ĐD) và nhà quản lý SK cũng bắt đầu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ra mắt khá rầm rộ nhưng ngay sau đó, một vài “sự cố” bất ngờ xảy ra khiến vở nhạc kịch High school musical của nhóm kịch Buffalo chỉ có thể diễn vài suất vào Tết Nguyên đán. Không nản chí, mới đây, dưới sự đỡ đầu của Nhà hát kịch SK Nhỏ TP.HCM, nhóm tiếp tục ra mắt vở kịch Vũ nữ, cũng do Nguyễn Khắc Duy viết kịch bản kiêm ĐD.

Tuy nhiên, ngay từ khi có thông tin các diễn viên (DV) của nhóm Buffalo tập luyện vở mới, nhiều người đã bày tỏ lo ngại: “Làm sao có thể diễn nhạc kịch ở không gian của Nhà hát kịch SK Nhỏ?”. Vũ nữ một lần nữa chứng minh nhiệt huyết, lòng đam mê và khát khao làm được điều mới mẻ của một nhóm DV trẻ giỏi nghề. Nhưng không ít người quan tâm đến nhạc kịch đã băn khoăn: phải chăng nhạc kịch ở TP.HCM sẽ khó có đất dụng võ?

Ngay sau khi trở về Việt Nam vào cuối năm 2013, ĐD Quốc Thảo cho biết, anh đang ấp ủ cho một vở nhạc kịch, sẽ được dàn dựng sau Tết Nguyên đán 2014. Mọi kế hoạch được anh chuẩn bị từ khi còn ở Mỹ, nhưng đến nay, gần như anh phải từ bỏ “giấc mơ” nhạc kịch của mình. “Mê làm nhạc kịch, nhưng thực tế lại chứng minh dựng nhạc kịch ở Việt Nam có quá nhiều khó khăn.

Tìm được một êkíp DV có thể ca hát, nhảy múa... đáp ứng đúng yêu cầu của nhạc kịch không đơn giản, chưa kể liệu các DV này có đủ thời gian để gắn bó, tập luyện nhạc kịch trong khi phải chạy show quá nhiều như hiện nay”, ĐD Quốc Thảo chia sẻ

Nhac kich: Thành bại tùy khả nang
Được dàn dựng theo hình thức vũ kịch trong không gian nhỏ hẹp,
Vũ nữ để lại cho khán giả yêu thích nhạc kịch không ít tiếc nuối

Bên cạnh yếu tố DV, thiếu SK biểu diễn cũng là một trở lực rất lớn đối với những người có ý định làm nhạc kịch. Riêng với Buffalo thì không có SK biểu diễn là một trong những nguyên nhân chính khiến từ “khát vọng” nhạc kịch, nhóm phải chuyển sang vũ kịch để phù hợp với điều kiện thực tế.

ĐD Nguyễn Khắc Duy cho biết: “Với những người trẻ có được một SK riêng để làm nhạc kịch là ước mơ quá xa tầm với. Ngay như SK Hoàng Thái Thanh, một tên tuổi “lớn” của SK TP.HCM còn phải long đong tìm điểm diễn thì với những tên tuổi lạ hoắc như chúng tôi, nếu không có Nhà hát kịch SK Nhỏ và Hội SK TP.HCM đỡ đầu, không biết sẽ phải về đâu. Nhưng với điều kiện SK của Nhà hát kịch SK Nhỏ, dựng nhạc kịch là điều “không tưởng”. Nếu muốn làm nhạc kịch, chúng tôi chỉ có lựa chọn duy nhất: hợp đồng với một vài nhà hát có đủ điều kiện âm thanh, ánh sáng… như Nhà hát Bến Thành hoặc Nhà hát TP, nhưng chỉ có thể diễn vài suất cho một đợt”.

Đầu tư tập luyện ròng rã hai-ba tháng cho một vở nhạc kịch, kinh phí đầu tư có thể nhiều hơn từ 30-50% so với một vở diễn bình thường, nhưng chỉ diễn vài suất, liệu có thu hồi được vốn để tái đầu tư? Rồi sau đó “số phận” vở diễn sẽ ra sao? Có tìm được điểm diễn tiếp theo hay đành bỏ kho?

Xem ra, nhạc kịch, dù như NSƯT, ĐD Trần Minh Ngọc thừa nhận: “Đó là xu thế tất yếu của SK kịch TP.HCM trong tương lai” vẫn cứ là thể nghiệm của một nhóm DV trẻ và thành bại vẫn tùy thuộc vào khả năng “tự thân vận động” của họ. SK chính thống vẫn thờ ơ với nhạc kịch, trong khi các thương hiệu nổi tiếng lại đang có xu hướng dùng nhạc kịch để quảng bá cho thương hiệu của mình.

Từ sau High school musical, nhóm Buffalo đã hoàn tất một chương trình nhạc kịch 20 phút cho nhãn hàng Comfort và vở nhạc kịch Tóc hát với thời lượng gần 90 phút cho thương hiệu dầu gội Sunsilk. Hiện nhóm cũng đang chuẩn bị cho sự kiện khác do một thương hiệu nổi tiếng về ô tô đặt hàng.

Dù gây được tiếng vang nhưng nhạc kịch vẫn đang trong giai đoạn thể nghiệm để thích nghi và chinh phục khán giả. Do vậy, nhạc kịch đang cần được sự hỗ trợ nhiều hơn từ các đơn vị có liên quan. Nên chăng, Nhà hát kịch TP.HCM cần có một động thái tích cực hơn đối với nhạc kịch?

Xã hội hóa, phối hợp với một đơn vị tư nhân để hoạt động là xu hướng tất yếu của các đơn vị nghệ thuật công lập, nhưng bên cạnh đó, đơn vị nghệ thuật công lập vẫn còn trách nhiệm định hướng thị hiếu, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Trích một phần kinh phí đầu tư của nhà nước để hỗ trợ nhạc kịch - một loại hình SK mới phát triển phải chăng là việc nên làm?

THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI