Sự xuất hiện của nữ sĩ Thụy Vũ trong buổi giới thiệu Quán văn hôm ấy còn là dịp để những người yêu văn chương nhìn lại “vết lăn trầm” trong đời một nhà văn nữ được nhận định là khá độc đáo, với những vinh quang và hệ lụy trong dòng chảy văn hóa biến thiên đỉnh triều lịch sử.
Đời văn Thụy Vũ có những điều rất lạ, không giống ai cả, vô tình lại ứng vào cái tên thật của bà là Nguyễn Thị Băng Lĩnh - "băng" qua mưa gió, đoạn trường hay đêm tối một cách bản "lĩnh". Tôi viết điều này không phải ngẫu nhiên, mà là hậu chứng khi đã đọc trọn vẹn 10 tác phẩm của bà. Những truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết Lao vào lửa, Chiều mêng mông, Mèo đêm, Thú hoang, Cho ngọn gió kinh thiên, Nhang tàn thắp khuya, Khung rêu, Chiều xuống êm đềm, Ngọn pháo bông...
|
Nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp tặng nhà văn Thụy Vũ những tư liệu viết về bà cách đây hơn 40 năm khi mới bước vào trường văn trận bút - Ảnh: Hoàng Thu An |
Hiếm thấy một cây bút nào có đời sống riêng dữ dội, quyết liệt, nghiệt ngã và cũng đầy bản lĩnh như Thụy Vũ. “Mèo đêm” đã ám vào cuộc đời bà chăng? Như nhà văn Isaac Babel đã viết: “Sự sáng tạo không cư ngụ trong những lâu đài”, cuộc đời bà đủ để dựng thành bộ phim ly kỳ hay “đoạn trường hơn các nỗi đoạn trường” mà không cần thêm bớt gì nữa.
Ngẫu nhiên, đời văn của bà bị cơn gió chướng lịch sử thổi tan hoang. Một khoảng trống nhức mắt. Tuy nhiên, từ bờ của trống không đó dội ngược về một miền xa thẳm của thời gian đầu, trong lòng đô thị miền Nam những năm 1960, với những sáng tác bạo liệt và mạnh mẽ của trào lưu nữ giới viết văn xuất sắc nhất thời đó. Từ Vĩnh Long, Thụy Vũ đã mang lên Sài Gòn một khí hậu văn chương riêng biệt, pha chút tươi mát miệt vườn và nỗi hoang mang, vò xé như thắt buộc, đa mang không thể chối từ khi phải hòa nhập với đời sống đô thị hiện đại.
Ngạc nhiên là, chỉ trong một thời gian ngắn, bà đã xuất sắc hoàn thành văn nghiệp của mình. Văn phong Thụy Vũ đạt độ xuất thần ở cách nói, cách nghĩ tự nhiên, bộc phát mà sâu sắc, không màu mè làm dáng; để sau đó gần nửa thế kỷ thì ngừng viết hẳn. Nay nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản toàn bộ trước tác của bà, văn phong, bút pháp, ngôn ngữ Thụy Vũ lại “tạo sóng” trong lòng người đọc.
Cùng tiến sĩ Hoàng Kim Oanh, nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp, chúng tôi đã tìm đến Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) thăm nhà văn “Mèo đêm”. Gọi bà là “mèo đêm”, theo tôi là chuẩn xác, vì đây là tập truyện ngắn gồm những truyện đầu tay của bà khi bất ngờ xuất hiện chốn trường văn trận bút. Đường đến Lộc Ninh bạt ngàn bụi đỏ và những cánh rừng cao su cành nhánh như đang với lên bầu trời mây xám, tôi vẫn không thể hình dung làm sao một nữ sĩ thành danh ở đô thành lại có thể lui về sống ở một lõm gió ngút xa xôi. Phải chăng nhà văn là người nghệ sĩ luôn đi tìm những tiếng nói bất tận của cuộc đời, để viết thành những trang văn, nhưng kể cả khi những trang văn khép lại, họ vẫn không thể hiểu hết tiếng gọi của nó?
Nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp đã cất công tìm những tác phẩm, bài viết đầu tiên về nhà văn Thụy Vũ và cho tôi mượn. Nhờ thế mà tôi mới được nhìn lại cuốn Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay của Tạ Tỵ, với bức chân dung độc đáo ông vẽ cô gái Nguyễn Thị Băng Lĩnh với mỏm tóc đuôi gà buộc ngỏng lên cao cùng đôi mắt mang ánh nhìn cương nghị.
Còn nhớ, lần đầu tôi được đọc tập truyện Mèo đêm trong tủ sách lớn của cha tôi - những cuốn sách ông gọi là “vùng cấm”, xếp riêng ở góc tủ cao ngất mà khi cần, phải bắc ghế mới lấy được. Sau này, khi tôi trò chuyện với cha về văn học miền Nam cũ, ông nói: “Bà có một lối viết táo bạo và tàn nhẫn lắm! Trước Thụy Vũ, người đọc miền Nam chưa có thói quen tìm sách nữ giới viết văn. Phải sau bà và một vài cây bút nữ nữa thì người đọc đã có nhu cầu, luôn ngóng tác phẩm mới của họ”.
Độc đáo làm sao khi sự tàn nhẫn, táo bạo của ngòi bút Thụy Vũ đã để lại một vệt xước nhỏ trong ký ức mông lung từng trải của ông. Vâng, chỉ một chi tiết. Trong một truyện ngắn, bà đã mô tả cô gái bar hạng sang, đang thời “đắt đào”, đã “ăn khách” làng chơi liên tục. Vì không đủ thời gian, cô đã nằm luôn trên sofa, để chiếc vòi robinet bên cạnh và mở nước rửa liên tục sau mỗi lần tiếp khách. Chi tiết đắt giá mà rùng rợn.
Cũng trong tập truyện Mèo đêm, tôi đã tìm được những câu văn diễm tuyệt. Hay, đẹp, tinh tế và sắc lạnh viết về cái đẹp, người phụ nữ, những khát khao và vò xé tưởng không còn ngôn ngữ nào mô tả hơn được nữa: “Da thịt nàng đã rã rời tới từng cơn ân ái miễn cưỡng. Tâm hồn nàng lúc nào cũng bị giày vò bởi khao khát”. “Khách tìm hoa thường cạn cợt, thích làm xoa dịu cơn nổi loạn của tế bào chớ mấy ai đi tìm được cái đẹp huyền nhiệm ẩn trong người đàn bà”.
Khi nhà văn đã làm cuộc săn lùng vượt qua các rào cản luân lý, giới hạn, ngòi bút của họ đã trở nên lạnh lùng, buốt giá. Ngòi bút đã hóa thành con dao của bác sĩ giải phẫu trong ca mổ khốc liệt.
Nguyễn Hữu Hồng Minh