Không thể phủ nhận các video clip nhạc chế ngày càng được đầu tư hơn trước, nhưng sự nhạt - nhảm của nội dung vẫn khó thay đổi. Bối cảnh, cốt truyện đơn giản, diễn xuất lố, ca từ tự nhiên chủ nghĩa, thậm chí phản cảm là điểm chung của sản phẩm nhạc chế. Do đó, dẫu luôn chiếm lĩnh trong top thịnh hành trên Youtube, thì những MV này vẫn như “rác” trên mạng, đúng nghĩa “của rẻ là của ôi”.
Biến tấu cổ tích
Đạt 12 triệu lượt người xem chỉ sau sáu ngày ra mắt, đó là con số mà nhiều ca sĩ mơ ước khi tung sản phẩm mới trên Youtube, nhưng với Di Di, chủ nhân của clip nhạc chế Chuyện cô bé Lọ Lem: Bây giờ Di kể, việc ẵm hơn chục triệu view cùng vị trí đứng đầu top thịnh hành như hiện nay dễ như bỡn. Trước đó, các clip nhạc chế phỏng theo truyện cổ tích của cô như Cám Tấm truyện: Bây giờ Di kể, Chuyện cô bé quàng khăn đỏ, Chuyện nàng tiên cá: Bây giờ Di kể tính đến nay đều thu hút từ 24 - 47 triệu view sau 2 - 5 tháng trình làng.
|
Trong các clip nhạc chế nhan nhản chuyện trai giả gái như clip Cám Tấm truyện |
Ngoài Chuyện cô bé Lọ Lem: Bây giờ Di kể, top 10 thịnh hành trên Youtube hiện còn có hai clip nhạc chế khác là Mình có con em khùng (của Thiên An) và Chuyện tình học sinh (nhóm Trai Ngoan). Nếu Chuyện cô bé Lọ Lem: Bây giờ Di kể có đầu tư về trang phục, hình ảnh kỹ xảo, thì hình thức và nội dung clip Mình có con em khùng và Chuyện tình học sinh đơn giản như... đang giỡn.
Trong Mình có con em khùng, nữ chính hát như đọc từng chữ, than thở trong nhà có một đứa em gái mập, lùn, tham ăn rồi truyền đi thông điệp: gia đình luôn là chỗ dựa yêu thương. Còn Chuyện tình học sinh xoay quanh chuyện học trò tìm cách phá đám hai thầy cô đang yêu nhau.
Nhìn chung ba clip nhạc chế kể trên cũng như các clip nhạc chế ăn khách trên Youtube trước đây đều khiến không ít người phải nhăn mặt với những nội dung “sáng tạo” quá đà, nhất là những clip có cốt truyện lấy cảm hứng từ truyện cổ tích - một xu hướng đang được các youtuber ưa chuộng.
Trong các clip chế này, chuyện diễn viên nam giả gái làm cô Tấm, làm mẹ và bà ngoại cô bé quàng khăn đỏ, hay chuyện các nhân vật dùng vũ lực, đấu võ mồm với nhau xảy ra như cơm bữa. Những vấn đề tế nhị như hôi nách, hôi chân hay chuyện đèn đỏ của chị em được sử dụng như yếu tố gây cười.
Những hình ảnh lãng mạn nên thơ như chiếc hài cô Tấm, giày của cô bé Lọ Lem trong truyện đều được các youtuber hô biến, thay vào đó là đôi dép tổ ong hoặc chiếc ủng cao su của công nhân vệ sinh trông rất thô thiển. Có clip như Bà bán cá và con cá trê phỏng theo cốt truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng (hạng 26 trên Top Trending Youtube), ngoài nội dung “trời ơi” là chuyện bà bán cá Hậu Hoàng cứu sống một con cá trê và được nó trả ơn bằng biệt thự, kênh YouTube triệu view, ngôn ngữ trong clip cũng “đất hỡi” không kém vì các nhân vật cứ ném vào mặt nhau những từ ngữ thô tục như “con ranh”, “con khốn”, “con chó”.
Lồng ghép sản phẩm không ăn nhập
Mặc dù nội dung sáng tạo nhạt - nhảm trong mắt số đông, nhưng sự ăn nên làm ra của các clip nhạc chế trên mạng lại khiến loại hình này trở nên “có giá” trong mắt các nhãn hàng. Hình thức lồng ghép quảng cáo trong các sản phẩm nhạc chế trở thành xu hướng quảng cáo mới của nhiều thương hiệu, và các youtuber trở thành “sứ giả” giới thiệu sản phẩm.
"Cuộc đua kỳ thú"
Cũng như fan của các ca sĩ chính thống, fan của các chủ nhân clip nhạc chế cũng rất tích cực trong cuộc chiến cày view cho thần tượng. Trong phần bình luận trên kênh Youtube, không khó bắt gặp việc các fan "tự thú" thức khuya dậy sớm cày view, lo lắng khi MV tụt hạng. Có lẽ vì vậy mà Chuyện cô bé Lọ Lem: Bây giờ Di kể giữ nguyên ngôi số 1 thịnh hành suốt sáu ngày; khi vừa tụt xuống vị trí thứ hai/ba một hôm, thì ngay hôm sau đã leo lên lại hàng top.
|
Tuy nhiên, không phải nội dung clip nhạc chế nào cũng phù hợp để đặt sản phẩm vào, nên lắm lúc người xem thấy tình trạng cốt truyện và sản phẩm quảng cáo “đường ai nấy đi”. Như Chuyện cô bé Lọ Lem: Bây giờ Di kể, quảng cáo một loại trà thảo mộc vì Lọ Lem bị bệnh “nóng trong người”; trong Cám Tấm truyện, nhân vật chính xài một thương hiệu băng vệ sinh.
Các mỹ phẩm làm đẹp như kem, mặt nạ, dụng cụ vệ sinh nhà cửa, thức uống hoặc các game vẫn xuất hiện trong các clip nhạc chế dù chẳng ăn nhập gì đến câu chuyện. Có khi các tính năng quảng cáo sản phẩm còn được nhân vật chế biến thành lời hát hẳn hoi. Việc lồng ghép quảng cáo này có thể thú vị và tạo hiệu ứng viral nhãn hàng trong mắt các fan của chủ clip hoặc đối tượng khán giả trẻ mà clip hướng đến; nhưng với số đông khán giả, có lẽ hiệu quả quảng cáo bằng không vì vô duyên, phản cảm.
Không thể phủ nhận sự nhanh nhạy của các youtuber trong việc nắm bắt thị hiếu khán giả trẻ để cho ra đời những nội dung nhạc chế thời sự có ý nghĩa như Chuyện đội sao đỏ hay Làm có đội ăn có hội tuyên truyền ứng dụng thông minh iThong về quy định không lái xe sau khi dùng bia rượu. Tuy nhiên số clip giải trí có nội dung, hình thức mang ý nghĩa tích cực như vậy không nhiều, mà phần lớn là nhảm nhí, bỡn cợt mục đích câu view là chính.
Top thịnh hành trên YouTube thực chất chỉ phản ánh độ cày view chứ không phản ánh chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, sự tung hoành của chúng phần nào cho thấy thị hiếu khán giả; vì thế, sự thắng thế của các clip nhạc chế so với những sản phẩm nghệ thuật có đầu tư của các ca sĩ chuyên nghiệp vẫn là câu chuyện buồn muôn thuở của làng giải trí.
Nguyễn Ngọc