Quận giao cho công ty “nhà”
Ông Trần Quang Tăng, thường trú nhà số 405, Trưởng ban quản trị lô C chung cư 23/49 Đinh Tiên Hoàng, cho biết, đa số cư dân ở đây đều là các hộ nghèo, từng sống trên hoặc ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước khi có chủ trương giải tỏa, thực hiện chương trình vệ sinh môi trường của chính quyền TP.HCM. Sau khi chấp hành giải tỏa và bàn giao đất, họ được bố trí mua căn hộ tái định cư tại lô C chung cư này.
“Năm 2002, khi chúng tôi về đây, nhà xe lô C đã được xây dựng tại một khu đất gần chung cư chứ không nằm dưới hầm như những chung cư xây sau này. Vào thời điểm đó, chưa có Luật Nhà ở và các quy định của Bộ Xây dựng, nên ban quản trị chung cư cũng chưa thành lập. Do đó, bấy giờ, Công ty Phát triển nhà Q.Bình Thạnh mới bàn giao nhà xe cho UBND P.3 quản lý”, ông Tăng kể. Sau đó, UBND P.3 lại giao cho công an phường quản lý, nhưng trên thực tế, Công an P.3 lại tiếp tục giao cho gia đình bà Trương Thị Hải “thuê” và thu tiền giữ xe của cư dân lô C.
Đến năm 2013, theo ông Tăng, khi Luật Nhà ở có hiệu lực và quyết định số 08 của Bộ Xây dựng (về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư) ra đời, cùng với tất cả chung cư trên toàn quốc, ban quản trị lô C chung cư 23/49 Đinh Tiên Hoàng cũng được thành lập và được chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh công nhận vào tháng Bảy cùng năm.
|
Nhà xe lô B cũng thuộc chung cư 23/49 Đinh Tiên Hoàng, nhưng vẫn do ban quản trị chung cư quản lý, khai thác. |
Lúc này, việc cơ quan chức năng của P.3 giao nhà xe cho bà Hải trở thành trái quy định. Khi đó, bà Hải còn có dấu hiệu muốn chiếm nhà xe làm nhà riêng, không bàn giao cho ban quản trị chung cư. Thậm chí, bà này đã làm thủ tục để hợp thức hóa “căn nhà” và hăm dọa thành viên ban quản trị chung cư - những người dám “cản trở” bà.
Ngày 20/11/2013, ông Hoàng Song Hà (lúc đó là Phó chủ tịch, hiện là Chủ tịch UBND Q. Bình Thạnh) đã ký thông báo kết luận số 439/TB-VP, giao các cơ quan chức năng thu hồi nhà xe lô C bàn giao lại cho chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Địa ốc Bình Thạnh, để công ty này bàn giao lại cho các cơ quan quản lý theo quy định. “Hơn hai năm sau kể từ khi có thông báo 439 và dưới sự khiếu nại liên tục của chúng tôi, thì đến tháng 12/2015, UBND Q.Bình Thạnh mới tiến hành cưỡng chế thu hồi lại nhà xe”, ông Tăng nói.
Thế nhưng sau đó, không hiểu sao, ông Hồ Phương, Phó chủ tịch Q.Bình Thạnh lại không thực hiện theo tinh thần của thông báo 439 là “bàn giao lại cho các cơ quan quản lý theo quy định”, tức là ban quản trị chung cư, mà đến ngày 8/4/2016, ông Phương lại ra thông báo số 88/TB-VP với nội dung giao nhà xe lô C cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.Bình Thạnh quản lý, khai thác (?).
Dân có thể kiện UBND quận
Ông Tăng bức xúc: “Khi nhận được thông báo số 88 nêu trên, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền quận và với tổ đại biểu HĐND TP.HCM qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Nhưng đại diện UBND Q.Bình Thạnh chỉ trả lời nhà xe lô C là tài sản công, nên chính quyền giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận”.
Ông Tăng thắc mắc: nhà xe phục vụ cho cư dân lô B cùng chung cư 23/49 Đinh Tiên Hoàng được xây dựng ở bên ngoài chung cư tương tự như lô C, nhưng nhà xe đó lại được bàn giao cho ban quản trị chung cư quản lý, khai thác. Tại sao nhà xe lô C thì lại bị “liệt” vào diện “tài sản công” và “được” chính quyền địa phương giao cho công ty “nhà”?
Trao đổi với chúng tôi chiều 3/12, luật sư Phùng Thanh Sơn thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, vấn đề nơi để xe của các tòa nhà chung cư được luật quy định chính là sở hữu chung kể từ khi có Luật Nhà ở năm 2005 và quyết định 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng. Việc này cũng được tiếp tục khẳng định trong Luật Nhà ở năm 2014 và thông tư 02/2016/TT-BXD về ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng.
Đối với chung cư đã xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực, thì không có nghĩa nhà xe không thuộc sở hữu chung của cư dân. Bởi nhà xe là một hạng mục bắt buộc phải có của các tòa nhà chung cư, nhằm giải quyết nhu cầu gửi xe của cư dân. Do đó, nhà xe phải được xem là vật đồng bộ của tòa nhà chung cư, bất kể nhà xe đó được xây dựng ở đâu.
Về mặt pháp lý, theo luật sư Sơn, người dân đồng sở hữu khu vực để xe, hay nói cách khác. Một khi, khu vực để xe là thuộc sở hữu chung của cư dân thì ban quản trị chung cư, với tư cách là đại diện cư dân, sẽ quản lý nhà xe.
“Theo tôi, ban quản trị lô C có nghĩa vụ làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản đối với nhà xe này nhằm đảm bảo quyền lợi của cư dân khi giải tỏa, xây dựng mới chung cư sau này. Bên cạnh đó, ban quản trị có thể khởi kiện UBND Q.Bình Thạnh về việc giao nhà xe này cho công ty dịch vụ công ích quận”, ông Sơn nói.
Trong các ngày 1 và 2/12, chúng tôi đã liên hệ chính quyền Q.Bình Thạnh để trả lời bạn đọc về vụ việc này. Khi chúng tôi đến làm việc, ông Nguyễn Văn Quý - Chánh văn phòng UBND Q.Bình Thạnh - yêu cầu gửi lại câu hỏi, và cho biết quận sẽ trả lời bằng văn bản. Chúng tôi đã gửi lại nội dung câu hỏi theo những gì mà bạn đọc phản ánh như trên đã trình bày.
Chiều 10/12, tức sau hơn sáu ngày làm việc, chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Quý để có câu trả lời từ phía quận. Tuy nhiên, ông Quý cho biết UBND quận chưa có câu trả lời, cơ quan báo chí cứ làm theo trách nhiệm và tiến độ của mình. Khi nào có câu trả lời quận sẽ gửi văn bản.
Nam Anh