Nhạc hội đàn tranh 2014: Không có việc gì khó

02/07/2014 - 16:33

PNO - PN - Đây không phải là chương trình Hội ngộ đàn tranh mà khán giả từng biết ở Cung văn hóa Lao Động mấy năm gần đây, mà là cuộc hội ngộ của đàn tranh năm 2014 với nhiều điều đáng chú ý.

edf40wrjww2tblPage:Content

Không được cấp kinh phí (dù eo hẹp) như những năm trước, cũng không có nhà tài trợ, các ban đàn tranh từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp đã tự chung tiền thực hiện đêm nhạc của mình, để tiếng đàn tranh được cất lên tại Nhạc viện TP.HCM. Tất nhiên, để có được đêm nhạc ấy, họ còn được sự ủng hộ từ phía Nhạc viện về chi phí khán phòng, tổ chức. Lần đầu tiên sau nhiều năm, cuộc hội ngộ của các anh tài đàn tranh được bán vé và cũng thật ngạc nhiên là đã bán được vé. Chỉ 100.000 - 200.000đ thôi nhưng cũng đủ bù chi phí thực hiện đêm nhạc. Với những người tổ chức, “như thế đã là thành công”. Họ không đòi hỏi gì hơn là được chơi nhạc đúng nơi, đúng chất và được đánh giá đúng với tài năng của mình.

Tối 30/6, bên cạnh ban đàn tranh Nhạc viện TP.HCM và CLB Tiếng hát quê hương, khán giả đã bất ngờ khi được nghe các thành viên Ban tứ tuyệt Duyệt Thị Trang tấu bản Ngũ đối thượng. Nếu xét theo các tiêu chuẩn về công nghệ biểu diễn của thị trường giải trí, đó hẳn là một tiết mục đáng chán, bởi các nghệ sĩ đều mặc áo nâu, ngồi rất trang nghiêm, im phăng phắc trong suốt tiết mục. Họ thậm chí không nhìn nhau, không nhìn cả khán giả, chỉ chăm chú vào tiếng đàn. Thế mà cái thần thái ấy vẫn thu hút mọi ánh nhìn. Bốn mẹ con hậu duệ Tuy Lý Vương (triều Nguyễn) đã kéo khán giả trở lại với không gian nhã nhạc cung đình xưa.

Nhac hoi dan tranh 2014: Khong co viec gi kho
Ban tứ tuyệt Duyệt Thị Trang biểu diễn bản Ngũ đối thượng - nhạc Lễ miền Trung - Ảnh: P.T.N.

Cũng trong đêm 30/6, khán giả được chứng kiến thế hệ kế thừa của âm nhạc dân tộc tại hải ngoại khi nghệ sĩ Võ Vân Ánh dắt học trò về lại quê hương. Nghe Bích Lan Lannie chơi Bụi đường vó ngựa của Đỗ Bảo - tác phẩm in đậm dấu ấn của Vân Ánh - mấy ai tin là cô sinh viên Đại học âm nhạc Berklee vốn chơi piano, violon và trống lại có thể chơi đàn tranh được như thế.

Trước đó, sáng 22/6, khán giả của âm nhạc dân tộc đã được thưởng thức chương trình Hoa quê hương của CLB Tiếng hát quê hương. Tối nay, 2/7, chương trình Giai điệu quê hương sẽ diễn ra tại Hội trường A, Cung văn hóa Lao Động và tiếp sau đó là buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm Phát triển âm nhạc dân tộc và đàn tranh không chỉ tại Việt Nam mà cả ở Pháp, Hoa Kỳ. Để chốt lại một kỳ hội ngộ, một đêm nhạc đặc biệt dành cho các “đại sư” - các nhạc sư, thầy đờn sẽ được tổ chức vào tối 4/7 tại tư gia GS-TS Trần Văn Khê.

Nhiều năm qua, các đêm nhạc dân tộc luôn bị vướng chuyện kinh phí, chuyện địa điểm tổ chức, sự kết nối giữa các bên, thậm chí cả chuyện “chương trình của ai”... Với những gì đã diễn ra, có thể thấy, đó không còn là những việc khó, một khi những con tim yêu nhạc dân tộc quyết tìm đến với nhau, cống hiến cho tình yêu của mình, cho khán giả.

 THÀNH NHÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI