edf40wrjww2tblPage:Content
Vì tuổi cao sức yếu, nhà văn Trang Thế Hy không thể tham dự buổi tọa đàm vinh danh cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông. Nhưng những câu chuyện, chia sẻ từ những người thương quý ông trong suốt hàng thập kỷ qua đã cùng khắc họa lại hình ảnh của một tên tuổi vang bóng hàng thế hệ.
Nhà văn - đạo diễn Lê Văn Duy, người duy nhất thực hiện được những thước phim tài liệu về nhà văn Trang Thế Hy lúc ông đã “quy ẩn” nói rằng ông không thể nào quên “cái bếp lửa” của nhà văn Trang Thế Hy - nơi đã sưởi ấm ông trong suốt những năm tháng ở rừng.
“Nhà văn Trang Thế Hy không có nhiều bạn, nhưng một khi đã chọn ai làm bạn thì anh rất thương lo. Tình yêu thương, quý trọng của tôi dành cho anh đã kéo dài ngót nghét hơn nữa thế kỷ. Đọc văn anh, tôi nể phục vốn sống phong phú, phải là người có khí chất đặc biệt mới có thể viết nên những tác phẩm có sức lan tỏa vượt thời gian đến như vậy. Anh ít khi nào xem tivi, cũng không thích ai ghi hình mình nhưng tôi đã “làm liều làm đại” mới có được những thước phim tư liệu quý giá về anh. Sau đó anh có điện lên xin lại đoạn phim vì có hình ảnh của vợ anh trong đó. Bây giờ, nhiều khi đi giữa lòng Sài Gòn những chiều lá me bay lắc rắc, tôi lại nhớ anh vô cùng” - đạo diễn Lê Văn Duy bày tỏ.
Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc vẫn không thể nào quên chuyến về thăm nhà văn Trang Thế Hy tại nhà riêng ở tỉnh Bến Tre, đích thân ông đã đạp xe ra đầu đường đón cả đoàn. “Tôi vẫn nhìn thấy ở ông hình ảnh của một chàng trai lãng mạn kiểu Pháp, đội mũ phớt, nói chuyện nhỏ nhẹ thanh lịch. Ông luôn có một đĩa nhạc những bài hát yêu thích, mỗi lần nhớ Sài Gòn đều mở cho mọi người nghe. Mặc dù là một tên tuổi lớn của làng văn nhưng ông chưa bao giờ tự thấy mình có cái gì lớn lao cả. Hình như ông không cố tìm kiếm điều gì cho bản thân, ông chỉ viết những gì ông quý ông yêu và chuyển những điều đó đến mọi người” - nhà văn Kim Cúc nhớ lại.
GS Huỳnh Như Phương phát biểu trong buổi tọa đàm
Nhà văn Trang Thế Hy viết rất ít, cả cuộc đời ông chỉ ngót nghét 65 truyện ngắn và ba cuốn tiểu thuyết - hiện tại NXB Trẻ đã tìm được 35 truyện ngắn. Nhưng nói như GS Huỳnh Như Phương thì ông viết ít nhưng tác phẩm nào cũng có sức lan tỏa lớn.
“Có mấy điều tôi đúc kết được về sự nghiệp sáng tác và cuộc đời của nhà văn Trang Thế Hy: ông luôn giải quyết được bài toán về số lượng và chất lượng trong đời văn của mình. Tác phẩm của ông - một ngòi bút Nam Bộ nhưng lại rất thu hút các nhà nghiên cứu văn chương Hà Nội. Hai nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu và Vương Trí Nhàn đã từng đưa tác phẩm ông vào so sánh trong một chuyên đề nghiên cứu về văn học Pháp. Rõ ràng văn chương của ông vừa gần gũi vừa rất sang trọng” - GS Huỳnh Như Phương nhận định.
Hơn một giờ đồng hồ những câu chuyện về nhà văn Trang Thế Hy được nhắc nhớ, tất cả đều là những kỷ niệm, góc nhìn quý giá về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông. Có người gọi ông là “vàng mười” của văn học miền Tây Nam Bộ, một nhân cách lớn không chỉ thể hiện trong tác phẩm mà còn trong ứng xử hàng ngày.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn không thể nào quên những năm anh trải qua nỗi buồn tuyệt vọng với biến cố, mất mát trong đời bên cạnh chính là nhà văn Trang Thế Hy (khi đó vẫn còn sinh sống ở chung cư 139 Nam Kỳ Khởi Nghĩa). “Có một câu nói từ ông mà tôi mãi mãi không bao giờ quên: hãy đối diện với nỗi buồn, tuyệt vọng ở thế thượng phong. Đó là một bài học quý giá cho bất kỳ ai” - nhà thơ Cao Xuân Sơn nói.
Những thông điệp sống của nhà văn Trang Thế Hy cũng trải đầy trên những trang văn có sức mạnh cứu rỗi. “Đọc truyện của nhà văn Trang Thế Hy không khiến người ta phải quằn quại đau lớn nhưng luôn khiến người đọc đặt câu hỏi: mình sẽ phải sống như thế nào? Truyền tải được giá trị nhân văn chính là thành công của nhà văn” - nhà văn Ngô Thị Kim Cúc nói thêm.
Độc giả Đường Thị Thế Hoa - người đã đọc nhà văn Trang Thế Hy từ những năm thập niên 60 của thế kỷ trước cũng bồi hồi xúc động khi nói rằng những trang viết của ông đã giúp bà vượt qua được những đau khổ riêng tư trong cuộc đời. “Cái gì cũng có thể bán được trừ niềm tin tưởng trong lòng mình”, “Cái gì mình chưa kịp yêu mến thì không nên giả bộ yêu mến”… Những câu văn trở thành thông điệp bất hủ. “Văn chương của nhà văn Trang Thế Hy có một sức sống kỳ lạ, đọc rồi vẫn có thể đọc lại. Những câu chuyện viết từ thời đại trước vẫn có giá trị cho thế hệ sau. Tác phẩm của ông luôn có sự dự cảm về cuộc đời và số phận con người” - nhà thơ Phan Hoàng nhận xét.
Các tác phẩm tái bản lần này gồm ba tập truyện ngắn: Mưa ấm, Nợ nước mắt, Tiếng khóc và tiếng hát cùng tập thơ Đắng và Ngọt. NXB Trẻ cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những tác phẩm còn thất lạc của nhà văn Trang Thế Hy để tiếp tục tái bản trong thời gian tới.
SONG GIANG