Chuồng cọp trên cao là tác phẩm thứ chín của nhà văn Nguyễn Thu Hằng (sinh năm 1976, hiện là giáo viên và là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương). Trước đó chị đã từng có các tác phẩm: Cánh thư bay (2014), Thì thầm cùng giọt sương, Bám biển (2017), Mật thư trên ngọn đa, Đảo thức (2018), Cánh đồng xa xăm (2019), Mưa ngâu (2020) và Mùa hoa lưng chừng gió (2021).
Nguyễn Thu Hằng cũng là tác giả 7X duy nhất có mặt trong số 12 tác phẩm được chọn vào chung khảo của Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII. So với các cây bút 9X, giọng văn cũng như những câu chuyện của chị khác hẳn. Trong Chuồng cọp trên cao phảng phất hình ảnh của tuổi trẻ những thế hệ trước, những mối tình lãng mạn và thơ ngây, không có mạng xã hội, không có những ngôn từ hiện đại. Và vì vậy, bạn đọc cùng thế hệ với tác giả có lẽ cũng sẽ cùng được trở về những dư âm của miền quê cũ...
|
Truyện ngắn được chọn làm tiêu đề tập truyện là câu chuyện kể về vườn lan phi điệp... |
* Phóng viên: Xin chào nhà văn Nguyễn Thu Hằng và chúc mừng tác phẩm Chuồng cọp trên cao được ra mắt. Là tác giả lớn tuổi nhất so với các tác giả khác tại Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII, chị có…áp lực gì không? Hoặc có sẻ chia gì cùng bạn đọc trẻ thông qua tập truyện ngắn lần này?
- Nhà văn Nguyễn Thu Hằng: Quả thật tôi thật sự bất ngờ khi biết rằng tôi là tác giả 7X duy nhất lọt vào chung khảo. Tôi còn thấy rất thú vị, rất vui và háo hức, thầm nghĩ “không ngờ mình vẫn còn trẻ” (cười). Tôi đã tìm thấy cảm xúc tuổi 20 trong tôi suốt thời gian chính là khoảng một tháng khi viết Chuồng cọp trên cao (tháng 5/2020), cảm xúc đó vẫn còn ở lại cho đến bây giờ. Nên với tôi tuổi 20 không chỉ là con số mà chính là cảm xúc thanh xuân của tâm hồn.
* Nhiều tựa truyện trong tác phẩm đều man mác, giàu hình ảnh và đều có thể chọn làm tiêu đề chính. Vì sao chị chọn Chuồng cọp trên cao cho tựa truyện? Câu chuyện này có mang ý nghĩa đặc biệt với tác giả?
- Trong tác phẩm, truyện nào cũng có chi tiết hình tượng về những giấc mơ trong lành mà cháy bỏng, đau đáu mà đành dang dở, để lại những tiếc nuối. Khi tôi bắt đầu có ý tưởng để tạo dựng nên hình tượng Chuồng cọp trên cao, tôi thấy cần biểu đạt sao để hình thức của truyện sẽ dẫn dắt cảm xúc của bạn đọc đi đến nội dung ý nghĩa của truyện, khi truyện khép lại vẫn gợi nhiều ngẫm ngợi.
Giống như khi ta ngắm một bông phi điệp năm cánh trắng mà thấy được cả cánh rừng đại ngàn với tiếng gió thổi, suối chảy, thông reo... Dùng tên truyện ngắn Chuồng cọp trên cao để đặt cho cả tập chính là giãi bày lòng yêu thiên nhiên của tôi, giãi bày những mộng mơ, khát khao tuổi 20 vẫn còn rạo rực, thổn thức trong lòng...
|
Nhà văn Nguyễn Thu Hằng: "Mong rằng, tập truyện sẽ mở ra cho các bạn một khoảng trời bông gạo trắng, giúp bạn xây một chuồng cọp trên cao và thắt được vòng hương tặng người yêu quý" |
* Đọc những truyện Bước gió, Trâu nước, Men rượu Cửu diệp hương, Tầm gửi mít…, cảm giác tình yêu của tuổi trẻ trong văn Nguyễn Thu Hằng đẹp và thơ như một bức tranh đồng quê - dẫu có buồn bã và chia ly. Và có vẻ phảng phất không khí truyện là bối cảnh của một thời đã xa, đã qua hơn là chuyện về người trẻ hôm nay?
- Có thể các bạn ở thành phố thường nghĩ rằng không khí làng quê đã thay đổi khi công nghiệp, hiện đại tràn về. Nhưng với tôi, làng quê vẫn đầy thơ mộng và thanh bình. Làng tôi gần nơi có những công ty mọc lên như nấm, tiếng xe chạy rầm rầm nhưng làng tôi vẫn bao quanh bởi những cánh đồng, những dòng sông lớn, nhỏ.
Con sông Thái Bình bao la, những bãi bờ, đồng màu xanh ngát bốn mùa. Cảm xúc của tôi vẫn hướng về nơi ấy, nơi thời gian như ngừng lại. Nơi con người sống giữa thiên nhiên nên dễ ươm những giấc mơ. Dù giấc mơ có dễ vỡ nhưng xúc cảm sẽ theo suốt cuộc đời.
* Nếu kể với tuổi 20 hôm nay nghe về tuổi 20 của mình, chị sẽ nhớ nhất về những điều gì?
- Là tôi đã từng đánh rơi giấc mơ tuổi trẻ của mình. Một trong những giấc mơ tôi đánh rơi đó là tôi rất thích học, thích được làm cô giáo song tôi lại nghỉ học giữa năm lớp 10. Và rồi niềm yêu thích văn chương cũng thất lạc theo năm tháng. Để sau này, trong dang dở, đau đáu khôn nguôi, tôi đi tìm lại giấc mơ học đường ấy, và bây giờ vẫn ngày hai buổi đến trường. Vẫn xôn xao khi ngắm hoa phượng nhú đỏ trên cành, vẫn bồn chồn khi mùa thi đến. Và vẫn nhiều nuối tiếc, nhiều khát khao.
* Và nếu có một nỗi buồn nào đó khi nghĩ về tuổi trẻ của thế hệ hôm nay, chị thấy cuộc sống hiện đại đã lấy mất đi của người trẻ những điều gì?
- Người trẻ hôm nay đầy nội lực, và khát vọng. Họ hòa mình vào cuộc sống hiện đại và tân tiến. Họ gần gũi, bạn bè thân thiết với công nghệ, máy móc. Và họ cũng rời xa thiên nhiên. Mà rời xa thiên nhiên là rời xa những mơ mộng, trong trẻo và thuần khiết.
|
Mùa hoa lưng chừng gió là tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Thu Hằng |
* Nghề giáo có ảnh hưởng và tác động nhiều lên những trang viết của chị?
- Dạy học là ước mơ của tôi khi còn nhỏ. Giờ được sống giữa bầy trò nhỏ, tôi thấy tâm hồn mình vẫn còn trẻ, vẫn mơ mộng trong trẻo như chưa hề già. Khi viết về tình yêu, tôi nghĩ, có thể lúc lớn lên, học trò của tôi sẽ tìm đọc tôi để xem tôi viết về tình yêu như thế nào như bây giờ tôi viết truyện thiếu nhi cho các em đọc vậy. Nên thế, Chuồng cọp trên cao đầy thơ mộng, giàu hình ảnh và chi tiết hình tượng.
* Có người nói truyện của Nguyễn Thu Hằng thường nhẹ nhàng, man mác và cũng lãng mạn, ngọt ngào. Đó có phải cũng là tính cách của người viết hay là chị vẫn luôn muốn vẽ nên những giấc mơ đẹp của đời thực bằng văn chương?
- Có ai đó cũng nói, người hiền, chừng mực thì không có văn chương dữ dội. Tôi không hẳn cho là vậy. Văn chương không chỉ làm rung động cảm xúc mà còn khiến cho con người tái tạo cảm xúc. Cuộc đời vốn dĩ vẫn đẹp như văn chương chính là cái đẹp. “Cuộc sống vốn đã ban tặng cho chúng ta đôi cánh để có thể bay lên, chỉ là con người đã tự cắt mất đôi cánh ấy của mình đi thôi” - trong truyện Chiếc vòng hương tôi đã viết như thế.
* Chị có thể chia sẻ với độc giả về tác phẩm hoặc những đề tài ấp ủ và sẽ viết trong thời gian tới?
- Sắp tới, nhà xuất bản Kim Đồng sẽ ra mắt tập truyện đồng thoại viết cho thiếu nhi Cây gạo cõng mặt trời và nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ra mắt tập truyện ngắn Bay theo bầy thiên nga của tôi. Tôi vẫn thích viết truyện thiếu nhi và truyện về người trẻ. Còn đề tài hay những ấp ủ, tôi xin chất chứa riêng trong lòng. Bởi hễ nói ra là như thể tôi đã giải tỏa hết cảm xúc, lòng nhẹ bâng là tôi lại chẳng thể viết được nữa.
Lục Diệp thực hiện