Phóng viên: Năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường các giải pháp cho nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) ở đô thị, trong đó mấu chốt là giải pháp xã hội hóa mà VTA đã đề xuất. Nhưng hình như, vẫn chưa có chuyển động nào?
Ông Lê Văn Hiệp: Trước mắt, trong năm 2023, VTA phối hợp với một số bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong nước và quốc tế, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các dự án liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường, trong đó tiếp tục vận động các nguồn lực trong nước và quốc tế tài trợ cho các hoạt động nâng cấp, cải thiện chất lượng các NVSCC trên cả nước.
Trước đây, chúng tôi đã đề xuất Chính phủ tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ trong đầu tư, vận hành các NVSCC ở đô thị theo hướng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm mỹ quan, sinh thái. Muốn vậy, phải rà soát, cập nhật các mô hình và công nghệ NVSCC phù hợp với điều kiện của địa phương và phù hợp với tiêu chuẩn ASEAN, hội nhập quốc tế; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý và vận hành NVSCC; nghiên cứu các mô hình NVSCC đa chức năng, thân thiện, sạch đẹp.
VTA đề nghị tăng cường nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư, vận hành NVSCC ở đô thị như mở rộng biên độ cho vay, kéo dài thời gian vay vốn cho việc đầu tư xây dựng và vận hành NVSCC. Chính phủ cần nghiên cứu ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian doanh nghiệp xây dựng và vận hành NVSCC, ban hành tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật đối với NVSCC ở
đô thị.
* Theo ông, cần thêm những nỗ lực nào về truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng đối với NVSCC?
- Tôi cho rằng, bên cạnh việc đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tăng cường trách nhiệm của cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội địa phương trong giám sát việc vận hành các công trình NVSCC... thì việc thay đổi tư duy nhận thức là hết sức quan trọng. Số lượng, chất lượng NVSCC thiếu và yếu ảnh hưởng trước tiên đến sức khỏe phụ nữ, trẻ em. Hãy tưởng tượng, phụ nữ sẽ cảm thấy thế nào khi có nhu cầu vệ sinh mà không tìm được NVSCC hoặc tìm được NVSCC nhưng nó lại gây bất an về nhiều mặt.
* Xin cảm ơn ông.
Cần có bộ quy chuẩn cho nhà vệ sinh công cộng Quy hoạch NVSCC không khó bởi nó không cần mặt bằng rộng và TPHCM có những khu đất công, vỉa hè rộng hoặc công viên, bến xe để xây NVSCC. Chính quyền thành phố có thể chỉ đạo UBND các phường, xã thống kê lại các vị trí có thể khai thác, xây dựng NVSCC, từ đó đối chiếu với nhu cầu cũng như bán kính phục vụ để tạo ra bản đồ vị trí quy hoạch. UBND TPHCM cũng cần giao Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch và Kiến trúc đưa ra bộ quy chuẩn NVSCC, như diện tích tối thiểu, điện nước thế nào, mật độ bảng quảng cáo ra sao để các doanh nghiệp tài trợ không lúng túng. Có 2 loại chi phí cho NVSCC là chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành. Chi phí xây dựng đến từ 2 nguồn là ngân sách thành phố và các doanh nghiệp hoặc các nhà tài trợ. Khi họ tài trợ, họ nhận được quyền lợi theo mô hình hợp tác công - tư. Chi phí vận hành cũng có thể từ 2 nguồn: ngân sách thành phố và người sử dụng. Có thể dùng hình thức trả phí tự nguyện thay vì bắt buộc, cũng có thể duy trì song song hình thức bắt buộc và tự nguyện. Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế TPHCM |
Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Thời gian qua, chính quyền TPHCM cũng đã chỉ đạo khảo sát, đánh giá và đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận về sự cải thiện chất lượng, tăng trưởng số lượng NVSCC. Tuy nhiên, so với nhu cầu của người dân và du khách, cần tiếp tục đầu tư, quan tâm dịch vụ này, nhất là ở các khu vực trọng yếu về du lịch. Cử tri TPHCM từng kiến nghị chính quyền thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khai thác tốt hơn các hạ tầng, nhất là NVSCC. Hiệp hội Du lịch TPHCM cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương khảo sát tổng thể và đề xuất một số địa điểm để kêu gọi đầu tư NVSCC. UBND thành phố đang tập trung tìm các hướng giải quyết cho vấn đề này. Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa, Xã hội HĐND TPHCM |
Nhà vệ sinh công cộng tạo việc làm cho người cao tuổi Ở Singapore, đa số NVSCC phục vụ miễn phí nhưng cũng có nơi thu phí. Các NVSCC có thu phí đều do người cao tuổi quản lý. Loại NVSCC này thường thu phí vào cửa từ 10 xu (tương đương khoảng 1.800 đồng) đến 20 xu và thêm 30 xu cho một gói khăn giấy hoặc giấy vệ sinh. Những người trông coi nhà vệ sinh nhận tiền lương hằng tháng do chủ nhà vệ sinh chi trả. Mức lương cơ bản của họ dao động từ 400 đến 1.300 SGD/tháng (khoảng từ 7 đến 23 triệu đồng). Những người quản lý nhà vệ sinh có thể giữ tất cả thu nhập từ phí vào cửa và bán giấy vệ sinh nhưng họ phải thanh toán một số chi phí như giá vốn của khăn giấy và giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay cho khách, tiền điện, nước. Theo luật, tất cả NVSCC ở Singapore phải tuân thủ một bộ hướng dẫn do Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA) đặt ra. Các quy định bao gồm cung cấp những thiết bị vệ sinh cơ bản, vệ sinh và bảo trì NVSCC đúng cách. Bộ hướng dẫn này nhằm đảm bảo các NVSCC đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản. Đặc biệt, nếu ai đó quên xả nước sau khi sử dụng NVSCC, họ có thể bị yêu cầu nộp phạt hơn 150 SGD (hơn 2,6 triệu đồng) và thậm chí bị phạt tù nếu không nộp tiền. Linh La (theo AsiaOne, Seedly, Straits Times) |
Quốc Ngọc
(thực hiện)