Lấy cảm hứng từ sự phân biệt đối xử đối với người nhập cư châu Á tại Mỹ và châu Âu, vì cho rằng họ là nguyên nhân khiến đại dịch COVID-19 bùng phát, nữ tác giả Pam Fessler đã ra mắt tác phẩm mới nhất của mình - Carville’s Cure - kể về những năm tháng đau khổ mà các bệnh nhân phong tại Mỹ phải chịu đựng đầu thế kỷ XX.
Dưới góc nhìn của Fessler, những gì đang diễn ra tại nước Mỹ hôm nay trước đại dịch COVID-19 không khác gì cách nước Mỹ đối mặt với bệnh phong một thế kỷ trước. Sự kỳ thị, hắt hủi người bệnh, và đổ lỗi cho những người nhập cư đến từ châu Á đang tạo nên khoảng cách lớn đối với các thế hệ người Mỹ và châu Âu. Theo cô, cách gọi “Kung-flu” đầy miệt thị dành cho cộng đồng người châu Á tại Mỹ sẽ dẫn đến kích động và thù hận - những thứ không nên tồn tại trong thời điểm mà chúng ta cần chung tay để chống lại đại dịch.
|
Với nhà văn Hoa Kỳ Chelsea Bieker, văn chương là liều thuốc tốt nhất dành cho tâm hồn chúng ta trước sự cách ly xã hội. |
Trong khi đó, Chelsea Bieker - nữ nhà văn đương đại mới nổi của Hoa Kỳ, ra mắt tiểu thuyết đầu tay - Godshot - kể về hành trình của cô bé Lacey May 14 tuổi, tìm kiếm sự thật đằng sau sự mất tích của mẹ mình, có liên hệ một giáo phái bí ẩn tồn tại ở California. Qua tác phẩm, cô mong muốn độc giả không chỉ được trải nghiệm một hành trình kỳ thú, mà còn tìm ra sự thanh thản tâm hồn trong cơn đại dịch.
“Tôi tin rằng, trong những thời khắc khó khăn thế này, văn chương là liều thuốc tốt nhất dành cho tâm hồn chúng ta trước sự cách ly xã hội. Chính văn học đã giúp tôi đặt nhiều câu hỏi cho bản thân mình, và cố gắng giải đáp chúng” - nữ nhà văn Chelsea Bieker nói.
Với nhà văn đương đại người Anh Sophie Mackintosh, đại dịch COVID-19 là thời gian cô tìm những chủ đề khác nhau để giải phóng tâm hồn. Sau thành công vang dội của hai tác phẩm The Water Cure và Blue Ticket, trong đó, The Water Cure - được đề cử giải thưởng Man Booker 2018, cô mong muốn khai thác sâu sắc hơn những câu chuyện về chủ đề giới tính, gia đình và quyền lực của con người.
“Liệu chúng ta có thể kiểm soát cuộc sống của mình hay không?” là câu hỏi thường xuất hiện trong các tác phẩm của Sophie Mackintosh. Đại dịch COVID-19 khiến cô có thể chia sẻ thẳng thắn những suy nghĩ của bản thân, và đưa ra lời khuyên cho bạn đọc một cách chân thành nhất.
Nhà phê bình văn học Thomas Chatterton Williams của tờ The New York Times thì lựa chọn hướng đi khác biệt nhằm đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng giữa đại dịch. Anh đã cùng hơn 150 nhà văn, nhà báo khác lên tiếng chỉ trích Harper Magazine trong một bức thư gửi đến tòa soạn này đầu tháng Bảy. Nội dung bức thư kêu gọi một sự cải tổ cách kiểm duyệt nội dung mà Harper Magazine đã làm nhiều năm qua.
Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh bùng nổ, những nội dung Harper Magazine đăng tải đã gây chia rẽ và phân biệt trong cộng đồng LGBT và cộng đồng người da màu tại Mỹ. “Trong thời khắc quyết định này, chúng ta cần chung tay đẩy lùi đại dịch, thay vì chia rẽ bản thân vì những mâu thuẫn trong suốt thời gian qua”, Thomas Chatterton Williams lên tiếng.
|
Nhà văn danh tiếng của Anh - Alexander McCall Smith - đã viết lời cho ca khúc ''Hand of hope'', nhằm gây quỹ cho hoạt động nghiên cứu vắc-xin phòng chống COVID-19. |
Nhà văn Kim Scott, người hai lần giành giải Miles Franklin chia sẻ những trải nghiệm của mình trong giai đoạn cách ly xã hội tại Úc. Ông nói với đài ABC: “Chúng ta đã có một cơ hội để nhìn nhận lại giá trị của mình trong cuộc sống, và để thay đổi nó”.
Bên cạnh ngòi bút, nhiều tác giả chọn những hướng đi khác, truyền cảm hứng cho những ai đang trong cuộc chiến chống lại đại dịch này. Hàng loạt những quỹ ủng hộ phòng, chống và nghiên cứu vắc-xin ngừa COVID-19 được các nhà văn lập nên trên khắp thế giới, mang lại tín hiệu tích cực đến nhận thức của nhân loại.
Giữa mùa hè nước Anh, Alexander McCall Smith - một trong những nhà văn danh tiếng tại xứ sở sương mù - đã viết lời cho ca khúc Hand of hope (Bàn tay của hy vọng), do nghệ sĩ Piers Schmidt và Nigel Short trình bày. Lời bài hát mang đến những hy vọng tích cực về khả năng ngăn chặn đại dịch, và nếu chúng ta cùng chung tay, thì không gì có thể làm tổn hại chúng ta. Ca khúc gây quỹ được hơn 1,3 triệu bảng Anh cho hoạt động nghiên cứu vắc-xin phòng, chống COVID-19.
Cùng cảm hứng với những gì nhà văn Alexander đang làm, từ tháng Tư, một nhóm các nhà văn địa phương tại Richmond (Canada) đã tổ chức các buổi “họp thơ” qua ứng dụng Zoom, nhằm chia sẻ với nhau những bài thơ động viên trong mùa dịch bệnh. “Tuy không thể đóng góp gì nhiều, nhưng hy vọng những bài thơ này sẽ giúp những người đang chiến đấu chống lại đại dịch cảm thấy được an lòng” - William Chan, người đứng đầu Hiệp hội nhà văn tại Canada phát biểu.
Anh Khôi