Nhà văn Lê Quang Trạng: Làm sao quên mùi bánh phồng đêm giao thừa...

21/01/2023 - 21:15

PNO - Mùi bánh phồng nướng lá dừa khô được nhấm nháp đêm giao thừa, mãi là mùi nhớ thương trong ký ức nhà văn trẻ Lê Quang Trạng (An Giang).

Những ngày giáp hạt, người quê An Giang đi chợ tết từ hướng Chợ Mới lên Châu Đốc, ngang qua cù lao Phú Tân, làng Hòa Hảo, bao giờ cũng thấy người dân chuẩn bị sẵn cơm hộp, bánh tét, trà đường, cà phê... để dành tặng khách qua đường. Như một sự chia sẻ hồn hậu của người quê, để "không có ai đói trong ngày tết".

Những chia sẻ của nhà văn trẻ Lê Quang Trạng về tết quê An Giang thật ấm áp. Mùa xuân về chan chứa yêu thương với tấm lòng nghĩa nhân, hào sảng của người miền Tây sông nước...

Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng
Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng. Ảnh: facebook nhân vật

À ơi thương nhớ bánh phồng...

* Phóng viên: Những ngày này khi nhắc đến “tết”, cảm giác trong lòng bạn thế nào?

- Nhà văn Lê Quang Trạng: Tôi nghĩ tết là một tổ hợp cảm xúc thật đặc biệt. Khi mùa mưa đã qua đi, mùa nắng mới chớm đến và gió chướng về se se lạnh, như nhắc khéo ta về một mùa tết lại về. Khoảnh khắc ấy kéo theo biết bao điều nhớ thương và hy vọng bày ra trước mặt.

Có những khoảnh khắc, sau bao năm tôi vẫn thấy nguyên vẹn thế, như nỗi háo hức chờ nhận phong bao lì xì. Từ lúc chưa biết xài tiền, đến lúc chưa làm ra tiền và cả hôm nay đã làm ra tiền rồi, thì tôi vẫn thấy cảm xúc đón chờ lì xì nguyên vẹn vậy.

Nhưng cũng có những cảm xúc mỗi năm mỗi khác, như sự nuối tiếc về thời gian, con người đã qua, gần như mỗi năm lại sâu sắc hơn, khác lạ hơn theo sự lớn tuổi của mình.

* Còn cảm nhận tết của đứa trẻ ngày xưa ra sao?

- Ngày còn thơ bé, tôi hình dung tết như có phép mầu đưa tôi vượt ra khỏi không gian này, đến một không gian khác vừa quen nhưng cũng vừa lạ. Mà sự lạ - quen ấy, lúc nào cũng chất chứa đầy háo hức.

Tết đồng nghĩa với sự tất bật của ba mẹ cũng ngơi đi, mọi thứ dường chầm chậm lại như thể người ta đang nhấp môi để thưởng thức hết những dư vị của chén trà ấm nóng. Tôi hình dung tết theo cách của mình một cách hồn nhiên và thích thú.

Tôi luôn thấy quanh mình những người già mang sự đau đáu về phong vị tết xưa, qua từng năm tháng vẫn gìn giữ cho con cháu. Như ba tôi bao giờ cũng làm một cây nêu dựng trước sân suốt 7 ngày tết. Cây nêu có chuông đất nghe vui tai, cây nêu nhắc nhở sự tích qua lời tò mò của trẻ con gợi lại chuyện xưa. Và cây nêu như nhắc nhớ, bận bịu cỡ nào cũng dành ra mấy ngày tết để về quê “dựng nêu, ăn chè”.

Mùi tết quê nhà...Ảnh: Đỗ Phu
Mùi tết quê nhà... Ảnh: Đỗ Phu

* Mùi tết vẫn luôn thân thương trong ký ức của bao người. Với Lê Quang Trạng, hương vị nào khiến bạn mãi mãi nhớ thương...?

- Nhà tôi ở quê, nên ngày xưa có lệ hay quết bánh phồng chuẩn bị cho ba ngày tết. Theo dân gian xứ tôi, cúng bánh phồng trong đêm Giao thừa cũng là mơ ước cho một năm “phồng” nảy nở và may mắn. Có lẽ vậy mà năm nào cũng thế, cứ sau giao thừa là tôi được ăn bánh phồng.

Chính cái mùi bánh phồng được nướng bằng lá dừa khô đã mang đến cho tôi một ký ức về một loại mùi tết hết sức đặc trưng. Mà mãi đến hôm nay, dẫu mua bánh phồng sản xuất công nghiệp, nướng trong lò điện có ngon đến mức nào tôi cũng không tìm lại được chính cái mùi vị năm xưa. Dường như chỉ có ký ức mới chở được thứ mùi nguyên thủy ấy.

Ấm lòng tình đất, tình người

* Nếu chọn một cái tết khó quên nhất trong năm tháng tuổi thơ để chia sẻ cùng bạn đọc, bạn sẽ kể về điều gì?

- Tôi nhớ cái tết năm 2012, đó là năm đầu tiên tôi có bài in báo xuân. Niềm vui mừng thật là khó tả. Nhưng vui hơn cả, là cũng năm đó, tôi với một số bạn cùng trường lập được một nhóm cũng mê viết lách, viết và in ấn cho ra đời một tờ “tạp chí” xuân.

Những bài viết ngô nghê, những bức tranh, dòng chữ viết đến nay đã phai mờ phần nào vì thời gian, nhưng mỗi lần lật lại tờ “tạp chí” xuân năm ấy, tôi như bừng dậy những cảm xúc rất khó tả. Như mình vẫn còn đứng ở cái tuổi 16, trẻ trung và xanh tươi đầy sức sống.

Những người già qua từng năm tháng giữ tết xưa cho con cháu...Ảnh: Đỗ Phu
Những người già ở quê qua từng năm tháng vẫn giữ tết xưa cho con cháu... Ảnh: Đỗ Phu

* An Giang với những giá trị văn hóa - lịch sử đặc thù của vùng đất, tết truyền thống của bà con quê bạn có những điều khác biệt nào không - nếu so với tết quê của miền Tây Nam Bộ?

- Mùa tết, tôi thường đi từ Chợ Mới lên Châu Đốc, dọc đường đi, phải qua cù lao Phú Tân, dọc một đoạn ngang làng Hòa Hảo – nơi phát tích tôn giáo nội sinh mang đậm dấu ấn Nam bộ Phật giáo Hòa Hảo. Bao giờ cũng thấy ven đường có rất nhiều nhà chuẩn bị sẵn cơm hộp, bánh tét, trà đường, café…sẵn sàng tặng khách qua đường.

Nét đẹp văn hóa này mang đậm sự hào sảng của người miền Tây, nhưng cũng đậm nét đặc trưng của một vùng đất tôn giáo rất “hòa hảo”. Và đó là minh chứng cho sự “bảo hiểm” một miền quê không có ai đói trong ngày tết! Bao giờ cũng vậy, tôi sẽ nhận lấy một phần nước uống, như nhận một phần lộc thơm thảo đầu xuân!

* Những cái tết có ý nghĩa ra sao với bạn – trước và sau khi đã có gia đình?

- Trước đây, tết với tôi là dịp gặp gỡ bạn bè và người thân. Là những ngày trông tết để “chơi”. Nhưng khi đã có gia đình rồi, tôi trông tết trong một tâm trạng luôn bồi đắp và “chuẩn bị”. Áo quần cho con cũng là một niềm vui mới, và càng hiểu hơn, lì xì đâu chỉ mang đến niềm vui cho người nhận, mà cả người cho cũng vui theo.

Mùa xuân của bé...Trong ảnh: Bé Mây (Lê Diệp Phương Anh) - con gái của nhà văn Lê Quang Trạng
Mùa xuân của bé... Trong ảnh: Bé Mây (Lê Diệp Phương Anh) - con gái của nhà văn Lê Quang Trạng. Ảnh: Đỗ Phu

* Nhiều người trẻ bây giờ không thích tết phải dọn dẹp nấu nướng mệt mỏi, thay vào đó, họ muốn nhân dịp này cả nhà đi du lịch cho vui, cho khỏe. Lựa chọn và suy nghĩ của bạn về điều này như thế nào?

- Tôi luôn mong những chuyến đi chơi, du lịch. Nhưng thật sự khá ngại khi di chuyển mùa tết. Những năm gần đây, tôi tiết kiệm thời gian, để dành cho gia đình và người thân hơn, bởi nhận ra có những người thân mà suốt một năm mới gặp nhau một lần.

Tôi nghĩ, về quê nội ngoại, nhìn thấy sự thay da đổi thịt một năm qua, nấu nướng những món truyền thống, ăn để gợi nhắc ký ức cũng chẳng thua gì một chuyến du lịch xa.

* Bạn đã viết rất nhiều tác phẩm (thơ ca lẫn văn xuôi), nhưng hình như chưa có tác phẩm nào viết riêng cho tết. Bạn nghĩ mình sẽ viết chứ?

- Tôi vẫn luôn ấp ủ một tác phẩm viết về tết. Tôi nghĩ khi tuổi dày hơn, sự cảm nhận tết chín hơn theo tuổi thì mình sẽ đủ để có những trang viết tốt.

Tôi đang ấp ủ một số ý tưởng cho tác phẩm mới, hy vọng sẽ có nhiều thời gian và năng lượng để hoàn thành trong năm sau. Bên cạnh đó, cũng mong mình và người thân luôn mạnh khỏe để đón một năm mèo dịu dàng và đáng yêu như chú mèo con mượt mà (cười).

* Cảm ơn Lê Quang Trạng!

Tết để đoàn viên

Nhà văn Huỳnh Trọng Khang cũng là một cây bút trẻ nổi bật của An Giang. Mỗi lần nhắc về ký ức Tết quê, trong cảm nhận của Khang là hình ảnh quây quần tụ họp của gia đình, của bà con chòm xóm đến thăm và chúc tết nhau.

Đối với tôi, tết giống như một kỳ nghỉ. Xưa thì được nghỉ học, lánh xa bài tập. Nay thì được nghỉ làm, tạm xa công việc. Nhưng tết của người trưởng thành xa quê còn mang ý nghĩa đoàn viên. Trong ký ức tôi ngày tết là những khuôn mặt mà cả năm mình mới gặp một lần, là những gương mặt mà bây giờ mình không thể nào gặp được nữa... 

Song Giang (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI