PNO - Ứ đọng nước, không dung dịch rửa tay, không giấy vệ sinh, không hệ thống giật nước… là tình trạng chung của nhà vệ sinh trong các bệnh viện lớn, nhỏ tại TP.HCM.
Tại nhà vệ sinh công cộng nằm gần Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, các thân nhân của người bệnh vừa bịt mũi, vừa chạy vội vào “giải quyết” cho xong, nước cùng mùi hôi thối từ đó theo nhau tràn ra ngoài. Ứ đọng nước, không dung dịch rửa tay, không giấy vệ sinh, không hệ thống giật nước… là tình trạng chung của nhà vệ sinh trong các bệnh viện lớn, nhỏ tại TP.HCM.
Nhà vệ sinh gần khu hành chính của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hệ thống giật nước dù được “chế” lại nhưng vẫn không sử dụng được, nơi đây dùng thùng rác để chứa nước
Muốn đi vệ sinh, phải lội qua vũng nước
“Mẹ tôi đang điều trị ung thư tử cung ở Khoa Ngoại 1. Mỗi lần có nhu cầu tiêu tiểu, tôi phải nhịn, chờ em trai vào thay ca để về nhà trọ giải quyết; có bữa không nhịn nổi, tôi phải bịt mũi vào nhà vệ sinh bệnh viện (BV). Đây là nhà vệ sinh “nghèo” nhất mà tôi từng thấy: không giấy, không nước rửa tay; ai muốn đi, phải tự mang theo” - chị Đặng Thị Thanh Thúy, 36 tuổi, nhà ở tỉnh Long An, kể về tình trạng nhà vệ sinh ở BV Ung Bướu TP.HCM.
Bác sĩ Võ Văn Tiến - Giám đốc BV Nguyễn Trãi - nói về tình trạng nhà vệ sinh BV: “Thông thường, sau khi sử dụng xong khoảng 30 phút, mùi xú uế mới hết được - trong khi ở BV, bệnh nhân đi liên tục. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đặt tinh dầu để giải quyết vấn đề này. Nhân viên vệ sinh không thể yêu cầu bệnh nhân dùng hạn chế giấy hay dung dịch rửa tay, cũng không thể túc trực đứng canh họ sử dụng nên bị dùng hoang phí. Chưa kể, giấy vệ sinh và xà phòng mất liên tục, nhất là xà phòng cục; ngay cả bệ đỡ bồn cầu, hệ thống tiết kiệm nước, máy sấy tay cũng bị mất trộm vì không thể gắn camera trong nhà vệ sinh”.
Đúng như lời chị Thúy, nhà vệ sinh của BV không có hệ thống giật nước, ngay cả bồn rửa tay cũng bị tận dụng làm nơi đặt thùng nhựa. Đi vệ sinh xong, ai cũng tự xách nước từ một bồn chứa chung rồi quay lại dội. Do nhà vệ sinh dơ, khi “giải quyết” xong nhu cầu, một số người vội tháo chạy, quên cả dội nước; một số người ý thức hơn, xách lưng thùng nước đổ xuống “gọi là”. Vì vậy, người đi sau thường xuyên bị “dội” khi nhìn vào bồn cầu. Các bồn cầu dơ hay sạch đều tùy tâm của người sử dụng.
Quệt mồ hôi đầm đìa trán, chị Liên - nhân viên vệ sinh ở BV này - cho biết, không riêng ở đây, những nhà vệ sinh khác của BV này cũng đang xuống cấp, các buồng không có thùng nước riêng nên nhiều người đi ra luôn, không thèm quay vào dội, bồn nước rửa tay thiếu nên bị than phiền hoài. “Tôi muốn nghỉ việc cho rồi vì dọn dẹp không ngơi tay mà vẫn bị thân nhân người bệnh chửi” - chị Liên mệt mỏi.
Tương tự, nhà vệ sinh khu ngoại trú của BV Nguyễn Trãi (Q.5) cũng như muốn “thử thách” người dùng. Ở đây, cả 4 buồng vệ sinh đều hư chốt cửa, dùng chung một bồn rửa tay, không giấy, không dung dịch rửa tay. Nước từ các buồng vệ sinh tràn qua gờ cửa bể nát, tuôn lênh láng xuống sàn nhà. Đứng cách 1m, một phụ nữ vừa phải nhón chân tránh nước, vừa lên tiếng yêu cầu người bên trong đừng dội mạnh.
Giẻ lau đặt đầy sàn nhà của khu vệ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 càng khiến nơi đây đọng nước và nhếch nhác
Bước từ buồng vệ sinh ra, bà Nguyễn Hoàng Anh (56 tuổi) nói: “Tôi xin lỗi, nhưng chỗ giật nước bị hư, phải dội tay, sẵn tôi rửa luôn sàn bên trong. Mỗi người đi vệ sinh nên dọn một ít để bớt dơ, chứ không thì hôi không chịu nổi”. Đứng chần chừ trước cửa nhà vệ sinh, bà Trương Thị Thanh (65 tuổi) cho biết, bà bị giãn tĩnh mạch chân, đi đứng khó khăn nên khi thấy sàn nhà vệ sinh ngập nước, bà không biết cách nào để vào.
Ngạt thở chờ lấy mẫu xét nghiệm
Có hơn 5.000 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày nhưng khu khám bệnh trên lầu 1, BV Chợ Rẫy TP.HCM chỉ có hai nhà vệ sinh. Ngay phía cầu thang lên lầu, người bệnh xếp hàng từ bên trong nhà vệ sinh ra đến tận cửa. Nếu không để ý bảng hướng dẫn, rất dễ lầm tưởng mọi người đang chờ khám bệnh. Bên trong nhà vệ sinh thứ hai, đoàn người bịt mũi, xếp thành bốn hàng dài không kém.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc BV Nhân dân Gia Định - cho biết, mỗi ngày, BV tiếp nhận từ 4.000-5.000 người đến khám, đó là chưa kể lượng thân nhân đi theo. Hơn hai năm qua, BV đã ra sức cải thiện chất lượng phục vụ ở nhà vệ sinh. Hiện mỗi tầng lầu của BV đều có một khu vệ sinh; phía dưới sân BV, thiết bị trong nhà vệ sinh cũng đã được thay dần, có vòi nước cảm ứng. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân, thân nhân rất đông nên không tránh khỏi những thiếu sót trong việc dọn dẹp, cung cấp vật phẩm, sửa chữa thiết bị hư hỏng.
Chỉ trong vòng 5 phút, hàng chục lượt người bước vào với đủ trạng thái bực bội, cau có, than phiền. Thỉnh thoảng, họ cãi nhau vì có người lấn hàng. Nhiều người không chịu nổi, buồn nôn, phun nước bọt tung tóe nhưng không dám bước ra vì phải chờ đến lượt mình lấy mẫu xét nghiệm.
Chị Trần Thị Hoài - 23 tuổi, quê ở tỉnh Cà Mau - bức xúc: “Muốn vô đây khám, tôi phải đi xe từ tối hôm trước; 4g đến BV xếp hàng bốc số, lên lầu cũng phải đợi, bây giờ lấy mẫu thử cũng đứng chờ hơn 10 phút. Nhà vệ sinh bốc mùi khai, ngửi riết, muốn bệnh thêm”.
Nghe chị Hoài nói, một nhân viên vệ sinh tuổi trung niên ngao ngán: “Ai cũng muốn giải quyết cho nhanh để ra ngoài. Đông bệnh nhân quá, khó dọn dẹp lắm. Cô thông cảm, chúng tôi chỉ vô dọn giấy vệ sinh chứ không thể chà rửa liên tục được”.
Vì quá đông người nên nhân viên vệ sinh chỉ vào gấp giấy chứ không thể dọn dẹp, khiến nơi
đây bốc mùi rất nặng. Ảnh chụp tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Dứt lời, nhân viên này đảo mắt về phía bên cạnh rồi la lên, yêu cầu một bệnh nhân nữ quay vào dội nước. Bệnh nhân này chưa kịp vào, một bệnh nhân khác đã lên tiếng: “Thôi để tôi đi rồi dội luôn cho”. Người chờ tới lượt để vào nhà vệ sinh lấy nước tiểu xét nghiệm mỗi lúc một đông. Những người xếp hàng còn lại đề nghị hai người vào chung một buồng cho nhanh vì “phụ nữ ai cũng như ai”.
Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Q.2 - khuyến cáo: trẻ từ 9-15 tuổi có thể bị ám ảnh, sốc tâm lý, rối loạn tính dục sau này, nhất là vô tình bắt gặp vùng kín của người bên cạnh khi đi chung nhà vệ sinh không an toàn ở BV. Khi trẻ bắt gặp sự khác biệt về giới, những hình ảnh đó sẽ theo thời gian gây nên các ám ảnh cưỡng chế, tâm lý bất thường, hành vi không chuẩn mực, không phân biệt được đúng sai. Dần dần, những bất ổn này có thể trở thành bệnh lý, hoặc là trẻ lớn lên sợ hãi tình dục, hoặc là ngay ở giai đoạn đó, trẻ lại thích tình dục.
Nhà vệ sinh cũ kỹ tại khu khám bệnh của BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng khiến người bệnh vào lấy mẫu bệnh phẩm ớn lạnh. Nhà vệ sinh nữ chỉ có hai buồng luôn đọng nước, những chỗ trống được treo giẻ lau; sàn, tường bong tróc, các ống dẫn nước đều “lộ thiên”. Cả hai buồng vệ sinh đều không có chốt cửa, hệ thống giật nước hỏng, không có giấy vệ sinh. Nơi đây còn được tận dụng để dán quảng cáo dịch vụ chăm sóc người bệnh tại BV, tại nhà.
Nhà vệ sinh “5 sao” gãy vòi nước
Trên thực tế, cũng có nhiều BV đã chú ý xây dựng nhà vệ sinh hiện đại, có cây xanh, máy sấy… Năm 2017, bệnh nhân đến khám tại BV Nhân dân Gia Định vô cùng thích thú với hệ thống nhà vệ sinh “đẳng cấp 5 sao” tại đây với các thiết bị hiện đại như vòi nước cảm ứng, luôn đủ giấy, nước rửa tay, có quạt máy để sàn nhà luôn khô ráo, có cây xanh thoáng mát, nhân viên vệ sinh lịch sự, vui vẻ, nhiệt tình. Người bệnh đến khám không còn hãi hùng khi có nhu cầu cấp thiết cần giải quyết.
Tuy nhiên, sau một năm hoạt động, nhà vệ sinh “5 sao” trở thành... “có sao”: dù vẫn ít mùi hôi, có xà phòng rửa tay nhưng sàn nhà lúc nào cũng ẩm ướt, thảm lót thay vì để dưới sàn lại được gác tạm lên giá đỡ trong buồng vệ sinh, các buồng vệ sinh đều không có giấy. Khu nhà vệ sinh có hai vòi nước rửa tay dành cho nữ nhưng một vòi đã gãy, không hoạt động, vòi còn lại bị “chập cheng” chức năng cảm ứng, phải áp tay nhiều lần, nước mới chảy ra.
Tại hội nghị “Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh BV” diễn ra hồi tháng 5/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị giám đốc các BV phải chấn chỉnh khu vực nhà vệ sinh, coi nhà vệ sinh là tiêu chí đặc biệt quan trọng để chấm điểm; nếu nhà vệ sinh mức 1, mức 2 thì BV bị xếp loại chất lượng kém.
Sau khi cải tạo khu khám ngoại trú, BV Nguyễn Trãi cũng chú ý đến nhà vệ sinh tại khu này, nhưng sàn nhà vẫn ẩm ướt, trơn trượt. Được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2017, BV Nhi Đồng Thành phố (H.Bình Chánh) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng đã góp phần giải quyết tình trạng quá tải của hai BV nhi ở nội thành TP.HCM với 1.200-1.300 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Tuy vậy, nhà vệ sinh nơi đây đã bắt đầu bốc mùi hôi, ẩm ướt.
Sau khi Sở Y tế lắp các ki-ốt lấy ý kiến người dân về những nội dung không hài lòng khi đến khám tại 53 BV, vấn đề nhà vệ sinh được người bệnh phản ánh nhiều. Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết: “Nhà vệ sinh cũng là một trong những tiêu chí để sở chấm điểm BV. Cuối tháng này, sở sẽ có các đợt kiểm tra, đánh giá chất lượng nhà vệ sinh tại các BV”.
Ổ dịch trong bệnh viện
Bác sĩ Hồ Sĩ Dũng (Khoa Hô hấp, BV Thống Nhất TP.HCM, giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) khuyến cáo: nhà vệ sinh không có xà phòng, dung dịch sát khuẩn, không có giấy vệ sinh sẽ rất nguy hiểm, vì môi trường ở các BV vốn nhiều vi khuẩn, vi-rút gây bệnh tiêu hóa, bệnh ngoài da và một số bệnh về hô hấp. Khi sử dụng bồn cầu, việc tiếp xúc trực tiếp với dịch mủ của người bệnh dính trên bồn cầu qua các vết thương hở trên niêm mạc da cũng có khả năng lây các bệnh như sùi mào gà, lậu, giang mai… Cụ thể, bàn tay người lành có vết trầy xước lỡ chạm vào các vật dụng trong nhà vệ sinh có vi khuẩn lây bệnh như vòi nước, tay nắm cửa, sẽ có nguy cơ mắc bệnh lây truyền các bệnh qua đường sinh dục, dù tần suất rất thấp. Một số vi khuẩn khác cũng được tìm thấy trên bồn ngồi như vi khuẩn streptococcus gây viêm đường hô hấp, vi khuẩn E. coli gây nhiễm trùng đường tiết niệu...
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.