Nhà vệ sinh công cộng nên là... happy toilet

15/11/2018 - 06:00

PNO - Thói quen giải quyết nhu cầu tiêu tiểu tại hàng quán, siêu thị, trung tâm thương mại… của người dân Mỹ là một gợi ý cho chính quyền TP.HCM - nơi vừa có kế hoạch đầu tư hệ thống nhà vệ sinh công cộng cho 24 quận, huyện.

Ai đến xứ Cờ Hoa cũng có thể bắt gặp thái độ “ung dung tự tại” đi vào nhà vệ sinh của các cửa tiệm trên phố của dân chúng. Dù không được luật hóa, nhưng việc thoải mái sử dụng toilet của cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ tại Mỹ quá hữu ích trong việc đáp ứng nhu cầu sinh lý cơ bản của người đi đường, góp phần đáng kể vào việc giữ gìn vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Nha ve sinh cong cong nen la... happy toilet
Một trong các nhà vệ sinh của cửa hàng tham gia thí điểm “Happy Toilet” ở New Mexico, Hoa Kỳ

Lẽ dĩ nhiên, không phải người kinh doanh nào ở Mỹ cũng vui vẻ với thói quen dễ thương này. Từ lâu, có không ít quán ăn, nhà hàng, siêu thị đã trương thẳng tấm biển “Restrooms for customers only!” (nhà vệ sinh chỉ phục vụ cho khách hàng), dù đôi lúc nó cũng chỉ mang tính hạn chế thói quen kia mà thôi. 

Thế nhưng, vấn đề đã hoàn toàn khác khiến thói quen rất nhân bản mà chúng tôi đã đề cập từ đầu bài của người Mỹ trở thành một cuộc tranh cãi nảy lửa trong dư luận nước này qua sự việc xảy ra ở Philadelphia vào tháng Tư vừa qua. Hai thanh niên da đen đã bị bắt tại một quán cà phê Starbucks chỉ vì cảnh sát nhận được tin báo của nhân viên tại đây cho biết, những người này đã sử dụng nhà vệ sinh mà “không hề mua gì”. Video quay cảnh hai chàng trai bị còng tay đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng, kèm sự phẫn nộ ghê gớm của công chúng. Cả nước Mỹ dường như đều có chung câu hỏi: “Họ đã làm gì sai?”.

Phải cho “giải quyết gấp” nhu cầu tiêu tiểu

Tiểu bang California quy định tất cả các tòa nhà công lẫn tư, những nơi công chúng tự do lui tới phải trang bị đủ nhà vệ sinh, đáp ứng nhu cầu vào giờ cao điểm. Điều này áp dụng cho các đấu trường thể thao và giải trí, công viên, hội trường cộng đồng và trung tâm sự kiện. Còn có các quy định khác nhau áp dụng cho các nhà hàng, quán cà phê và dịch vụ tương tự, nhưng nói chung, tất cả các doanh nghiệp phục vụ thực phẩm để tiêu thụ tại chỗ phải cung cấp một số lượng nhất định nhà vệ sinh công cộng.

Ngoài ra, kể từ tháng 4/2013, còn có Đạo luật Vào nhà vệ sinh (hay còn được gọi là Luật Ally) áp dụng tại ít nhất 14 tiểu bang ở Hoa Kỳ, buộc các cơ sở bán lẻ có nhà vệ sinh phải cho phép người dân bị bệnh viêm đường ruột hoặc trong các tình huống khẩn cấp liên quan đến sức khỏe được vào toilet. Người vi phạm luật này có thể bị phạt tiền khoảng 100 USD.

Sự việc bị đẩy đi xa hơn nữa khi một bộ phận không nhỏ người dân đặt ra khía cạnh pháp lý trong việc hạn chế vào nhà vệ sinh của một số cửa hàng kinh doanh. Báo chí đặt dấu chấm hỏi thay cho dấu chấm than phía sau dòng chữ “Restrooms for customers only?” nhằm tạo ra diễn đàn cho mọi người tham gia với chủ đề: liệu “nhà vệ sinh chỉ phục vụ cho khách hàng” có hợp pháp?

Như đã nói, luật không cấm các cửa hàng, cơ sở kinh doanh treo biển trên và họ có quyền từ chối nhu cầu của người đi đường. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến phản bác lối hành xử “chỉ khách mới được dùng nhà vệ sinh”, còn có cả những tiếng nói muốn tạo ra sự thay đổi về chính sách liên quan đến “thói quen Mỹ”.

Họ nói: “Có thể giới hạn việc sử dụng toilet chỉ dành cho khách hàng của mình, nhưng bạn không thể tính tiền cho nhu cầu đi vệ sinh hoặc cấp giấy phép cho nhu cầu đó”; “Tôi không thể bị từ chối nếu tôi thực sự phải đi vào nhà vệ sinh, bởi bao giờ đó cũng là một nhu cầu khẩn cấp”… Có cả ý kiến của các chủ sở hữu nhà hàng cho rằng “hãy xem mọi người như một khách hàng tiềm năng và đó là lý do vì sao người kinh doanh không nên từ chối mọi người”.

Thậm chí, Giám đốc điều hành Starbucks Kevin Johnson đã phải công khai xin lỗi về vụ việc trên. Đồng thời, chuỗi cà phê khổng lồ này đã có thông báo: “Chúng tôi không muốn trở thành một nhà vệ sinh công cộng, nhưng bất cứ ai cũng có thể sử dụng restroom của chúng tôi dù có mua thứ gì hay không”.

“Sự kiện Starbucks” đặt ra vấn đề: nhà vệ sinh là của công chúng hay cần luật hóa thói quen “đi vệ sinh” của dân Mỹ? Giới chức ở Santa Fe (bang New Mexico) đã thí điểm một chương trình gọi là Happy Toilet. Đó là nơi những người bán hàng trong các khu kinh doanh tự nguyện mở cửa nhà vệ sinh cho công chúng. Bù lại, các cơ sở kinh doanh sẽ được hoàn tiền cho hành động này từ ngân sách thành phố. Những người tổ chức thí điểm cho biết, họ bắt chước theo một chương trình tương tự ở Đức. Thực tế ở quốc gia hàng đầu châu Âu đã chứng minh, việc mở cửa toilet cho công chúng đã giúp tăng lượt khách và doanh thu tại các cửa hàng. Tất nhiên, dân chúng thoải mái mua sắm khi không phải lo lắng về chuyện vệ sinh và chính quyền thì thở phào trong vấn đề gìn giữ môi trường.

Một số nơi như Boston và Washington, D.C. cũng bắt đầu khuyến khích người bán và nhà hàng làm nhà vệ sinh có thu phí dành cho mọi người và điều này bắt đầu trở nên phổ biến.

Mới đây, Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát mẫu nhà vệ sinh công cộng, nghiên cứu, tham mưu UBND TP.HCM xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà vệ sinh công cộng để làm cơ sở cho UBND các quận, huyện triển khai xây dựng. Không cần tìm hiểu sâu, ai cũng có thể nhận thức một hệ thống nhà vệ sinh là cần thiết cho không gian đô thị. Thế nhưng, việc xây dựng hệ thống đó rõ ràng cần được cân nhắc trên mọi khía cạnh. Và chuyện ở nước Mỹ xa xôi có thể mang đến một gợi ý khả thi, tiết kiệm cho người dân và chính quyền ở Việt Nam. 

Q.1 ủng hộ tích hợp nhà vệ sinh công cộng vào trạm xe buýt

UBND Q.1 đã có văn bản gửi UBND TP.HCM ủng hộ phương án tích hợp các nhà vệ sinh công cộng vào vị trí các trạm xe buýt, tại khu vực phù hợp, đồng thời ủng hộ việc thí điểm xây dựng nhà vệ sinh công cộng kết hợp với ki-ốt thông minh bằng phương thức xã hội hóa, theo đề xuất của một doanh nghiệp.

UBND Q.1 kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các quận tổ chức thí điểm các cách làm trên.

Trước đó, Q.1 đã thử nghiệm cabin vệ sinh công cộng tự động theo tiêu chuẩn APTS của ASEAN trên vỉa hè đường Nguyễn Du do một doanh nghiệp cung cấp. Diện tích cabin công cộng khoảng 2,2m2, có kiểu dáng khối vuông bốn góc bo tròn, đỉnh trụ gắn panel năng lượng mặt trời. Các gương inox phản ánh hình ảnh xung quanh tạo hiệu ứng giảm nhẹ sự tồn tại của các cabin vệ sinh. Đồng thời kích thước bồn cầu, tay vịn lan can đảm bảo cho trẻ em và người khuyết tật sử dụng. Cửa ra vào tự động theo nguyên tắc trong bất kỳ trường hợp nào, người bên trong đều có thể ra ngoài, ngay cả khi đột ngột bị cúp điện. Đặc biệt, trước mắt, cabin vệ sinh công cộng được sử dụng miễn phí. 

Bồn cầu của Bill Gates giúp thế giới tiết kiệm hàng trăm tỷ USD

Một trong các nhà vệ sinh của cửa hàng tham gia thí điểm “Happy Toilet” ở New Mexico, Hoa Kỳ “Bồn cầu 4.0” do Quỹ Bill and Melinda Gates đầu tư nghiên cứu và được chính thức giới thiệu tại Hội chợ triển lãm Reinvented Toilet Expo ở Bắc Kinh, Trung Quốc đầu tháng 11 vừa qua.

Nha ve sinh cong cong nen la... happy toilet
“Bồn cầu 4.0” do Quỹ Bill and Melinda Gates đầu tư nghiên cứu 

Tại hội chợ, tỷ phú Bill Gates xuất hiện với một... hũ phân người để trình bày cho cả thế giới về một cái nhìn khác đối với khái niệm nhà vệ sinh an toàn. Bồn cầu của Bill dựa trên công nghệ nano membrane toilet: khi “giải quyết” xong và đậy nắp bồn cầu xuống, hệ thống sẽ tự động mở phần đáy bệ xí để phân đi.

Quy trình xử lý không cần dùng nước được tạo ra từ một loạt các bánh răng và các khoang chứa để tách, làm sạch và lưu trữ chất thải. Chất thải sau đó sẽ đi vào một bể chứa, hệ thống tiếp tục làm khô phân thành dạng viên trước khi đưa tới buồng đốt. Tất cả sẽ biến thành tro và có thể đem đi tiêu hủy mà không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sự lây lan của mầm bệnh.

Với chi phí hơn 200 triệu USD bỏ ra cho công cuộc nghiên cứu suốt hơn 7 năm, Bill Gates tin rằng bồn cầu không nước của mình có thể tiết kiệm cho thế giới 233 tỷ USD mỗi năm, trong khi chi phí sử dụng bệ xí này chỉ khoảng 0,01 USD/ngày. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 4,5 tỷ người trên toàn cầu không được sử dụng nhà vệ sinh được xử lý an toàn. Khi chất thải của con người bị quản lý kém, mầm bệnh có thể đi vào môi trường, gây ra các bệnh tiêu chảy, dịch tả và thương hàn. Mặt khác, ước tính mỗi ngày, có khoảng 2 triệu tấn chất thải của con người được xử lý bằng nước và điều này đang gây lãng phí nguồn tài nguyên nước.

Nam Anh (theo NPR)

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI