Nhà văn Phan Việt đã... 'Về nhà'

09/04/2017 - 19:00

PNO - Là cây bút nữ có nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu thích và đánh giá cao như: Phù phiếm truyện, Bất hạnh là một tài sản... tiến sĩ-nhà văn Phan Việt (hiện đang dạy đại học tại Mỹ) mới đây đã... 'về nhà'.

Tiến sĩ-nhà văn Phan Việt (hiện đang dạy đại học tại Mỹ) vừa trở lại Hà Nội để giới thiệu tập sách Về nhà - chính thức khép lại bộ sách Bất hạnh là một tài sản của chị, cũng là kết thúc câu chuyện ly hôn xuyên suốt bộ sách.

Nhưng, dường như Về nhà cũng đồng thời mở ra một chương mới trong cuộc đời nhân vật chính - tác giả. Đúng như cái tên, Về nhà thật sự đánh dấu một tâm thế mới, một chặng đường mới của Phan Việt, như chị chia sẻ: “Đến thời điểm này, tôi ít nghĩ về bản thân và ít tìm cách định nghĩa bản thân mà dùng bản thân này vào việc gì có ích thì dùng, thế thôi! Sẽ có nhiều cơ hội để sử dụng nó và có những cơ hội mà tôi chưa từng trải nghiệm”...

Nha van Phan Viet da... 'Ve nha'
Nhà văn Phan Việt giao lưu với bạn đọc nhân ra mắt tập sách Về nhà

- Bốn năm cho cuốn sách này, kể từ sau hai cuốn đầu, với chị đây dường như không phải là quãng thời gian để viết mà là để “sống” trước khi có câu trả lời “Về nhà” cho mình?  

- Như trong sách có kể, nó xuất phát từ một câu chuyện thật là tôi gặp “ma” và sau đó tôi phải sống rất lâu trong nỗi sợ mà tôi chưa từng biết đến, bao gồm cả sợ chết. Nỗi sợ này buộc tôi phải đối mặt với câu hỏi gốc của nỗi sợ, cũng như gốc của tất cả những suy nghĩ, cảm xúc, thói quen mà chúng ta thường rất ít có khả năng kiểm soát xem nó nằm ở đâu.

Nói “giải thoát” nghe to tát, nhưng trước hết, nếu ta không có tự do đối với các ham muốn, nhu cầu, sợ hãi, suy nghĩ, cảm xúc, thói quen của mình, thì đời sống này là một sự nô lệ thường xuyên. Trước đây, tôi nghĩ mình có một công việc tốt, có chút tên tuổi, địa vị, được làm việc mình thích, sống kiểu mình muốn, thế là tự do rồi… Nhưng nỗi sợ bản thể đó khiến tôi thấy tất cả các thói quen, phong cách, cái thích và không thích của mình cũng đều là một thứ nhà tù trá hình. Và tôi tìm hiểu, không phải bằng lý thuyết mà bằng thực chứng.

- Đó là một trải nghiệm trong không gian rất gần gũi với văn hóa người Việt - những ngôi chùa. Việc này đã mang lại cho chị những thay đổi gì? Trong tập sách chị khắc họa mối tình với nhân vật tên AJ rất đẹp, độc giả cũng nghĩ đó chính là cảm xúc thật của chị. Vậy vì sao chị lại tuyên bố mình sẽ ở vậy suốt đời?

- Nó mang lại một sự thay đổi bản chất cho những gì tôi làm trong công việc và cuộc sống. Đầu tiên, tôi tước bỏ dần những gì tôi làm vì các tính toán cho bản thân, để chất thêm các loại danh hiệu, thành tựu cho mình, để thấy mình bận rộn, bận rộn và bận rộn.

Đây là sự tước bỏ xảy ra một cách tự nhiên, không cần cố gắng. Đối với những việc tôi còn làm, bên trong thực ra cũng đều thay đổi. Việc dạy học chẳng hạn. Sinh viên của tôi khi tốt nghiệp sẽ là người đi giúp đỡ người khác giải quyết những vấn đề khó khăn như nghiện, nghèo, trầm cảm, bạo lực.

Giờ đây, khi lên lớp tôi không nói với các em về việc giúp đỡ người khác như một nhu cầu, một nghề, một vấn đề đạo đức mà như một cách hiện hữu trong cuộc sống. Với cách này, các em sẽ thấy thân thể, suy nghĩ, cảm xúc, tên tuổi, kiến thức… mọi thứ đều chỉ là công cụ để sử dụng từng lúc, chứ không phải những thứ mình sở hữu và làm nô lệ cho chúng.

Khi đó tự nhiên việc sẽ không còn là việc. Về câu chuyện với AJ, là tôi tự biết vậy thôi (cười). Tự biết rằng mình không có khả năng sống với một người cụ thể theo kiểu vợ chồng, chỉ có thể yêu và sống với con người nói chung thôi. Cho nên, tôi không cố nữa.

Nha van Phan Viet da... 'Ve nha'
 

- Chị cũng nói: “Lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ mình là người Việt, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam mà chẳng hiểu gì về lịch sử, văn hóa, tâm lý đích thực của dân tộc mình”. Về nhà đã được xử lý thế nào để hài hòa giữa chất nghiên cứu và cảm hứng trữ tình?

- Tôi nghĩ, với người sống ở hai nền văn hóa như tôi, nếu không cẩn thận, sẽ rất dễ rơi vào những nhận xét và kết luận kiểu “người Việt thì…”, “người Mỹ thì…”, “ở Việt Nam thì…”.

Bất kỳ ở đâu cũng vậy, để tiện lợi con người sẽ suy nghĩ, nói năng và hành động bằng các nguyên tắc đối đãi của nơi đó một cách tự nhiên. Tôi không muốn làm như thế. Tôi cũng có viết trong sách, con người ta ai cũng có một cái bản lai diện mục mà khi lành nhất, an nhất, người ta sẽ bộc lộ cho bạn thấy; hoặc khi người ta sợ hãi nhất, những tầng sâu của nó sẽ bộc lộ.

Cuốn này tôi viết trong một thời gian dài vì gặp khó khăn trong việc xử lý quá nhiều tư liệu. Giai đoạn quan trọng nhất khi viết là vào năm 2016. Lúc đó, tôi viết trong trạng thái không định hình mình là gì cả; cũng không nghĩ về loại hình của cuốn sách. Tôi chỉ trải nghiệm và thể hiện lại những gì xảy ra; những điều xảy ra đó có lúc cũng cần một cái tên để giao tiếp, có lúc thì không. Lúc sống ở chùa cũng thế, tôi rất nhanh chóng vứt bỏ nhiều quy tắc nghiên cứu Mỹ để đắm mình vào kinh nghiệm, với tâm thế “ra sao thì ra, thế nào cũng được”.

- Thời gian viết Về nhà hình như còn thúc đẩy chị có những nghiên cứu, ứng dụng cụ thể cho các dự án về công tác xã hội của mình ở Mỹ và Việt Nam?

- Hiện tại ở trường, tôi xây dựng một lớp học mới có tên "Phật giáo và công tác xã hội". Đây có thể là lớp học đầu tiên ở Mỹ về chủ đề này. Tôi và ba đồng nghiệp còn xây dựng một lớp học có tên "Tự chăm sóc bản thân" để đưa một số khái niệm và cách thực hành Phật giáo vào công việc nhằm giúp nhân viên công tác xã hội không bị căng thẳng và quá tải khi làm việc. 

Về lâu về dài, tôi sẽ xây dựng các hình thức trị liệu cho những người bị rối nhiễu tâm trí. Hiện tôi đang làm một dự án về hỗ trợ cho những người chăm sóc người già bị Alzheimer. Tôi hướng tới ứng dụng một số điều học được từ đạo Phật để họ không thấy quá tải và trầm cảm khi chăm sóc các cụ.

Nha van Phan Viet da... 'Ve nha'
 

- Chị có định về Việt Nam sống và làm việc trong thời gian tới? Đâu là vấn đề xã hội ở Việt Nam mà chị quan tâm và mong muốn đóng góp? Cuốn sách tiếp theo Về nhà sẽ là…?

- Tôi rất muốn dành một nửa thời gian ở Mỹ, một nửa ở Việt Nam hoặc châu Á. Lâu dài, như tôi có nói, tôi muốn mở các trung tâm cung cấp các dịch vụ giáo dục, trị liệu và tổ chức các hoạt động xã hội hướng tới việc giúp các gia đình Việt Nam hạnh phúc hơn, nhất là phụ nữ và trẻ em. Hiện tại, bản thảo gần hoàn chỉnh nhất của tôi là một bản thảo tiếng Anh mà tôi chưa đặt tên chính thức.

Tôi cũng sẽ viết cuốn này thành tiếng Việt để in ở Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn một số bản thảo dang dở, là cuốn Dạy kiểu Mỹ, học kiểu Mỹ và cuốn Người thỉnh chuông, vốn là một mạch truyện rút ra từ cuốn Về nhà. Cuốn nào được in trước thì còn tùy.  

- Cảm ơn và chúc chị luôn bình an!

Cao Bảo Hân

Tiến sĩ Phan Việt là một trong những gương mặt đã tham dự buổi gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với doanh nhân, trí thức kiều bào tiêu biểu tại TP.HCM năm 2016. Bộ sách Bất hạnh là một tài sản của chị gồm ba cuốn Một mình ở châu Âu, Xuyên Mỹ (2013) và Về nhà (2017) - là tự truyện khởi từ cuộc ly hôn của chị nhưng mở ra rất nhiều vấn đề xã hội nói chung dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, một nhà văn trung thành với lối viết chiêm nghiệm, giàu chất trữ tình.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI