Nhà vệ sinh là khu vực bị chê nhất tại các trường học

27/09/2022 - 17:06

PNO - Theo khảo sát Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM công bố, tiêu chí khu vực vệ sinh sạch sẽ nhận điểm hài lòng thấp nhất của phụ huynh, học sinh.

 

Nhiều nhà vệ sinh trường học gây ám ảnh cho học sinh.
Nhiều nhà vệ sinh trường học gây ám ảnh cho học sinh

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vừa công bố kết quả khảo sát đề án đo lường chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM năm 2022.

Cuộc khảo sát thực hiện thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 chia 24 quận, huyện thành 3 nhóm, mỗi nhóm chọn 1 quận, huyện để khảo sát: trong đó “nhóm phát triển cao” chọn quận 10, “nhóm phát triển” chọn quận 6, “nhóm trung bình” chọn huyện Hóc Môn.

Giai đoạn 2, mỗi quận, huyện tiếp tục chọn khảo sát ngẫu nhiên 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường THCS và 1 trường THPT.

Giai đoạn 3 chọn học sinh và cha mẹ học sinh tham gia khảo sát ngẫu nhiên theo từng đơn vị với quy mô 2.400 phiếu (trong đó có 2.100 phiếu của phụ huynh và 300 phiếu của học sinh)

Qua khảo sát, phụ huynh hài lòng cao nhất ở môi trường giáo dục (4,55 điểm) và thấp nhất ở tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học (4,37 điểm).

Đối với học sinh, điểm trung bình hài lòng thấp hơn phụ huynh. Trong đó, các em hài lòng cao nhất ở hai tiêu chí là môi trường giáo dục và hoạt động giáo dục, đồng thời hài lòng thấp nhất ở tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học (4,19 điểm). 

Đáng chú ý, trong các hạng mục về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thì tiêu chí khu vực vệ sinh an toàn, sạch sẽ, có thiết bị cơ bản có số điểm đánh giá thấp nhất, riêng đối với bậc THPT tiêu chí về sân chơi bãi tập cũng nhận mức đánh giá hài lòng thấp.

Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích mức độ hài lòng của phụ huynh về các dịch vụ công tại trường học, kết quả cho thấy hai bậc mầm non và tiểu học có mức độ hài lòng cao hơn so với cấp THCS và THPT.

Nhìn chung, tỷ lệ hài lòng của phụ huynh đối với dịch vụ giáo dục công đạt 90,78%. Trong tất cả tiêu chí, tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học có mức độ hài lòng thấp nhất (87,2%).

Trong khi đó, tỷ lệ hài lòng của học sinh đối với các dịch vụ trong trường học thấp hơn so với đánh giá từ phụ huynh, đạt 84,29%. Trong đó, tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng đạt tỷ lệ thấp nhất với 78,4%, có sự chênh lệch về mức độ hài lòng giữa học sinh nội thành và ngoại thành.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, kết quả khảo sát hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn TPHCM đã phản ảnh một cách khách quan những nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy những điểm còn hạn chế, cần phải khắc phục của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Một trong những tồn tại mà ngành giáo dục thành phố đang đối mặt là cơ sở vật chất trường học. Với tốc độ tăng dân số quá nhanh, dù đã được các ngành, các cấp hết sức quan tâm, hỗ trợ nhưng tốc độ xây dựng trường lớp vẫn còn hạn chế. 

Trước thực tế đó, ngành giáo dục đề xuất một số giải pháp như vận hành tốt hơn cổng thông tin điện tử của các đơn vị, tăng cường công khai các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nhà trường, công khai thông tin tuyển sinh, các khoản thu - chi, tạo điều kiện thuận lợi tiếp thu các ý kiến phản ánh, đóng góp của phụ huynh và học sinh trên tinh thần lắng nghe, cầu thị.

Song song đó, trường học tiếp tục tăng cường trang bị các trang thiết bị phục vụ việc dạy và học, đặc biệt quan tâm đến việc nâng cấp, sửa chữa, cải thiện tình trạng của nhà vệ sinh, nâng cao diện tích sân chơi, bãi tập và tăng cường mảng xanh trong trường học.

Các quận huyện đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng phòng học, ưu tiên tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày và giảm sĩ số, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các phòng chức năng, các trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh xây dựng thư viện thông minh, mô hình trường học tiên tiến, hiện đại.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI