Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: 'Tôi ăn đòn của số phận cũng nhiều'

09/12/2014 - 14:55

PNO - PN - Quyết định dừng bút ở tuổi 65, Nguyễn Huy Thiệp vừa bán bản quyền toàn bộ tác phẩm của mình cho Nhà xuất bản Trẻ trong vòng 5 năm. Bên lề cuộc tọa đàm "Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt văn xuôi Việt Nam sau 1975" được tổ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nha van Nguyen Huy Thiep: 'Toi an don cua so phan cung nhieu'

* Nguyễn Huy Thiệp không viết nữa là điều bất ngờ với nhiều người. Điều gì đã khiến nhà văn lẫy lừng một thời không còn hứng thú với việc viết lách, thưa ông?

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Già rồi thì phải nghỉ thôi, vì cuộc đời đâu phải chỉ có văn học, còn bao nhiêu niềm vui hay công việc khác.

Mặc dầu tôi cũng có rất nhiều vinh quang, hạnh phúc, nhưng xét cho cùng cũng bình thường như mọi người. Với lại mỗi người có một thế hệ độc giả, khó nói là những người trẻ sẽ cần tôi, họ cần một típ nhà văn khác. Mỗi thời có một ngôn ngữ riêng.

* Và đến tận lúc này, khi dừng lại, nói một cách thật lòng, ông còn điều gì nuối tiếc với văn chương?

- Tôi chả còn gì. Văn học là cuộc chơi khắc nghiệt, cuộc chơi sinh tử, nhưng cũng rất tuyệt vời vì nó hướng về chân thiện mỹ. Khi tôi đến với văn học, tôi thấy cuộc sống của mình ngân nga và vợ con tôn trọng tôi hơn, tôi có nhiều bạn bè hơn. Không có văn học với những điều hay dở thì tôi chẳng có gì, chẳng ai chú ý đến tôi. Ba mươi năm viết lách không phải dễ dàng, và tôi bằng lòng với những gì mình viết ra.

Tiếng nói của văn học là tiếng nói của lương tâm, của tâm linh. Tôi vẫn nói với các bạn trẻ, văn học là cuộc chơi khó khăn, muốn theo đuổi nó thì phải "chân chân chân, thật thật thật" chứ không phải chân thật. Cuộc chiến ấy không hề dễ dàng.

* Ông nói văn học là cuộc chơi khắc nghiệt, có thể cụ thể hơn?

- Đó là phải làm việc một mình. Nó biến những ý nghĩ từ vô hình thành câu chữ, thành sách, ra mắt được độc giả trong nước và ngoài nước, rồi đến khi tiền vào túi mình nữa, nó là một quá trình gần như không có hy vọng gì về phía trước. Nghề của mình là biến không thành có, mà lại phải có thế nào, chứ nếu không sẽ làm tan hoang cuộc đời mình và những người thân của mình. Văn học nó kinh khủng thế. Mà văn chương chữ nghĩa là sống trong bể thị phi. Chữ nghĩa nó hóc hiểm vô cùng, nhiều khi người ta nói thế này mà lại là thế kia, mình phải vượt lên chuyện đấy với tất cả sự nhẫn nại, đau đớn. Không phải mình không biết, nhưng mình vẫn phải ghìm lại để đi tiếp, không phải vì điều gì, chỉ để sống thôi.

Cuộc đời của tôi hay ai cũng thế, có một quy luật: có phúc thì có họa. Luật nhân quả là có thật, không phải tự nhiên người xưa hay nhắc về những bài học cuộc sống. Những tác phẩm tôi viết phần lớn là sau mỗi lần đau buồn. Văn học nhiều khi phải trả giá bằng những con đường mù mờ mà khi kể ra cụ thể thì rất khó.

* Sau này, khi ông thử nghiệm ở nhiều thể loại khác nhau, người ta dường như không còn thấy một Nguyễn Huy Thiệp xuất sắc như thời Tướng về hưu. Có bao giờ ông có cảm giác không vượt qua chính mình?

- Luôn luôn như thế. Về sau này tôi còn có lúc tệ nữa. Có những lúc không đi được, tôi phải bò. Con người ta nó là thế, làm sao trẻ khỏe mãi được, rồi đủ mọi thứ đến với mình mà mình vẫn phải sống...

* Nhìn lại quá khứ, khi sống giữa những khen chê dữ dội, ông thấy như thế nào?

- Tôi không quan tâm nhiều lắm đến những khen chê. Khen tôi cũng không sung sướng gì hơn, mà chê tôi cũng không ảnh hưởng gì. Trong cuộc đời, tôi đã đối mặt với rất nhiều vinh nhục rồi.

* Không quan tâm đến vinh nhục, là người viết, ông quan tâm đến điều gì?

- Tôi nghĩ sống phải biết thế nào là phải, thế nào là trái, cái gì mình cần theo. Con người phải thế, nếu không ta chẳng có giá trị gì. Cuộc đời nó tàn nhẫn thế. Như tôi đã nói, nghề văn luôn luôn đứng giữa bể thị phi, giữa lựa chọn đúng sai, thiện ác, hay dở. Nhiều khi có những người chết rồi mới được công nhận.

* Dừng lại cuộc chơi khắc nghiệt với văn chương, cuộc sống của ông có nhẹ nhõm như mong ước?

- Khi bạn sống đến tuổi 60, bạn sẽ biết cuộc sống kinh khủng lắm. Khi ấy các cơ hội ít đi, không còn nhiều bạn bè nữa, con bỏ nhà đi, tiền nong cũng không có… Đau lắm! Quãng đời về sau mới kinh khủng, không phải là ngẫu nhiên mà 60 tuổi người ta phải về hưu, khi ấy người ta phải đấu tranh với cái chân đau, cái răng đau, mình thành công sẽ không có ai chơi vì người không bằng mình sẽ đố kỵ hoặc tủi thân; nhưng mình kém người ta cũng không chơi với mình. Ở đời cứ sắc sắc không không như thế, giàu quá cũng khổ, nghèo quá cũng khổ.

Cuộc sống này là thế, anh tệ quá không ai chơi với anh, nhưng anh tốt quá cũng không ai chơi với anh, giàu quá không ai chơi, nghèo quá không ai chơi, anh hùng quá hay kiêu ngạo quá đều không có người chơi, khiêm tốn quá người ta cũng đọc ra vị của anh. Tôi ăn đòn của số phận cũng nhiều, nhưng rồi vẫn phải sống. Cuối đời cứ sống thanh thản là sung sướng rồi.

* Ông vừa bán toàn bộ tác phẩm của mình cho NXB Trẻ với số tiền bản quyền khá cao…

- Không ăn thua, tôi tiêu hết tiền rồi. Tôi tiêu cũng hoang lắm.

* Dừng viết văn nhưng Nguyễn Huy Thiệp chuyển sang vẽ tranh gốm, phải chăng đã đến lúc ông chuyển nghề kiếm tiền?

- Tôi không sống nhiều năm nữa đâu mà phải lo việc ấy, con cái đã lớn, chúng đã kiếm tiền được rồi (cười). Tuy nhiên, nếu có cơ hội thì tôi cũng "lợi dụng" tên tuổi của mình để kiếm tiền. Già phải có việc gì làm, nếu không sẽ sinh ra nhàn cư vi bất thiện. Có việc làm cũng vui, tôi đi vẽ giết được khối thì giờ. Tiền bán tranh cũng được.

* Nghe nói cuối năm nay ông sẽ có một cuộc triển lãm riêng?

- Tôi chưa biết. Nếu người ta trả tôi một số tiền xứng đáng thì tôi sẽ làm, nếu không thì tôi để chơi, vui mà!

 DUNG NHI
(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI