Nhà văn Văn Lê: 'Viết về người lính, về nhân dân là viết về phẩm hạnh và lòng trắc ẩn'

26/12/2019 - 17:59

PNO - Ông xúc động khi nói về tiểu thuyết Phượng Hoàng của mình – tác phẩm đoạt giải nhì Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 2012 – 2017.

Nha van Van Le: 'Viet ve nguoi linh, ve nhan dan la viet ve pham hanh va long trac an'
Tiểu thuyết Phượng Hoàng của nhà văn Văn Lê

Phượng Hoàng là tác phẩm viết về chiến dịch cùng tên do Mỹ và quân đội Sài Gòn thực hiện trong giai đoạn 1968-1972.

“Hàng chục ngàn cán bộ chiến sĩ đã hy sinh và bị tù đày. Bị dồn nén đến đường cùng nhưng chiến sĩ và nhân dân ta vẫn cắn răng chịu đựng, chấp nhận hy sinh, tích cóp lực lượng để cuối cùng lật ngược thế cờ.

Phượng Hoàng là cuốn sách tôi viết về những người lính được cử xuống xây dựng phong trào cách mạng ở những vùng trắng mà không biết nơi đó có còn cơ sở hay không. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, lại bị địch phong tỏa, vậy mà ta vẫn từng bước xây dựng được lực lượng cách mạng.

Tôi luôn cho rằng căn nguyên dẫn đến thắng lợi là do phẩm hạnh của người lính, phẩm hạnh của dân tộc. Viết về người lính, về nhân dân là viết về phẩm hạnh và lòng trắc ẩn. Cái mà thiếu nó chúng ta khó có thể củng cố được danh giá và thể thống con người.

Nhờ có phẩm hạnh ấy mà dân tộc ta đã đi vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh một cách điềm tĩnh và đầy tính con người” – nhà văn Văn Lê nói.

Nha van Van Le: 'Viet ve nguoi linh, ve nhan dan la viet ve pham hanh va long trac an'
Bộ tác phẩm được trao giải Văn học nghệ thuật TPHCM

Trước đó, tiểu thuyết Phượng Hoàng cũng được trao giải thưởng 5 năm Văn học chiến tranh cách mạng và Lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng.

“Tôi đã từng nhìn thấy những người con gái hy sinh, vết thương có khi nhìn tưởng đơn giản nhưng do chảy máu bên trong mà chết, mắt họ trắng dã. Khi vuốt mắt cho họ, tôi thấy từ trong khóe mắt ấy nước mắt cứ chảy ra. Tôi đã hỏi mẹ tôi tại sao lại như thế? Bà bảo rằng: “Đó là những người chết oan con ạ”. Khi viết Phượng Hoàng, tôi đã cố gắng thể hiện điều đó” – nhà văn Văn Lê xúc động.

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc đã qua hơn 40 năm, nhưng ông bảo nhiều đêm như vẫn còn nghe văng vẳng tiếng trực thăng, tiếng súng bắn trên đầu đồng đội mình, từ đó không thể nào ngủ được.

Nha van Van Le: 'Viet ve nguoi linh, ve nhan dan la viet ve pham hanh va long trac an'
Nhà văn Văn Lê chia sẻ về tác phẩm

Trong buổi trò chuyện về các tác phẩm được trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM (2012-2017) vào sáng 26/12, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu với trường ca Giữa ngày và đêm (giải khuyến khích) cũng có nhiều bộc bạch về tác phẩm và ký ức từ những năm tháng ở chiến trường Tây Nam.

“Mãi đến năm 2018, văn chương mới viết nhiều về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và đội quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn. Những gì mà đội quân tình nguyện ấy đã làm trong suốt 10 năm ở chiến trường K., là những hy sinh mất mát không thể nào quên được” – nhà thơ Phạm Sỹ Sáu tâm tình.

Ông tham gia quân đội vào tháng 7/1977, chiến đấu ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia từ tháng 12/1977 đến tháng 8/1986. 

Nha van Van Le: 'Viet ve nguoi linh, ve nhan dan la viet ve pham hanh va long trac an'
Bộ tiểu thuyết hai tập Trong cơn lốc xoáy của nhà văn Trầm Hương đoạt giải nhì

Đề tài chiến tranh gây ám ảnh còn được thể hiện trong tiểu thuyết Hoa hướng dương (Đồng Đen, giải khuyến khích). 

“Lịch sử Việt Nam rất kỳ diệu, những cuộc chiến đấu trong nội tâm con người rất sâu sắc, rất nhân văn. Vậy mà sao chúng ta cứ phải tìm mua ý tưởng, kịch bản từ nước ngoài để làm phim mà không khai thác chất liệu quý trong nước. Nỗ lực chuyển từ tác phẩm văn học sang phim tưởng là gần mà cứ xa vạn dặm. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng tìm một ai đó thấu hiểu, và cũng tâm huyết, trăn trở để chuyển tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy sang phim” – nhà văn Trầm Hương trăn trở.  

Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM lần thứ 5 (2012 -2017) đã được thành phố tổ chức Lễ công bố và trao tặng giải thưởng trang trọng tại Nhà hát Thành phố vào tháng 4/2019. Cuộc trò chuyện cuối năm này cũng là hoạt động cuối trong chuỗi sự kiện các tác phẩm đoạt giải.

Nha van Van Le: 'Viet ve nguoi linh, ve nhan dan la viet ve pham hanh va long trac an'
Anh Dương Tấn Phong (thứ hai từ trái sang) - đại diện gia đình cố nhà văn Lê Văn Thảo lên nhận bó hoa tri ân

9 ấn phẩm được trao giải cũng vừa được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật liên kết với Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ tái bản. Ngoài các tựa sách kể trên, còn có: Truyện ký ở R – Chuyện kể sau 50 năm (cố nhà văn Lê Văn Thảo), tuyển tập thơ Bước gió truyền kỳ - Giữa ngày và đêm – Âm thanh những giấc mơ (Phan Hoàng - Phạm Sỹ Sáu - Trần Hữu Dũng), hai công trình lý luận phê bình Mỹ thuật TPHCM – Một thoáng hôm nay, một chút xưa…(Huỳnh Văn Mười) và Phương pháp phê bình điện ảnh (Trần Luân Kim) cùng tuyển tập các tác phẩm được trao giải thuộc lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh, thư pháp.

Trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM cũng tiếp tục hoạt động quảng bá các tác phẩm đoạt giải thông qua hệ thống các thư viện và các trường đại học trên địa bàn thành phố.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI