Nhà văn Lại Văn Long: Một thời ôm mộng - Một đời văn

11/12/2021 - 06:07

PNO - Bộ bảy tập tiểu thuyết hình sự "Hồ sơ lửa” sắp ra mắt, tiểu thuyết dày cả ngàn trang "Thánh Thi" chuẩn bị in, và tiểu thuyết "Á Nhân" vừa được hoàn thành… cuộc trở lại với văn chương của nhà văn Lại Văn Long tràn đầy năng lượng.

Kẻ sát nhân lương thiện” - Viết xong… chết cũng được

30 năm sau kể từ ngày Kẻ sát nhân lương thiện được trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam 1990-1992, lần đầu tiên nhà văn Lại Văn Long mới bộc bạch “nguồn cơn bĩ cực” tạo nên tác phẩm để đời này. “Bí mật” khiến người nghe giật mình: Năm ấy, anh thức trắng đêm viết tay liền một mạch 22 trang giấy A4 một câu chuyện rút ruột từ chính chuyện đời mình, từ những nỗi uất ức dồn nén mà không thể nói được với ai. Năm ấy chàng trai tuổi 26 tự nhủ: Viết xong chết cũng được!

Nghèo khó trở nên u uất, nợ nần thành túng quẫn, nhưng khi dốc hết đời mình vào văn chương, tên tuổi Lại Văn Long lại tỏa sáng.

“Khi dừng bút là đã 5g sáng, người mệt rã rời, nhưng viết ra rồi lại thấy lòng mình nhẹ bẫng. Sau đó tôi đưa cho người bạn là nhà thơ Uông Thái Biểu đọc, Biểu nói tôi vừa viết được một tác phẩm cực kỳ hay. Nghe vậy, tôi mang tác phẩm ra chợ Đà Lạt thuê người đánh máy với giá 13.500 đồng, mà trong túi chỉ có 8.500 đồng. Người đánh máy thương tình chấp nhận.

Tôi gửi truyện cho nhà văn Trần Ninh Hồ, Trưởng ban biên tập văn xuôi của báo Văn Nghệ. Một tuần sau, nhận được thư của kỹ sư Phạm Khắc Lưu (nay là nhà văn nổi tiếng Phạm Lưu Vũ), anh nói rất thích truyện Kẻ sát nhân lương thiện, và mong có thể gặp tôi ở Sài Gòn. Vậy là, tôi bỏ việc ở Đà Lạt và… xách ba-lô đi Sài Gòn luôn. Đang chán đời mà!” - nhà văn Lại Văn Long nhớ lại.

Một đoạn đời nghèo khó, túng quẫn phải nghĩ đến điều dại dột, giờ nhắc lại chỉ có những nụ cười vui. Kẻ sát nhân lương thiện cứu vớt cuộc đời một nhà văn và mở ra cho anh con đường sống với nghề cầm bút. Khi truyện được đăng báo, tòa soạn báo Văn Nghệ nhận hàng trăm thư bạn đọc cả nước gửi về. “Kẻ sát nhân” trong câu chuyện - kẻ đã tự tìm đường giải thoát cho số phận bị áp bức không lối thoát của chính mình - có tội hay không có tội còn là đề tài được sinh viên Khoa Ngữ văn nhiều trường đại học thảo luận.

Văn đàn dậy sóng vì tên tuổi mới toanh của làng văn, đã cất một tiếng nói mạnh mẽ, một góc nhìn khác về đấu tranh giai cấp. Truyện ngắn này cũng nhanh chóng được dịch ra tiếng Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, và gần đây là tiếng Anh, được giảng dạy tại một số trường đại học ở Mỹ, Nhật…

Năm 1992, khi nghe báo Văn Nghệ thông báo kết quả và mời ra Hà Nội nhận giải, Lại Văn Long thậm chí còn không có tiền ăn cơm thì làm sao mua được vé máy bay? Vậy là Hội Nhà văn Việt Nam cử người đại diện vào trao giải cho riêng anh tại văn phòng báo Văn Nghệ phía Nam (43 Đồng Khởi). Chính tại buổi trao giải này, anh được mời về báo Công An TP.HCM làm phóng viên - công việc mà anh đã gắn bó cho đến giờ. Từ một “kẻ lang bạt” thiếu ăn ở Sài Gòn, có lúc phải uống nước đường qua bữa, chỉ bằng một tác phẩm văn chương, nhà văn Lại Văn Long đã thật sự đổi đời.

Tôi đã hoàn thành những giấc mộng của đời mình"

Những năm sau này, tên tuổi Lại Văn Long gắn liền với những tiểu thuyết hình sự được chuyển thể thành phim: Thủy Cơ, Oán thù trớ trêu, Mật danh Đ9 (thuộc dự án Hồ sơ lửa)… Truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện cũng được chuyển thể thành phim truyền hình Biệt thự Pensée.

Dự án phim hình sự 1.100 tập Hồ sơ lửa gãy gánh giữa chừng, nhưng anh vẫn tiếp tục hoàn thành bộ sách văn học cùng tên (gồm bảy tựa), Sbooks sắp phát hành với hy vọng đạt kỷ lục bộ tiểu thuyết hình sự dày nhất Việt Nam.

Một tiểu thuyết đồ sộ khác của anh cũng chuẩn bị ra mắt bạn đọc: Thánh Thi - tác phẩm ngàn trang với câu chuyện trải qua bối cảnh của cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhà văn nói đây là tác phẩm khiến anh hao tâm tổn sức nhất. Đề tài đã được ấp ủ từ những ngày anh còn ngồi trên ghế nhà trường. “Hồi ấy, người thầy dạy văn lớp 12 của tôi có nói, văn học Việt Nam cho đến thời điểm ấy vẫn chưa có tác phẩm phản ánh lịch sử trăm năm của đất nước, của hai cuộc kháng chiến. Tôi nhớ rất rõ, khi nghe thầy nói vậy, tôi nghĩ: “Sao mình không viết được ta?”. Từ đó, giấc mơ viết văn cứ ấp ủ trong lòng. Cho đến giờ, khi viết xong được Thánh Thi, tôi thấy như mình đã hoàn thành giấc mộng của đời mình” - anh tâm tình.

Một số  tác phẩm của nhà văn  Lại Văn Long
Một số tác phẩm của nhà văn Lại Văn Long

Tiểu thuyết Thánh Thi được khởi viết từ năm 2005, hoàn thành năm 2009. Trong thời gian đó, nhà văn có lần phải… đi cấp cứu vì dồn sức quá nhiều, thâu đêm đọc tài liệu và viết. Tác phẩm khởi đầu bằng một bài thơ thần khai sáng triết học, đi dọc qua cuộc chiến tranh vệ quốc của Hồng quân Liên Xô, cho đến số phận con người trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ tại Việt Nam…

Qua những tâm tình của nhà văn về Thánh Thi, có thể hình dung tác phẩm này, cũng như những tác phẩm đã xuất bản của anh, đều thể hiện khát vọng hòa giải dân tộc.

“Bản thảo cuối cùng tôi vừa hoàn thành cách đây mấy tháng là Á Nhân, kể về một người bị tâm thần hoang tưởng, họ sẽ nhìn thời đại này như thế nào… Sau khi viết xong, tôi nghĩ mình sẽ… quên hết những gì đã viết, để bước vào một hành trình khác. Khi tâm hồn, tư tưởng và cách sống của mình thay đổi, những gì thể hiện trong văn chương cũng sẽ khác dần đi. Sau này, tôi tự nhận ra giọng văn của mình đã không còn cay nghiệt như thời viết Kẻ sát nhân lương thiện” - anh cười.

Giờ anh sống và làm việc theo một cách hết sức đặc biệt: ngủ lúc 19g30, 0g thức dậy ngồi vào bàn viết, đến 4g sáng chợp mắt một tiếng rồi dậy tập thể dục, bắt đầu ngày mới với vai trò của một nhà báo. Lại Văn Long nói anh đã dành thời gian như vậy cho văn chương, ròng rã nhiều năm rồi, cứ lặng lẽ viết khi thành phố ngủ say để có những tác phẩm: Thạch Đế, Thủy Cơ, Đứa con thời hậu chiến, Đường lên trời xa lắm, Gia tộc tướng cướp, Người khổng lồ đội mồ kể chuyện… 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI