Nhà văn Trường An: Khóc khi viết về nhân vật lịch sử

14/05/2022 - 07:19

PNO - Một cảm giác chìm đắm khi đọc các tác phẩm của Trường An, như thể được trở về với không gian của vương triều cũ, đi cùng những nhân vật mà cuộc đời họ gắn liền với những giai đoạn lịch sử đầy biến động…

1.Trăng bạc hồ xanh

“Tháng mười hai, mùa đông năm Ất Mùi, triều đình nghị sự, phán quyết tịch biên gia sản cố Tổng trấn Bắc thành Lê Chất. Vợ và tất cả con trai Lê Chất đều bị xử trảm giam hậu. Mùa thu năm Mậu Tuất, kỳ thu thẩm, án được thi hành…”.

Tiểu thuyết Trăng bạc hồ xanh được mở đầu như thế. Tác phẩm này đã được nhà văn Trường An cho đăng tải trên trang cá nhân truongan.name và hiện đang được chị sửa lại một số chi tiết để có thể in thành sách. Tổng trấn Bắc thành Lê Chất là nhân vật từng xuất hiện trong Vũ tịch - tiểu thuyết viết về số phận của công chúa Lê Ngọc Bình - xuất bản năm 2017. Các nhân vật đều có những mối liên hệ trong các tác phẩm của nhà văn Trường An, vì giai đoạn chị chọn viết là từ cuối triều Lê đến thời Tây Sơn và triều Nguyễn, đặc biệt là về vua Gia Long - Nguyễn Ánh.

“Muốn viết về thời đại này phải đọc và hiểu lịch sử từ cả trăm năm trước, muốn lý giải vì sao trong đại cuộc ấy, các nhân vật lại hành xử như thế này mà không phải như thế khác, cũng cần phải hiểu rõ tường tận những nguyên nhân lịch sử của nó. Mà đọc càng nhiều tư liệu, tôi càng nhận ra được nhiều khía cạnh khác của con người, của nhân vật lịch sử. Tôi tin rằng việc tìm hiểu lịch sử cũng là cách để nhìn nhận chân xác bản thân và cuộc sống. Và viết là cách để đối thoại, phản biện, hiểu sâu hơn các vấn đề” - nhà văn Trường An chia sẻ. 

Tư liệu thì ngắn gọn, lịch sử có phần khô khan, nhưng từ những ghi chép có khi rất ít ỏi ấy, nhà văn đã tái dựng thời đại và con người bằng một văn phong hấp dẫn đến kinh ngạc. Bước vào những trang viết của Trường An, từ Trăng bạc hồ xanh đến Vũ tịch, Hồ Dương, Thiên hạ chi vương… như được cùng những nhân vật trở về với kinh thành xưa, với vương triều đã mất, mà ở đó, thế sự vần xoay, con người chìm đắm trong tranh đấu và bi thương.

Trường An nói chị đã viết như thể “nhập thân” vào các nhân vật của mình, mỗi khi hoàn thành xong một tác phẩm, cảm giác thường trực của tác giả là “kiệt quệ”, như thể chính chị vừa trải qua những đoạn trường bi thương mà nhân vật đã phải trải qua. Đó cũng là điều mà người đọc có thể cảm nhận khi lần bước theo tâm tư của công chúa Lê Ngọc Bình, công chúa Ngọc Du hay của Quang Thùy, Quang Toản (Cảnh Thịnh hoàng đế, con trai vua Quang Trung), Võ Tánh, Nguyễn Ánh (vua Gia Long)…


Hai trong số nhiều tác phẩm của nhà văn Trường An

Chuyện kể của một hòn đá “lang thang qua những ngõ ngách quanh quanh, lạc giữa tâm người hỗn loạn”, chuyện về một kinh thành bên cạnh dòng sông, về những nữ linh được tạo thành từ mây, nước và ánh sáng… Cách tiếp cận và lựa chọn thể hiện góc nhìn của nhà văn có lúc mơ hồ bàng bạc, mà cũng có khi thật sáng rõ, lịch sử trong văn nhưng cũng là lịch sử trong tư liệu.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng nói rằng, đọc tác phẩm của Trường An đến đâu cũng đều thấy những dẫn nguồn tư liệu hết sức rõ ràng, thuyết phục. Nhà văn chỉ trao tâm tư, gửi những kiến giải, xử lý tình huống, tái hiện không gian sống động, thuyết phục. Nhưng để làm được điều đó, có khi phải mất vài năm nghiên cứu mới tìm thấy cách giải quyết hợp lý, giải tỏa được khúc mắc trong lòng về một vấn đề hay cách ứng xử của nhân vật trong tác phẩm. Và chỉ đến khi “ngộ ra chân lý”, cảm thấy thật sự hài lòng và an tâm, chị mới cho in thành sách. Nếu không cứ “để đó, sửa cho đến khi nào vừa ý thì thôi”. Như tiểu thuyết Trăng bạc hồ xanh, chị đã để đó và sửa trong suốt ba năm, chỉ vì một vài chi tiết chưa thật sự vừa lòng. 

2. “Máu chảy trên đầu ngón tay”

Trường An là một trong số rất ít nhà văn 8X lựa chọn và theo đuổi bền bỉ với tiểu thuyết lịch sử. Tạo ấn tượng sâu sắc với những bộ/tựa sách lịch sử đồ sộ, có tác phẩm dày đến trên ngàn trang như Hồ Dương (hai tập), Vũ tịch, Thiên hạ chi vương, Ngoài bờ đông là mặt trời và Thiên nhạc, nhưng tác giả rất kín tiếng. Chị ít chịu xuất hiện trước công chúng dù là để giao lưu, trò chuyện về những tác phẩm của mình. “Có nhiều lời đề nghị nhưng tôi nghĩ thôi, hãy cứ để cho độc giả nếu yêu thích thì tìm đọc tác phẩm. Còn ra mắt có khi người ta lại nghĩ tác giả này chắc chỉ viết… linh tinh ngôn tình chứ không viết nổi điều gì hay ho đâu mà” - Trường An cười.

Đó là vì chị có khuôn mặt trẻ hơn tuổi rất nhiều, phong cách nói chuyện cũng rất trẻ trung, nếu chỉ nhìn qua vẻ ngoài, có thể dễ gây ngộ nhận cho bạn đọc. Trường An bảo rất sợ mọi người hiểu sai, và bao nhiêu công lao mình dồn vào trang viết có thể không được coi trọng. 

Những ai đã đọc Trường An có lẽ sẽ giật mình và cảm phục, vì một giọng văn hết sức khác biệt với những tiểu thuyết lịch sử viết về triều Nguyễn. Trò chuyện với chị, cảm thấy như có mối giao cảm đặc biệt giữa nhà văn và các nhân vật. Người ta thường nói, viết văn có nghĩa là “máu chảy trên đầu ngón tay”, nhập thân đến cùng cũng có nghĩa là sống đến cùng với từng số phận. Vừa viết vừa khóc là chuyện bình thường với nhà văn, viết xong có khi hàng tháng trời mới có thể thoát ra được tâm cảm của nhân vật là chuyện bình thường của Trường An.

“Tôi thậm chí có những lúc thấy tâm tư của mình không sống ở thời đại này” - chị cười. Cảm giác cô độc thường trực và “lạc thời đại” vẫn thường trực trong lòng chị. Tâm cảm ấy vẽ nên sắc diện, nhà văn của đời thực cũng mong manh và phiêu lãng như những nàng công chúa của vương triều mà chị chọn viết. 

Những nhân vật của lịch sử, họ không có lựa chọn khác trong cuộc xoay vần của thời cuộc, những binh biến những hy sinh. Họ là nạn nhân, là chứng nhân mà cũng có thể là mắt xích có thể làm thay đổi cả một triều đại. “Họ là những người anh hùng. Mà chúng ta không được phép lãng quên”. Càng đọc Trường An càng cảm thấy chị như thể là người được chọn để dấn thân vào những trang viết, về một vương triều đã mất… 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI