Nhạc Hoa lời Việt hút người nghe
Hơn 10 ngày phát hành trên YouTube, Chỉ là không cùng nhau do Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi thể hiện đã đạt hơn 18 triệu lượt xem, nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng trending của YouTube tại Việt Nam. Sau bốn năm hoạt động, đây là sản phẩm thành công nhất của Tăng Phúc, tính đến thời điểm hiện tại.
|
Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi với Chỉ là không cùng nhau |
Video chỉ ghi lại buổi biểu diễn của hai ca sĩ tại Đà Lạt. Không quá cầu kỳ về hình ảnh, chính âm nhạc là yếu tố quyết định thành công của sản phẩm này. Ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, phần lời đậm chất thơ, da diết, kể về chuyện tình không trọn vẹn, do Huỳnh Quốc Huy viết lại lời Việt, dựa trên Thời không sai lệch (Ngải Thần).
Cùng nằm trong bảng xếp hạng này còn có Tay trái chỉ trăng được thể hiện qua giọng hát của Hà Nhi. Ca khúc có giai điệu ma mị quyến rũ, nói về cuộc tình dang dở, do cô giáo Tuệ Minh viết lại lời Việt. Bản gốc của Tay trái chỉ trăng do ca sĩ người Trung Quốc Tát Đỉnh Đỉnh thể hiện, dùng làm nhạc phim Hương mật tựa khói sương.
|
Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi biểu diễn ca khúc Chỉ là không cùng nhau, được viết lại lời từ nhạc Hoa |
Màn song ca Thiên hạ hữu tình nhân (ca khúc được tác giả Phát Nguyễn viết lại lời Việt dựa trên nhạc phim Thần điêu đại hiệp 1995) của Đan Trường và Juky San trong chương trình Lạ lắm à nha cũng thu về khoảng 10 triệu lượt xem trên YouTube. Ca khúc này trước đó đã được Juky San phát hành vào tháng Chín năm ngoái, hiện đã hơn 16 triệu lượt xem.
Nằm trong chuỗi dự án này của Juky San còn có Phương xa (viết lại lời Việt dựa trên nhạc phim Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài 2007, với gần 2 triệu lượt xem), Tiêu dao tuyệt nhất (nhạc phim Như ý cát tường, hơn 1,7 triệu lượt xem), Tình sâu đậm mưa mịt mù (nhạc phim Tân dòng sông ly biệt, hơn 1,7 triệu lượt xem).
Mảng nhạc Hoa lời Việt đã góp phần tô thêm một gam màu mới cho nhạc Việt. Tuy nhiên phần lớn các ca khúc khi được chuyển sang lời Việt chỉ giữ lại giai điệu, còn phần lời được các tác giả viết lại theo cảm xúc cá nhân.
Coi chừng vướng luật
Một câu hỏi được đặt ra: xu hướng này có đang diễn ra đúng luật?
Trường hợp Độ ta không độ nàng vào năm 2019 là một ví dụ điển hình cho việc làm sai luật của nhiều tác giả, ca sĩ Việt Nam. Thời điểm đó, nhiều người tự ý chuyển ngữ ca khúc này mà không xin phép phía tác giả Trung Quốc. Sau đó, một công ty tại Việt Nam tuyên bố đã sở hữu bản quyền ca khúc Độ ta không độ nàng, yêu cầu những người hát ca khúc này phải thực hiện đúng luật về bản quyền nếu muốn giữ lại sản phẩm trên YouTube.
Ông bầu Hoàng Tuấn cho biết, vào cuối thập niên 1990, đầu 2000, khi nhạc Hoa lời Việt phát triển mạnh, đã thông qua một đơn vị trung gian ở Đài Loan để xin phép các tác giả, dẫu công nghệ thông tin, phương tiện liên lạc chưa thực sự phát triển. Điều đó có nghĩa chúng ta đã biết luật bản quyền từ rất lâu, nhưng cố tình không chấp hành.
|
Juky San, ca sĩ hát nhiều ca khúc nhạc Hoa, lời Việt đang được khán giả yêu thích |
Việc viết lại lời một ca khúc nước ngoài là tạo ra tác phẩm phái sinh. Theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, tại khoản 7 điều 28, làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Chính vì thế, khi viết lại lời bài hát phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài hát này.
Tác giả Huỳnh Quốc Huy cho biết, việc mua bản quyền ở Trung Quốc khá phức tạp, chi phí bản quyền lại rất cao, cần có thời gian để đưa ra mức thỏa thuận hợp lý. Việc thể hiện sự yêu thích với một ca khúc, hát bằng ngôn ngữ của mình không sai. Anh cũng cho rằng, sản phẩm này chỉ dừng lại như hiện tại chứ không tiếp tục khai thác thêm, chẳng hạn như làm MV.
Luật sư Nguyễn Quốc Cường (đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo công ước Berne, trường hợp vi phạm quyền tác giả có thể bị xử lý rất nặng. Việc viết lại lời Việt nhưng không xin phép tác giả đã sai, nếu sử dụng tác phẩm viết lại lời này để biểu diễn hoặc để kiếm nguồn thu (từ YouTube chẳng hạn) lại càng sai. Bởi theo khoản 2 điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ quyền tác giả nếu không gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.
Ông Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thông tin: “Hiện, VCPMC đã làm việc về vấn đề bản quyền với khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì thế, chỉ cần thông qua chúng tôi, sẽ có thể liên hệ với tác giả, đơn vị sở hữu bản quyền quốc tế để hỗ trợ cho phía tác giả, nghệ sĩ tại Việt Nam”.
Việc phục vụ khán giả bằng một sản phẩm hay, chất lượng của nghệ sĩ là đáng trân trọng. Nhưng cũng không vì thế mà các nghệ sĩ, ê-kíp xem nhẹ hoặc lơ mơ với vấn đề bản quyền, kéo theo những ồn ào không đáng có, như trường hợp Độ ta không độ nàng. Trong khi chúng ta đang cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa nhạc Việt với thế giới, thì việc chơi đúng luật lại càng phải được tuân thủ.
Trung Sơn