Tôi gặp nhà văn Nguyễn Anh Ðào khi chị đang một tay buôn bán tạp hóa, một tay miệt mài với những trang viết và một trái tim sau những tổn thương, chưa thôi rỉ máu vẫn dành mọi ấm áp cho con. Ðào luôn là người mạnh mẽ, tươi cười trong mắt nhiều bè bạn.
|
Nhà văn Nguyễn Anh Đào |
Nhưng đôi mắt người đàn bà vừa đi qua tuổi ba mươi chưa lâu đã nhuốm màu phiền muộn thì không thể dối lòng. Nếu có những tia hy vọng, tươi tắn ở ánh mắt ấy, đó là khi chị nói về những đứa con và những trang văn.
Sau những trang văn là thân phận
Học báo chí, không làm báo mà lại theo nghiệp văn, Đào tự nhận mình thiếu tố chất để thành nhà báo. Thực ra Đào đến với văn chương từ sớm, khi mới 14, 15 tuổi, viết như là cách giải tỏa mình chứ không nghĩ nó là văn. Đào viết đơn giản vì yêu thích, vì được chia sẻ.
Bởi thế, chị không gặp nhiều áp lực với nghiệp viết lách. Văn chương với Đào như dòng chảy song song và tự nhiên với mọi việc trong đời sống. Hay dở cũng là của mình, quan trọng là được viết và sẻ chia những gì yêu thích, trăn trở, bức xúc…
Giếng hoang (NXB Hà Nội) là tập truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Anh Đào, cũng là cuốn sách thứ năm của chị, cho thấy chị vẫn kiên trì và cố gắng không ngừng trên con đường văn chương mình chọn.
Hầu hết những tác phẩm Đào viết đều có nỗi đau về thân phận người phụ nữ. Chị tự nhận: “Có lẽ tại mình cũng là phụ nữ, và viết là để giải tỏa cảm xúc nên thường cảm thấy “đau” với những thân phận phụ nữ quanh mình, dễ đồng cảm trước một hoàn cảnh nào đó”.
Đào kể, khi rời TP.HCM trở về sống ở một thị xã nhỏ của Đăk Lăk, chị thấy phụ nữ ở những vùng quê nghèo bị trói buộc bằng những “dây thừng” được gọi bằng những cái tên “luân lý, đạo lý”, và họ trở thành nạn nhân của nạn bạo hành dưới rất nhiều hình thức, mà hầu như không người phụ nữ nông thôn nào dám thoát ra khỏi chiếc “dây thừng” đó.
Họ sợ rất nhiều thứ, mà thứ lớn nhất, là họ sợ “người ta nói...”. Dư luận ở những vùng quê ác nghiệt lắm, và hầu như người ta đều sợ cái “dư luận” đó mà cam chịu, không ai dám sống cho mình cả. Chị viết về họ, trước là vì đồng cảm, sau là để thấy rằng, ở rất nhiều vùng nông thôn của Việt Nam, phụ nữ chưa được đối xử công bằng.
Đào luôn có cảm giác biết ơn độc giả của mình, vì họ cho chị thêm nhiều động lực để hiểu rằng những gì mình đang làm là đúng đắn. Nhiều độc giả của chị sau một thời gian gắn bó lại trở thành bạn bè. Năm trước, một độc giả rất lâu không liên lạc, nhắn tin vào hộp thư trên facebook, bảo rằng: “Đào ơi, mình biết cách thoát ra khỏi những khổ đau luẩn quẩn rồi, mình làm được rồi!”.
Sau đó tâm sự, chị mới biết bạn ấy rất khổ sở khi sống với một người chồng bạo hành tinh thần triền miên, mà vì con, bạn chỉ câm lặng sống. Vậy đó, vậy mà Đào ngồi khóc tu tu cả buổi, vì mừng.
Những điều đó, Đào luôn xem là những khoản “nhuận bút” vô giá mà độc giả đã “thanh toán” cho mình, khiến chị cảm thấy yêu những con chữ mình viết ra hơn, có trách nhiệm với nó hơn.
Đi qua khủng hoảng
Đào lập gia đình khá sớm và cũng… tan vỡ sớm so với nhiều bạn bè. Chị làm mẹ đơn thân khi mới ngoài ba mươi tuổi, con gái đầu năm tuổi, con gái sau một tuổi.
Thời điểm khủng hoảng nhất trong cuộc hôn nhân của Đào, không phải là lúc quyết định chấm dứt hôn nhân, mà là thời điểm nhận ra những đổ vỡ nhưng không biết vì sao, nhìn thấy những điều đang ngày một tồi tệ mà bất lực không thể
sửa chữa.
“Gia đình mình cũng như bao gia đình Việt Nam khác, không ai muốn con cái bất hạnh, không ai muốn danh dự gia đình bị người đời mang ra đàm tiếu khi con cái ly hôn, nên tôi đã rất khổ sở khi muốn dung hòa được hai bên, cuộc sống của mẹ con mình và cuộc sống của gia đình.
Vì vậy mà cố gắng, chịu đựng suốt mấy năm dài cho đến khi sực tỉnh, đến khi hiểu được rằng “mình đang sống cho mình và cho con, hay sống vì dư luận”, lúc đó mới là thời gian chấm dứt mọi đau khổ, rồi từ đó tôi mới nghĩ đến chuyện chấm dứt cuộc hôn nhân không may mắn này” - chị vẫn còn thấy ngán ngại khi nhớ lại những giai đoạn dùng dằng với cuộc hôn nhân.
Khi Đào bế tắc với cuộc sống riêng của mình, thì văn chương trở thành ân nhân. Chị viết như điên dại, viết hoài mà không thấy hết đau buồn. Nguyễn Anh Đào có những người bạn văn chương mà chị luôn trân quý, biết ơn, như nhà văn Trương Thanh Thùy (TP.HCM), nhà văn Nguyễn Văn Thiện (Đăk Lăk), họ như những “người thắp lửa”, đưa Đào đi sâu vào đam mê viết lách của mình trong những giai đoạn khủng hoảng của duyên phận.
Người ta vẫn nói, phụ nữ bất hạnh nhất là không giữ được mái ấm trọn vẹn cho mình và các con, bất hạnh ấy nhân đôi nếu cô ấy là người sâu sắc, giảm một nửa nếu cô ấy hời hợt. Phụ nữ theo nghề viết hẳn nhiên sâu sắc rồi.
Khi tôi hỏi chị đồng ý quan điểm này không, chị nói: “Không biết có phải tất cả phụ nữ viết văn đều sâu sắc hay không, Đào còn chẳng biết là mình sâu sắc hay hời hợt cơ mà , nhưng Đào vẫn không nghĩ rằng mình bất hạnh khi ly hôn, bởi luôn nghĩ “khi cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra”, quan trọng là mình có dám “đóng lại” và “mở ra” hay không thôi.
Còn với các con, bởi mình là mẹ, mình hiểu được điều gì tốt nhất cho chúng. Khi bạn sống trong một gia đình nặng nề, bất hòa nhưng đầy đủ thành viên so với gia đình thiếu đi một thành viên nhưng tràn ngập tiếng cười, bạn chọn điều nào nếu chỉ buộc mình chọn một trong hai? Riêng tôi, tôi chọn tiếng cười”.
|
Vui bên các con |
Trái tim gõ nhịp vui
Đào là một trong những nhà văn trẻ mà tôi ngạc nhiên về việc chọn môi trường làm việc tự do rất kế hoạch. Một năm trước, tôi đến nhà Đào, thấy chị đều đặn để chuông báo thức, 4 giờ sáng dậy viết, chuẩn bị bữa sáng cho con và đưa hai cô con gái đến trường. Khi những đứa trẻ đi học, Đào ở nhà xoay xở với quán tạp hóa bán đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Bàn viết chị kê cạnh quầy hàng để có thể vừa viết vừa bán hàng. Vậy mà Đào vẫn có thể vừa chìm đắm trong thế giới các nhân vật của mình, mỗi năm ra đều đều một cuốn sách. Đào còn tự tay vun trồng hẳn một vườn hoa trước sân nhà, hàng ngày vẫn chụp hoa hồng hoa lan chị chăm vừa hé nở, khoe với bạn bè trên facebook.
Đào hay cười, Đào nhẹ nhàng và lãng mạn với hoa lá, với những trang sách. Nhưng có điều không phải ai cũng thấy được, là bản lĩnh của một người mẹ trẻ đơn thân, một nách hai con nhỏ, giấu những vết xước tim mình, những nỗi đau duyên phận xếp lại trong những ngăn quá khứ để có thể cười với con, với bè bạn và cháy hết mình trên từng trang sách. Bởi đơn giản, như chị vẫn nói, tôi hay cười vì tôi chọn nụ cười.
Đào luôn có những kế hoạch tương lai, ít nhất là trong vòng một năm tới. Dù như chị tự nhận, có việc thực hiện được, có việc không, nhưng hầu như đều cố gắng phải hoàn thành kế hoạch đã vạch ra. Nếu chúng ta không đủ sức hoạch định những cái lớn lao, thì phải có những kế hoạch ít nhất cho một hoặc hai năm sắp tới, làm những cái nhỏ vừa sức mình, hoặc hơn sức mình một chút để lấy động lực mà cố gắng.
Cho đến bây giờ, có lẽ kỷ niệm đẹp nhất, mang lại cho Đào sự thay đổi rất lớn lao trong cuộc sống là kỷ niệm với một độc giả ở rất xa, sau khi đọc sách được chị gửi bán qua bưu điện, thay vì chuyển khoản, anh ấy đã đón xe lên tận nơi Đào sống để “thanh toán” tiền sách, và... tặng cho tác giả một bó hoa. Độc giả đặc biệt ấy quay về, ra nước ngoài định cư theo kế hoạch đã sắp xếp trước của gia đình. Nhưng chỉ được đúng bốn tháng, anh mua vé máy bay quay về nước với lý do “khó tưởng tượng”: nhớ cô nhà văn.
Và họ đang bắt đầu chung tay xây cho mình những ngày mai thật đẹp…
Võ Thu Hương