Đây cũng là điều bất ngờ với không ít độc giả, khi tên tuổi Phạm Công Luận lâu nay vốn gắn liền với những tác phẩm viết về Sài Gòn. Chú bé Thất Sơn là cuốn sách viết cho thiếu nhi hiếm hoi trong sự nghiệp sáng tác của anh. Với bối cảnh là vùng Thất Sơn (An Giang), câu chuyện chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa về nghị lực, niềm tin, ước mơ của những đứa trẻ miền quê nghèo; về những giá trị lịch sử - văn hóa vùng Bảy Núi…
Phóng viên: Anh còn nhớ về hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm này?
Nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận: Cách đây 30 năm (1991), lần đầu tôi đến Châu Đốc và thăm cánh đồng Vĩnh Ngươn bên dòng kinh Vĩnh Tế, tiếp giáp Campuchia. Bên kia biên giới, có một chợ trời bán thuốc lá, tôi chứng kiến trên cánh đồng biên giới có nhiều người đi lang thang trong nắng nóng mùa hè. Họ là những người nghèo được thuê sang chợ trời để mang thuốc lá về (gọi là đi “đai”). Trên đường đi, họ luôn phải trốn lực lượng kiểm soát biên giới. Trong số người tham gia “đai” thuốc, có nhiều trẻ em. Em nào cũng gầy gò, đen nhẻm. Tôi từng nghe kể có một em nhỏ vì đi “đai” mà chết đuối trên dòng kênh.
Trở về Sài Gòn, hình bóng những em bé nghèo khó lang thang trên cánh đồng đầy nắng khiến tôi nghĩ ngợi nhiều, và bắt đầu ngồi vào bàn viết.
Chú bé Thất Sơn là cuốn truyện hư cấu, nhân vật Siêng cũng vậy. Nhưng khi viết, tôi cố gắng bám sát đời sống thực tế ở đó, cũng như tìm đọc vài cuốn sách về Châu Đốc, vùng Thất Sơn, và vẽ theo trí nhớ bản đồ thị xã, cánh đồng tiếp giáp kênh Vĩnh Tế, định vị cả ngôi trường và nơi ở của các nhân vật…
* Sự tiếp nhận của độc giả dành cho Chú bé Thất Sơn vào những năm 1990 thế nào? Anh có những kỷ niệm đặc biệt với tác phẩm ở thời điểm ấy?
- Chú bé Thất Sơn là cuốn sách đầu tay tôi ngẫu hứng viết chơi. Lúc đầu, tôi gửi đến nhà xuất bản và đợi xem có được in hay không, nhưng đợi hoài không thấy. Sau, một anh bạn cũng gửi bản thảo ở đó, khi biết Nhà xuất bản Trẻ có cuộc thi Văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước (phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM) bàn với tôi là nên chuyển bản thảo sang cuộc thi. Tôi thấy sao cũng được, cũng không trông đợi gì. Rồi sách có giải cùng nhiều cuốn khác, rất vui. Nhờ cuốn sách, tôi có dịp gần gũi hơn với nhà văn Sơn Nam.
Lúc đầu ông nghĩ tôi là người quê gốc ở Châu Đốc, An Giang. Sau biết không phải, ông kể cho tôi biết thêm những chuyện khác khá thú vị về vùng đất ấy, những chuyện chính ông từng trải qua. Lúc đó, chưa có internet nên khó biết được độc giả lúc ấy đón nhận ra sao. Chỉ sau này, tôi mới được một số độc giả thời ấy, nay đã vào tuổi trung niên nhắc lại những ấn tượng khi đọc sách. Hiện nhiều người vẫn còn giữ cuốn sách bé nhỏ này.
* Thành công với tác phẩm đầu tay, vì sao anh không chọn tiếp tục song hành cùng văn học thiếu nhi?
- Việc viết lách cần chuyên tâm, nhưng việc làm báo lại không cho tôi nhiều thời gian, chưa kể tôi còn có những đam mê khác. Quan trọng là viết gì cũng phải được độc giả chấp nhận. Lúc đó, tôi thấy chưa có điều gì “ngọ nguậy trong đầu” để viết được như vậy nên không tiếp tục.
* Nhà văn - nhà báo vốn được đi nhiều nơi, viết được rất nhiều điều. Nhưng theo anh, có phải chúng ta cũng đang “nợ” các em nhỏ những câu chuyện dành cho tuổi thơ - khi lựa chọn của người cầm bút không phải là câu “viết cho trẻ nhỏ”?
- Chính xác là vậy. Tôi thấy nội trong cái xóm nhỏ nơi tôi đang sống (Q.Phú Nhuận), đã có bao nhiêu chuyện có thể viết. Cuộc sống vô cùng phong phú, ở đâu cũng có chuyện xúc động, con người kỳ lạ, phong tục thú vị, món ăn độc đáo, cảnh sắc lạ lùng và nhiều khác biệt giữa các vùng đất có thể khai thác. Càng thuận lợi nếu là nhà báo được đi và tiếp xúc nhiều. Vẫn có những nhà văn viết cho thiếu nhi, nhưng không có mấy người chuyên. Văn học thiếu nhi có lẽ chưa phải là lĩnh vực thu hút người viết.
Năm 1997, tôi có dự một khóa học của ACCU (Trung tâm văn hóa châu Á - Thái Bình Dương) về làm sách báo cho thiếu nhi. Chúng tôi có đến thăm hai nhà xuất bản lớn nhất Nhật Bản là Shogakukan (xuất bản truyện Doraemon) và Kodansha. Qua khóa học, tôi hình dung trên thế giới, việc xuất bản các ấn phẩm thiếu nhi rất quan trọng, chiếm thị phần lớn trong ngành xuất bản, nhất là ở các nước tiên tiến và có vai trò lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Nhờ đó, họ có đội ngũ nhà văn viết cho thiếu nhi tài năng và nhiều tác phẩm xuất sắc. Sách thiếu nhi ở đó cũng là một ngành kinh doanh thành công, một tác phẩm hay có thể khai thác thành nhiều hình thức hấp dẫn.
Trong khi đó, ở đất nước ta, vẫn còn là “mảnh đất trống cần được cày xới”. Đó là điều đáng tiếc và chúng ta chưa có cách thoát ra được. Cá nhân tôi vẫn mong có thể viết cho thiếu nhi. Nếu có, tôi sẽ viết về điều mình hiểu rõ và thấy thú vị nhất.
* Hư cấu một câu chuyện cho tác phẩm văn học, đối với anh sẽ thuộc phạm trù “không dễ” hay… “không thích”?
- “Không dễ”, chứ không phải “không thích”. Tôi có vài bản thảo truyện đã viết vài chục trang, rồi để đó vì chưa phát triển câu chuyện được. Trong thời gian suy nghĩ, tôi lại viết sách phi hư cấu về… Sài Gòn xưa (cười).
* Thành phố đã và đang trải qua một giai đoạn đầy biến động với COVID-19, anh có nghĩ mai này sẽ viết tiếp tác phẩm về Sài Gòn những ngày dịch bệnh?
- Đại dịch sẽ là chủ đề lớn cho người viết, nhưng với cá nhân tôi cần độ lùi, cảm hứng và cả sự hiểu biết sâu sắc. Dù sao, chúng ta vẫn còn trong nó và chưa hình dung hết cuộc sống sau này sẽ biến đổi thế nào.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Lục Diệp (thực hiện)