Nhà văn Diêm Liên Khoa đã gặp gỡ sinh viên ngữ văn, nhân tiểu thuyết Đinh Trang mộng vừa xuất bản, tiểu thuyết Tứ thư đang rục rịch ra mắt tại Việt Nam.
Với những suy tư trực tiếp, nhìn thẳng vào lịch sử và hiện thực Trung Quốc, con người Trung Quốc, nhiều tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa đến nay vẫn gây tranh luận tại nước này.
Trong mấy chục năm viết văn, Diêm Liên Khoa nhận rất nhiều giải thưởng văn học danh giá trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt, năm 2014, ông là nhà văn Trung Quốc đầu tiên và là nhà văn châu Á thứ 2 (sau Haruki Murakami) nhận giải thưởng văn học Kafka - một trong những giải thưởng văn học danh giá trên thế giới hiện nay. Tiêu chuẩn đề cử của giải thưởng này là tác phẩm phải có “tính nhân văn cùng việc đóng góp vào sự khoan dung văn hóa. Hơn nữa, vai trò của nó phải đủ vững bền, đồng thời thể hiện một cách hiệu quả những bằng chứng về thời đại của chúng ta”.
Tại Việt Nam, 5 tác phẩm của ông đã được xuất bản: Phong Nhã Tụng, Người tình phu nhân sư trưởng, Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn, Kiên ngạnh như thủy, Đinh Trang mộng. Tứ thư là quyển thứ 6 và 5 cuốn khác cũng sẽ được dịch, xuất bản tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại cuộc nói chuyện với sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội, giáo sư Vương Nghiêu (Đại học Tô Châu, Trung Quốc) nói: Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Diêm Liên Khoa là những nhà văn quan tâm tới vấn đề nhân tính, đều thể hiện sự kinh sợ với ngôn ngữ và dùng việc viết để thúc đẩy văn học Trung Quốc. Nếu không có 3 người đó, khó có sự phát triển của văn học Trung Quốc hôm nay.
“Trong khi nhiều nhà văn khác hài lòng với thành tựu, Diêm Liên Khoa không dừng lại. Mỗi tác phẩm của ông là một sự nhảy vọt về tư tưởng và khi ông viết xong một tác phẩm, ta thấy, ông sẽ không thể viết thêm tác phẩm nào khác tương tự. Diêm Liên Khoa là nhà văn tiên phong, tiến bộ, không ngừng tiến về phía trước. Theo tôi, Diêm Liên Khoa là một nhà văn lịch sử” - giáo sư Vương Nghiêu khẳng định.
Nếu chỉ nói về tính thiện, văn học khá đơn giản và nông cạn
Phóng viên: Tiểu thuyết Đinh Trang mộng của ông từng được chuyển thể thành phim Tối ái (2011) với sự tham gia của Quách Phú Thành và Chương Tử Di. Ở phần đầu phim thể hiện, những chi tiết trong phim chỉ là hư cấu, không phải sự thật. Ý kiến của ông thế nào?
Nhà văn Diêm Liên Khoa: Tôi muốn nhấn mạnh một điều ở đây: chỉnh thể câu chuyện là hư cấu, nhưng mỗi chi tiết nhỏ của câu chuyện lại là thực, thậm chí đều là những thứ đã từng xảy ra. So với tác phẩm của tôi, bộ phim nghiêng về khía cạnh tình yêu nhiều hơn, nhiều chi tiết về cái ác đã bị cắt giảm. Tôi nghĩ, tiểu thuyết của tôi, nếu giữ nguyên mà dựng thành phim thì không thể công bố ở Trung Quốc. Việc kiểm duyệt điện ảnh thậm chí còn khó khăn hơn kiểm duyệt sách. Hơn nữa, sách của tôi phức tạp và có quá nhiều vấn đề, cũng khó dựng thành phim. Tôi cũng không mong muốn sách của mình dựng thành phim, vì điều đó chứng tỏ sách của tôi quá đơn giản.
|
Nhà văn Diêm Liên Khoa |
* Giáo sư Huỳnh Như Phương của Việt Nam nói, có vẻ, với những bậc thầy viết về nông thôn như Lỗ Tấn ở Trung Quốc hay Nam Cao ở Việt Nam thì nông thôn ấy còn có thể “cứu chữa”, nhưng Diêm Liên Khoa viết về đề tài này thì nông thôn đã không còn cứu chữa được nữa. Sao ông không viết về tính thiện mà lại viết về cái tối, cái ác?
- Tại Trung Quốc, có rất nhiều người viết về những vấn đề xán lạn của đất nước, thì cũng nên có những người viết về bóng tối như tôi. Tính thiện và tính ác là hai vấn đề lớn của văn học. Nếu văn học chỉ quan tâm tới cái thiện, tới tình yêu thì tôi cảm thấy, văn học khá đơn giản và nông cạn. Sự vĩ đại của văn học nằm ở chỗ, nó có thể quan tâm tới bóng tối, cũng như cái ác. Vì khi chúng ta quan tâm tới cái ác, ta mới trân quý cái thiện; chỉ khi sống trong bóng tối, mới cảm nhận được từng chút ánh sáng. Việc quan tâm tính thiện, cũng như cái ác, rất quan trọng.
Tôi cho rằng, văn học Trung Quốc hay văn học Việt Nam mà chỉ quan tâm một chiều thì rất lạc hậu. Tôi xin khẳng định, tất cả vấn đề trong cuộc sống của chúng ta, trong thế giới này, đều là tài nguyên của văn học. Chúng ta không nên nhấn mạnh cái này là tốt, cái kia là xấu. Đương nhiên, mỗi nhà văn sẽ có lựa chọn của riêng mình, khi đứng trước vấn đề thiện và ác. Cá nhân tôi có cảm giác, mình mang sứ mệnh cảm nhận bóng tối, mẫn cảm với bóng tối, viết về bóng tối, để đánh thức mọi người về chân - thiện - mỹ. Tôi cũng không chăm chăm viết về bóng tối, mà vẫn viết về những ánh sáng lóe lên trong bóng tối đó. Nếu đọc nhiều tác phẩm của tôi, các bạn sẽ hiểu, bóng tối và ánh sáng, cái ác và cái thiện tôi viết.
Văn học không có vùng cấm
|
"Tôi tin rằng, không nhà văn Trung Quốc nào, kể cả tôi, viết về chiến tranh hay hơn Bảo Ninh"- Diêm Liên Khoa. |
* Trung Quốc được biết đến là một đất nước tôn sùng chủ nghĩa ái quốc. Nhưng Trung Quốc trong tác phẩm của ông lại đầy bóng tối và xấu xa. Tới bây giờ, vẫn có những tác phẩm của ông không được xuất bản tại Trung Quốc. Ông có cảm thấy mình bị “ruồng rẫy” ngay trên chính quê hương mình?
- Không ai nói ái quốc là điều xấu, nhưng rõ ràng, Trung Quốc đang chìm đắm trong sự mê muội của chủ nghĩa ái quốc. Tôi xin nhấn mạnh chữ “chìm đắm”. Hiện nay, chủ nghĩa này vô cùng lớn mạnh ở Trung Quốc. Những quốc gia chìm đắm trong chủ nghĩa này đều không có tương lai. Tất nhiên, chủ nghĩa ái quốc không thể vĩ đại và quan trọng bằng chủ nghĩa hòa bình. Tôi hy vọng, sự mê muội của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa nước lớn sẽ dần được giảm bớt và chúng tôi được tiếp xúc nhiều hơn với các nền văn hóa - văn học của các nước xung quanh.
Còn cảm giác bị ruồng rẫy? Những điều tôi viết rất nhạy cảm. Sách của tôi đã từng bị cấm hoặc gặp trắc trở trong quá trình xuất bản, nhưng tới bây giờ, tôi vẫn cảm thấy mình là người may mắn, khi vẫn còn được viết. Tôi cũng không quan tâm tới việc người ta tán dương hay chỉ trích, vì bất kỳ cảm xúc nào đều không quan trọng với tôi. Tôi 60 tuổi rồi. Những điều tôi hướng đến là làm thế nào để viết về thế giới nội tâm của chính mình và làm sao để tiểu thuyết và kỹ thuật viết đạt đến trình độ cao nhất. Điều đó quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác. Theo tôi, văn học không có vùng cấm. Khi viết, tôi thể hiện sự tự do lớn nhất của nội tâm, vì tôi sáng tác không phải để xuất bản. Tôi viết vì nội tâm của chính mình chứ không phải vì độc giả.
* Ông nói thôn trang của ông là trung tâm của thế giới. Từ thôn trang đó, nhìn ra được những vấn đề của thế giới. Cụ thể ra sao?
- Thôn trang của chúng tôi là thôn trang hậu xã hội chủ nghĩa điển hình. Nhưng từ thôn trang, có thể nhìn thấy những vấn đề của nhân loại. Tôi là đứa trẻ xuất thân từ nông thôn, từ bé đã sống trong sinh quyển có cỏ cây, đồng ruộng, vườn tược, chim chóc… Nhưng ở nông thôn Trung Quốc hiện nay, tỉnh dậy đã không còn nghe tiếng chim hót nữa. Tôi nghĩ, khi thôn trang không còn tiếng chim hót, tiếng gà vịt... ngày tận thế của nhân loại cũng gần đến rồi. Tôi rất hy vọng Trung Quốc hay Việt Nam đều giàu có, lớn mạnh; nhưng dù phát triển thế nào đi nữa, cũng nên lưu lại những âm thanh của chim chóc trên bầu trời.
Thế giới ngày nay, có lẽ, cũng chẳng có nơi nào như Trung Quốc - có thể cung cấp cho nhà văn những tư liệu sống vừa hoang đường vừa phức tạp, vừa có nhiều nội dung như Trung Quốc hiện đại. Vấn đề của nhà văn là tương tác và chọn phương pháp, hình thức thích hợp để viết mà thôi.
|
Một số tác phẩm của nhà văn Diêm Liên Khoa được in tại Việt Nam |
* Tôi có đọc lời giới thiệu của ông nhân tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh được xuất bản tại Trung Quốc. Từ Bảo Ninh, ông nhìn nhận thế nào về văn học Việt Nam cũng như những nước xung quanh?
- Ở Trung Quốc hiện nay, mọi người vẫn đang theo đuổi và tôn sùng nền văn học Mỹ, châu Âu, nên lơ là các nền văn học giá trị xung quanh mình cũng như các nền văn học Đông Nam Á khác. Tôi nghĩ, các tác giả Việt Nam cũng chẳng kém gì các tác giả Trung Quốc. Tôi đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, thấy rất thích, xúc động và kinh ngạc. Tôi tin rằng, không nhà văn Trung Quốc nào, kể cả tôi, viết về chiến tranh hay hơn Bảo Ninh. Ông đã viết ra được cái tàn khốc của chiến tranh và nói được những điều vượt ra ngoài văn học. Cách viết trữ tình của Bảo Ninh là yếu tố cốt lõi trong văn học truyền thống phương Đông của chúng ta. Tất nhiên, phong cách viết của tôi khác Bảo Ninh. Tác phẩm của tôi cũng tự nó phá ra bên ngoài cái lõi đó, bởi văn học muôn hình vạn trạng, tôi muốn thử nghiệm những thứ mới mẻ hoặc điên rồ khác.
* Ông định tiếp tục hành trình văn chương ra sao? Qua các tác phẩm của ông, dường như ông đang chuyển dần từ chủ nghĩa hiện thực sang chủ nghĩa thần thực?
- Tương lai, tôi rất muốn được viết những tác phẩm không phải tiểu thuyết, nghĩa là, tôi muốn viết một loại tiểu thuyết không giống với tiểu thuyết, vì tôi rất ghét những tiểu thuyết quá giống với tiểu thuyết. Còn chủ nghĩa thần thực mà tôi đề xuất, tôi chủ yếu quan tâm tới hiện thực mà chúng ta không nhìn thấy hơn là những gì có thể nhìn thấy. Tôi nghĩ, phải quan tâm tới cái chân thực bị chân thực che lấp; thậm chí, cần quan tâm tới những vấn đề căn bản không tồn tại. Những tác phẩm như Đinh Trang mộng, Kiên ngạnh như thủy… đã có những mầm mống của chủ nghĩa thần thực. Nếu các bạn đọc những tác phẩm sau này như Tứ thư, Nhật tức, Thụ hoạt... sẽ hiểu hơn về chủ nghĩa thần thực. Nhưng viết gì thì viết, tôi nghĩ, một tác giả tìm được phương pháp thích hợp với mình nhất và nói được một câu chuyện cá nhân nhất, là cách viết mà ta nên theo đuổi.
* Xin cảm ơn ông.
|
Nhà văn Diêm Liên Khoa |
PGS - TS La Khắc Hòa - Đại học Sư phạm Hà Nội: “Diêm Liên Khoa vượt ra khỏi mọi khuôn khổ của văn học Trung Quốc hiện nay”
Diêm Liên Khoa là một nhà văn lớn, vượt khỏi mọi trường phái, khỏi mọi bước đi, khuôn khổ của văn học Trung Quốc hiện nay. Nếu xét về phong cách, nội dung, chủ đề, ông ấy viết theo phong cách giễu nhại. Nội dung trong sáng tác của ông không đơn giản chỉ là hiện thực Trung Quốc, mà là hiện thực Trung Quốc trong văn chương một thời. Chính thứ hiện thực đó, được ông ấy giễu nhại, lại tạo thành nội dung và hình thức độc đáo, lạ. Tôi cũng không hiểu vì sao ông ấy nhiều lần được đề cử giải Nobel văn chương mà vẫn chưa được. Ông ấy hoàn toàn xứng đáng với một giải Nobel.
Diêm Liên Khoa là nhà văn đạt đến ngưỡng tự do của sự viết. Tôi có cảm giác, ông ấy vừa đứng trong truyền thống văn học Trung Quốc vừa đứng trong truyền thống văn học nhân loại nhiều hơn. Theo dõi, ta thấy, ông ấy đứng ở cái truyền thống dẫn đến tiểu thuyết hiện đại, tức là tiếng cười trào phúng dân gian. Điều này đưa tác phẩm của ông ấy thành giai thoại về Trung Quốc nhiều hơn là cái pho sử chính thống của Trung Quốc, như là tiểu thuyết xưa nay. Tác phẩm của ông vượt khỏi khuôn khổ của tiểu thuyết ở chỗ, ông ta không viết tiểu thuyết theo kiểu cũ mà viết theo kiểu siêu tiểu thuyết.
Giáo sư Vương Nghiêu - Đại học Tô Châu, Trung Quốc: “Ta sẽ nói về Diêm Liên Khoa như nói về Lỗ Tấn, Marquez hay Shakespeare...”
Việc đặt một nhà văn vào một trào lưu văn học nào đó là kết quả của bàn luận văn học, là công việc của các nhà phê bình. Họ thường thích quy nhân vật vào một trào lưu hay trường phái, để thuận hơn khi bàn luận. Nhưng một nhà văn xuất sắc luôn vừa ở trong vừa ở ngoài trào lưu. Không thể dùng một trào lưu để bàn về một nhà văn xuất sắc. Nếu dùng trào lưu để khuôn định, đó là một sự phê bình thất bại.
So với các tác giả khác, Diêm Liên Khoa thành công muộn. Rất khó để xếp ông vào một trào lưu nào đó. Nếu phải xếp ông vào một trào lưu thì trào lưu đó là trào lưu của riêng ông chứ không liên quan gì tới các nhà văn khác. Chúng ta không dùng định nghĩa văn học để định nghĩa Diêm Liên Khoa, mà ngược lại, chính ông đã định nghĩa lại văn học. Cá nhân tôi cho rằng, ông là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của văn học Trung Quốc đương đại. Tôi nghĩ, khi có một độ lùi về thời gian, ta sẽ nói về Diêm Liên Khoa giống như hôm nay ta nói về Lỗ Tấn, Marquez hay Shakespeare…
Du Nguyên (ghi)
|
Tầm cao của văn học chiến tranh phương đông
Cứ như năm ngoái hoa nở, năm nay chúng ta mới ngửi thấy hương thơm. Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Việt Nam Bảo Ninh xuất bản từ năm 1990, mãi đến hôm nay, sau 25 năm, mới được dịch và giới thiệu ở Trung Quốc, quả thực không khỏi có chút cảm giác: bất luận cây lê nhà hàng xóm có kết trái to đến mấy cũng chỉ là một trái táo nhỏ tầm thường, còn với văn học Âu Mỹ, cho dù chỉ là một quả nho, cũng có thể nhanh chóng tỏa mùi đào, mùi lê ở Trung Quốc thật không chỉ khiến người ta cảm thấy buồn cười mà còn thấy hợp lý. Sự đến muộn của nó, đối với Bảo Ninh, đối với Nỗi buồn chiến tranh đều không làm ảnh hưởng đến thành tựu và vị trí vốn có của tác giả và tác phẩm; mà bị ảnh hưởng là văn học Trung Quốc, nhất là sáng tác của văn học quân đội Trung Quốc.
Tôi với tư cách là một tiểu thuyết gia đã có đến 26 năm trong quân đội, đọc xong tiểu thuyết này, cảm giác mãnh liệt nhất, đó chính là giả sử ngay từ cuối những năm 80 hoặc muộn hơn một chút vào đầu những năm 90, chúng ta có thể dịch Nỗi buồn chiến tranh sang tiếng Trung giống như Vòng hoa dưới núi của nhà văn Trung Quốc Lý Tồn Bảo vừa xuất bản hồi đầu những năm 80 đã gần như đồng thời được dịch sang tiếng Việt, thì nhận thức của chúng ta đối với văn học Việt Nam sẽ không đến nỗi phong bế và hạn hẹp như hôm nay; văn học quân đội Trung Quốc cực kỳ cũ kỹ và trì trệ hôm nay cũng nhất định sẽ không bảo thủ, bó chân và tụt hậu như vậy. Thậm chí có thể nói, nếu như có thể kịp thời dịch và giới thiệu Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, văn học quân đội Trung Quốc ngày ấy và bây giờ đều rất có thể đã mang một cảnh sắc và sinh khí khác.
Nghiền ngẫm Nỗi buồn chiến tranh với tư cách là một tiểu thuyết chiến tranh phương Đông trong bối cảnh văn học thế giới và so sánh nó với dòng văn học chiến tranh mà chúng ta có thể đọc được của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, rõ ràng Nỗi buồn chiến tranh đánh dấu tầm cao của một thứ văn học mới. Một tác phẩm cực hiếm của một nhà văn châu Á phương Đông, hiếm có trong những miêu tả, nhận thức, phê phán thẩm mỹ đối với chiến tranh, hiếm có trong những lý giải và tình yêu đối với con người, những suy tư về nhân tính, hiếm có cả trong biểu đạt nghệ thuật - một phương diện cá tính nhất, quan trọng nhất đối với một nhà văn.
So sánh với văn học quân đội Trung Quốc hay đơn thuần là tiểu thuyết chiến tranh Trung Quốc, thì trong khi chúng ta tôn thờ chủ nghĩa anh hùng như một đấng thiên thần của văn học quân đội thì Bảo Ninh của Việt Nam đã coi bản tính của con người và bản thân sự sống là thần thiêng của sáng tác; thì ra, ở một đất nước có chế độ giống chúng ta, cùng đọc và hấp thụ dưỡng chất cao cả trong văn học quân đội Nga (Liên Xô cũ), Bảo Ninh đã vượt qua, đồng thời hy vọng đưa tác phẩm của anh giao lưu và đối thoại với sáng tác về chiến tranh của văn học thế giới (...)
(Trích bài của Diêm Liên Khoa viết thay lời giới thiệu bản dịch tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh sang tiếng Trung của Hạ Lộ, in từng phần trên tạp chí Thiên nhai [Chân trời], Hội Nhà văn tỉnh Hải Nam, từ tháng 11/2015. Bản dịch này đã được in thành sách tại Bắc Kinh tháng 4/2019).
|
Đậu Dung (thực hiện)