Nhà vua Thái Lan chính thức bổ nhiệm bà Paetongtarn Shinawatra làm Thủ tướng

18/08/2024 - 12:08

PNO - Trong một buổi lễ tại thủ đô Bangkok, bà Paetongtarn đã nhận được lệnh chính thức bằng văn bản của quốc vương Maha Vajiralongkorn để thành lập chính phủ.

Bà Paetongtarn Shinawatra đến dự lễ phê chuẩn của hoàng gia, bổ nhiệm bà làm thủ tướng mới của Thái Lan, tại Bangkok vào sáng 18/8 - Ảnh: AFP
Bà Paetongtarn Shinawatra đến dự lễ phê chuẩn của hoàng gia, bổ nhiệm bà làm thủ tướng mới của Thái Lan, tại Bangkok vào sáng 18/8 - Ảnh: AFP

Ngày 18/8, nhà vua Thái Lan đã chính thức bổ nhiệm bà Paetongtarn Shinawatra – người con gái 37 tuổi của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra - làm thủ tướng mới của Thái Lan.

Paetongtarn, thủ tướng trẻ nhất từ ​​trước đến nay của vương quốc, nhậm chức sau khi tòa án bãi nhiệm thủ tướng Srettha Thavisin vào ngày 14/8 và giải tán đảng đối lập chính.

Bà Paetongtarn là nhân vật thứ 3 thuộc dòng họ Shinawatra giữ vai trò thủ tướng. Dù vậy, bà được hy vọng sẽ tránh được số phận của cha và người cô Yingluck - cả hai đều bị lật đổ trong các cuộc đảo chính quân sự.

Ông Thaksin (75 tuổi) là một người tham dự nổi bật tại buổi lễ bổ nhiệm, đứng cùng chồng của bà Paetongtarn ở hàng ghế đầu.

Bà Paetongtarn hiện đứng đầu một chính phủ liên minh do đảng Pheu Thai của bà lãnh đạo, bao gồm một số nhóm ủng hộ quân đội vốn từng phản đối ông Thaksin.

Trong hơn 20 năm qua, chính trường Thái Lan thường xuyên dậy sóng bởi cuộc đấu tranh giành quyền thống trị giữa ông Thaksin cùng các đồng minh của ông và giới tinh hoa bảo thủ ủng hộ quân đội, ủng hộ hoàng gia của vương quốc.

Bà Paetongtarn là một gương mặt mới từng điều hành bộ phận khách sạn của doanh nghiệp gia đình cho đến cuối năm 2022. Bà tham gia chính trường trước cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, nơi đảng Pheu Thai bất ngờ bị Đảng Tiến lên (MFP) mới nổi đánh bại.

Sau khi được các nhà lập pháp chấp thuận vào ngày 16/8, bà Paetongtarn thừa nhận mình thiếu kinh nghiệm nhưng cho biết bà đã sẵn sàng chấp nhận thử thách nhằm "cải thiện chất lượng cuộc sống và trao quyền cho tất cả người Thái".

Bà Paetongtarn sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi cha bà là chính trị gia có ảnh hưởng nhất nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Thái Lan hiện đại.

Bị quân đội phế truất khỏi chức thủ tướng vào năm 2006, ông Thaksin đã sống lưu vong trong 2 năm sau đó nhưng không bao giờ ngừng bình luận về các vấn đề quốc gia.

Ông trở về Thái Lan vào năm 2023, vào ngày ông Srettha trở thành thủ tướng và ngay lập tức bị bỏ tù vì tội tham nhũng và lạm dụng chức vụ từ thời còn tại nhiệm.

Nhưng bản án tù 8 năm của ông Thaksin đã nhanh chóng được nhà vua cắt giảm xuống còn 1 năm và sau đó ông được tại ngoại vì tuổi tác và sức khỏe kém.

Vào ngày 17/8, ông nhận được lệnh ân xá hoàng gia. Ông được trả tự do 2 tuần trước khi thời hạn tù kết thúc.

Bên cạnh nguy cơ của những cuộc chiến với giới cầm quyền, bà Paetongtarn cũng phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc phục hồi nền kinh tế trì trệ từ đại dịch COVID-19.

Về phần cựu thủ tướng Srettha, ông chưa thể hoàn thành chính sách phát tiền thông qua "ví kỹ thuật số”, nhưng sẽ được nhớ đến như là thủ tướng đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Tấn Vĩ (theo SCMP, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI