Nhà văn - nhà báo Lê Phi Tân: Thương mùi lá thơm trên tóc mạ…

25/01/2023 - 06:55

PNO - Tết Huế đầy màu sắc, hương vị, giàu hình ảnh và đẫm đầy trong ký ức của nhà văn - nhà báo Lê Phi Tân, tác giả của "Về Huế ăn cơm".

Nhà văn - nhà báo Lê Phi Tân (bút danh Phi Tân, hiện công tác tại Đài PT-TH Thừa Thiên Huế), là tác giả của các tập tản văn: Ngoại ô thương nhớ, Bên sông Ô Lâu, Về Huế ăn cơm - tác phẩm vừa được trao tặng thưởng năm 2022 của Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Những trang viết của anh về xứ Huế giàu cảm xúc và đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất. Ký ức của anh về Tết Huế cũng vậy. Mùi tết quê nhà bùi ngùi nhớ thương, với ''mùi lá sầu đâu quyện với mùi rơm khô và mùi mấy loài trái cây đương chín tỏa ra từ cái lu sành thơm sực nức cả một góc nhà", "mùi lá chuối thơm thơm thiệt hiền", "mùi bánh chưng, bánh tét đang chín quyện cùng mùi nước lá thơm trên tóc của mạ...".

Nhà văn-nhà báo Lê Phi Tân
Nhà văn - nhà báo Lê Phi Tân

Nao lòng với những chuyến đò “chở Tết qua sông”

* Phóng viên: Chúc mừng những thành công của anh trong năm qua, với các tác phẩm viết về Huế đậm dấu ấn và nhiều cảm xúc. Những ngày cuối năm, nếu là cảm xúc riêng về “Tết Huế”, anh có chia sẻ gì với bạn đọc?

- Nhà văn, nhà báo Lê Phi Tân: Tết Huế luôn mang lại những cảm xúc thật ấm áp, thân thương cho tôi. Nói cách khác, tôi luôn chờ đón tết như một đứa con xa mong ngày về nhà. Đó cũng là lúc Huế đẹp nhất, đáng yêu nhất trong năm.

Không chỉ gói gọn trong 3 ngày tết, mà với người Huế, Tết đã bắt đầu từ những ngày tháng Chạp, khi mà các làng, các họ tộc bước vào công việc chạp mộ, chăm sóc hương khói cho “ngôi nhà” của người đã khuất. Cũng từ những ngày đầu tháng Chạp, các phường thợ, phường nghề tổ chức lễ cúng tổ.

Đó là về mặt thời gian, còn về không gian, thì những làng quê ngoại ô cuối nguồn Hương Giang khởi nguyên cho những mùa Tết Huế. Khi những cánh đồng hoa cúc và sau này là nhiều loài hoa khác của làng Tiên Nộn trổ hoa, cũng là lúc người làng Thanh Tiên nhuộm giấy kết hoa, và người làng Lại Ân hong giấy trong nắng cuối đông mà in tranh.

Hoa giấy Thanh Tiên sẽ qua chuyến đò Tiên Nộn - Bao Vinh để lên phố báo tết đang về. Những chuyến đò chở tết qua sông rất gợi và rất Huế. Ai đã một lần được thấy, có lẽ cũng nao lòng...

Không xôn xao sắc màu như hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình - Lại Ân âm thầm hơn nhưng không thể thiếu trong những lễ cúng của người Huế những ngày đầu năm. Tết Huế đã được thắp lên như thế, từ những làng quê ven sông Hương bền bỉ với nghề truyền thống ông cha mỗi năm chỉ khởi sắc khi tết đến xuân về. Tháng Chạp đã về, những chuyến đò đã chở sắc tết qua sông...

Cúng cuối năm
Mâm cúng cuối năm của người dân xứ Huế

* Nếu là để nhớ về những ngày tết không quên trong năm tháng tuổi thơ của anh, thì ký ức đó có thể được hình dung như thế nào?

- Cứ độ cuối năm, ba tôi đi làm về, mà thấy mắc trên ghi-đông xe đạp một bì pin: pin con thỏ màu xanh, pin con ó màu vàng, màu đỏ. Rứa là biết ba đã mua pin mới để nghe đài ngày tết. Cái radio be bé của nhà tôi cũng là tín hiệu báo tết sớm nhất, khi chương trình phát các bài hát về mùa xuân. 

Ba tôi vẫn nói rằng tết là phải mới. Hồi đó lịch treo tường vẫn còn hiếm, chợ quê bán tranh vẽ mai, lan, cúc, trúc. Ba mua về dán ở hai cột trụ trước gian thờ. Chỉ cần thấy mấy bức tranh giấy này được ba dán lên, là tôi thấy tết đã về. Ba còn mua một tấm ni lông trải bàn hoa màu sặc sỡ phủ lên chiếc bàn gỗ cũ kỹ, và sau đó đặt lên mấy bình bông cúc đại đóa. Cả căn nhà của tôi như sáng rực lên dưới ánh đèn dầu...

Rồi đêm cuối năm, ba cùng mạ quạt than đổ vào cái bàn ủi con gà. Những bộ cánh chỉ mặc trong ba ngày tết của bà nội, ba mạ và đàn con đều được ủi thẳng thớm, tươm tất. Có khi bàn ủi than đỏ quá phải ủi vào chiếc lá chuối tươi kêu xèo xèo. Đêm đã về khuya, đài đọc những chương trình sẽ phát tết. Vui lắm nên cả nhà không ai đi ngủ cả. 

Tết cũng là dịp để con cháu được ông bà, cha mạ truyền nghề
Tết cũng là dịp để con cháu được ông bà, cha mạ truyền nghề làm bánh mứt

“Tắm cho thiệt thơm tho mà đón Giao thừa, đón tuổi mới nghe mấy đứa!”

* “Mùi Tết” thương nhớ mãi không thể quên trong ký ức anh là gì?

- Thường qua 20 tháng Chạp, bà nội kêu ba tôi bắc thang hạ buồng chuối móc trong vườn đã tròn khến, rồi thêm mấy trái đu đủ, vú sữa, trứng gà (lêkima)... Cùng lúc ba hạ buồng chuối, thì tôi cũng nhảy tót lên cây sầu đâu, bẻ những cành lá xanh xuống để bà nội dú (nghĩa là: ủ cho mau chín - PV) mấy thứ trái cây. Tất cả những trái cây đưa vào cái lu sành, ủ rơm khô và lá sầu đâu vô để dú.

Bà dặn: “Mấy đứa cháu không được mở lu ra để nhìn chúng nghe, trái cây nó ốt dột (nghĩa là: ngượng ngùng, xấu hổ - PV) không chịu chín kịp tết mô đó!”. Nghe bà dặn rứa, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn tò mò mở nắp lu coi thử trái cây đã chín chưa. Mùi lá sầu đâu quyện với mùi rơm khô và mùi mấy loài trái cây đương chín tỏa ra từ cái lu sành thơm sực nức cả một góc nhà. 

Những ngày giáp tết, anh em chúng tôi còn “đảm trách” một công việc nữa là đi gom lá chuối. Ba rọc lá chuối ngoài vườn, mấy anh em tôi đi gom lại đem vô sân phơi chuẩn bị gói bánh. Phơi cho lá chuối vừa đủ mềm là đem vô rọc từng đoạn lá vuông vức.

Lúc đó, tôi có nhiệm vụ lau lớp phấn còn vương trên từng mảnh lá. Nếu trời mưa thì đưa lá chuối luộc sơ qua cho mềm mới gói được bánh. Mùi lá chuối cũng thơm thơm thiệt hiền, có lẽ bởi cái háo hức về nồi bánh chưng, bánh tét sắp đỏ lửa trong ngày cuối năm đang tới…

Vào hoàng cung chơi bài vụ cũng là một trong những nét đẹp văn hóa ngày Tết ở xứ Huế
Vào hoàng cung chơi bài vụ cũng là một trong những nét đẹp văn hóa ngày tết ở xứ Huế

* Tết xưa và Tết nay ở Huế có nhiều thay đổi không? 

- Cũng như các vùng miền khác, Tết Huế cũng có những thay đổi theo đời sống hiện đại. Ví dụ hồi trước cây Hoàng mai xứ Huế là một loài hoa bình dân, ở quê tôi nhà nào cũng trồng. Mai trước sân, mai trong vườn, mai ngoài ngõ... Có nhà phải đến chục cội mai trồng quanh nhà. Mai là sứ giả của mùa xuân xứ Huế. Sáng mồng Một Tết, cành mai khải thị sắc vàng ấm áp, đủ để biết rằng mùa xuân đã đến trong nhà. 

"Chiều cuối năm, mạ tôi gom nhặt các loại lá thơm trong vườn như sả, bưởi, chanh…, bỏ thêm mấy lát gừng tươi rồi nấu một nồi nước lá thiệt to. Nồi nước lá thơm một phần để dành cho mạ và bà nội gội đầu; một phần để tắm gội cho mấy anh em tôi.

Cái mùi thơm thảo hiền từ của cây cỏ vườn nhà mà mạ nấu làm sao tôi quên được! Nhớ lắm câu nói dỗ dành của mạ khi tắm lá thơm cho mấy anh em: “Tắm cho thiệt thơm tho mà đón giao thừa, đón tuổi mới nghe mấy đứa!”.

Sau một ngày bộn bề với bao công việc cúng kiếng ngày tất niên, đêm 30 mạ mới rảnh rang ngồi gội đầu cho mình. Bên bếp lửa bập bùng ngày cuối năm, mùi bánh chưng, bánh tét đang chín quyện cùng mùi nước lá thơm trên tóc của mạ mãi mãi là mùi thơm êm dịu và thân thương nhất trong ký ức tuổi thơ và ngày Tết của tôi" - nhà văn, nhà báo Lê Phi Tân

Bây giờ thú chơi cây cảnh phát triển, mai đã trở thành một loài hoa quý phái trong chậu vốn không phải là bản tính của loài hoa này. Trên những con đường xuân xứ Huế, rất khó gặp những cành mai đẹp một cách tự nhiên, dân dã; mà có nữa thì cái giá để có được cành mai lại không bình dân chút nào.

Hay chuyện làm mứt bánh cho ngày tết chẳng hạn, bây giờ không ít gia đình ở Huế không làm các loại bánh truyền thống như bánh thuẫn, bánh in, bánh hột sen hay gói bánh tét, bánh chưng nữa, mà chủ yếu là đặt mua  cho đỡ tốn công. Không khí đón Tết cổ truyền của nhiều gia đình vì thế cũng vơi đi phần nào. Hay những gia đình trẻ ở Huế cũng chọn cách đóng cửa nhà trong những ngày tết để đi du lịch chẳng hạn...

Cây nêu đón Tết được dựng trong Đại nội huế
Cây nêu đón tết được dựng trong Đại Nội Huế

Nhưng Tết Huế vẫn có những nét đặc sắc riêng như tục dựng nêu đón tết trong Đại Nội vào ngày 23 tháng Chạp, và sau đó hạ nêu hết tết vào ngày Mùng 7 tháng Giêng. Sau khi cây nêu trong hoàng cung được dựng lên, bên ngoài người dân mới được dựng nêu ăn tết. Cây nêu ở nhà dân cũng phải thấp hơn cây nêu được dựng trong Đại Nội.

Một nét đẹp của Tết Huế đó là sáng Mùng 1 Tết, người Huế không hái lộc như một số nơi khác, mà để lấy lộc, họ thường mua trầu cau. Bởi vậy ở các chợ Huế, hay trên một số tuyến đường chính, có những mẹt trầu cau tươi được bày ra bán, người mua không trả giá, người bán thì vui vẻ mời chào.

Cũng trong sáng Mùng 1, người dân Huế thường đi đến các nghĩa trang để thắp những nén hương thơm cho phần mộ người thân đã khuất, và sau đó đến các ngôi chùa lễ Phật cầu một năm mới bình an cho gia đình...

Ở Huế, thấy nêu là thấy Tết về. Cây nêu trong nhà dân phải dựng thấp hơn cây nêu trong hoàng cung
Ở Huế, thấy nêu là thấy tết về. Cây nêu trong nhà dân phải dựng thấp hơn cây nêu trong hoàng cung

* Anh đã viết nhiều về văn hóa, ẩm thực… xứ Huế trong các tác phẩm của mình. Anh có nghĩ rằng riêng chuyện Tết Huế cũng sẽ xuất hiện trong một tác phẩm mới của anh không?

- Trong cuốn sách đầu tay của tôi - Ngoại ô thương nhớ (Nhà xuất bản Trẻ, 2019) - có một chương mang tên “Nhớ Tết” là những ký ức về những mùa tết cũ của tôi. Các tác phẩm khác cũng đều có những bài về Tết Huế. Có lẽ Tết Huế sẽ là một đề tài rất hấp dẫn cho những ai yêu Huế, và còn nhiều câu chuyện về Tết Huế vẫn chưa được viết. Tôi sẽ tiếp tục viết về Tết Huế, như những câu chuyện về tết ở phố thị chẳng hạn.

* Năm mới có ý nghĩa như thế nào với riêng anh, nhất là ở vai trò một người cầm bút?

- Năm mới tôi đặt ra mục tiêu đi nhiều hơn, tìm những đề tài mới để viết. Tôi cũng chờ đợi năm mới Quý Mão này sẽ chào đón những cuốn sách của mình được phát hành, và sẽ được bạn đọc yêu thương đón nhận!

* Cảm ơn nhà văn - nhà báo Lê Phi Tân.

Lục Diệp (thực hiện)

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI