Có người lặn lội từ miền Tây lên TP.HCM nhờ Anh Khang ký tặng cho đứa em gái đang bệnh nặng; người chồng trẻ chạy xe máy trong đêm từ Long An lên xin chữ ký giùm vợ, cô giáo cấp II ôm cả chồng sách xếp hàng “xin chữ” cho học trò… Trong câu chuyện của Anh Khang lúc nào cũng có câu chuyện của độc giả. Khang không chỉ ký tặng, mà còn trò chuyện, lắng nghe, cổ vũ, trấn an…
Anh Khang là cây bút trẻ có sức hút trên thị trường sách trẻ hiện nay. Buồn làm sao buông là cuốn sách bán chạy nhất Hội sách TP.HCM năm 2014. Thương mấy cũng là người dưng vào top 10 cuốn sách bán chạy tại Hội sách TP.HCM năm 2016, với lượng phát hành lần đầu 30.000 bản. Năm đầu sách trong 5 năm, cuốn nào cũng có lượng độc giả “khủng” - dù khởi đầu của Khang không khác những người viết trẻ mon men in sách: 1.500 bản in và lời dè dặt “tản văn khó bán nghe Khang” từ người biên tập.
|
Nhà văn Anh Khang |
Anh Khang nhớ lại năm in cuốn sách đầu tay Ngày trôi về phía cũ: “Tôi không có tên tuổi, sách không được truyền thông để ý mấy, nội dung cũng chỉ là những câu chuyện của riêng tôi. Vậy mà chỉ sau một tuần phát hành sách đã bán hết veo. Tôi vừa vui vừa ngạc nhiên quá đỗi, nghĩ lẽ nào chuyện của mình mà chạm được đến số đông. Chẳng lẽ cuộc đời này nhiều người yêu thương rồi cũng… tan tác, đau khổ giống như mình sao?”.
Và Khang viết tiếp, như có thêm một động lực từ những đồng cảm, sẻ chia và khuyến khích của độc giả. Người hâm mộ trên fanpage Anh Khang ngày càng đông, những buổi giao lưu ngày càng nhiều. Thành công này cũng một phần nhờ chiến lược truyền thông của đơn vị phát hành sách. “Nhưng nếu những gì mình viết không được đón nhận, thì độc giả cũng quay lưng với mình thôi.
Tôi đã viết từ những điều rất riêng tư, những trải nghiệm nhỏ của bản thân, cho đến khi nhận diện, đi nhiều hơn, nghĩ nhiều và sâu hơn về mọi thứ. Tôi không cố gồng mình làm điều gì với văn chương, tôi viết những điều tự nhiên và mong rằng độc giả sẽ đi cùng với sự trưởng thành của tác giả. 5 năm qua, bạn đọc cũng đã lớn lên cùng tôi. Họ chắc chắn đã thấy Anh Khang thay đổi nhiều như thế nào trong những cuốn sách” - Anh Khang bộc bạch.
Trong 5 năm “trưởng thành trên trang viết” đó, Khang nghe nhiều cách người ta gọi những cuốn sách của anh, thể loại anh lựa chọn: “Gọi sao cũng được nhưng điều khiến tôi buồn nhất là cách gọi “văn học thời trang”. Đối với tôi, một tác phẩm có thể hay có thể dở, nhưng đã là chữ nghĩa thì tôi vô cùng tôn thờ. Nghệ sĩ gọi sân khấu là thánh đường thì với nhà văn, chữ nghĩa cũng là thánh đường trong lòng họ. Tôi buồn xốn xang khi chữ của mình được đem ví như showbiz, chỉ được cái bề nổi mà không có chiều sâu.
Tôi thật sự không có tham vọng chinh phục tất cả mọi đối tượng độc giả, vì nhìn đi nhìn lại cái gì tôi cũng đều thua người đi trước. Tuổi đời lẫn tuổi nghề. Nhưng mỗi người có những trải nghiệm và lựa chọn riêng. Tôi lựa chọn viết những gì tôi muốn viết, và may mắn những điều ấy thu hút được một lượng độc giả riêng, vậy là hạnh phúc lắm rồi”. 5 năm để cây bút xuấ t thân là học sinh chuyên văn của trường THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM nhận thức rõ con đường và lựa chọn của bản thân.
5 năm để viết những tản mạn về tình yêu tan vỡ với Khang ở thời điểm này đã là quá đủ: “Có những điều không thể quên, nhưng cũng có những điều mình cố tình neo đậu lại để viết. Tôi muốn mỗi năm mình sẽ cho ra đời ít nhất một cuốn sách. Bây giờ tôi đang cùng Phan Ý Yên thực hiện một dự án khác, thể loại khác, hứa hẹn khi ra mắt có thể bạn đọc sẽ bất ngờ”. Anh Khang bảo, nhận được tình cảm của báo giới và bạn đọc trẻ là may mắn của bản thân, chứ không muốn được tung hô.
“Điều tôi ao ước là muốn góp được một phần nhỏ bé vào việc khơi dậy cảm xúc văn chương, tình yêu chữ nghĩa cho các bạn học sinh, nhất là các em cấp II. Cuộc sống hiện đại với quá nhiều lựa chọn giải trí, hình như các em không còn yêu thích môn văn nữa. Mà văn học là nhân học, chữ nghĩa cho mình nhiều giá trị đẹp đẽ trong tâm hồn. Có thể chỉ là dự án nhỏ, chỉ mới là bắt đầu thôi nhưng tôi sẽ làm”, Anh Khang chia sẻ. Đó là ý định thành lập câu lạc bộ yêu văn học, kêu gọi các bạn học sinh tham gia, giao lưu chia sẻ thói quen đọc sách, các cuốn sách hay, tổ chức các buổi offline định kỳ trao đổi các vấn đề về văn chương…
Đọc sách của Anh Khang, thấy những cảm xúc “đèm đẹp” như tựa sách: Buồn làm sao buông, Đường hai ngả người thương thành lạ, Đi đâu anh cũng nhớ Sài Gòn và em… Nhưng trò chuyện với Anh Khang, thấy tác giả trẻ này trưởng thành và quyết liệt hơn nhiều trong mỗi lựa chọn. Biết mình đứ ng ở đâu trên con đường của mình và cũng biết người khác đang nghĩ về mình như thế nào. Không cố tình chứng minh điều gì, chỉ chuyên tâm làm điều bản thân muốn, và có thể làm được.
|
Tác phẩm của Khang được đón nhận, cũng dễ hiểu |
Tác phẩm của Khang được đón nhận, cũng dễ hiểu. Độc giả tuổi teen bây giờ quá thiếu sách viết cho lứa tuổi mình - hoặc có sách nhưng lại xa rời cảm nhận, quan tâm của lứa tuổi này. Anh Khang vô tình chạm đúng “tần số” của những mạch nguồn rung cảm, những tan vỡ đầu đời và cả cách để vượt qua. Tuổi học trò mơ mộng cần những trang viết mượt mà như vậy. Với một nhà văn, tìm được độc giả đã khó, để độc giả gắn bó cùng mình cũng không phải là điều dễ dàng.
Với văn chương, best-seller không bao giờ là cuộc ăn may. Độc giả sẽ quay lưng ngay tác phẩm đầu tiên nếu nội dung cuốn sách khiến họ thất vọng. “Tôi biết mình cần phải thay đổi. Những độc giả của tôi từ 5 năm trước giờ đã lớn thêm một bậc trong suy nghĩ, nhận diện và cả trải nghiệm sống. Tôi muốn những trang viết cũng sẽ lớn lên cùng cuộc đời mình, cùng những độc giả của mình. Chọn văn chương để đi một con đường dài, tôi biết mình sẽ phải làm gì để có thể đi một cách bền bỉ mà không bị độc giả quay lưng. Chỉ có điều bây giờ thì vẫn còn sớm để nói trước về những kế hoạch. Vì tôi thấy mình cũng còn… rất trẻ”, Anh Khang tâm tình.
Hoàng Hạc