Nhà vợ nói tôi là "đàn ông mặc váy", khi không lo nổi cho gia đình

03/03/2023 - 15:12

PNO - Có một điều chắc chắn anh nên làm, dù muộn cũng phải làm, đó là đưa gia đình nhỏ của mình ra ngoài sống.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi viết thư cho chị trong một tâm trạng bức xúc và buồn phiền, không biết nói cùng ai. Tôi cưới vợ cách đây 10 năm. Thời gian đó tôi đang có công ăn việc làm đàng hoàng, thu nhập một tháng hơn 20 triệu.

Khi cưới nhau, chúng tôi chưa có nhà riêng, tôi đề nghị với vợ thuê nhà. Nhưng vợ tôi không chịu, nói nhà ba mẹ vợ rộng rãi, vợ vẫn đang có phòng riêng, về đó ở tiết kiệm để dành tiền mua nhà, mà cô ấy vẫn được gần ba mẹ. Tôi dại dột nghe theo lời cô ấy.

Về ở chung được 8 tháng thì vợ tôi có thai, cô ấy yếu quá nên xin nghỉ làm luôn. Vì nhà cũng chỉ có ba mẹ vợ, vợ chồng tôi và đứa em út còn học đại học nên tôi cũng không tính toán gì, chi tiêu hết lương mình vào gia đình.

Sinh con xong, cả mấy năm sau, vợ tôi vẫn không chịu đi làm, cứ nói ra đời mệt mỏi, bị bắt nạt, ở nhà chăm sóc ba mẹ và con cho yên lành.

Rồi cũng vì muốn tránh né việc đi làm, cô ấy nhất định có con thứ hai khi tôi nói mình chưa có điều kiện. Lúc đó tôi cũng chưa gặp khó khăn nên chấp nhận dù không vui, vì thấy mình không để dành được đồng nào để có tương lai sẽ có nhà riêng.

Sau hai năm đại dịch, tôi mất công việc, tìm lại được việc khó quá, phải làm những việc không có thu nhập cao, trái với tay nghề của mình. Cho đến gần đây, với 12 triệu đồng/tháng, tôi không còn cáng đáng nổi sinh hoạt cả nhà nữa. Mẹ vợ tôi bắt đầu cằn nhằn, đá thúng đụng nia.

Tôi bàn với vợ thu xếp cho con đi học để xin đi làm phụ với tôi. Nhưng cô ấy nhất định từ chối. Ba mẹ cô ấy nghe vậy mắng chửi tôi, nói làm thằng đàn ông mà không lo nổi cho vợ con thì mặc váy vào mà ra đường. Ông bà còn nói phần tiền vợ tôi đóng góp chính là chuyện chúng tôi ở không mất tiền trong nhà ông bà.

Tôi nghe họ nói thấy oan ức quá. Bao nhiêu năm qua, mình tôi lo hết mọi chi phí trong nhà, từ điện nước đến ăn uống của gia đình. Làm vợ chồng thì lúc kinh tế người này khó người kia cũng phải giúp đỡ, chứ sao lại lấy đó sỉ nhục tôi.

Vợ tôi lúc nào cũng lớn tiếng đòi bình đẳng: đi chơi bình đẳng, tiêu xài bình đẳng, nói năng hồ đồ không giữ lễ nghĩa với chồng cũng bảo là bình đẳng. Nhưng đến khi bảo đi làm thì lại nói chồng phải nuôi vợ là truyền thống.

Giờ đây tôi bế tắc đủ đường, muốn đưa vợ con ra ngoài thuê nhà ở cũng không có tiền, mà vợ tôi cũng không đời nào chịu. Cô ấy nói tôi mà ra ngoài sống, thế nào cũng xử tệ với cô ấy, khi không có bố mẹ cô ấy bảo vệ. Ra đi một mình thì chắc chắn là không còn giữ được hạnh phúc nữa.

Tôi phải làm gì để gia đình vừa bình đẳng, vừa hạnh phúc, vừa bình an đây chị?

Hòa Nghĩa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Anh Hòa Nghĩa thân mến,

Việc đầu tiên anh phải làm trong lúc này là hãy bỏ ra khỏi đầu sự ám ảnh về những nhận xét, gán ghép bằng hình ảnh không hay của gia đình vợ. Anh đã tự nhận thấy suốt mười mấy năm qua, mình đã thực hiện tốt nghĩa vụ làm chồng, làm cha, thậm chí nghĩa vụ của một người con rể, thế là đủ cho anh bình an và thoải mái về bản thân rồi. Điều này vô cùng quan trọng để anh tập trung tinh thần giải quyết bài toán kinh tế và hạnh phúc gia đình.

Trước tiên, anh hãy cố gắng thuyết phục vợ, để cô ấy vượt qua được tình trạng "ì" của bản thân. 10 năm tách hẳn khỏi xã hội, ở nhà nuôi con, lại chỉ toàn tiếp xúc với những người có đầu óc bảo thủ như bố mẹ mình, cô ấy ngán sợ bước ra ngoài, muốn được ở nhà chồng nuôi hoàn toàn là điều dễ hiểu.

Hãy yêu cầu cô ấy đọc thêm các thông tin về tình hình kinh tế suy thoái quá nặng nề, tình trạng thất nghiệp tăng vọt, và việc kiếm tiền trong giai đoạn này là vô cùng khó khăn. Một mình anh xoay xở cho 7 miệng ăn là điều gần như không thể hiện nay.

Anh hãy giải thích cho cô ấy hiểu thế nào gọi là bình đẳng. Về lý thuyết, chỉ cần bật google lên là có đầy đủ thông tin. Về thực tế, hãy cho cô ấy nhìn thấy sự bình đẳng thể hiện trong vai trò của người phụ nữ đang ngày một nâng cao, và có rất nhiều phụ nữ hiện nay độc lập, mạnh mẽ, được tôn trọng, biết làm chủ số phận của mình. Đó mới là bình đẳng.

Và nếu cô ấy yêu cầu sự bình đẳng trong gia đình, thì chính là cô ấy cũng phải hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ cùng gánh vác, chia sẻ các vấn đề của gia đình. 

Có một điều chắc chắn anh nên làm, dù muộn cũng phải làm, đó là đưa gia đình nhỏ của mình ra ngoài sống. Thứ nhất là để anh được làm chủ gia đình của mình. Thứ hai là để cô ấy bớt chịu ảnh hưởng xấu của bố mẹ, và nhìn ngó vào cuộc sống xung quanh một cách rõ ràng hơn.

Chuẩn bị cho việc này như thế nào thì chỉ anh mới lên kế hoạch được. Có thể là từng bước để có một chút tiềm lực kinh tế, đủ cho một khoảng thời gian ổn định đời sống. Thậm chí, anh có thể vay mượn người thân, nếu việc này không quá khó và không tạo sức ép quá nặng nề. Nhưng dù tính toán thế nào, anh cũng phải hướng tới mục đích duy nhất: sống độc lập để cả hai vợ chồng có thể đồng tâm hiệp lực xây dựng gia đình.

Trong trường hợp vợ anh vẫn khăng khăng không chịu theo anh ra ngoài, ở nhà cha mẹ và lại tiếp tục cùng họ sỉ nhục vai trò của anh, thì Hạnh Dung nghĩ anh khó lòng có thể giữ được gia đình. Bởi cô ấy cuối cùng đã có sự lựa chọn của mình, và anh không phải là người cô ấy tin cậy, muốn cùng nhau gầy dựng gia đình hạnh phúc, như anh mong muốn.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trương Mỹ Hương 04-03-2023 08:16:36

    Mình là phụ nữ nhưng thật sự không thể chấp nhận được thái độ cư xử của ba mẹ vợ của bạn, và hơn nữa, vợ bạn đã nhìn vào sự đối xử ấy để coi thường chồng, dù rằng bạn đã làm đầy đủ bổn phận khi ở trong nhà vợ. Thế nên, theo thiển ý của mình, bạn chỉ còn một con đường duy nhất là đưa gia đình nhỏ của bạn ra khỏi nhà vợ, hoặc là bạn phải chấp nhận sự tan vỡ. Không có sự lựa chọn đâu bạn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI