Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Văn chương phải chạm tới thân phận con người

05/11/2015 - 07:17

PNO - Anh là tác giả của bảy tập truyện ngắn, hai tập bút ký - tản văn và mới đây nhất là tiểu thuyết Miền hoang được trao giải sách hay 2015.

Nha van Suong Nguyet Minh: Van chuong phai cham toi than phan con nguoi

Sương Nguyệt Minh là nhà văn mặc áo lính có 25 năm cầm bút. Anh là tác giả của bảy tập truyện ngắn, hai tập bút ký - tản văn và mới đây nhất là tiểu thuyết Miền hoang được trao giải sách hay 2015.

Từng là lính trận ở biên giới Tây Nam và tham gia quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, văn chương Sương Nguyệt Minh luôn tràn đầy cảm hứng trận mạc, số phận người lính. Độc giả cũng biết đến anh với cái nhìn sắc sảo và ngòi bút tung tẩy về tâm lý xã hội hiện đại, về đề tài phụ nữ...

* Miền hoang tiếp tục những trang viết về chiến tranh, với một vùng hiện thực ít được đề cập trong văn học. Điều gì thôi thúc anh trở lại với vùng ký ức ấy?

- Quê tôi ở xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; chỉ riêng thôn tôi sống cũng đã có ba người lính nằm lại chiến trường Campuchia. Chúng tôi ra trận trong tâm thế “giúp bạn cũng là giúp mình”.

Sau 5 năm đi bộ đội và từ chiến trường trở về quê, một người mẹ có con cùng làng, cùng ngày nhập ngũ, cùng một đơn vị đã ôm lấy tôi nức nở: “Lúc đi thì có anh có em, lúc về sao anh không rủ em về?”.

Người anh họ ra chiến trường cùng tôi, tối hôm trước còn ngủ với đồng đội trong hầm dã chiến ở bãi phù sa trồng bí ngô bên sông Tonlesap, sáng hôm sau không thấy. Anh em bổ đi tìm, thấy anh nằm cách trận địa cao xạ khoảng 200m, bị đóng một cọc vào miệng, và bốn cọc vào bàn chân, bàn tay...

Mỗi dịp kỷ niệm ngày nhập ngũ, đồng đội gặp lại nhau, những câu chuyện như thế cùng với lớp lớp ký ức của bạn bè thức dậy. Đồng đội tôi cứ thúc giục, và trách tôi không viết về những năm tháng đau đớn ấy.

Còn một điều nữa, tôi có cảm giác cuộc chiến này dường như đang bị lãng quên trong những mối lo toan cơm áo gạo tiền của cuộc sống đương đại gấp gáp. Đành rằng chiến tranh đã qua, chúng ta phải sống với ngày hôm nay và tương lai, nhưng máu xương của bao người ra trận thì không thể lãng quên...

* Anh viết Miền hoang dễ hay khó ?

- Quá nhọc nhằn. Tôi đặt bút viết từ tháng 5/2013 đến giữa năm 2014 thì xong, bản thảo lúc đầu không đầy đặn như bây giờ. Từ bản thảo này, tôi nhận được sự chia sẻ, động viên của anh em đồng nghiệp, bạn văn.

Tôi nhận thấy nếu cứ để như thế thì sẽ lại giống, lại đi vào vết chân của người viết văn trước. Phải mở một hướng mới lạ, khác biệt và từ một người kể lúc đầu, tôi cho bốn nhân vật thay nhau kể. Năm điểm nhìn cuộc chiến và đời sống khác nhau.

Lúc đầu không có đề từ ở mỗi chương, sau tôi nghĩ nên có thông tin thông tấn. Chính thông tin có tính chất báo chí thay cho đề từ lại là bối cảnh cho nhân vật thể hiện tính cách, cá tính; đồng thời độc giả trẻ hiểu thêm về một cuộc chiến ở ngoài biên giới. Cách làm đề từ này cũng cho tôi cảm hứng khác với kiểu đề từ mang tính triết lý như người ta vẫn làm...

* Có cảm giác cuốn tiểu thuyết này, chất văn không đậm đà, nhiều dụng công... như vốn thấy ở các truyện ngắn của anh. Một sự chủ ý hay do áp lực quá lớn của nguồn tư liệu đồ sộ?

- Tôi nghĩ Miền hoang là cuốn tiểu thuyết chỉ ít chất thơ, chất trữ tình so với các truyện ngắn của tôi thôi. Đây là chủ ý của tôi, muốn giảm thiểu sự đưa đẩy dẫn dắt rề rà, để tạo nhịp độ nhanh hơn cho tác phẩm.

Mỗi lần viết là một lần làm mới, không chỉ mình khác với người khác, mà còn phải khác với chính mình trước đây. Có lẽ cái “tạng” của tôi phải cựa quậy, luôn luôn thay đổi, để đa giọng điệu, đa phong cách. Miền hoang với tôi là một bước ngoặt trong nỗ lực thay đổi ấy.

Tôi vẫn thường hỏi bạn bè có đọc được đến trang cuối cùng không? Nếu đọc đến trang cuối cùng thì nghĩa là tôi yên tâm, còn nếu bỏ dở có nghĩa là nhà văn thất bại. Trong khối tư liệu đồ sộ như thế, cũng phải chọn những gì rất điển hình, phục vụ cho tư tưởng tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật phải liên tục xuất hiện, trang nào cũng phải xuất hiện, làm cho bạn đọc bị dẫn dụ ... “ngộp thở”.

* Nhìn lại chặng đường sáng tác của mình, anh tự nhận thấy tính đa giọng điệu, đa phong cách thể hiện thế nào?

- Giai đoạn đầu tôi viết trong trường thẩm mỹ truyền thống với những tác phẩm như Đêm làng Trọng Nhân, Người về bến sông Châu, Nỗi đau dòng họ, Mây bay cuối đường... Sau đó có sự thay đổi với những bút pháp hiện thực, huyền ảo như Nơi hoang dã đồng vọng, Mười ba bến nước, Dị Hương, hay mổ xẻ, nghĩ ngợi về các vấn đề tâm lý xã hội như tạp văn Đàn ông chọn khe ngực sâu... Còn bây giờ là sự thay đổi các điểm nhìn, cách kể khác biệt ở Miền hoang.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI