PNO - Mỗi lần Võ Hồng Thu ra sách, báo chí hồ hởi rộ lên cổ vũ một giọng điệu ngôn tình hấp dẫn. Một số bài viết nhận xét truyện ngắn của Thu nhiều dục tính, đầy gợi cảm. Bạn cũng đặt cho nàng cái bí danh "Thị Màu".
Tôi biết Võ Hồng Thu từ cái độ xuân thì. Nàng khi ấy là lớp trưởng của lớp văn khóa 34, đại học Tổng hợp Hà Nội với ngót trăm thành viên tụ về từ tứ xứ.
Hồi ấy, mới qua thời sổ gạo tem phiếu, điện thoại cố định là vật xa xỉ, còn cái thứ cầm tay tiện dụng nhan nhản bây giờ mới xuất hiện chưa lâu ở trời Tây xa lắc. Nên cái sự liên hệ, giao lưu bạn bè, đồng môn cực kỳ đơn giản. Hằng ngày chỉ gặp nhau loáng thoáng trên giảng đường khoảng năm, sáu tiếng. Thầy gấp giáo án, buông phấn, là cả bọn nháo nhào, mạnh đứa nào đứa nấy chạy, nên thường xuyên tắc nghẽn cầu thang. Đám ngoại trú thì đa phần xe đạp mi-pha, hãn hữu lắm mới có một tay chơi xe máy. Bọn nội trú thì nhiều chục phần trăm cuốc bộ. Thong dong dàn hàng ngang, chả buồn quan tâm đến phần đường dành cho xe cơ giới. Lượn lờ chán chê qua chợ cóc Thanh Xuân, rồi mới rau dưa lủng lẳng, túi nhỏ túi to về khu nhà ký túc…
Thu nhỏ người, thoắt ẩn thoắt hiện, hết điểm danh lại giúp thầy cô chia bài, thu bài kiểm tra. Loáng cái, sau giờ học, lại vút ra nhà xe, rồi nhanh chóng lẫn vào con đường Cao-Xà-Lá lúc nào cũng nghẹt người. Nhiều hôm đường tắc, thấy thấp thoáng áo pô-pơ-lin trắng, quần đen giản dị, nhấp nhổm, chân chống đất, tay giữ xe vài phút trước cổng trường, đợi bạn.
Nàng chỉ thật sự nổi bật mỗi cuối kỳ học trên bảng điểm của lớp, của khoa, vì luôn ở tốp dẫn đầu. Hồi ấy vẫn còn phân loại học bổng, nên kết thúc mỗi năm học lại thấp thỏm, xem năm sau, hằng tháng còn được tiếp tục nhận tiền trợ cấp của nhà nước hay không. Dạo ấy làm gì đã có phong trào làm thêm hay gia sư, nên nếu xét theo tiêu chí này, thì lúc đó Thu thuộc dạng khá giả, vì nàng được nhận học bổng toàn phần bốn năm, và ăn cơm mẹ nấu cả ngần ấy thời gian đèn sách.
Thời gian nhoay nhoáy. Khi cả bọn ngoại tỉnh còn chưa kịp tìm hiểu kỹ hơn về cô lớp trưởng nhỏ xinh, quần đen áo trắng, thì kỳ luận văn tốt nghiệp đã đến. Cả khóa chia thành nhiều nhóm, nhiều tổ. Nàng làm luận văn khác tổ nên cũng không mấy khi có điều kiện gặp nhau. Giờ nhìn lại những tấm ảnh lốm đốm, nhạt màu bởi thời gian, vẫn thấy môi ấy, mắt ấy, lay láy trên mức bình thường, mà ngày xưa vì túi bụi, bộn bề sách vở, chưa kịp ngắm nàng. Tốt nghiệp là niềm vui mừng với người này, nhưng lại là nỗi hốt hoảng với người kia. Thu - dân ngoại trú, nên chắc không phải bận tâm đến nỗi dằn vặt, về quê hay bám trụ.
Một vài năm sau ngày hồi hương, gặp mấy người bạn đồng môn trên những dòng chữ viết vội gửi qua bưu điện, cả tuần mới đến, loáng thoáng biết Thu là phóng viên của tờ báo đắt hàng nhất những năm 90, thế kỷ trước. Rồi thư ký tòa soạn một tạp chí...
Rồi lần “gặp“ Thu kỹ hơn qua điện thoại là khi truyện ngắn đầu tiên được đăng trên Tiền phong thứ ba. Hành trình của truyện này tới tay Thu kể cũng gian nan. Truyện viết tay, gửi qua bưu điện cho một người bạn. Người bạn này không có máy vi tính đành nhờ người bạn khác. Và cái người khác ấy hì hụi gõ vi tính ở một nhà người quen để bản thảo thêm phần dễ đọc. Rồi thì đến tay Thu. Rồi truyện được lên trang, trong nỗi mừng vui âm ỉ tới vài tháng sau đó của cái đứa nhà quê cách thủ đô tròn trăm cây số.
Và… nhà văn ngôn tình quyến rũ
Rồi "bà đỡ" mát tay ngày ấy chẳng chịu ngồi yên. Mười năm nàng tù tì cho ra đời bốn tác phẩm: Trà, cà phê hay là em và Gáy mảnh hững hờ, Nude tình yêu và Môi đưa bão về. Mỗi lần nàng ra sách, báo chí hồ hởi rộ lên cổ vũ một giọng điệu ngôn tình hấp dẫn.
Đọc truyện nàng, thường xuyên giật mình thon thót và nhiều lúc không khỏi thảng thốt… giá như. Giá như hơn 20 năm trước, có điều kiện gần gũi nàng hơn. Tỉ như công tác cùng nhau hay chí ít là hàng xóm sát nhà chẳng hạn. Chắc tuổi thanh xuân ít nhiều đã khác. Chẳng biết cái khác ấy hình dạng thế nào, nhưng chắc chắn mười mươi là thú vị hơn, nhiều cái để nhớ hơn.
Có ai tin được rằng, một đứa con gái, sinh ra giữa phố phường đông đúc, cách thủ đô văn minh có trăm cây số, mà nhiều cô gái tuổi trăng tròn vẫn cứ đinh ninh trong đầu rằng: vào những ngày xanh đỏ hằng tháng của một thiếu niên vừa thành thiếu nữ, nếu vô tình ngồi gần hay chẳng may nằm sát một đối tượng khác giới thì nhiều tháng sau đó, vòng hai thon gọn sẽ tự động tăng lên, và đủ ngày đủ tháng sẽ có một con người nhỏ bé chào đời.
Tác phẩm Gáy mảnh hững hờ của Võ Hồng Thu
Truyện khôi hài đó thật trăm phần trăm. Thật như chuyện đứa con thứ tư Gáy mảnh hững hờ của nàng, trước lúc ra đời nhiều ngày, bà đỡ duyên dáng Liên Việt phải tư vấn rằng, nên tiết chế để đứa trẻ thứ tư - Gáy mảnh hững hờ không quá thừa cân, béo phì, bởi điều này sẽ không thích hợp với độc giả thời 4.0, điện thoại nhoay nhoáy mà hơi ít mặn mà với sách in, báo giấy. Nàng chấp thuận tiết chế, để cuốn sách không quá dày. Nàng cũng là cộng tác viên của Báo Phụ nữ TP.HCM, và cũng có những truyện ở Gáy mảnh hững hờ đã được giới thiệu trên tờ báo vốn được chị em gần xa ưa thích...
Nghe truyện nàng, mới thấy cậu bạn cùng lớp trêu Thu là giáo sư cũng nhiều phần có lý. Nàng hiểu ngóc ngách con người, cả phần người thánh thiện, thiện lương và phần con bí ẩn, hoang dã. Ở truyện ngắn Trà, cà phê hay là em, thấy cái tình huống thường tình, thường gặp, thường chứng kiến, được nàng xử lý dí dỏm, hài hước. Trong truyện khác Đà lạt hoàng hôn... lại bắt gặp những bí mật khủng khiếp, những góc khuất có khả năng gây sốc với những người nghèo nàn kinh nghiệm sống. Một người phụ nữ xinh đẹp dở dang, khát khao yêu đương, khát khao làm lại. Một cô bé vừa qua ngưỡng thiếu niên ít hiểu biết, nhiều tò mò. Một người đàn ông tham lam, nhiều dục vọng bản năng, đam mê chiếm đoạt mà ít phần tự trọng... Tất cả được Võ Hồng Thu gói ghém trong một truyện ngắn gần 2.000 từ nhiều ám ảnh.
Võ Hồng Thu và tác phẩm Gáy mỏng hững hờ
Truyện Thu nhiều dục tính, đầy gợi cảm - một số bài viết nhận xét truyện ngắn của nàng như vậy. Nhân thể nói đến dục tính và gợi cảm, bàn luôn về cái bí danh đặc biệt mà nhóm bạn đặt cho nàng - Thị Màu.
Thiển nghĩ, trong tích chèo cổ, chẳng phải vô cớ mà cô Thị Màu xưa hiện lên, bội thực lẳng lơ, dư thừa khiêu khích. Có lẽ phải dư thừa, phải bội thực thì mới đủ sức công phá cái thành trì phong kiến vững chãi, mà ở đó người phụ nữ đố dám hiên ngang ra đường, đố dám tự tin nhìn thẳng, chứ đừng nói đến vênh mặt nhìn đời thách thức. Lẳng lơ đấy, hư thân đấy, thì đã sao... Khối người âm thầm mê mẩn, thèm muốn cái cổ trắng ngần, đôi bồng đảo phập phồng muốn nứt tung áo mỏng... không chỉ riêng Gái hư, mà nhiều nhân vật nữ trong truyện Thu đã ngầm thách thức như vậy.
Giờ, cái chế độ phong kiến kìm kẹp phụ nữ đã bị xóa sổ từ lâu. Nhưng sự e dè, ngần ngại, sợ sệt, hoang mang của tàn dư ngày trước vẫn âm ỉ chảy trong lồng ngực. Và có lẽ, đây là lý do để nàng Thị Màu hiện đại tên Thu có lý. Cái lý cổ vũ chị em, hãy tự cởi bỏ xiềng xích đôi khi tự kỷ ám thị khoác lên cổ mình. Để say đắm, để không bỏ lỡ những phút giây yêu đương thần thánh trong những tháng năm ngắn ngủi của đời người.
Như một đắp bồi hoàn thiện cho hình dung về những người phụ nữ hiện đại, Thu làm báo, viết văn, năng lượng dồi dào, và còn đặc biệt nấu ăn ngon. Thỉnh thoảng nàng đăng lên trang cá nhân ảnh bát phở sáng nghi ngút khói phục vụ chồng, con (một cậu trai du học nước ngoài đang về nhà tránh dịch, một cô gái ở ngưỡng tuổi teen), hay một bữa cơm chiều đủ dư vị... mới thấy với phụ nữ, dù có tiến tới trình độ nào, thì việc vén khéo gia đình, trau dồi bản năng nội trợ, vẫn hấp dẫn muôn đời...