Năm 2007, Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc được phát hành, nhưng ngay sau đó, cuốn sách bị thu hồi, chỉnh sửa. Đến nay, nhà xuất bản Trẻ mới in lại tác phẩm này. Tác phẩm không chỉ viết về một mà nhiều người đàn bà “bị chồng bỏ”. Họ là những người đàn bà say yêu: yêu đàn ông, yêu nghệ thuật và yêu cả những nỗi đau đớn của chính mình. Tác phẩm cũng là một bức tranh với nhiều gam màu thăng trầm của nghệ thuật cải lương nói riêng và sân khấu nói chung.
Phóng viên: Cảm xúc lúc này của chị như thế nào khi đứa con tinh thần được ra mắt độc giả với diện mạo mới?
Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Cảm xúc đầu tiên là các độc giả và nhà xuất bản đã không bỏ mình. Giờ tôi tạm yên tâm cất lại nỗi ám ảnh “bỏ và bị bỏ”, để hoàn tất những suy tư mới về cái chết và thế giới đầy bí ẩn của nó. Tôi cám ơn những người gây cản trở cho việc sáng tác của mình, vì nó là kích thích tố rất tốt cho tác phẩm kế tiếp.
|
Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc và tác phẩm vừa được in lại - ảnh: đạo diễn Nguyễn Phú Hữu |
* Chị có thể lý giải vì sao lại chọn từ “ký sự” cho tựa sách?
- Khi viết cuốn này, trong tôi đầy cảm xúc trước việc thay đổi của xã hội, đất nước. Tôi dự kiến viết vài tiểu thuyết và đã có phác thảo. Song, tôi còn phải làm nhiều việc cấp thiết hơn việc viết truyện. Đó là học, dạy, rồi luyện ngoại ngữ trước những lời mời tham gia các hội diễn, hội thảo cho sân khấu và giáo dục trong ngoài nước. Càng ngày tôi càng thấy đời sống quanh mình quá nhiều điều thú vị, mà khả năng hư cấu của tôi không đủ sức nhốt nó vào tác phẩm. Thêm nữa, đôi khi tôi kiệt sức vì phải hoài thai những tác phẩm sân khấu và điện ảnh. Vì vậy, tôi nghĩ nếu coi bản thảo này là một “ký sự”, tạm thời hy vọng nó sẽ không phản bội lại chính mình.
* Tác phẩm được sáng tác trong khoảng thời gian hơn 20 năm, điều đó có ảnh hưởng đến tính nhất quán của cả tác phẩm không?
- Việc phải ngắt quãng lâu như vậy, tôi nhận hết lỗi về mình. Tôi được khen vì khả năng “năm trong một” (nhà văn, đạo diễn, biên kịch, giảng viên, diễn viên), điều này khiến tôi luôn tự trách mình không đủ dũng lực để nói “không” với những yêu cầu làm việc, cộng tác của nhiều lĩnh vực: sân khấu, điện ảnh, giáo dục, biểu diễn lẫn văn học. Nói cách khác, tôi đã không chính chuyên dồn hết tâm lực cho văn học, nên đã không thể hoàn tất tác phẩm này sớm hơn. Về tính nhất quán, tôi thấy mình vẫn còn giữ được. Ngay với lời phê bình nó bị mất “thuần nhất phong cách”, tôi lại nghĩ đó mới chính là “phong cách” của cuốn này.
* Trong tác phẩm chị sử dụng khá nhiều thủ pháp sân khấu, chị có thể nói rõ hơn những dụng ý nghệ thuật của mình và những thông điệp muốn truyền tải tới người đọc là gì?
-Còn nhớ anh Lưu Quang Vũ, hình mẫu của nhân vật Quân Lam trong truyện, đã nói, hòa bình xong, anh chưa muốn vào Nam ngay vì không muốn bị đánh đồng với những người vào trước đã làm mất đi mỹ cảm của nhau giữa hai miền. Anh cũng đã đọc truyện của tôi đăng ở Sài Gòn trước năm 1975.
Cải lương cũng không phải là nghệ thuật độc nhất ở cuốn truyện này. Quá trình được đi qua khá nhiều nước: Campuchia, Pháp, Anh, Úc, Philippines, Na Uy, Tanzania, Jordan, Mỹ, Indonesia… và còn được gặp thêm nhiều đồng nghiệp đến từ nhiều nước khác nữa, khiến tôi không còn thói quen cài cắm dụng ý vào nghệ thuật, và cũng không thấy có nhu cầu phải truyền tải thông điệp, mà cứ để câu chuyện tự trôi đi. Có lẽ trong cái tựa đã lộ hết ý tứ (nếu có) ra rồi.
* Có thể thấy nỗi đau đáu suy tư của chị với nghệ thuật cải lương thông qua tác phẩm. Vậy sắp tới chị có sáng tác hay dự án nào liên quan đến cải lương không?
- Năm 2019, tôi nhận lời làm tư vấn cho giáo sư Hugo Frey và nhà văn Suzanne Joinson đến từ Anh trong chương trình Lịch sử cải lương truyền khẩu do Hội đồng Anh tổ chức. Sắp tới, tôi sẽ phụ một tay vào việc lưu giữ phòng truyền thống cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nơi tôi có thời gian dài làm ở Phòng Nghệ thuật, và phụ trách đào tạo chung với các tiền bối như cô Bảy Phùng Há, cô Hai Kim Cúc. Đây là mơ ước từ lâu của thầy tôi - đạo diễn Đoàn Bá và giám đốc Phan Quốc Hùng, nhưng hai người đã qua đời mà chưa thực hiện được.
Ba dự án sắp tới của tôi tuy không liên quan nhiều tới cải lương, nhưng có dính dáng khá nhiều tới vùng đất Nam Bộ, cái nôi của cải lương. Một kịch bản mới với đạo diễn Leon Lê, một kịch bản phim từ truyện của nhà văn Sơn Nam, và những truyện cho trẻ con cũng quanh quẩn ở vùng Mekong Delta.
Điều đáng sợ lớn nhất cho một tác giả, với tôi là những gì mình viết bị đứt mạch với cuộc sống của những người xem đã và đang sống. Để điều đó đừng xảy ra, tôi phải cố quên những chuyện tiêu cực đến với mình trong quá khứ, phải đọc, xem nhiều người đáng đọc, đáng xem khác, phải dám từ chối những lời rủ rê viết kịch, phim để thu xếp viết, vì quỹ thời gian tôi còn rất ít. Chỉ với viết, tôi mới chính thức được là mình.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Hạnh Thảo (thực hiện)