(nhà xuất bản Trẻ) được in với số lượng hết sức ấn tượng: 20.000 bản bìa cứng và 170.000 bản bìa mềm. Nhà văn cũng sẽ có hai buổi giao lưu, ký tặng sách vào ngày 7/1 và 14/1 tại TP.HCM và Hà Nội.
Nguyễn Nhật Ánh đã viết rất nhiều tác phẩm, với bối cảnh quen thuộc lấy cảm hứng từ quê nhà Quảng Nam. Các nhân vật cũng quẩn quanh trong tuổi thơ, tuổi hoa niên hồn nhiên tinh nghịch. Vậy mà không có tác phẩm nào “đụng hàng”. Ông vẫn cứ dẫn dụ độc giả vào một thế giới hồn nhiên, trong trẻo, tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương, lòng trắc ẩn.
Cây chuối non đi giày xanh cũng vậy. Có lẽ người đọc thiếu nhi hay ở tuổi trưởng thành sẽ muốn ngồi lại bên tác phẩm này, để nhẩn nha đọc, nhẩn nha khám phá ký ức nhà văn; vài khi bật cười, đôi lúc hồi hộp, bất ngờ, rồi xúc động; để rồi sau đó thấy lòng ấm áp.
|
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong ngày ra mắt tác phẩm mới
|
Chuyến tàu trở về tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh, dù đi qua cung đường quen thuộc, mỗi hành trình đều mang những dư vị khác nhau. Đó là chuyến tàu mà có đi bao nhiều lần, người ta vẫn muốn bước lên, để được trở về với miền yên ả, đẹp đẽ nhất của tâm hồn.
“Nhà văn sẽ viết về điều mà họ ấn tượng, hoặc ám ảnh nhiều. Tôi luôn muốn viết về tuổi thơ, vì tôi không thể quên những năm tháng ấy. Tôi thậm chí không để cho các nhân vật của mình lớn lên. Thế giới người lớn phức tạp, nhiều vấn đề, đầy nỗi lo và khổ đau. Tôi chỉ muốn sống sâu, sống mãi trong tuổi thơ mình” - Nguyễn Nhật Ánh bộc bạch.
Dịch giả Kato Sakae - người đã chuyển ngữ tác phẩm Mắt biếc và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sang tiếng Nhật - bày tỏ: “Tôi dịch tác phẩm của ông không chỉ vì đó là sách bán chạy ở Việt Nam mà chúng đã dựng lên một lĩnh vực mới mẻ mà văn học thiếu nhi chưa từng có. Đó là đóng góp to lớn cho sự phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam dưới thời đại mới”.
Rất nhiều danh xưng, những lời tụng ca dành cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ông cũng là tác giả hiếm hoi của Việt Nam có nhiều đầu sách được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng. Thậm chí, nếu nhắc về sự phát triển của văn học sau 40 năm, kể từ năm 1975, Nguyễn Nhật Ánh là cái tên “không có đối thủ”. Nhưng, sau tất cả những hào quang đó, vẫn là một “hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ”, sống giản dị và cần mẫn viết. Khi Cây chuối non đi giày xanh phát hành, nhà văn cho biết đã viết được một nửa tác phẩm mới.
Nhiều người đã hỏi thẳng Nguyễn Nhật Ánh sao không tự làm mới bằng đề tài, góc độ, bối cảnh mới - chí ít cũng không bỏ lơ thời cuộc. Nhà văn chỉ cười, cho biết, cuộc sống có quá nhiều vấn đề khiến người ta đau đầu, ông càng muốn viết những tác phẩm trong trẻo cho tâm hồn.
Giống như cách ông “bỏ mọi muộn phiền, mệt mỏi ngoài cánh cửa mỗi khi trở về nhà, trong suối nguồn của cảm xúc sáng tạo, những điều khiến con người đau lòng, tổn thương cũng đã được gạn lọc hết qua ngòi bút. Bởi thế mà nỗi buồn hay những góc khuất bí mật (nếu có) trong các tác phẩm cũng trở nên đáng yêu và đầy tính nhân văn.
Sợi chỉ đỏ kết nối mọi giá trị từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh chính là tình người và những giá trị sống. Các nhân vật không lớn lên, nhưng tầm vóc của nhân vật chính là tư tưởng của người viết. “Tôi từng thử để các nhân vật của mình lớn hơn tuổi học trò, nhưng cảm thấy bản thân cũng không muốn viết tiếp. Những gì mà tuổi trưởng thành phải trải qua thì chẳng thể nào bình yên, trong trẻo nữa” - nhà văn tâm sự. Ông viết để được sống với ký ức, để còn được nhìn thấy người đã xa hiển hiện trên từng trang sách - dẫu là giữa rất nhiều phần hư cấu của mỗi tác phẩm.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Sách đối với trẻ em cũng giống như một người bạn. Nếu đã tin cậy, trẻ em sẽ sẵn lòng nghe nhà văn kể bất cứ chuyện gì” - Nguyễn Nhật Ánh nói vậy. Còn đối với người lớn, tác phẩm của ông như một điểm tựa tâm tình, chân thành và vững vàng. Chính “những triết lý sống gây nghiện” trong từng tác phẩm đã khiến tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh trở thành một ngưỡng vọng, mong chờ cho độc giả bao thế hệ.
Có những chiều mưa bay, tôi nằm nhớ cái ngày mình hay ngồi với dì, xếp thuyền giấy thả trước sân nhà. Hoặc khi được nằm trên chiếc võng giữa hai cây khế ngoài vườn, tôi bỗng nhớ se sắt những người thân ở quê, chìm đắm trong ký ức cũ; đến khi rời khỏi, thấy như mình vừa trải qua một giấc mơ đẹp, phải đối diện với sự thật rằng người cô, người cậu của mình đã mất, rồi những người bạn đều đã đi xa… Tất cả khiến tôi thổn thức, cảm giác rất tức ngực. Nhìn lại, thấy mình đã đi quá xa tuổi nhỏ. Đến một ngày, tôi bắt đầu ghi lại ký ức của mình. Tôi muốn tái hiện lại thành sách tất cả những gì quý giá, thân thương đã không còn nữa.
|
là câu chuyện của bọn trẻ ở thị trấn Hà Lam với những trò nghịch ngợm của trẻ con, lồng ghép vào đó là những bí mật của người lớn. Đây cũng là lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh mang nhân vật chú tiểu vào tác phẩm, với những ký ức được chắt lọc từ kỷ niệm thật về người bạn ở ngôi chùa xưa. Sách cũng tái hiện không gian làng quê Việt với những hình ảnh văn hóa truyền thống, để độc giả nhí khám phá một vùng đất nên thơ, còn người lớn sẽ thêm một lần trở về góc trời kỷ niệm.
Bùi Tiểu Quyên