Là một phụ nữ không ngừng hoạt động cộng đồng và sáng tác cá nhân với đầy nhiệt huyết, bà cống hiến tất cả năng lượng của mình cho công việc ngay cả khi căn bệnh ác nghiệt đe dọa. Bà luôn có tinh thần sống, làm việc một cách gấp rút, vội vàng như một người luôn tiếc quỹ thời gian quá ngắn của cuộc đời này.
|
Nhiều tác phẩm hội họa của bà được công chúng ưa thích và sưu tập |
Còn sống tôi còn muốn viết
Phóng viên: Quan niệm về viết, về vẽ, về nghệ thuật nói chung của bà là gì? Những đề tài nào bà thích và không thích viết?
Nhà văn Trần Thị Trường: Tôi tự cho mình là người có đạo đức theo cách mẹ tôi dạy. Đạo đức đó dẫn tôi đi từ lúc tôi còn nhỏ, tới lúc có gia đình, cố gắng làm tròn trách nhiệm với con cái, đồng thời học hỏi để nhận biết xung quanh. Cái gì đẹp, hay, so với đạo đức của mình, tôi muốn ca ngợi nó. Viết hay vẽ là phương cách tôi sử dụng để biểu đạt cái hay ấy. Dĩ nhiên muốn biểu đạt được như mình muốn thì phải học và luôn sử dụng cảm xúc mình có. Mà tôi thì luôn dồi dào cảm xúc. Nghệ thuật là sự biểu đạt cái mình nhận biết để chia sẻ với mọi người. Tôi không thích viết (quá kỹ) và vẽ về những cái quá xấu dù tôi hiểu nếu không có xấu thì cái đẹp lấy gì so sánh. Thế nhưng tôi vẫn không làm được. Cái xấu như một mùi khó chịu.
* Phố Hoài ra đời có được xem như thêm một thành công nữa trong sự nghiệp của bà?
- Tôi không biết mức độ thành công của nó đến đâu. Chỉ biết tôi đã hoàn thành điều tôi thấy cần phải làm, điều mà nhà giáo Phạm Toàn đã kích thích tôi bằng câu mắng: “Mày không viết xong và xuất bản thì mày chết đi, con chó ạ!” (Ông không quan niệm con chó là xấu). Sau khi Phố Hoài ra đời, tôi có thêm nhiều bạn, cũng như có thêm nhiều người ghét. Thế là vui rồi!
* Có nhà văn cho rằng các nhân vật của Trần Thị Trường trong Phố Hoài giống như món bún thang của người Hà Nội, nhạt mà sang. Bà nghĩ sao về ý kiến này?
- Nhạt hay mặn tùy khẩu vị (người ăn bún thang), còn tôi thì chỉ thế thôi, không thể khác. Như đã nói, có lẽ do tôi không viết nổi về cái xấu một cách mạnh mẽ thì nhân vật thiếu muối chăng? Nhưng, những người Hà Nội thời tôi sống đúng như thế đấy. Họ không dằn hắt, không phản ứng mạnh mẽ, thậm chí không biểu lộ cá tính, không nuôi thù hận, không tìm cách trả thù… Điều đó sẽ không thỏa mãn một số người đọc… Nhưng, không ít người đọc đã viết bài hoặc trò chuyện với tôi. Họ nói họ đã khóc với từng nhân vật và chi tiết đời sống của Phố Hoài. Hơn 60 bài viết tán thưởng và nhiều cảm xúc tích cực cho cuốn sách của tôi là từ những người có “tên tuổi” hẳn hoi đấy!
* Giải thưởng vừa rồi của Hội Nhà văn khiến nhiều độc giả thắc mắc, bà có thể chia sẻ về ý nghĩa của nó?
- Vâng. Cũng có người hỏi tôi ý nghĩ của giải thưởng đó. Họ cho rằng đó là những uyển ngữ khéo léo, thậm chí khó hiểu: “Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng 2023/Với khát vọng sống mãnh liệt vượt qua số phận để làm nên vẻ đẹp cuộc sống”. Tôi vẫn như thế, không bao giờ tranh cãi những gì thuộc về sự công nhận của người khác. Tôi thấy dù ở ngữ cảnh nào, giải thưởng cũng ghi nhận tôi đã (góp phần) làm nên vẻ đẹp cuộc sống. Tôi làm nên một “Phố Hoài” trong trí nhớ của nhiều người, thế là đủ rồi. Đến bây giờ, vẫn không ít người hỏi mua cuốn sách đó ở đâu.
* Sau Phố Hoài, bà còn đang tiếp tục tác phẩm dài nào không? Chất liệu nào sẽ được bà đưa vào tác phẩm của mình?
- Không biết sức khỏe có cho phép tôi viết tiếp một cuốn dài như và hơn Phố Hoài không, chứ còn sống thì tôi còn muốn viết. Cuộc sống ngồn ngộn chi tiết. Con người quanh mình có biết bao cái đẹp (xấu), nó là câu chuyện đáng kể lại cho cuộc đời, bây giờ và mai sau.
|
Với nhà văn Trần Thị Trường, hạnh phúc là được tự do làm điều mình muốn, là sung sướng nhìn thấy điều mình đã làm |
Vẫn đắm đuối với văn học nghệ thuật
* Bà có bao giờ nghĩ rằng cái tên của mình thể hiện sự can trường?
- Cái này thì ba tôi đã nói từ khi tôi chưa vẽ viết gì cả. Ba tôi bảo “Không ngờ đặt cái tên ấy vận vào nó quá. Với con này, không có cái gì làm thui chột ý muốn của nó được”. Ngẫm lại, tôi cũng thấy đúng. Bình thường người ta thấy tôi hiền, hay nhẫn nhịn (tôi không bao giờ đua tranh để có một chức vụ, để đòi một sự công nhận)… Tôi luôn ngồi ở một chỗ nhỏ nhất, thấp nhất trong cơ quan. Nhưng nếu trong một tranh luận, mà xung quanh là những “người cùng tầng” (nghĩa là họ có thể nghe và nói lại với tâm thế/trình độ/nhận thức công bằng) thì tôi quyết liệt lắm. Hồi làm ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, nếu tôi ba phải, nếu không quyết liệt nói đúng sự thật/công lý thì nhiều người bị thiệt, bị oan… Vì thế, tôi cũng thấy nhiều người có vẻ như nể/ngại/thích tôi ở sự quyết liệt đó.
* Thời tuổi trẻ bà cũng “xông pha” - đi Tây, buôn bán, chuyển container hàng rần rần về Việt Nam, thạo kinh doanh, thạo kiếm tiền… Với một người phải nói là quá thực tế như bà, hình như chữ yếu đuối không tồn tại?
- Tôi tự thấy mình có 2 yếu tố: gen dòng tộc và sự may mắn học hỏi được cách tư duy của Âu, Mỹ. Con cháu dòng tộc nhà tôi giỏi hơn tôi nhiều. Từ sau những biến cố lịch sử, ba mẹ tôi trở về tay trắng, chị em chúng tôi không có một tí tài sản thừa hưởng nào, ấy vậy mà bây giờ các cháu tôi đều là những người có mức sống trên trung bình. Tôi không thuận tiện như con cháu về thời cuộc nhưng may mắn tôi ra nước ngoài từ năm 1981-1986. Tôi vẫn đắm đuối với văn học nghệ thuật và vẫn làm ra tiền.
|
Giải thưởng đặc biệt của Hội Nhà văn dành cho nhà văn Trần Thị Trường |
* Có khi nào “vũ trụ” đặt bà vào hoàn cảnh có nhiều nước mắt rơi, khó giải quyết và bà cảm thấy bất lực?
- Có chứ. Nhiều là đằng khác. Một người đàn bà có nhiều phương tiện là người dễ bị săm soi, dễ bị ghét. Tôi hiểu rõ điều đó khi đọc Anna Karenina. Khi đã hiểu thì chấp nhận. Tối tăm mặt mũi vì các đòn số phận tôi cũng không nản. Các bạn thấy đấy, ngay cả bây giờ khi Facebook là chỗ giãi bày, tôi cũng không bao giờ nói là mình khổ. Song, tôi tin vào nhân quả, tin vào lẽ công bằng nơi Thiên chúa nên nếu có chướng ngại gì, tôi vượt qua không khó.
Hạnh phúc là được tự do làm điều mình muốn
* Là con người đa tài - về âm nhạc, văn chương, cầm kỳ thi họa đủ cả, có bao giờ bà thấy mình vẫn chưa đủ, vẫn thiếu một cái gì đó?
- Ôi, làm sao mà đủ được! Hôm nay nghe Định mệnh của Beethoven do dàn nhạc Đức biểu diễn thấy hay quá nhưng khi nghe dàn nhạc của Vienna biểu diễn, lại thấy một vẻ đẹp khác của âm nhạc. Cũng hôm qua vẽ được bức tranh về thược dược, tự mình thích, chưa nói có người mua ngay. Hôm sau lại thấy một vẻ đẹp khác của thược dược kích thích cảm xúc, lại thấy không vẽ thì tiếc quá… Nghĩa là không bao giờ đủ, theo ý đó chứ không phải là cần thêm một “hỗn danh” nào cho bản thân. Tôi luôn hài lòng với những đam mê không giới hạn của mình. Tôi đã từng làm cháy hàng chục cái ấm vì đặt ấm lên bếp rồi ngồi xuống bên giá vẽ, chỉ định đặt một nhát bút rồi đi pha trà nhưng một nhát là kéo thêm một cảm xúc dài. Cái ấm cháy đỏ, khét lẹt mới kéo tôi đứng lên… Tôi luôn có những ham muốn. Ham muốn kích thích tôi kinh khủng.
|
Một số tác phẩm ghi dấu ấn của nhà văn Trần Thị Trường |
* Người ta thường nói đàn bà là người giữ lửa hạnh phúc trong gia đình. Đối với bà thì sao?
- Cái này thì tôi yếu. Tôi yêu sớm, yêu chính người họa sĩ giỏi hơn mình. Anh là người Công giáo, cho tôi vẽ nhờ mẫu anh thuê. Rồi chúng tôi lấy nhau, có con sớm. Tôi vẫn mê tài năng của anh. Tuy nhiên, thời đó, bi kịch trí thức Công giáo tác động mạnh đến gia đình lớn của chúng tôi và chính gia đình tôi. Bị bi kịch chi phối, đời sống hôn nhân của chúng tôi hỗn loạn. Tôi may mắn đi nước ngoài, kết thúc những cãi vã (vấn đề không phải của chính mình mà của đời sống). Tôi giữ được gia đình trong hoàn cảnh không có “thì thầm bên gối” nhưng không tan nát vì tôi nuôi được cả gia đình.
Nhà văn Trần Thị Trường đã có hơn 10 tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn được xuất bản như: Lời cuối cho em, Kẻ mắc chứng điên, Thời gian ngoảnh mặt, Hoa mưa, Phố Hoài… Gần đây bà quay lại với sự nghiệp hội họa và đã đạt được những thành công nhất định. Nhiều tác phẩm hội họa của bà được công chúng ưa chuộng sưu tập. Ấn tượng nhất là loạt tranh tĩnh vật, tranh hoa và loạt tranh chân dung văn nghệ sĩ, nhà ngoại giao, luật sư, người nổi tiếng như: Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà thơ Dương Thị Xuân Quý, ca sĩ Ngọc Tân, đại sứ Nguyễn Phương Nga… Đó là những người làm bà có cảm nhận: “Tôi thấy họ thật đẹp vì ánh sáng tinh thần hiện rõ trên gương mặt họ”. |
* Con cái của bà là những người rất thành công và tài năng, một người mẹ như bà hẳn đã có những phương pháp dạy con đặc biệt để bây giờ được hưởng quả ngọt đó? Bà có thể chia sẻ đôi chút với các bà mẹ trẻ?
- Tôi rất hiền với con cái nhưng cũng rất cứng rắn trong việc học hành của chúng. Với các cháu nội ngoại cũng vậy. Tôi cho rằng nhỏ không học nghiêm túc (để có kiến thức) thì lớn không biết mình phải làm gì, không làm được gì. Tôi cũng rất chăm chỉ làm việc và đọc sách nên khi nhỏ thì các cháu bắt chước; khi lớn thì chúng thấy đó là sự hợp lý, tốt lành. Chúng thích gìn giữ niềm tự hào đó của gia đình. Nhìn quanh, tôi thấy những đứa trẻ được cưng chiều quá (thời của tôi) hầu hết đều hay ca thán, hay đổ lỗi cho hoàn cảnh và không biết làm gì.
* Tới bây giờ, hạnh phúc đối với bà là gì?
- Là được tự do làm điều mình muốn. Là sung sướng nhìn thấy điều mình đã làm. Nó đem lại một khoái cảm tích cực nào đó.
* Ở tuổi 74, bà giữ gìn sức khỏe bằng cách nào?
- Tôi rất khỏe nhờ thích vận động từ nhỏ. Thế nhưng, 73 tuổi tôi phát hiện bệnh hiểm nghèo. Bệnh quá mức tưởng tượng và sự chịu dựng. Vốn là người mạnh mẽ, tôi bình thản tìm đến chung cuộc. Nhưng lời thì thầm của một bác sĩ tử tế đã vực tôi dậy: “Cô sẽ sống, chỉ cần cô vượt qua giai đoạn này. Cố lên cô nhé! Cháu biết cô, cháu hâm mộ Phố Hoài và tranh của cô lắm…”. Thế là tôi cố gắng từng giờ, trở về sau 6 tháng nguy nan… Bây giờ đã điều trị xong, tôi vẫn bình tĩnh sống, điều chỉnh một chút về chế độ ăn uống, sống tích cực. Tôi tập luyện đủ 1 giờ 20 phút mỗi ngày.
* Mọi người luôn thấy bà hoạt động, vẽ, viết, tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật trong không gian của mình. Người ta thì nghỉ ngơi thư giãn hoặc không khỏe để làm việc, để “cày bừa” còn bà thì ngược lại, giới trẻ có khi khó mà theo kịp…
- Quả là tôi làm nhiều việc cùng lúc. Cũng không phải là không mệt nhưng tôi hay nể nang. Cứ thấy hay, thấy có ích cho đời sống là tôi làm. Nhiều khi làm rồi tôi lại ân hận vì mệt quá. Nhưng sau, ai nhờ, tôi lại làm… Nếu có điều kiện mà không làm, tôi cảm thấy có tội…
* Bạn bè thường kháo: Bà Trường bán tranh chắc chạy nhất Việt Nam, ra tác phẩm nào hết tác phẩm ấy, thậm chí có người còn viết bài giải mã hiện tượng này. Đối với bà, tiền chắc không còn là vấn đề nữa. Bà thường sử dụng đồng tiền như thế nào?
- Chẳng có cơ sở nào để chắc là tôi bán tranh nhiều nhất Việt Nam. Dù thế, tôi cũng bán được tranh thường xuyên. Tôi đầu tư ngược lại cho việc vẽ: mua màu, toan, khung tốt hơn; mua tài liệu, tư liệu nghiên cứu nhiều hơn. Tôi cũng vẽ để dành nữa. Đôi khi tôi sửa chữa không gian nghệ thuật cho hấp dẫn hơn, đời sống dễ chịu hơn. Tôi không đầu tư gì cả, vì còn dành một số trả nợ giúp cho một người bạn bị phá sản… Người cho vay kia cũng chẳng giàu có gì. Đôi khi tôi cũng âm thầm giúp đỡ nơi nọ nơi kia… Cho nên nói là tôi làm ra tiền thì cũng đúng nhưng tôi chẳng giữ được tiền…
* Tôi rất thích đoạn chia sẻ này: “Bởi vì xung quanh mình toàn những người nghèo, mình không thể bước qua sự nghèo của những người thân mình được”. Thế nên phải chăng bà thật giỏi cũng vì cái sự thoát nghèo ấy?
- Tôi không khinh người nghèo mà có thể cảm thông và xót thương. Dù vậy, tôi rất sợ rơi vào cảnh nghèo. Nghèo, tự nhiên thôi, đôi khi khiến con người không còn tư cách gì trước mắt người khác. Có những người không ngại đi vay, đi xin. Tôi thì sợ lắm…
* Osho có viết cuốn: Tình yêu - tự do - một mình. Bà có thể chia sẻ 3 điều trên với độc giả một cách thoải mái nhất?
- Tôi thích sống MỘT MÌNH mà vẫn được YÊU và yêu được. Tôi cứ âm thầm yêu người mà tôi thích, tôi không buộc tôi vào họ và ngược lại. Thế là TỰ DO, vì họ có thích tôi hay không có quan trọng gì đâu.
* Cảm ơn bà đã chia sẻ.
Codet Hanoi (thực hiện) - Ảnh do nhân vật cung cấp