Nhà văn Trương Văn Dân - Giữa tâm dịch, anh là người trở lại

18/04/2020 - 13:11

PNO - "Điều gắn kết hai con người, ngoài tình cảm ra còn có tiếng cười. Người nào có thể mang đến cho ta nụ cười thì ta khó mà buông bỏ họ…”

Tháng 12/2019, nhà văn Trương Văn Dân cùng vợ - nhà văn Elena Pucillo Truong - về Ý để ra mắt tác phẩm Một phút tự do. Tháng 2/2020, để chồng trở về Việt Nam trước, Elena ở lại với gia đình thêm một thời gian. Nhưng rồi khi dịch bệnh bùng phát ở Ý, chuyến bay sang Việt Nam của bà bị hủy, bà bị kẹt lại tại Milan. Từ Sài Gòn, nhà văn Trương Văn Dân đã đặt ngay vé máy bay trở lại Ý trước khi Việt Nam cũng tạm dừng những chuyến bay đi châu Âu. Ông muốn cùng vợ san sẻ nỗi lo, cùng vượt qua đại dịch lần này.  

Hình ảnh hạnh phúc thường thấy  của vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong
Hình ảnh hạnh phúc thường thấy của vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong

Mối tình Việt - Ý của đôi vợ chồng nhà văn ấy từng dệt nên một câu chuyện đẹp, được bạn văn, bạn đọc ngưỡng mộ. Trước đây, trong căn hộ ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), hai nhà văn vẫn thường cùng nhau viết văn, dịch sách. Bây giờ, ở Milan, trong một căn phòng nhỏ hơn, nhà văn Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong vẫn tiếp tục cùng nhau viết những câu chuyện từ tâm dịch, cùng nhau đọc sách, nấu ăn, chia sẻ và động viên tinh thần nhau để vượt qua tai ương.

Tôi hỏi họ, có quá lời không khi nói rằng trong mọi tai họa, bất trắc mà con người phải gánh chịu, thì tình yêu vẫn là ánh sáng rực rỡ nhất khiến cho tất cả phải cúi đầu và nhận về câu trả lời nhẹ nhàng nhưng đủ đầy về “định mệnh”, rằng chỉ là hai người đã may mắn được gặp nhau trong sự “đồng cảm, phù hợp và có thể chia sẻ cùng nhau”. 

Nhà văn Trương Văn Dân đã xuất bản các tác phẩm: Hành trang ngày trở lại, Bàn tay nhỏ dưới mưa, Milano - Sài Gòn, đang về hay sang?; dịch tác phẩm văn học Ý: Mùa hè tươi đẹp... Còn nhà văn Elena Pucillo Truong có tập tùy bút và truyện ngắn Một phút tự do được trao tặng thưởng Hội nhà văn TP.HCM 2016, tập truyện ngắn Vàng trên biển đá đen nhận được tặng thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2019. Các tác phẩm của Elena đều viết bằng nguyên tác tiếng Ý, được nhà văn Trương Văn Dân chuyển ngữ. 

Chuyến bay bão táp

Phóng viên: Tình hình dịch bệnh tại Milan nói riêng và nước Ý nói chung, theo quan sát của ông, hiện tại như thế nào? 

Nhà văn Trương Văn Dân: Hình ảnh người chết ở thành phố Bergamo được xe quân đội chở đi hỏa táng khiến mọi người bàng hoàng. Nhưng các bạn chắc cũng đã thấy người Ý hát trên ban-công cổ vũ nhân viên y tế và xóa đi nỗi sợ hãi. Người Ý rất nghệ sĩ, nhân văn và là một dân tộc kiên cường, tôi tin họ có đủ can đảm và trí tuệ để vượt qua và đứng dậy sau đại dịch.

Milan - nơi tôi ở - cách thành phố Bergamo khoảng 30km, hiện tương đối ổn. Khi về Ý, tôi có lo lắng nhưng không sợ hãi. Tôi có niềm tin vào tất cả mọi người đang làm việc với ý thức trách nhiệm cao, để tìm ra giải pháp và giúp đỡ người bệnh. Tôi nghĩ, sau dịch bệnh, chúng ta không thể quay về lối sống cũ, tiêu thụ vô tội vạ, gây ô nhiễm môi sinh và phung phí tài nguyên như đã từng.

Xưa nay, con người thường tự phụ là loài thượng đẳng nên tha hồ hủy hoại thiên nhiên, giết chóc lẫn nhau từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác. Phải thay đổi thôi, nếu không thiên nhiên sẽ mệt mỏi vì chúng ta. Trái đất nóng lên. Băng tan. Nước biển dâng. Hạn hán. Cháy rừng. Bão tố. Động đất. Dịch bệnh…

Các tác phẩm của đôi  vợ chồng nhà văn  Trương Văn Dân và  Elena Pucillo Truong
Các tác phẩm của đôi vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong

* 33 giờ đồng hồ trên hành trình quay trở lại Ý, ông đã chứng kiến những gì?

- Mỗi năm, vợ chồng tôi đều về Ý ít nhất một lần. Nhưng đây là chuyến về bão táp nhất. Dịch bệnh lan tràn khắp mọi nơi, các đường bay quốc tế bị cấm hay hủy chuyến. Cảm giác như chiến tranh lan rộng. Nỗi sợ tràn ngập suốt hành trình. Đến sân bay Roma, tôi có cảm giác như nước Ý đang bị chiếm đóng. Hàng quán đóng cửa, nhân viên an ninh nhiều hơn hành khách vì lệnh phong tỏa. Họ kiểm tra ai đi, ai đến, mọi người đều phải có giấy tờ xác nhận nhân thân và lý do di chuyển.

Chuyến đi khẩn cấp, tôi không có quà gì cho vợ ngoài trái tim và ước mong đến nơi an toàn, nếu không, mọi nỗ lực đều vô ích. Hành trang là một ít sách tiếng Việt và tiếng Ý mua đã lâu mà chưa kịp đọc, vài ký sả, gừng, chanh và một số khẩu trang, nước rửa tay, thuốc súc họng mà tôi được bạn bè tặng hay mua để mang qua tặng bạn bè, hiện nay rất khan hiếm ở Ý. 

* Ông có phải bỏ dở những dự định ở Sài Gòn khi chọn trở lại Ý vào lúc này?

- Ở Sài Gòn, hiện chúng tôi có hai quyển sách sắp in: tái bản Một phút tự do của Elena (nguyên tác tiếng Ý:  Un istante di libertà) và tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần của tôi, viết về những tai họa thế giới và giấc mơ Việt Nam. Tôi nghĩ, Trò chuyện với thiên thần nếu in lúc này là phù hợp vì bệnh dịch, ô nhiễm, trí thông minh nhân tạo và những vấn nạn thế giới được viết trong sách. Tiểu thuyết này tôi viết trong sáu năm, dày 500 trang. Chúng tôi còn muốn in một bản dịch Văn tế thập loại chúng sinh (Nguyễn Du) sang tiếng Ý, đã dịch xong, dự kiến in song ngữ.  

“Tiếng quát của kẻ thất phu không đáng sợ bằng sự im lặng của nhà hiền triết"

* Mới đây, nhà văn Diêm Liên Khoa (Trung Quốc) có bài viết, đại khái rằng văn học “yếu đuối, cô độc và bất lực” trước những vấn đề lớn của toàn cầu, của nhân loại. Ông nghĩ sao, thưa nhà văn? 

- Văn học, theo tôi chỉ đưa ra những vấn đề chứ không phải giải quyết. Nhưng nếu nhìn dưới góc độ  về khả năng dự báo cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, mọi người chẳng ai nghe tiếng nói của nhà văn đâu. Nói “yếu đuối, cô độc và bất lực” cũng không sai. Trong tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần, tôi có viết: “Người ta bảo, tiếng quát của kẻ thất phu không đáng sợ bằng sự im lặng của những nhà hiền triết. Vì khi trí thức im lặng hay không còn không gian để lên tiếng thì xã hội bắt đầu chông chênh, những sai phạm không còn ai dám chỉ ra. Hậu quả chỉ biết được sau khi mọi sự xáo trộn đã xảy ra, mà khi nhận ra thì quá muộn và quá nguy hiểm”. 

Nhìn lại một số đổi thay chính trị lớn trong thế kỷ, tôi nghiệm ra một điều: nơi nào có sự tham dự tích cực của giới trí thức và văn nghệ sĩ yêu nước, yêu sự sống và can đảm đứng lên tranh đấu quyết liệt cho điều mình tin thì ở nơi đó, sự đổi thay mang lại ít bạo lực nhất và xã hội phát triển nhanh nhất.

* Nếu văn chương chỉ còn là sự giãi bày tự thân thì nhà văn cũng sẽ chỉ viết được những điều “quẩn quanh nhỏ bé”…

 - Không có người viết nào thoát khỏi cá nhân của mình. Dù có hư cấu đến đâu, một chút người, một chút ta, cũng luôn có bóng hình ta trong đó. Với tôi, những câu chuyện có tính cách “quẩn quanh” thường được tôi viết dưới dạng tùy bút, truyện ngắn. Còn để nói lên những trăn trở về xã hội mình đang sống, dự báo hay nhận định, tôi sẽ chuyển qua tiểu thuyết, viết từ góc độ một nhân chứng, làm một kẻ quan sát và bình luận về những điều trông thấy, chiêm nghiệm.

 

 * Có sự lựa chọn khiến con người phải tranh đấu. Nhưng cũng có sự lựa chọn là từ bỏ khi ta đã thấm thía cuộc đời này. Với ông, trong cuộc đời này, suy cho cùng ta cần lựa chọn gì, từ bỏ gì?

- Trong cuộc sống, có lẽ điều khó nhất là chọn lựa, vì chọn lựa điều này thì điều kia sẽ mất. Nhưng tôi cũng không muốn sống mà phải thỏa hiệp, mang mặt nạ, không thể sống như mình muốn mà phải sống như một kẻ khác.

Sống giả là một bất hạnh. Vì đến cuối đời, thế nào cũng có lúc ta phải tự hỏi mình, sao mình lại phải sống như thế, sao phải quay lưng hay chia lìa với một người mà mình không dám yêu, từ bỏ một cuộc đời mà mình không dám sống. Tại sao mình phải mất thời gian để sống một cuộc đời không mong muốn. Sống mà được “yêu ai cứ bảo rằng yêu, ghét ai cứ bảo rằng ghét” như Phùng Quán là thích nhất. 

* Và theo ông, những điều gì mà một người đàn ông nhất định phải làm để gìn giữ tình yêu, hạnh phúc?

-Trong Trò chuyện với thiên thần, tôi viết đoạn đối thoại có thể thay câu trả lời: “Ba không có công thức. Ba cũng chẳng có câu trả lời về những vấn đề hạnh phúc trong hôn nhân. Nó trừu tượng, to lớn và phức tạp. Cách sống của ba là chia sẻ và đối thoại. Đến với nhau bằng tấm lòng chứ không phải chỉ vì toan tính, chỉ muốn dựa vào, mà không làm điểm tựa. Nói cách khác, ba và mẹ đến với nhau vì thấy có ai đó cần đến mình, để thấy mình hiện hữu và hiện hữu có ích. Tình cảm đó là hạt nhân yêu thương nằm trong mỗi chúng ta và nẩy mầm thành tình yêu.

Con biết không? Điều gắn kết hai con người, ngoài tình cảm ra còn có tiếng cười. Người nào có thể mang đến cho ta nụ cười thì ta khó mà buông bỏ họ…”.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 

Nhà văn Elana Pucillo Truong : Nuôi dưỡng tình yêu như chăm sóc một cái cây 

* Một ngày của ông bà bây giờ có thể hình dung như thế nào?

Nhà văn Elena Pucillo Truong: Chúng tôi sinh hoạt bình thường như nhiều gia đình khác, lau và diệt vi khuẩn sàn nhà, các cửa sổ, giặt quần áo, màn, drap giường, nấu ăn… sắp xếp đi mua thực phẩm mỗi tuần một lần, mua nhanh về nhanh. Cũng như chồng, tôi dành nhiều thời gian đọc sách, xem tin tức, có cảm hứng thì viết. Chúng tôi cũng thường gọi điện hỏi thăm người thân, bạn bè, đồng nghiệp…

Nhà văn Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong trong buổi ra mắt tác phẩm  Vàng trên biển đá đen và Milano - Sài Gòn, đang về hay sang?
Nhà văn Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong trong buổi ra mắt tác phẩm Vàng trên biển đá đen và Milano - Sài Gòn, đang về hay sang?

* Trong hiện tại này, điều bà nhớ nhất về Sài Gòn là gì? 

- Tôi nhớ những tiếng cười vô tư, vô vụ lợi và hồn nhiên của bạn bè, những buổi cà phê ăn sáng đôi khi rất đơn giản với bắp, đậu phộng luộc, khoai lang... Tôi nhớ những giọng nói đầy âm nhạc của tiếng Việt, nghe như chim hót. Tuy là người Ý nhưng tôi sống với hai trái tim, Việt Nam và Ý. Tôi yêu quý Việt Nam và các bạn, nhất là những người bạn văn chương.

Ở Việt Nam, ngoài chồng và gia đình chồng, tôi còn có những người bạn văn, tôi luôn thấy họ như gia đình của mình. Những hôm còn một mình ở Ý, tôi đã khóc vì xúc động khi nhận được nhiều tin nhắn từ các anh chị em ở Việt Nam hỏi thăm tình hình, chúc bình an cho tôi và gia đình trong cơn dịch bệnh. Mọi người bảo đang nhớ tôi, lòng họ luôn ở bên tôi và mong ngày gặp lại…

* Nếu kể với độc giả Việt Nam về nước Ý những ngày này, chị muốn kể những  gì?

 - Tình hình dịch bệnh ở Ý những ngày qua rất kinh khủng. Tôi rất buồn nhưng không muốn những tin tức về người mất vì COVID-19 quật ngã mình. Tôi vẫn viết về góc nhìn của mình trong tâm dịch. Mới đây, tôi có tạp bút Cuộc chạy đua với thời gian được in trên báo Thanh Niên, nói về tâm trạng của tôi khi chuyến bay về Việt Nam bị hủy. Tôi vừa viết tiếp bài Hiện thực như cơn ác mộng. Tôi cũng có nhiều ý tưởng để viết đề tài khác nhưng có thể nói, những gì tôi đang viết lúc này đều là những đề tài nóng. 

* Nhiều bạn bè văn chương rất ngưỡng mộ bà. Vì với nhiều người, hạnh phúc có khi là điều “xa xỉ” khi họ còn chưa kịp bước qua bên kia dốc của cuộc đời…

- Nuôi dưỡng tình yêu giống như chăm sóc một cái cây, cần bón phân, đủ nắng, gió và tưới nước mỗi ngày. Mà không chỉ tình yêu, tình bạn cũng vậy. Đừng để mối quan hệ khô héo, nhàm chán. Cần quan tâm đến nhau vì sự dửng dưng sẽ giết chết mọi mối quan hệ. Tất nhiên, mỗi người đều phải tự tìm lấy những nguyên tắc theo cách của mình, nhưng trên tất cả phải đến từ sự thành thật, chân tình và tự nhiên, không ép mình phải làm thế này hay thế khác. Như vậy thì không kết quả gì. 

* “Yêu một nhà văn” - với bà, hạnh phúc đã được định nghĩa ra sao?

- Nhà văn có lẽ luôn nhạy cảm hơn người thường. Nhưng hạnh phúc nào cũng dựa trên sự đồng cảm và chia sẻ, quan tâm đến nhau, nhất là cảm xúc của nhau. Trên thế giới, có nhiều cặp đôi là nhà văn như ở Ý có nhà văn Moravia với vợ là Dacia Maraini, ở Pháp có Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir… Họ sống khá hạnh phúc với nhau. Không có công thức hay quy tắc nào cho hạnh phúc, mỗi người tùy theo độ nhạy cảm và tính cách của mình mà biết bạn đời cần điều gì, nên hay không nên làm. Quan trọng là biết lắng nghe nhau, bớt cái tôi đi một chút, nghĩ đến cái chúng ta để chia sẻ tình cảm và trách nhiệm.

* Tôi tò mò một chút, góc bếp trong một gia đình Việt - Ý thường sẽ như thế nào?

- Có cả món Ý lẫn món Việt. Chồng tôi rất thích món ăn Ý và tôi cũng biết chế biến vài món ăn Việt Nam mà anh thích, như thịt kho, các món xào… Hai chúng tôi đều thích ăn rau hơn thịt cá và không chế biến rườm rà.

* Những kỷ niệm vui của Elena khi “làm dâu Việt Nam”?

- Tôi may mắn được biết ba chồng vào năm 1985, sau đám cưới chúng tôi về Việt Nam. Ông hiền hậu, thông minh và nói tiếng Pháp rất giỏi nên những ngày đầu về nhà chồng, tôi được ông giúp cho hiểu biết nhiều về văn hóa gia đình, đạo Phật và tập quán, phong tục Việt Nam.

Năm 1990, tôi còn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi mẹ chồng qua Ý thăm và ở cùng chúng tôi hơn nửa năm. Bà cũng dạy cho tôi nhiều về lòng nhân. Tôi không quên một buổi tối, đang xem ti vi, thấy cảnh động đất ở Mỹ, cầu sập, nhiều người chết… bà vội vã chạy đến trước bàn thờ Phật thắp nhang và ngồi hàng giờ cầu nguyện cho người thân và chúng sanh. Sau này, tôi quy y theo đạo Phật là nhờ những bài học thực tế từ ba mẹ chồng. 

* Ông bà có dự định viết một tiểu thuyết cho chính mình? Tôi nghĩ đó cũng là điều bạn đọc mong chờ…

- Khi tôi viết về một điều gì đó, luôn có một chút mình, một chút cuộc đời. Không có trang viết nào không đi từ kinh nghiệm hay hiểu biết của chính mình. Tôi chỉ thích những trang viết ngắn mà cô đọng. Còn chồng tôi thì thích trải lòng qua những trăn trở về cuộc sống và phận người nên chỉ có tiểu thuyết mới tải được những gì anh muốn nói. Anh rất kiên nhẫn, thói quen trong nhiều năm nghiên cứu khoa học nên có thể lặp đi lặp lại những thí nghiệm cho đến khi có kết quả và không bao giờ bỏ cuộc. Tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần đang ở nhà in thì anh đã bắt đầu viết hai cuốn tiểu thuyết mới, một bản thảo đã được hơn 100 trang A4...

* Cảm ơn bà đã chia sẻ. 

Bùi Tiểu Quyên (thực hiện) 

Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI