Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời và vị thế của “ông vua không ngai”

21/03/2021 - 17:26

PNO - Tin tức về sự ra đi của ông gây chấn động văn đàn Việt. Trong đó, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhiều người đang cầm bút... chẳng thể giấu được cảm xúc mà lên tiếng tạ từ.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có một truyện ngắn tên là Không có vua. Nhưng trong lòng công chúng yêu văn chương, ông được gọi là “vua” - một “vị vua không ngai” trong văn học Việt Nam đương đại vì những đóng góp xuất sắc đối với công cuộc đổi mới văn học, tính từ năm 1975 trở về sau.

Vì thế, sẽ không có gì lạ khi thông tin nhà văn của Những ngọn gió Hua Tát, Tướng về hưu, Huyền thoại phố phường, Muối của rừng, Chảy đi sông ơi, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết… qua đời lại khiến nhiều người “chấn động” đến vậy. 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (ảnh chụp năm 1997) - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (ảnh chụp năm 1997) - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Chấn động vì người đó là Nguyễn Huy Thiệp chứ không phải ai khác. Ông là kẻ được “trời chọn” đi giữa lằn ranh buổi giao thời để nói một tiếng nói đầy khác biệt. Là người gây nên một cơn náo động văn chương cuối thế kỷ XX, chia rẽ văn học trong nước, nhà văn và cánh phê bình, nhà văn với nhà văn, độc giả với độc giả một thời. Để rồi, gần nửa thế kỷ đã qua, giờ nhìn lại, không biết có thêm bao nhiêu nhà văn được gọi là tác giả, bao nhiêu tác phẩm mới ra đời… thì vẫn còn đó những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, được tái bản liên tục và trở lại trong đời sống văn học ngày hôm nay, được bạn đọc tìm kiếm không ngừng.

Dù yêu quý hay đố kỵ, giới văn chương trong nước hay văn chương ngoại biên, không ai có thể phủ nhận văn tài của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một, là riêng, là duy nhất cho tới thời điểm hiện tại.

Cũng như khi Nguyễn Huy Thiệp đến với văn đàn, cái nhắm mắt xuôi tay của ông cũng tạo ra một “cơn bão” mang tên mình. Người ta đọc Nguyễn Huy Thiệp khi ông còn sống và tìm kiếm ông, để hiểu hơn về ông ngay cả khi ông đã mất.

Dẫn điều đó để thấy, mấy nhà văn được như Nguyễn Huy Thiệp? Hay nói chính xác hơn, có bao nhiêu nhà văn có được vị thế như Nguyễn Huy Thiệp trong lòng độc giả? Tự hỏi rồi tự trả lời: Sau 1975, không có ai; dù ở nơi này, nơi kia, có một ai đó nói một cách rất thậm xưng: Việt Nam là đất nước của văn chương; nhà thơ Việt Nam nhiều như lá mùa thu rụng… Mà đúng là rụng thật. Rụng bạt ngàn.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong một cuộc giao lưu văn học năm 2016 - Ảnh: Đ.D
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong một cuộc giao lưu văn học năm 2016 - Ảnh: Đ.D

Trong Nói chuyện một mình, với câu hỏi “một nhà văn cần phẩm chất gì”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhắc lại lời của các cụ ngày xưa. “Lê Quý Đôn nói: Văn học không phải trò chơi, là câu chuyện phiếm. Muốn văn hay phải hiểu biết và từng trải nhiều… Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”. Lê Quý Đôn quan niệm như thế nghĩa là mặc nhiên đặt nhà văn vào vị trí một trí thức, thậm chí là người trí thức nhất trong cộng đồng”. Ông nói: “Tôi chưa thấy ai làm được như thế trong thế hệ mình”.

Cho tới cuối đời, Nguyễn Huy Thiệp chỉ nhận mình là một nhà văn may mắn gặp thời. Nhưng biết sao được, có khi số phận đã đặt vào tay ông cái ăn may đó để ông quyết liệt, mạnh bạo với chính mình. Nếu không, văn chương Việt Nam sau đổi mới, chắc hẳn mất đi cái vẻ sôi động đáng kể của nó.

Sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp, không chỉ tạo ra một khoảng trống đối với văn học Việt Nam thế kỷ này; mà còn đặt ra câu chuyện về một cuộc đổi mới văn học lần hai. Ai sẽ là kẻ hậu sinh, được trời gọi tên và lựa chọn, để nối tiếp ông trong dòng chảy này?

Có lẽ khó. Như một nhà văn nào đó tự cảm thán: Phải rất lâu hoặc có lẽ là không bao giờ, chúng ta mới gặp lại một hiện tượng như Nguyễn Huy Thiệp.

Cốc Vũ     

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI