Những câu hát chế "phỉ báng"
Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ sự bức xúc khi nhạc chế xuất hiện trên gameshow, sóng truyền hình. Anh cho rằng đây là sự “phỉ báng” âm nhạc. Đồng thời, nhạc sĩ cũng lo lắng việc này sẽ làm ảnh hưởng đến khán giả, đặc biệt thế hệ trẻ.
|
Bài đăng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được dư luận chú ý trong hơn một ngày qua |
Nam nhạc sĩ không đề cập đích danh ai trong câu chuyện này. Tuy nhiên, dư luận cũng nhanh chóng phát hiện một số trường hợp. Năm 2019, diễn viên Lê Dương Bảo Lâm từng chế lời bài hát Hãy sống cho tuổi trẻ (nhạc ngoại, lời Việt: Cao Tùng Anh) khi tham gia chương trình Sàn đấu ca từ, thành: “Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu, còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì Nobito chào đời”.
Gần đây, nam diễn viên liên tục hát lời chế này trong sự kiện họp mặt người hâm mộ của hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, trong hậu trường của một số gameshow (được ghi hình, phát công khai trên YouTube, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem)… Nhiều ý kiến cho rằng lời chế vô nghĩa, làm sai lệch nghiêm trọng nội dung của bộ phim hoạt hình gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ, mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa Nhật Bản.
Trong chương trình Chọn ai đây, Lê Dương Bảo Lâm cũng từng hát một đoạn nhạc, chế lời ca khúc Người yêu cô đơn (tác giả: Đài Phương Trang), thành: “Da đen da đã đen rồi em. Em xức kem làm cho cho da thêm xù xì. Da đen em xức kem làm chi, em xức làm chi nữa cho buồn lòng anh bán kem”. Anh nói đoạn lời này xuất phát từ một số người ở quê và được nghe từ nhỏ.
|
Diễn viên Lê Dương Bảo Lâm hát nhạc chế lời bài Hãy sống cho tuổi trẻ trong chương trình Sàn đấu ca từ |
Thiên An (một nhà sản xuất nội dung số, chuyên thực hiện các MV parody, nhạc chế) cũng hát lời chế của ca khúc Truyền thái y trong chương trình Ai là số 1. Nội dung nói về áp lực thi cử, học hành của học sinh. Dẫu ca từ không bị phản ứng nhưng tiết mục này bị đánh giá làm mất đi tinh thần của bản gốc, khiến người nghe thấy không thuận tai.
Thậm chí, có người dẫn chứng đã nhìn thấy không ít đứa trẻ hát theo lời nhạc chế trên mạng, khiến họ lo ngại về sự phát triển tư duy, ngôn ngữ của các bé nếu mặc nhiên xem đây là điều bình thường.
Coi chừng phạm luật
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói nhiều danh hài cũng hát nhạc chế, mang tiếng cười cho khán giả, hay một thầy giáo chế lời nhiều bài nhạc giúp học sinh dễ học hơn là điều đáng trân trọng. “Tuy nhiên, sự hài hước và sự nhố nhăng phản cảm là hoàn toàn khác nhau. Phải có chuẩn mực cho việc đó. Đó là ý thức và văn hóa cần có đối với một người nghệ sĩ. Bên cạnh đó, việc ca hát vui chơi hội nhóm không thành vấn đề, nhưng để xuất hiện hẳn trên truyền hình và lan tràn trên các nền tảng là điều không nên đối với một nghệ sĩ có lượng người hâm mộ đông đảo và có sức ảnh hưởng”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.
Nhạc sĩ Dương Trường Giang cho rằng việc này cần xét nhiều yếu tố. Nếu ca khúc chế lời đó xuất hiện trong một chương trình về hài kịch, hoặc những chương trình mang tính giải trí đơn thuần có thể chấp nhận được, nhưng khi đặt vào các chương trình âm nhạc chuyên nghiệp thì chắc chắn là không.
Theo nhạc sĩ Dương Trường Giang, câu chuyện không dừng lại ở việc thể hiện của nghệ sĩ, diễn viên mà hơn hết là vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm duyệt của đơn vị sản xuất. “Khán giả có quyền đón nhận hoặc không đón nhận một sản phẩm nào đó. Tuy nhiên, khi một sản phẩm gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận, kèm theo những lo ngại của công chúng, thì nhà sản xuất, đơn vị phát sóng phải nhìn lại việc làm của mình”, nhạc sĩ Dương Trường Giang chia sẻ.
Thời gian qua, nhạc chế rất phổ biến trên mạng xã hội. Trong đó, nhiều người sản xuất video nhạc chế thu hút dư luận như: Hậu Hoàng, Thiên An, Di Di... Tuy nhiên, khi nhạc chế bước lên sóng truyền hình, lại là câu chuyện khác. Nhiệm vụ định hương thẩm mỹ, ngăn ngừa những tư duy lêch lạc hay những chiêu trò nhảm nhí để gây chú ý, là yêu cầu luôn còn đó đối với các đơn vị phát sóng này.
|
Theo nhạc sĩ Dương Trường Giang, việc chế lời ca khúc không chỉ là vấn đề về văn hóa, thẩm mỹ mà còn liên quan cả luật định về tác quyền |
Chưa kể, ngoài yếu tố thẩm mỹ, văn hóa, thì việc chế lời bài hát còn có thể vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, việc chế lời là làm phái sinh tác phẩm mới từ tác phẩm gốc, và phải xin phép tác giả theo luật.
“Điều quan trọng là việc chế lời có được tác giả đồng ý hay chưa. Đôi khi công chúng nghĩ rằng việc chế lời là vui đùa, giải trí đơn thuần nhưng với nhạc sĩ sáng tác nên ca khúc sẽ khó để chấp nhận. Vì thế, việc này cần được xem xét, cân nhắc thận trọng, tránh gây dư luận xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến tác giả bài hát gốc”, nhạc sĩ Dương Trường Giang nói.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang cho biết không riêng Người yêu cô đơn mà một số ca khúc của ông cũng như đồng nghiệp bị mang đi chế lời, sau đó hát, công bố rộng rãi trên mạng. Trong đó, có không ít lời chế phản cảm, thiếu tính văn học, nhân văn khiến ông không hài lòng. Đặc biệt, chưa từng có tác giả, nghệ sĩ, diễn viên nào xin phép ông để viết lời mới cho các ca khúc của ông.
|
Nhạc sĩ Đài Phương Trang không hài lòng việc nhiều người tự ý chế lời bài hát của ông nhưng không xin phép |
Trong những lần họp mặt, gặp gỡ với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhạc sĩ Đài Phương Trang và nhiều đồng nghiệp của ông đã trao đổi về vấn đề này, mong tìm cách giải quyết rốt ráo.
“Hiện tại, anh em nhạc sĩ chỉ biết an ủi nhau vì việc này hiện tại xảy ra tràn lan. Tôi mong trong thời gian tới, VCPMC và cơ quan quản lý văn hóa sẽ có biện pháp để đẩy lùi việc chế lời bài hát tràn lan, vô tội vạ”, nhạc sĩ Đài Phương Trang nói.
Thực tế, khán giả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết các sản phẩm giải trí trên thị trường, bằng chính sự lựa chọn của họ. Tuy nhiên, trước khi công chúng lên tiếng, thì chính nghệ sĩ, người nổi tiếng phải đề cao sự văn minh, luôn ý thức định hướng khán giả đến những điều tốt đẹp.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, tại khoản 7 điều 28, làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Chính vì thế, khi viết lại lời bài hát phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài hát này. Theo đó, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. |
Trung Sơn