Nhà vệ sinh - điểm trừ cho du lịch TPHCM

13/02/2023 - 13:05

PNO - “Đường phố TPHCM có mọi thứ mà khách du lịch muốn như thức ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, cuộc sống sôi động... Mọi thứ đều hấp dẫn, trừ nhà vệ sinh”. Đó là nhận xét của Nikkei Asia, một tờ báo có uy tín của Nhật Bản.

Phát hoảng với nhà vệ sinh 

Báo Nikkei Asia công bố một khảo sát vào cuối tháng 1/2023 về xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) của 69 thành phố du lịch, trong đó TPHCM và Hà Nội của Việt Nam nằm trong tốp các thành phố có thứ hạng tệ nhất bảng xếp hạng: Hà Nội thứ 66, TPHCM 
thứ 67/69. 

 

Theo ghi nhận của chúng tôi ở TPHCM, những khu vực tập trung đông khách du lịch quốc tế như công viên 30/4, các đường Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Tôn Đức Thắng... hầu như không có NVSCC. Du khách có nhu cầu vệ sinh cá nhân thì phải đi nhờ hoặc vào khách sạn, nhà hàng, quán cà phê... 

Du khách nước ngoài đi bộ ở công viên 23/9, tại đây, nhà vệ sinh công cộng dù vẫn hoạt động nhưng đã hư hỏng, xuống cấp - ẢNH: QUỐC THÁI
Du khách nước ngoài đi bộ ở công viên 23/9, tại đây, nhà vệ sinh công cộng dù vẫn hoạt động nhưng đã hư hỏng, xuống cấp - Ảnh: Quốc Thái

Khi tìm kiếm trên ứng dụng bản đồ (Google Maps), chúng tôi nhận được kết quả: ở quận 1, chỉ khoảng 10 NVSCC, chủ yếu nằm ở các công viên, như 23/9, Tao Đàn, Lê Văn Tám... 
Khi vào một NSVCC trông khá khang trang nằm trong công viên 23/9, đoạn giao lộ Lê Lai - Nguyễn Thị Nghĩa, chúng tôi bị sốc khi thấy nhà vệ sinh này như đang bị bỏ hoang. Ở khu dành cho nam, cành cây xung quanh đâm xuyên vào các phòng vệ sinh qua cửa sổ, trần và tường phủ đầy rong rêu và nặng mùi xú uế. 

Ở điểm giao giữa khu vực nam và nữ, có một phòng nhỏ dành cho nhân viên trực dọn vệ sinh. Khi khách bước vào, nhân viên lớn tiếng hỏi: “Đi nặng hay đi nhẹ”? Nếu “đi nặng” thì toàn bộ số phòng vệ sinh ở khu dành cho nam đã hỏng, khách nam phải đi nhờ ở khu nữ. Khoảng một nửa số bồn tiểu đứng, bồn rửa tay ở đây cũng bị hỏng, phủ bằng ni lông. Ở NVSCC cũng trong công viên này, đặt ở phía đường Phạm Ngũ Lão, các bồn tiểu dành cho nam cũng hư phân nửa. 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 2 NVSCC trong công viên 23/9 được xếp hạng 4-5 sao, được đưa vào sử dụng từ năm 2014, được xây bằng kinh phí do một ngân hàng tài trợ, khoảng 800 triệu - 1 tỉ đồng/nhà, diện tích sử dụng khoảng 60m2

Toàn TPHCM chỉ có hơn 200 NVSCC, được bố trí ở các tuyến đường, công viên, điểm du lịch, khu di tích… và hiện chưa được kiểm kê xem bao nhiêu cái còn hoạt động.  

Ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho hay, gần đây, sở đã cho rà soát lại hệ thống NVSCC phục vụ khách du lịch. Sở cũng đã tăng cường vận động các cơ sở lưu trú, nhà hàng cho khách du lịch sử dụng nhà vệ sinh. 

Ông cũng cho hay, một số điểm tham quan như bến Bạch Đằng, khu Bưu điện TPHCM, Nhà hát TPHCM gần như không có NVSCC. Sở phải khuyến khích các khách sạn, nhà hàng quanh khu vực đó cho du khách sử dụng nhà vệ sinh khi có nhu cầu. “Nhà vệ sinh phục vụ du khách thường được đặt ở các điểm có đông du khách. Các đơn vị lữ hành luôn rà soát NVSCC để phục vụ tour nhưng vẫn ưu tiên các điểm đến. Nhìn chung, chất lượng NVSCC được cải thiện hơn so với trước đây” - ông Lê Trương Hiền Hòa nói.

Cũng theo ông Lê Trương Hiền Hòa, năm 2022, Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam và Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa chuẩn “NVSCC ASEAN” vào các khu, điểm du lịch. TPHCM có 3 điểm đoạt giải “NVSCC ASEAN lần thứ hai". Đó là NVSCC ở đài quan sát Saigon Skydeck trong tòa nhà Bitexco (quận 1), NVSCC ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ  (TP Thủ Đức) và NVSCC ở khu du lịch Bến Xưa (quận 12). Năm nay, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị du lịch phổ biến về tiêu chuẩn ASEAN, không chỉ riêng hạng mục nhà vệ sinh mà còn có các tiêu chuẩn khác như phòng lưu trú, homestay, du lịch cộng đồng, spa phục vụ du khách… sau đó sẽ tổ chức các cuộc thi để tạo sự cạnh tranh giữa các đơn vị nhằm thúc đẩy việc quan tâm đến NVSCC, nâng cao chất lượng NVSCC.

Ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour, chuyên tổ chức đưa các đoàn khách quốc tế, trong nước tham quan TPHCM - cho biết, công ty thường khuyến cáo khách nên giải quyết nhu cầu đi vệ sinh ở các điểm đến như khách sạn, nhà hàng. Riêng những ngày khách tự do trải nghiệm hoặc với tour thiết kế theo lịch trình của khách thì du khách sẽ sử dụng NVSCC. 
Ông nói: “Việc thiếu NVSCC hoặc NVSCC không đạt tiêu chuẩn là điểm trừ đối với những thành phố du lịch. TPHCM đã giải quyết khá tốt nạn xả rác nơi công cộng, ăn xin, đeo bám, chèo kéo, chặt chém du khách… nhưng vẫn còn những thứ làm mất điểm trong mắt du khách như nhà vệ sinh, văn hóa giao thông. Cần nhanh chóng khắc phục những điểm yếu này”.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt - cho hay, bảng xếp hạng mới đây về NVSCC ở TPHCM và TP Hà Nội phản ánh đúng hiện trạng NSVCC ở Việt Nam hiện nay, vừa thiếu vừa không đảm bảo vệ sinh để phục vụ khách. Ngành du lịch các thành phố không thể bỏ quên việc đầu tư NVSCC được. Việc bắt du khách “đi nhờ” ở khách sạn, trung tâm thương mại, quán xá chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng thực tế lại kéo dài hàng chục năm qua.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, hơn 20 năm trước, khi mới bắt đầu làm du lịch, ông đã từng nói rằng, muốn phát triển du lịch, cần có “cuộc cách mạng nhà vệ sinh”. Do đó, UBND TPHCM cần quyết liệt bắt tay vào quy hoạch, đầu tư, xây dựng NVSCC, trong đó có tính đến tỉ lệ số NVSCC trên quy mô dân số. Có thể kêu gọi các doanh nghiệp lớn hợp tác, đầu tư xây dựng và trưng dụng mặt bằng hệ thống cây xăng nhà nước để xây NVSCC. “Ngoài yếu tố sạch sẽ, nên có ý tưởng thiết kế NVSCC độc đáo để du khách chụp hình, đánh dấu sự có mặt (check-in), từ đó nâng cao ý thức giữ vệ sinh chung. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI