Mỗi tác phẩm như một sự thử thách lớn với tác giả cả về nghệ thuật lẫn nội dung. khi đọc Thư gửi Mina có thể thấy giọng văn thông minh nhưng đầy giễu nhại, xúc động nhưng không yếu đuối. Chị chuẩn bị ra mắt Công viên những cây sậy với chủ đề tha hương, trong đó, “độc giả sẽ được đọc về những người đàn ông nhiều hơn, một vũ trụ phức tạp và đau khổ chẳng kém của phụ nữ”. Hiện chị đang sống tại Paris.
|
Bìa cuốn Thư gửi Mina bản tiếng Pháp |
Coi mỏi mệt và sức ép là những trải nghiệm
Phóng viên: Thư gửi Mina bản dịch tiếng Pháp hai tuần nữa là phát hành, xin cho hỏi việc dịch ra tiếng Pháp đã bắt đầu từ bao giờ và làm sao để nhà xuất bản biết đến tác phẩm này của chị?
Nhà văn thuận: Ngay sau khi tôi viết xong thì dịch giả Yves Bouillé bắt tay vào dịch. Sau đó, đến lượt tôi biên tập rồi chúng tôi trao đổi cùng nhau để đi đến phiên bản cuối cùng. Tổng cộng thời gian lên tới hai năm. Bản dịch thay đổi nhiều so với bản gốc, có những đoạn hầu như được viết lại hoàn toàn. Một bên thì miên man và nhiều cảm xúc, một bên thì tiết chế và cô đọng. Tôi muốn thử hai văn phong khác nhau cho cùng một nội dung.
Theo thói quen, tôi gửi Lettres à Mina cho Riveneuve - nơi xuất bản sách tôi gần chục năm nay. Và họ đã quyết định in, ngay cả khi thị trường sách bị COVID-19 gây nhiều bất lợi.
* Tôi nghĩ việc đã từng xuất bản tới sáu tác phẩm trên đất Pháp sẽ giúp chị bớt hồi hộp hơn nhưng hình như chị lại có vẻ căng thẳng hơn?
- Việc nhà xuất bản đầu tư đặc biệt vào Lettres à Mina đã khiến tôi ít nhiều lo lắng. Bạn biết đấy, mỗi tác phẩm có một số phận. Sách in xong, được độc giả và giới chuyên môn đánh giá thế nào, tất cả nằm ngoài tầm tay tác giả. Tuy thế, tôi dần dần chấp nhận stress.
Tôi tự động viên rằng đó là đặc điểm của mọi ngành nghề trong xã hội hiện đại, chẳng lẽ viết văn lại thoát, nên coi mỏi mệt và sức ép là những trải nghiệm thú vị, có thể giúp ta trở nên bền bỉ, gan lì hơn và hiểu đời thêm. Tôi không viết để làm hài lòng, nhưng tác phẩm mà thuyết phục được ai đó thì cũng chẳng hại gì, thậm chí có lợi. Khi bạn đủ mạnh thì không gì có thể khiến bạn chệch hướng.
* Độc giả Việt ở Pháp có hay đọc tác phẩm của chị không? Hay tác phẩm của chị lại thường thu hút người nước ngoài hơn khi họ cần hiểu một tác giả người Việt?
- Trong các buổi ra mắt sách, tôi vẫn gặp các độc giả Việt, nhưng tôi nghĩ họ đến để cổ vũ là chính, chứ họ thích đọc nguyên bản tiếng Việt hơn, trừ trường hợp thế hệ Việt kiều sinh ra ở Pháp và không đọc được tiếng Việt.
* Quay lại với tác phẩm Thư gửi Mina, việc sử dụng hình thức thư từ có lẽ… đỡ “mệt” mà lại nói được nhiều điều, “tung tẩy” hơn trong cách viết của chị?
- Hình thức thư đã cho tôi rất nhiều tự do khi viết. Chỉ bằng một vài từ, tôi có thể di chuyển từ Sài Gòn sang Paris, nhân tiện ghé Mạc-tư Khoa hay Kabul, Hà Nội. Tôi cũng có thể đảo tung các chủ đề, từ tình cảm thầm kín tới chính trị quốc gia, từ ẩm thực sang bệnh tật, từ âm nhạc sang trinh thám. Những câu chuyện cứ như thế mà chồng chất lên nhau, soi sáng lẫn nhau và nhiều khi cũng gây rắc rối cho nhau, những câu chuyện đang xảy ra, đã xảy ra, chưa từng xảy ra mà chỉ là phỏng đoán, hồ nghi, ảo tưởng… Tất cả đều từ chối các giới hạn và khuôn khổ.
|
Nhà văn Thuận ký tặng độc giả tại một sự kiện |
Nhân vật Mina có thật ngoài đời
* Vì sao chị lại chọn nhân vật của mình là Mina, một cô gái Afghanistan cấp tiến, cá tính, cùng học với mình ở Nga, nơi phụ nữ còn bị nhiều kỳ thị, là nạn nhân của bạo lực gia đình và không được phát triển bản thân?
- Mới đây, một nhà báo Pháp đã nói với tôi rằng, ông ấy rất thích cách tôi chọn Mina - một phụ nữ đạo Hồi hiện đại và mạnh mẽ - làm nhân vật để đối thoại qua những bức thư và đó là một cách thông minh để có thể thâm nhập các vấn đề tôn giáo theo một cách rất uyển chuyển.
Quả là ở đây tôi có ít nhiều may mắn. Tôi đã không hề tính toán. Mina có thật ngoài đời, ở cùng phòng với tôi nhiều năm đại học và thật tình cờ cô ấy đạo Hồi, tôn giáo mà lúc đó tôi không hề có khái niệm gì nhưng gần đây đã trở thành tâm điểm thời sự toàn cầu.
Tôi hình dung những hoàn cảnh khác. Ví dụ nếu Mina là người Chechnya thì có lẽ trong thư tôi sẽ tán gẫu với cô ấy về Putin, còn nếu cô ấy đến từ Cuba thì tôi sẽ huyên thuyên về Fidel Castro… Mọi thứ chỉ là cái cớ để tôi viết lên thế giới này.
* Xen kẽ là Pema - một nữ nhà báo - cùng mối tình với một phóng viên chiến trường. Ở đây có thể không phản ánh chiến tranh trực tiếp nhưng gián tiếp một cách tinh tế, như mùi chiến tranh trên cơ thể của người bạn tình, mùi chiến tranh qua kẽ tay, hãy chia sẻ với độc giả những cảm giác hoặc kỹ thuật của chị khi phát triển nhân vật này, có gì liên quan tới thực tế không, thưa chị?
- Cả Pema và anh phóng viên đều là bạn bè. Tuy thế, quan hệ của họ hầu như thay đổi hoàn toàn dưới ngòi bút tôi. Nó chỉ đóng vai trò gợi ý ban đầu. Thực ra tôi không biết nhiều về những gì xảy ra giữa họ, tôi không muốn biết hết thì đúng hơn. Tôi chỉ cần cảm hứng. Nói theo lý thuyết hội họa thì tôi phải tự tạo ra thần thái, chứ không vẽ truyền thần.
“Mùi chiến tranh” là một ý tưởng đến trong lúc viết. “Mùi chiến tranh bốc ra từ từng sợi tóc, từng móng chân, móng tay, từ cổ, gáy... Nó bảo thật khủng khiếp. Cả một đoạn phố nhà nó đang nồng mùi sầu riêng thì anh ta xuất hiện và mùi chiến tranh át đi tất cả, chưa kể trong những máy móc lỉnh kỉnh mà anh ta đeo trên mình là hàng ngàn bức ảnh mà anh ta đã chụp, hàng ngàn câu chữ mà anh ta đã viết, tất cả đều về chiến tranh, đều bốc mùi chiến tranh, với những xác người, tay chân tung tóe... Nó chạy vội lên nhà, sập cửa phòng. Nó bảo làm sao nó có thể làm tình với một người đã sống ba tháng liền trong một nhà xác, cái nhà xác vĩ đại kia”…
Tôi đã gõ một mạch. Sau này, khi đọc bản thảo, Pema ngoài đời nói với tôi rằng, dù tình tiết câu chuyện đã chịu nhiều hư cấu nhưng cô ấy vẫn xúc động vì nhận thấy mình trong đó, một cách không lẫn đi đâu được.
Tôi cảm thấy nhiều tuyệt vọng
* Thân phận những người nhập cư bằng mọi giá trong tác phẩm của chị rất đáng thương, thấp thoáng dáng hình của 39 công dân nhập cư trái phép qua container chấn động gần đây. Phải chăng có một thực trạng khá buồn đã diễn ra mà chưa được quan tâm?
- 39 công dân trẻ tuổi kia đã chấp nhận đổi mạng để được sống như họ mong muốn. Ta có thể trách họ tham giàu tới mức mù quáng nhưng thế giới nội tâm của họ, họ đã nghĩ gì về tương lai, cảm xúc của họ trên đường chạy đến miền đất hứa, những phút giây cuối cùng… tất cả vẫn còn là bí mật. Tôi cảm thấy trong đó rất nhiều tuyệt vọng.
* Những cô gái đã vất vả vượt biên, tiền trả cho cảnh sát biên phòng và mafia buôn người, khu đèn đỏ Saint-Denis, những khuôn mặt nhàu nhĩ… có vẻ cuộc sống chị đang mô tả quá khắc nghiệt?
- So với trồng cần sa ở Anh thì bán thân ở Pháp hay Singapore, Mã Lai hoặc Hàn Quốc ít ra cũng không dẫn đến tù tội mà thu nhập cao. Họ không ngốc như chúng ta tưởng đâu bạn ạ và họ cũng không có trách nhiệm bảo vệ danh dự cho bất kỳ ai bởi họ đang khốn khó.
* Nhập cư, di cư, kỳ thị, những thân phận người xa xứ với những chất liệu hiện thực ngồn ngộn trong tác phẩm này và cuối cùng là một sự trống rỗng… Khi viết, chị đã gặp những khó khăn gì để phát triển cuốn sách của mình?
- Thú thật, tôi hầu như không còn nhớ một cách chính xác. Thư gửi Mina đã đi hẳn vào quá khứ khi tôi viết Công viên những cây sậy. Nhưng nói chung, văn phong vẫn là thứ tôi quan tâm hàng đầu: làm sao tìm ra cách viết phù hợp và độc đáo.
* Tôi chợt nhớ tới câu nhân vật “tao” nói: tao thấy thương cho ai trở thành nhân vật của tao, điều đó có là một ẩn dụ của một Thuận “đáo để” không?
- Giá mà tôi viết cổ tích hiện đại, với các nàng lọ lem và các chàng hoàng tử, những mối tình lãng mạn luôn kết thúc có hậu, thấm đẫm tinh thần nhân văn, các bài học đạo đức và các ẩn dụ nhân quả…
Thân phận tha hương trong tác phẩm mới
* Tác phẩm Công viên những cây sậy chuẩn bị được xuất bản, chị có thể chia sẻ trước đôi dòng về cuốn tiểu thuyết này?
- Một Việt kiều Pháp trở về nhưng nhanh chóng vỡ mộng và đành sống một cuộc đời ngoài rìa trên chính quê hương của mình. Mấy chục năm sau, cô con gái út mà ông đặt hết hy vọng vào tương lai cũng quyết định xách va-li về nước, không vì một lý do chính đáng nào, ngoài những thất tình mơ hồ.
Nhưng chính nhờ cuộc hồi hương này mà cô nhận diện được nhiều điều về người thân trong gia đình, về nước Việt Nam, về nước Pháp với những mâu thuẫn nội tại, về bản thân cô, tuổi thơ, tình yêu, ham muốn…
Chủ đề tha hương và câu hỏi “Sống thế nào giữa hai nền văn hóa?” lại một lần nữa trở thành trung tâm sáng tác của tôi, với những nghi vấn mới, về niềm tin và cái giá phải trả. Ở bản thảo này, tôi đã quyết định thay đổi cách viết. Không còn những câu văn dồn dập, bất ngờ và những lặp lại liên tu bất tận. Công viên những cây sậy có nhịp điệu khoan thai, đôi khi ngập ngừng, dành chỗ cho những khoảng trắng, cho im lặng... Nó có vẻ muốn đi tìm tri kỷ hơn là tấn công độc giả.
Những ngày về Việt Nam quá ngắn và đầy ắp xúc cảm trái ngược khiến tôi không sao ngồi vào bàn viết cái gì đó ra hồn. Khó khăn của nghề này nằm ở chỗ phải đợi một thời gian cho mọi thứ lắng xuống, để khi xuất hiện trở lại trên trang văn, chúng sẽ mang một gương mặt mới, như thể được hồi sinh trong một cuộc đời khác. Tôi tránh ăn tươi nuốt sống hiện thực rồi thổ ra những ngôn từ non yểu...
Nhà văn Thuận
|
* Lần này, những người đàn bà sẽ xuất hiện với tâm thế nào trong cuốn tiểu thuyết mới?
-Không, trong Công viên những cây sậy, độc giả sẽ được đọc về những người đàn ông nhiều hơn, một vũ trụ phức tạp và đau khổ chẳng kém của phụ nữ.
* Thật nể phục về tinh thần và sức sáng tác của chị. Chị nghĩ sao về điều này, có bao giờ chị bế tắc tới nỗi không viết nổi một dòng trong thời gian dài?
- Chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính, lập tức tôi như được truyền thêm năng lượng. Cứ đọc một tác phẩm hay, đầu tôi lại nảy sinh ý tưởng. Tôi chỉ mong có đủ sức khỏe và một gia đình yên ấm để thực hiện những kế hoạch văn chương của mình.
* Chị có vẻ thích các tác phẩm của Marguerite Duras? Mà nhân vật chính trong tác phẩm Người tình cũng là một người đàn bà chịu nhiều thiệt thòi bởi các định kiến?
- Tôi đặc biệt thích cách viết của Duras. Bà cũng là tấm gương cho tôi nhìn vào, một sự nghiệp văn chương vĩ đại, với khoảng 50 tác phẩm, từ tiểu thuyết đến tiểu luận, kịch bản, hầu như ở thể loại nào bà cũng tỏ ra xuất sắc và tiên phong. Kịch bản phim mà Duras ký tên cũng được in thành sách và đọc như một tác phẩm văn học. Có lẽ trên thế giới chưa tác giả nào đạt được việc đó.
* Hình như chị đang dịch một tác phẩm của Michel Houellebecq - tác giả nổi tiếng mà độc giả Việt Nam đã biết tới qua tác phẩm Hạt cơ bản?
- Tôi vừa bắt tay vào dịch Sérotonine - tiểu thuyết mới nhất của Michel Houellebecq. Trước đó, tôi đã dịch tiểu thuyết đầu tay của ông - Mở rộng phạm vi đấu tranh. Bút lực Houellebecq thật đáng nể và vẫn khiến tôi phải suy ngẫm. Ngoài ra, dịch thuật còn là một cách trau dồi ngôn từ, logic, trí tưởng tượng, khả năng cảm thụ. Nó cũng gợi ý cho tôi những kỹ thuật hành văn mà nếu chỉ đọc như một độc giả bình thường, tôi sẽ khó lòng nhận ra. Thật tình cờ, đến nay, số lượng sách viết và sách dịch của tôi là bằng nhau.
* Chị thấy thích kiểu phụ nữ nào nhất trong thực tế?
- Ngoài đời, tôi ngưỡng mộ người mạnh mẽ, chân thực, nhiều đam mê. Nhưng là một nhà văn, nên tôi thường tò mò trước những ai có số phận đặc biệt.
* Nghe nói chị có một khu vườn tuyệt vời, cuộc sống khá êm đềm nên đôi khi các nhân vật của chị táo bạo quá, người đọc lại à, ồ như kiểu có đôi chút nghịch lý?
- Nhiều người nói viết văn giúp họ đỡ căng thẳng. Với tôi thì ngược lại: sáng tác là để phá vỡ cân bằng. Cũng như khu vườn của tôi, cuộc sống của tôi khá êm đềm, thế nên tôi không có cách nào khác là liên tục nới rộng chúng bằng tưởng tượng và lao động.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Codet Hanoi (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp