Nhạc kịch “Dế Mèn phiêu lưu ký” – cột mốc mới ở tuổi 30 của HBSO

11/09/2023 - 11:34

PNO - Tối 10/9, tại Nhà hát TPHCM (quận 1), Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM (HBSO) kỷ niệm 30 năm thành lập (1993 – 2023) với đêm diễn đặc biệt: ra mắt vở nhạc kịch “Dế Mèn phiêu lưu ký” – vở nhạc kịch thuần Việt hiện đại đầu tiên của HBSO.

 

Dế mèn phiêu lưu ký
Dế Mèn phiêu lưu ký là vở musical thuần Việt đầu tiên của HBSO

Như lời chia sẻ của nhạc sĩ Vũ Việt Anh, từ phiên bản hòa nhạc đến một vở diễn hoàn chỉnh đầy công phu như hiện nay là hành trình kéo dài 5 năm với nhiều lần gián đoạn, và nhiều lúc, nhiều việc tưởng không thể vượt qua được.

Vở diễn huy động tổng lực 3 đoàn nhạc kịch, vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng của HBSO.
Vở diễn huy động tổng lực 3 đoàn nhạc kịch, vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng của HBSO.

Đây là cả một quá trình ấp ủ ý tưởng của nhạc sĩ Vũ Việt Anh trong nhiều năm, cùng nhạc trưởng Trần Nhật Minh – người đồng nghiệp chung chí hướng, để mang đến cho khán giả Việt Nam một tác phẩm musical thực sự. 

Vở diễn là hành trình trưởng thành của Dế Mèn
Vở diễn là hành trình trưởng thành của Dế Mèn mà mỗi người trẻ đều có thể nhìn thấy mình trong đó.

Cả Vũ Việt Anh và Trần Nhật Minh đã tìm thấy ở Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài một câu chuyện Việt Nam mang tinh thần thế giới, với thông điệp không bao giờ cũ: sự trưởng thành của người trẻ. “Câu chuyện về một chú dế hát lên bài ca cuộc sống đầy yêu thương và hồn nhiên, là cảm hứng chủ đạo trong mạch sáng tác âm nhạc cho tác phẩm” – nhạc sĩ Vũ Việt Anh chia sẻ.

Tình bạn bè, tình đồng loại tương thân tương ái cũng được tô đậm trong Dế mèn phiêu lưu ký.
Tình bạn bè, tình đồng loại tương thân tương ái cũng được tô đậm trong Dế Mèn phiêu lưu ký.

So với bản hòa nhạc ra mắt năm 2018, lần này, vở được biên kịch chi tiết hơn, kết cấu quy mô hơn với sự tham gia của thạc sĩ - biên đạo Tuyết Minh trong vai trò tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn. Từng kết hợp thành công với HBSO trong vở ballet Kiều, nghệ sĩ Tuyết Minh tiếp tục mang đến cho Dế Mèn phiêu lưu ký những màn trình diễn nhiều kịch tính, cũng như lồng ghép các yếu tố văn hóa Việt trong các lớp diễn.

Vở diễn có nhiều mảng dựng đầy kịch tính.
Vở diễn có nhiều mảng dựng đầy kịch tính.

Là chương trình kỷ niệm tuổi 30 của HBSO, Dế Mèn phiêu lưu ký cũng là tác phẩm quy mô bậc nhất của nhà hát với gần 200 nhân sự của đoàn nhạc kịch, vũ kịch, dàn hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng, cùng sự hỗ trợ của dàn hợp ca thiếu nhi và một ban nhạc nhẹ.

Dàn hợp ca thiếu nhi
Dàn hợp ca thiếu nhi xuất hiện rất dễ thương trong hình tượng đàn kiến.

“Như hành trình 5 năm qua để có tác phẩm nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký hôm nay, tôi và nhiều nghệ sĩ khác cũng đã trưởng thành cùng với đó. Trước đây, chúng tôi chủ yếu phát huy vai trò ca sĩ thính phòng, thì giờ phải hoàn thiện cả kỹ năng diễn xuất, nhảy múa như một nghệ sĩ trình diễn sân khấu thực thụ…” – nghệ sĩ Đào Mác, đảm nhận vai Dế Mèn, chia sẻ.

Nghệ sĩ Đào Mác cho biết mình cũng như vai diễn Dế Mèn, đều có sự trưởng thành cùng vở diễn trong 5 năm qua.
Cũng như vai diễn Dế Mèn của mình, nghệ sĩ Đào Mác đã học hỏi và trưởng thành nhiều mặt sau 5 năm theo đuổi vở diễn.

Vở còn có sự tham gia của: Phan Hữu Trung Kiệt (Dế Trũi), Phạm Khánh Ngọc (chị Cốc), Trần Thanh Nam (Xiến Tóc), Trần Thị Kim Anh (Nhà Trò), Vũ Minh Trí (Thầy đồ Cóc)…

Tại đêm diễn cũng đã diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm thành lập HBSO. Nhạc trưởng Lê Ha My – Giám đốc HBSO – đã điểm lại chặng đường đầy gian khó nhưng rất tự hào của HBSO trong 30 năm qua.

Nhạc trưởng Lê Ha My – Giám đốc HBSO – đã điểm lại chặng đường đầy gian khó nhưng rất tự hào của HBSO trong 30 năm qua.
Giám đốc HBSO Lê Ha My ôn nhiều kỷ niệm đáng tự hào về chặng đường 30 năm qua của nhà hát.

Từ ngày đầu thành lập với tên gọi ban đầu là “Nhà hát Giao hưởng và Thính phòng” (theo Quyết định số 955/QĐ-UB ngày 21/6/1993 của UBND TPHCM), nhà hát chỉ có 12 cán bộ và nghệ sĩ được điều động từ các nơi về làm cán bộ khung và diễn viên nòng cốt. Từ một đơn vị không có trụ sở làm việc, không có phòng tập cho nhạc công, không sàn tập múa, không có nhạc cụ, không thiết bị âm thanh ánh sáng hay các phương tiện vận chuyển, nhưng đã từng bước phát triển, tổ chức được nhiều chương trình mang tầm quốc tế, xây dựng được các thương hiệu nghệ thuật riêng, mà đỉnh cao là Liên hoan Giai điệu mùa thu đã trở thành “thương hiệu văn hóa” nổi bật của TPHCM.

Dịp này, UBND TPHCM đã trao cờ thi đua cho HBSO; Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM cũng tặng giấy khen cho 5 tập thể và nhiều cá nhân đã có đóng góp cho HBSO nhiều năm qua.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI