Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Thẳng thắn, bao dung và trách nhiệm với 'Tuổi 20 yêu dấu'

09/10/2018 - 05:00

PNO - Sau nhiều năm tuyên bố “rửa tay gác kiếm”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã tái xuất trên văn đàn theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Trong bộ quần áo nâu sồng giản dị, ông bảo bây giờ mình đã nhớ nhớ quên quên, song vẫn đầy chân thành và thẳng thắn khi chia sẻ về Tuổi 20 yêu dấu - tiểu thuyết đầu tay có số phận đầy long đong của ông.

Nha van Nguyen Huy Thiep: Thang than, bao dung va  trach nhiem voi 'Tuoi 20 yeu dau'
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (ngồi giữa) trong buổi ra mắt Tuổi 20 yêu dấu

Hoàn thành năm 2003, Tuổi 20 yêu dấu được xuất bản lần đầu tại Mỹ vào năm 2004, xuất bản ở Pháp năm 2005 và lưu hành ở nhiều nước như Bỉ, Thụy Sĩ… Nhưng vì ngôn ngữ rất đời, sắc lẹm và “bố đời” - đúng giọng điệu của những thanh niên mới lớn mà sau 15 năm, Tuổi 20 yêu dấu mới được xuất bản trong nước.

Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn viết truyện ngắn hàng đầu của Việt Nam. Ông nổi tiếng từ năm 1986 với truyện ngắn Tướng về hưu gây chấn động dư luận. Ngoài ra, ông còn có nhiều truyện ngắn nổi tiếng khác, như: Những ngọn gió Hua Tát, Con gái thủy thần, Muối của rừng, Những người thợ xẻ, Vàng lửa, Kiếm sắc

Tuổi trẻ, phải đi qua “cửa Tình”

Phóng viên: Nguyễn Huy Thiệp rất ít khi xuất hiện bằng xương bằng thịt, nhưng đã có mặt trong buổi ra mắt Tuổi 20 yêu dấu. Xin ông nói vài lời khi tiểu thuyết này được in ở Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Việc ra mắt Tuổi 20 yêu dấu ở Việt Nam có ý nghĩa riêng với cuộc đời cầm bút của tôi. Thú thực là tôi rất sợ những cuộc ra mắt sách nên đã phân vân rất nhiều về việc có nên tổ chức giới thiệu Tuổi 20 yêu dấu hay không. Tôi đã bị nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thuyết phục. Anh nói, việc ra mắt sách như một nghi lễ, bởi văn học Việt Nam nhiều năm nay đã bị dung tục hóa, nhà văn cũng “được” người ta đem ra đùa giỡn.

* Nhân vật trong các tác phẩm của ông thường là những thanh niên mới lớn. Điều gì khiến ông đặc biệt quan tâm đến đối tượng này?

- Năm nay tôi 69 tuổi. Ngẫm đi ngẫm lại, cả cuộc đời, chỉ có thời thanh niên là đẹp nhất. Tuổi mới lớn cũng là giai đoạn người ta phải bước qua cánh cửa đầu tiên của sự trưởng thành - cửa tình. Tình yêu, quan hệ giữa nam và nữ như trò chơi của thượng đế. Song chúng ta cần tìm hiểu và cư xử với nó một cách có văn hóa, có học thức, chứ không thể mê man, bừa bãi. Nếu không thì chỉ chuốc lấy những đau khổ.

Trước đây, tôi đi dạy học 9 năm, tôi nghĩ mình là nhà giáo, nhưng không phải. Khi về Hà Nội, đi làm cán bộ, tôi thấy mình cũng không phải là cán bộ. Ngày là họa sĩ của một nhà xuất bản, tôi tưởng tôi là họa sĩ, nhưng cũng không phải. Tôi viết văn, tôi lại tưởng mình là nhà văn, rồi thấy cũng không phải.

Những năm gần đây, tôi nghiên cứu nhiều về tôn giáo và tôi nhận ra cả quá trình sống của mình, tôi là người đi tìm đạo. Trong quá trình đó, cửa đầu tiên phải đi qua vẫn là cửa tình, phải vấp vào quan hệ nam - nữ, âm - dương. Khi đã trải qua thì phải xả mới vui được. Qua được cửa hỉ xả đó mới đến được cửa từ bi và qua được cửa từ bi - thấy những đau khổ của kiếp người thì mới đến được cửa giác ngộ, mới hiểu được thế nào là đạo và hiểu đạo để tìm ra được ranh giới đúng - sai giữa các sự việc, từ đó đưa ra lựa chọn.

* 21 tuổi, ông đã có truyện ngắn. Ông thấy tuổi 20 hôm nay khác tuổi 20 của ông ra sao?

- Thời trẻ tôi đọc sách, ước ao đơn giản là lớn lên mình sẽ làm việc gì đó để dựng được ngôi nhà mới cho hết dột. Sau này, rất may, nhờ viết văn mà tôi dựng được nhà. Nhưng nhà dựng lên thì bố mẹ tôi đã mất. Thế hệ trẻ bây giờ, về vật chất đầy đủ hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều. Nhưng các bạn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác về tinh thần. Các bạn được tiếp nhận những điều hay hơn, nhưng cũng phải đối mặt với những thứ phức tạp hơn.

Người viết văn cần phải tu thân

* Có độc giả cho rằng, Tuổi 20 yêu dấu được ông viết bằng sự chia sẻ, có chút bào chữa cho những lầm lạc, nhưng họ cũng thắc mắc liệu tác phẩm có gay gắt, bức bối, cực đoan quá không, có khó để tiếp cận và đối thoại với một bộ phận người trẻ không?

- Tôi không biết trả lời thế nào, vì tôi là nhà văn, chỉ biết cố gắng để viết được tác phẩm hay, chứ tôi không thể giải thích, đáp ứng được những góc nhìn khác nhau của mọi người. Những trải nghiệm khác nhau sẽ có những cái nhìn, những cách tiếp cận khác nhau.

* Tuổi 20 yêu dấu khác hoàn toàn với những gì ông đã viết, lại nhập vai một cậu thanh niên 20 tuổi ở thành phố. Những thách thức của ông khi viết tác phẩm này là gì?

- Viết về bất cứ nhân vật nào cũng là thách thức. Riêng Tuổi 20 yêu dấu có hoàn cảnh, câu chuyện của bản thân tôi, gia đình tôi, con trai tôi, nên khi viết sẽ vướng nhiều điều nhạy cảm. Nếu không cẩn thận thì người “hy sinh” đầu tiên chính là tôi; trong khi tôi là trụ cột gia đình, chỗ dựa cho những thành viên khác. Nhưng vì thước đo của vũ trụ là chân, thiện, mỹ; trong đó chân quan trọng nhất, nên tôi không còn cách nào khác ngoài sự trung thực, thẳng thắn đối mặt, nhìn nhận mọi hay, dở, đúng, sai trong cuộc sống; để từ đó tìm ra được cách ứng xử. Tôi nghĩ, viết văn đòi hỏi người ta phải tu thân. Khi đã tu thân được thì những ảnh hưởng tích cực đến các thành viên trong gia đình và xã hội sẽ tự xuất hiện.

Với người viết, điều khó hơn việc nhìn thấy chân là tình cảm. Tôi viết Tuổi 20 yêu dấu bằng tình cảm dành cho con trai của tôi. Nó dính vào ma túy. Bên cạnh nó là những người bạn và cả những “lực lượng” mà tôi phải đối mặt, khiến nhiều lúc tôi bị đẩy đến ranh giới hoặc phải thế này hoặc phải thế kia. Với bất cứ người nào có chút tên tuổi, danh tiếng trong xã hội; nếu không cẩn thận, sẽ bị nhiều “mũi nhọn” chĩa vào.

* 30 năm trước, trong truyện ngắn của ông có nhân vật là ông bố bị u não, các con là cán bộ ngành giáo dục đã họp lại biểu quyết, giơ tay “ủng hộ” việc để bố chết, khỏi phải cứu chữa. Bấy giờ, ông đã cảnh báo về sự bất hiếu và vô cảm của xã hội. Mấy chục năm sau, thường xuyên có những câu chuyện con cái đẩy bố mẹ ra đường để tranh nhà cửa, thậm chí sát hại cả đấng sinh thành. Với hiện thực hiếu nghĩa ngày càng tệ hại hơn, ông có nghĩ văn học bất lực trước xã hội?

- Thành thực, động cơ viết văn đầu tiên của tôi là để kiếm tiền. Đến khi có bạn đọc, có tên tuổi rồi thì động cơ viết sang một “cảnh giới” khác. Tôi nghĩ, văn học nhiều khi cũng có sự lợi hại của nó, có sự thay đổi theo những hướng mà mình không ngờ tới. Như trước đây, tôi mở nhà hàng, nhân viên thấy ông Nguyễn Huy Thiệp tiếp toàn khách quan trọng, thế là họ tìm đọc tôi, rồi cũng có mấy người bí mật làm thơ, viết văn. Tôi giật mình, họ làm thơ, viết văn thì ai nấu ăn cho nhà hàng của tôi, lấy ai phục vụ khách nữa (cười).

* Đời sống hôm nay nghiêng về giá trị kinh tế, sự thực dụng cũng cao hơn nhiều giá trị khác. Ông nghĩ người trẻ hôm nay sẽ phải đối mặt với điều đó như thế nào?

- Bằng cả kinh nghiệm sống và kinh nghiệm viết, tôi muốn nói rằng, khi còn trẻ thì hãy cứ sống và lắng nghe trái tim mình, dùng tâm tưởng của mình để sống và hành động. Mọi vấn đề khác trong xã hội cũng lẫn lộn. Có những cái thiện lớn, nhưng cũng có những cái ác lớn. Tất cả đều thành một hệ thống. Nếu chúng ta không đi theo hệ thống đó thì chúng ta sẽ bị “tuột xích”. Muốn thoát ra được thì cần trang bị đầy đủ cả về học vấn, sức khỏe và tiền bạc…

Tôi nhớ nhạc quốc tế có câu hát đại ý: “Con trai đừng sợ, hãy để cho mọi việc tự nhiên, cái gì đến sẽ đến, thượng đế đã dành cho con cả một kế hoạch chu đáo rồi”. Cuộc đời luôn có những điều hối tiếc và những điều không cần hối tiếc, vì những gì qua là đã qua rồi, dù thế nào cũng cứ vui đi; cũng đừng sợ sai lầm để có những khát vọng, để lắng nghe trái tim mình và sống thật mạnh mẽ. Nếu có một lời khuyên nào đó, tôi chỉ khuyên như vậy thôi.

* Xin cảm ơn ông. 

Đề cao sự chất phác, giản dị của tự nhiên, của đời sống

Nếu chỉ đọc Tuổi 20 yêu dấu với con mắt phẫn uất xã hội, những tiếng chửi thì có lẽ chỉ thấy được phần vỏ ngôn ngữ. Sâu hơn trong tác phẩm là lời nhắn nhủ con người phải ý thức hơn với tự nhiên, yêu thiên nhiên hơn và biết cúi đầu trước thiên nhiên nhiều hơn. Khi đó, con người mới có thể tìm thấy thế giới an toàn và tử tế cho mình. Vì thế, tiểu thuyết này không cần đến sự phức tạp về tâm lý, cũng không cần đến lớp lang sự kiện, đổi mới bút pháp. Điều khiến độc giả phải đọc một mạch cuốn sách là sức nặng của suy tư, của những điều tác giả chất vấn và suy nghĩ.

Tuổi trẻ không bao giờ là hoàn hảo tuyệt đối, càng không là câu trả lời mỹ mãn cho tất cả và sự sai lầm, lầm lỡ. Những thất bại liên tiếp đó cần được nhìn nhận như là một phần tất yếu. Có lẽ vì thế mà sau 15 năm, Tuổi 20 yêu dấu vẫn chạm đến sự chân thực vốn có của đời sống.

Phá vỡ những khuôn khổ văn chương

Bằng việc khắc họa nhân vật tiêu biểu mang tính biểu tượng - Khuê, Tuổi 20 yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp đi vào một hiện thực khác của tuổi trẻ, vốn dĩ được tô hồng trước đó. Khuê trong tác phẩm là một thanh niên thành phố, bị bố đuổi ra khỏi nhà và phải dấn thân vào đời. Khuê cầm đồ, đi đua xe với đám bạn du côn, gặp những cô gái điếm, tham gia buôn lậu, hít heroin...

Ngay từ những dòng đầu của tiểu thuyết đã hiện lên một nhân vật với câu chữ khác hoàn toàn mọi nhân vật văn chương đẹp đẽ thông thường. Dù ngược hoàn toàn với hình tượng được tô hồng bấy lâu, nhân vật Khuê đã gây ấn tượng bằng chính những nhầm lẫn, sai lầm của tuổi trẻ. Điều đó buộc chúng ta phải có thái độ khác, suy nghĩ khác: sẽ tiếp cận những con người thất bại, sai lầm ấy như thế nào - ngoảnh mặt thờ ơ hay chìa tay đón nhận.

Đây là tiểu thuyết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gửi gắm nhiều ý tưởng, đặc biệt là cái nhìn đầy bao dung với tuổi trẻ thất bại. Sự thất bại của Khuê - một nhân vật đầy cô đơn, cô độc, gợi lên nhiều yêu thương hơn là chán ghét. Tuổi 20 yêu dấu không phải là sự đổ lỗi. Đó là mong muốn đi sâu vào việc hiểu những người trẻ vấp ngã. Họ có những sai lầm, những lý do và tiếng nói riêng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà văn:
“Khuê là tiếng khóc, là tiếng chuông cảnh tỉnh”

Toàn bộ những tiếng chửi bậy, liều lĩnh, phá đám, điên rồ, tuyệt vọng, thách thức của Khuê 20 tuổi thực ra là tiếng khóc của một đứa trẻ, tiếng khóc từ đầu đến cuối. Tôi nghĩ, chúng ta phải lắng nghe, phải nhìn thẳng, vì hiện thực là như vậy.

Không phải mọi thanh niên đều chối từ định hướng, dạy dỗ của người cha; nhưng nó chỉ thấy sự giáo điều, thô thiển. Chính những người lớn ấy cũng không tìm thấy đường cho mình, nên họ mở ra cho đứa trẻ con đường còn tù mù hơn con đường mà họ đang tìm. Hiện thực là không ít những đứa trẻ đã và đang rơi vào hoàn cảnh đó.

Khuê thực sự là một tiếng chuông cảnh tỉnh. Tuổi 20 yêu dấu là sự cần thiết phải trả lời cho câu hỏi vô cùng hệ trọng và đau đớn về những người trẻ hiện nay. Đó là lý do nhà xuất bản Hội Nhà văn đã vượt qua không ít khó khăn để ký quyết định xuất bản Tuổi 20 yêu dấu.

Sự xuất hiện của Tuổi 20 yêu dấu không phải là chúc mừng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, mà là lời chào đón cuốn sách của chúng tôi để cùng lắng nghe, chia sẻ, cùng tìm thấy được điều thực sự quan trọng ngay từ bậc cửa nhà mình ra đến quảng trường rộng lớn.

Ngọc Minh Tâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI