Anh nhặt nhạnh từng tờ giấy loại đã in một mặt ở cơ quan về để viết trên mặt còn lại rồi nhờ người đánh máy. Hàng ngàn trang tiểu thuyết, trong đó có bộ "Hồ sơ lửa" (6 tập, vừa được Sbooks và Nhà xuất bản Công an Nhân dân cho ra mắt) đã được viết trên những tờ “giấy nhặt” như thế. Mỗi ngày, anh chỉ ngủ 3, 4 giờ đồng hồ, không la cà bia rượu mà dành thời gian viết sách.
|
|
Nhà văn Lại Văn Long nói anh thậm chí từng không có ý định… lấy vợ, để dành toàn thời gian cho việc viết văn. Anh là một nhà báo điều tra xuất sắc và là một nhà văn cần mẫn, đầy đam mê trên cánh đồng chữ nghĩa. Niềm đam mê ấy được đáp đền xứng đáng khi bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam được thực hiện trong 30 năm (1992-2022). Hồ sơ lửa cũng từng được chuyển thể thành dự án phim truyền hình cùng tên, với các phần: Mật danh Đ9, Người 3 mặt và Tử thi lên tiếng. Các tác phẩm khác của anh đã xuất bản gồm: Thạch Đế, Đứa con thời hậu chiến, Người khổng lồ đội mồ kể chuyện...
Viết từ những cuộc dấn thân vào thế giới ngầm
Phóng viên: Trở lại với bạn đọc qua bộ tiểu thuyết hình sự Hồ sơ lửa, đặc biệt được xác nhận kỷ lục Việt Nam, cảm xúc của anh thế nào?
Nhà văn Lại Văn Long: Đây là lần đầu tiên bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa được in trọn bộ 6 tập; trước đó chỉ 4 tập: Oán thù trớ trêu (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM), Mật danh Đ9 (giải Cây bút vàng 2018 của Bộ Công an), Gia tộc tướng cướp và Phát súng chính nghĩa (giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết về An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2017-2020 do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức). Sau đó, chúng được chuyển thể thành phim truyền hình, xuất bản và tái bản theo từng cuốn riêng.
Nhờ sự hỗ trợ của Sbooks, đến nay, Hồ sơ lửa mới được ra đời trọn vẹn với thiết kế bìa rất đẹp theo mẫu nhận diện chung cho cả 6 tập. Đây chính là điều kiện cần và đủ để Tổ chức kỷ lục Việt Nam cấp chứng nhận Hồ sơ lửa là bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam, được thực hiện trong 30 năm (1992-2022). Từ tuổi thiếu niên, tôi đã mơ lớn lên sẽ viết một bộ tiểu thuyết thật dày, thật hay. Tôi bỏ ra hàng chục năm nuôi dưỡng và thực hiện từng bước ước mơ đó trong muôn vàn khó khăn, trong lao động miệt mài, trong ý chí kiên cường. Vậy nên khi được chứng nhận kỷ lục Việt Nam, tôi hạnh phúc và mãn nguyện vô cùng.
|
Bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa vừa được xác lập kỷ lục Việt Nam, Ảnh: SBOOKS |
* Không nhiều nhà văn Việt Nam chọn viết thể loại tiểu thuyết hình sự. Anh có thuận lợi, khó khăn gì khi theo đuổi thể loại này?
- Tôi từng lầm tưởng viết truyện trinh thám, hình sự dễ hơn viết tiểu thuyết về các đề tài khác, nhưng khi bắt tay vào mới thấy cả “núi” công việc phải xử lý, nhất là các vấn đề về pháp luật, nghiệp vụ, chính trị... Với tôi, khi viết truyện hình sự có những thuận lợi: đam mê từ nhỏ, có thực tế sinh động từ 30 năm làm Báo Công an TPHCM, có những kiến thức cơ bản qua khóa học nghiệp vụ 8 tháng ở Trường đại học An ninh; có một ít kinh nghiệm và thành công về viết phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết... Đặc biệt là tôi có một gia đình hạnh phúc để tôi toàn tâm toàn ý với giấc mơ văn chương. Còn khó khăn cũng bộn bề, chẳng hạn như việc hạn chế về thời gian, sức khỏe, năng lực sáng tác, không viết được trên máy tính... Để bù đắp lại thì phải nỗ lực, cần cù lao động.
|
Nhà văn Lại Văn Long nhận Kỷ lục Việt Nam |
* Nghề báo ảnh hưởng ra sao đến sự nghiệp sáng tác của anh?
- Đầu năm 1992, sau khi nhận giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ, tôi được anh Huỳnh Bá Thành (cố tổng biên tập) đưa về làm Báo Công an TPHCM. Trong 3 tháng đầu thực hiện nhiệm vụ phóng viên ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, tôi mừng rỡ nhận ra nghề báo sẽ cho tôi cơ hội tích lũy kiến thức, cảm xúc thực hiện “tác phẩm trong mơ” của mình. Trong 15 năm tiếp theo, dù không sáng tác được tác phẩm nào đáng kể, tôi đã có một “gia tài” kha khá sau hành trình trải nghiệm với nghề báo.
Năm 1998, có vụ việc giang hồ cho vay nặng lãi rồi bức hiếp nghệ sĩ cải lương, cơ quan cử tôi thực hiện loạt bài điều tra về tệ nạn này. Loạt bài có tựa đề Tội ác sau sân khấu cải lương của tôi đã được giải thưởng của Bộ Công an và Hội Nhà báo TPHCM. Cơ quan giao tôi thêm nhiệm vụ viết loạt bài hơn 30 kỳ về “thế giới ngầm” trong các băng nhóm tội phạm đương đại ở các tỉnh, thành khắp cả nước.
Để thực hiện loạt bài “khó nhằn” đó, ngoài sự giúp đỡ từ các đơn vị nghiệp vụ của Công an TPHCM và các tỉnh, thành cùng các đơn vị thuộc Bộ Công an, tôi còn được cấp trên cho phép tiếp cận những nhân vật lẫy lừng của giới giang hồ suốt mấy chục năm qua. Họ có thể đang là một ông trùm uy quyền trong thế giới ngầm, có thể đã “rửa tay gác kiếm” dưới vỏ bọc hiền lành hoặc đang trả giá cho tội ác trong các trại giam, thậm chí sắp đến giờ đền tội ở pháp trường...
Những loạt bài như vậy đã thành những nội dung sinh động, hấp dẫn trong Hồ sơ lửa. Đội đặc nhiệm trong tiểu thuyết có nguyên mẫu là Đội đặc nhiệm Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM giai đoạn trước và sau năm 2001. Chính những đêm, những ngày được theo chân họ tuần tra, mật phục trên đường phố hay những lần được đi cùng họ trong các vụ bắt, di lý, lấy cung tội phạm đã để lại trong tôi những ấn tượng không thể phai mờ.
Khi vụ án Năm Cam cùng đồng phạm nổ ra, tôi lại may mắn được lãnh đạo Công an TPHCM và một số đơn vị trinh sát an ninh của Công an TPHCM giúp đỡ rất nhiều. Tôi còn được vào trại giam chụp hình, phỏng vấn các bị can “số má bậc nhất” của vụ án khủng này cũng như nhiều vụ án khác; được vào xà lim tử tù, đến pháp trường ghi hình, đưa tin bài; được đến những vùng xa xôi, biên giới hay ra nước ngoài thực hiện các phóng sự điều tra về tệ nạn, tội phạm... Đó là vốn sống, cảm xúc ngồn ngộn, tuyệt vời nghề báo đã ban tặng tôi.
|
Bạn bè chung vui cùng nhà văn Lại Văn Long trong ngày ra mắt bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa - ẢNH: SBOOKS |
“Viết văn cô dơn, cực nhọc cũng là cách rèn luyện ý chí"
* Các giải thưởng văn chương, báo chí có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
-Kẻ sát nhân lương thiện - tác phẩm được giải Nhất cuộc thi truyện ngắn 1990-1991 của Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam - đã cho tôi sự nổi tiếng và cơ hội đến với nghề báo. Từ nghề báo, tôi đã giúp gia đình mình thoát nghèo, giúp được rất nhiều hoàn cảnh bi đát, nhiều địa phương khó khăn có thêm cầu giao thông, trạm y tế, trường học... và giúp chính tôi ngày càng hiểu thêm về cuộc đời, hiểu thêm về trách nhiệm của người cầm bút, tích lũy vốn sống, cảm xúc để có thêm nhiều giải thưởng văn chương, báo chí và các tác phẩm ưng ý.
Tôi rất thích tham gia các cuộc thi văn chương, báo chí không phải chỉ vì các hiện kim, hiện vật hay danh tiếng của giải thưởng mà qua đó tôi phải nỗ lực rèn luyện không ngừng để giữ phong độ cho câu, chữ. Mỗi lần được thêm một giải thưởng, tôi lại thấy mình còn hữu ích, xóa bớt mặc cảm về một cây bút gần tuổi 60, lạc hậu với bước tiến vũ bão của lực lượng nhà báo, nhà văn trẻ. Tôi dự thi cũng để thử thách, nhắc nhở mình không được “ăn mày dĩ vãng”... Viết văn cô đơn, cực nhọc cũng là cách rèn luyện ý chí. Thành công trong văn chương là kết quả của lao động miệt mài và ý chí kiên định, đam mê.
* Anh có cảm thấy nghề báo với lĩnh vực anh theo đuổi rất nguy hiểm cho bản thân và gia đình? Những lúc đó, anh giải quyết như thế nào?
- Nghề báo rất áp lực. Từ lúc mới vào nghề, tôi từng bị các đối tượng mình phản ánh thuê giang hồ “xử”, in tờ rơi nói xấu rải khắp chung cư tôi ở; bị kẻ có quyền thế trù dập, hãm hại, triệt đường thăng tiến sau khi tôi viết những loạt bài chống tiêu cực, tham nhũng. Tôi cũng từng được lãnh đạo Báo Công an TPHCM ủy quyền để giải quyết các vụ kiện ở tòa án... Nói chung, tôi đã nếm đủ mùi gay cấn của nghề. 25 năm rồi tôi vẫn chưa quên lần vợ tôi sợ quá khóc qua điện báo tin một “ông lớn” đòi bắt tôi vì tôi viết loạt bài phanh phui sai phạm trong đấu thầu thiết bị y tế. Cơ quan sau đó cử tôi ra Hà Nội báo cáo các vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an về vụ này. Còn rất nhiều vụ khác nữa mà không thể kể hết ở đây.
Nếu nói không sợ cho bản thân và gia đình thì không đúng, nhưng sợ đến mức phải bỏ nghề thì cũng sai. Tôi viết vì chính nghĩa, đúng pháp luật nên luôn được độc giả và pháp luật bảo vệ, dù có những vụ áp lực đến mức cấp trên và đồng nghiệp phải lo lắng cho tôi. Cũng chính nhờ những vụ khó khăn, phức tạp như vậy mình mới trưởng thành, nhận thêm nhiều giải thưởng cao quý; rút nhiều kinh nghiệm cho nghề báo và có nhiều cảm xúc cho việc viết văn...
* Hình như tiểu thuyết Đứa con thời hậu chiến (Nhà xuất bản Tổng hợp, 2015, được Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá thuộc top 5 tác phẩm văn hay năm đó) cũng được viết từ kỷ niệm nghề báo giúp anh gặp người bạn đời của mình?
- Đúng vậy. Đứa con thời hậu chiến được sáng tác trên nền một câu chuyện có thật, bắt đầu từ Bệnh viện Từ Dũ - nơi vợ tôi công tác lúc đó (1993-1994). Tôi giúp một phụ nữ giàu có tìm lại được con gái thất lạc 18 năm. 2 mẹ con giống hệt nhau về khuôn mặt, tướng đi nhưng mẹ cao lớn sang trọng, con bé nhỏ khắc khổ vì lớn lên trong vùng sâu Bình Phước với nghề làm mướn ở buôn làng người Stiêng. Bà ấy thưởng tôi 10 cây vàng hoặc một xe Dream II, tôi chỉ nhận chai rượu trị giá vài trăm ngàn đồng để đãi bạn bè. Bà ấy kể lại nỗi khổ 18 năm mất con và quy trách nhiệm cho Bệnh viện Từ Dũ - nơi bà sinh con.
Trong lúc cảm xúc dâng trào vì câu chuyện thương tâm, tôi viết luôn theo ý đó. Báo đăng, bệnh viện kiện và đưa ra bộ hồ sơ ố vàng cho biết ông ngoại đứa bé tặng cháu mình cho xã hội vì “gia đình không thể nuôi’’... Thế là Bệnh viện Từ Dũ bàn giao bé cho trại mồ côi dẫn đến 18 năm truân chuyên của một số phận. Tôi phải đính chính và viết bài “bù lại” cho một đơn vị anh hùng. Thế là tôi quen rồi đi đến hôn nhân với vợ tôi bây giờ. Năm 2015, kỷ niệm 20 năm ngày cưới, tôi viết câu chuyện đó thành tiểu thuyết Đứa con thời hậu chiến (cười).
|
Các tác phẩm khác của nhà văn Lại Văn Long ẢNH: INTERNET |
* Sau Hồ sơ lửa, những dự án mới của anh sẽ là gì?
- Trong 10 năm gần đây, tôi luôn làm việc trong trạng thái rất áp lực. Có những năm tôi vừa viết truyện, vừa tham gia làm phim truyền hình, vừa làm trưởng một bộ phận phóng viên ở Báo Công an TPHCM, vừa đưa đón con đi học hằng ngày... Đến giờ, ở tuổi U60, tôi cảm thấy sức khỏe không còn được như xưa, những đam mê văn chương cũng dịu xuống. Tôi chưa có dự định gì ngoài việc chỉnh sửa lại một số tiểu thuyết chuẩn bị xuất bản, như: Thánh Thi, Á Nhân, Chuyện tình Nam Ô và một vài đề cương kịch bản phim truyền hình. Tôi có 5 truyện dài được các đơn vị, cá nhân mua bản quyền để sản xuất phim nhiều tập nhưng vì đại dịch COVID-19, các dự án này đến nay đều chưa thực hiện được. Tôi rất mong mỏi các dự án này sớm được khởi động trở lại. Khi đó, chúng có thể phát sinh cảm hứng để tôi sáng tác ở tuổi đã nghỉ hưu.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Đẩy lùi tội ác bằng sức mạnh của sự cảm hóa và lòng tử tế Mỗi tập của bộ tiểu thuyết hình sự Hồ sơ lửa là một câu chuyện hấp dẫn, gay cấn nhưng cũng giàu lòng trắc ẩn và tình yêu thương dành cho những thân phận con người. “Đấu tranh với tội phạm không phải là xô họ xuống vực hay bịt hết đường về mà là khơi dậy nhân tính trong con người họ” - câu nói của nhân vật vị tướng là giám đốc Công an TPHCM trong tập 1 - Mật danh Đ9 cũng chính là tinh thần nhân văn được chuyển tải xuyên suốt các tác phẩm hình sự của nhà văn Lại Văn Long. Tập 1 - Mật danh Đ9 là chuyên án chống băng nhóm tội phạm có tổ chức của Chín Tàu Bay - một ông trùm hoạt động giang hồ từ trước năm 1975 ở Sài Gòn. Tập 2 - Oán thù trớ trêu là câu chuyện về Lý Nương - một phụ nữ xinh đẹp, đảm đang nhưng bất hạnh - số phận đưa đẩy trôi dạt từ vùng núi Tây Bắc vào miền Nam, từ người vợ chung thủy thành kẻ ngoại tình, từ người Kinh thành người Chăm, từ người sống thành kẻ chết với đầy đủ bia mộ... Tập 3 - Gia tộc tướng cướp tái hiện lịch sử đấu tranh cách mạng gian khổ, hào hùng của miền Đông Nam Bộ từ thời kháng Pháp cho đến ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Tập 4 - Phát súng chính nghĩa kể về nhân vật thượng úy Hoàng Đức Định - một trinh sát tài giỏi, gan dạ của đội đặc nhiệm - đã lập nhiều chiến công, được tham gia điều tra vụ án bắt cóc thiếu nữ con chủ nhà hàng Hoa Ban để đòi tiền chuộc 200.000 USD, từ đó đã lần ra những kẻ gây án là con cháu của gia tộc sinh ra 3 thế hệ tướng cướp khét tiếng: Mười Rắc - Tám Lai - Hai Cuộc... Tập 5A - Lật án tử hình: nhà báo Thái Trung (nhân vật xuyên suốt Hồ sơ lửa) vì món nợ ân tình mà trở thành kẻ đồng lõa với tội ác khi cố tình viết nhiều bài báo bảo vệ kết luận điều tra oan sai cho một gia đình. Tập 5B - Vỏ bọc thần thánh viết về vấn nạn buôn người. Tập 6 - Hồng nhan sương khói là câu chuyện về Hai Mộng - một vũ nữ bị tạt a xít khi đang ở đỉnh cao danh vọng… “Đọc bộ tiểu thuyết, công chúng không phải loay hoay giải đáp những chi tiết thật hay giả, đúng hay sai mà mỗi người hình thành những suy tư riêng về những thách thức bản thân có thể đối diện giữa ấm lạnh nhân gian. Bởi lẽ, vấn đề cốt lõi Hồ sơ lửa đặt ra là muốn đẩy lùi bóng tối của những âm mưu đê hèn và những hành vi bất lương thì không thể trông cậy hoàn toàn vào sức mạnh trấn áp của vũ lực, mà phải dùng đến sức mạnh cảm hóa của sự tử tế” - nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - nhận định. |
Tiểu Quyên (thực hiện)