Nhà văn Lê Phương Liên: Nhiều phụ nữ hiện đại cũng không dám sống như nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

12/05/2021 - 06:22

PNO - Ở tuổi 70, nhà văn Lê Phương Liên cho ra mắt tiểu thuyết dã sử đầu tiên trong sự nghiệp cầm bút: Nữ sĩ thời gió bụi. Khai thác cuộc đời và số phận của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nhà văn Lê Phương Liên gửi đến bạn đọc một thông điệp mạnh mẽ và thuyết phục về nữ quyền.

 

Phóng viên: Viết Nữ sĩ thời gió bụi khi tuổi đã cao, bà có gặp khó khi hoàn thành tác phẩm?

Nhà văn Lê Phương Liên: Khó khăn lớn nhất là tôi không biết chữ Hán, chữ Nôm. Tất cả vấn đề thuộc về văn liệu đều thông qua bản dịch. Tôi phải đọc và nghiền ngẫm rất nhiều thông tin, gần như phải học lại toàn bộ để cảm thụ tinh thần văn hóa của thời đại phong kiến. Đồng thời, tưởng tượng ra quang cảnh Thăng Long cũng như các vùng đất, thời khắc... phải dùng cách thể hiện, ngôn ngữ đúng thời đó, không bị lệch, để bạn đọc không tìm thấy “sạn”. Tôi không tự tin nói rằng, tác phẩm của mình không có “sạn”, nhưng về cơ bản, tôi cố gắng ít “sạn” nhất có thể. 

* Tiểu thuyết dã sử nhưng cũng khó thoát khỏi tính sử. Bà có bị áp lực từ dư luận không?

- Có chứ. Tôi phải viết thế nào để những người nghiên cứu giai đoạn này không thắc mắc gì, nhất là dòng tộc và dân làng Phú Xá - nơi đặt phần mộ của vợ chồng bà Đoàn Thị Điểm - tiến sĩ Nguyễn Kiều. Sau khi viết xong, tôi còn phải mang cho người làng Phú Xá đọc trước và góp ý.

Tác phẩm Nữ sĩ thời gió bụi của nhà văn Lê Phương Liên tái hiện lại chân dung nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - một trong những nhân vật quan trọng trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam
Tác phẩm Nữ sĩ thời gió bụi của nhà văn Lê Phương Liên tái hiện lại chân dung nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - một trong những nhân vật quan trọng trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam

* Ý tưởng viết Nữ sĩ thời gió bụi bắt nguồn từ gợi ý của những người làng Phú Xá; nhưng chắc hẳn, phải có sự thôi thúc tự thân nào đó khiến bà lần đầu tiên thử sức ở một thể loại mới?

- Đã từ lâu, tôi tâm niệm rằng, một nền văn học phải có chiều sâu của văn hóa dân tộc. Chiều sâu đó không chỉ bắt nguồn từ thế kỷ XX; mà trước đó nữa, gắn với chữ Hán, chữ Nôm. Dù không biết chữ Hán hay chữ Nôm; nhưng đọc nhiều văn học trung đại, tôi cảm nhận được phần nào những cái hay, cái đẹp của nó. Khi tìm hiểu văn chương của bà Đoàn Thị Điểm, tôi nhận ra, có những bài còn hiện đại hơn cả những tác phẩm ngày nay. Tôi ước gì có thể chuyển tải được cái hay đó cho người đọc. Qua đó, kết nối con người hiện đại với quá khứ. 

* Dường như bà viết Nữ sĩ thời gió bụi còn vì muốn giải đáp cho thắc mắc của chính mình: Ai là người dịch Chinh phụ ngâm?

- Có nhiều bản dịch tác phẩm này; song bản dịch thành công nhất và phổ biến nhất, theo thể song thất lục bát, có độ dài 412 câu (theo bản in chữ Nôm cũ hiện còn) hoặc 408 câu (một bản in khác lưu tại Thư viện Paris). Tuy nhiên, có người cho là của Đoàn Thị Điểm, có người cho là của Phan Huy Ích. Nhà văn Hoàng Quốc Hải khi đọc xong Nữ sĩ thời gió bụi đã nói rằng, “cô Liên đã đứng về hướng bà Điểm là tác giả của bản dịch nổi tiếng kia”. Tôi đã chứng minh toàn bộ suy nghĩ đó của mình trong cuốn tiểu thuyết mới này. Đây là tiểu thuyết dã sử, tôi có quyền đó mà.

* Đọc Nữ sĩ thời gió bụi và theo dõi cuộc đời tác gia Đoàn Thị Điểm, có thể thấy, ngay từ thế kỷ XVIII- XIX, bà Đoàn Thị Điểm đã là một nhân vật rất đặc biệt trong bối cảnh xã hội thời đó? 

- Toàn bộ tư liệu bà Đoàn Thị Điểm để lại luôn có biệt hiệu là Hồng hà nữ sĩ. Khi bà mất đi, mộ cũng đề là Hồng hà nữ sĩ chi mộ. Các di sản sau đó, như di cảo để lại, cũng đề là Hồng Hà phu nhân di văn… Thời đó, các nho sĩ nam, các văn sĩ nam đều có bút hiệu. Một người phụ nữ không được đi học, đi thi, không có học vị nào mà giỏi chữ Hán, Nôm, lại có thơ, có văn, được gọi là một tác gia lớn (đã được khẳng định và lưu lại trong văn liệu), lại ký Hồng hà nữ sĩ; chứng tỏ, bà đã xưng danh.

Bà là một trong số ít phụ nữ trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam thể hiện và khẳng định nữ quyền của mình. Nếu bà Hồ Xuân Hương mới chỉ giải phóng ẩn ức, tình cảm qua thơ văn, thì bà Đoàn Thị Điểm, trong cuộc đời thực, là người tự quyết về hạnh phúc, làm chủ bản thân, thể hiện quyền được là một trí thức. Thậm chí, trong tiểu thuyết của tôi, ở một vị trí cao hơn, khi là phu nhân ông Nguyễn Kiều - vợ chánh sứ, quan tham thị, bà còn dám đề nghị theo chồng đi Nghệ An. Sự ra đi của bà cũng chứng tỏ quyết tâm, sự dấn thân của bà trong việc thực hiện quyền làm người, quyền theo đuổi hạnh phúc. 

* Khai thác một nhân vật như Đoàn Thị Điểm, bà muốn gửi gắm gì?

- Tôi muốn gửi tới bạn đọc, nhất là bạn đọc nữ trẻ, một tấm gương sống, một kiểu sống của một con người có thật. Tất nhiên, tôi dựng thêm rất nhiều chi tiết, nhưng những chuyện cơ bản như bà từ chối làm cung nữ để ra khỏi nhà quan thượng thư, bà xưng danh, dạy học, làm thuốc, sáng tác văn chương là có thật, đều được sử liệu ghi lại. Bà dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, theo tôi, cũng là có thật.

Trong bối cảnh chế độ phong kiến hà khắc với người phụ nữ, chiến tranh liên miên, loạn lạc, thiên tai, đói kém… bà vẫn sống thật và thực hiện quyền sống, làm chủ cuộc sống một cách xuất sắc. Tôi nghĩ, ngay với phụ nữ hiện đại, không nhiều người dám sống như bà. Câu chuyện đó, không chỉ thuộc về ngày hôm qua, mà còn thể hiện khát vọng hôm nay. Tôi tin, thông điệp đó sẽ được rất nhiều chị em phụ nữ ngày nay đồng cảm. Như trong lời tác giả đầu cuốn sách, tôi viết: “Mong các bạn đọc sách như bước vào một thế giới ảo, để suy ngẫm về một thế giới thật của lịch sử đã trải qua từ hơn ba trăm năm trước”.

* Cảm ơn nhà văn. 

 Cốc Vũ (thực hiện)

 

 
 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI