PNO - Tú Mỡ đã học tập lối chơi chữ lắt léo của Hồ Xuân Hương; lối châm biếm sâu cay, chua chát như ngọn roi quất vào mặt bọn rởm đời của Tú Xương; lối cười thanh cao, xỏ ngầm của Yên Đỗ...
“Võ vẽ hay làm văn quốc ngữ/ Xì xồ ít nói tiếng Âu tây/ Bạn mà bàn đến thi cùng cử/ Thời vội van luôn: Tớ lạy mày/ Bởi tính ngang phè như chánh bứa/ Già đời chẳng được cái mề đay”. Năm 25 tuổi, nhà thơ Tú Mỡ (1900-1976) đã tự trào như thế và đó chính là tính cách của một thi sĩ trào phúng bậc nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại: dù ở độ tuổi nào cũng vui nhộn, lạc quan, tếu táo.
Bút tích của nhà thơ Tú Mỡ
Năm 14 tuổi, Tú Mỡ đậu đầu bằng Sơ học Pháp - Việt, vào học tại Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An - TP.Hà Nội). Câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” rất đúng với cậu học trò tinh nghịch, ranh mãnh này.
Trong lớp, có hai anh bạn học giỏi môn văn và thường làm thơ xướng họa nghiêm túc, đúng niêm luật là Hoàng Ngọc Phách (về sau nổi danh với tiểu thuyết Tố Tâm) và Nguyễn Pho. Thấy đôi bạn này lúc nào cũng nghiêm nghị, đạo mạo như ông cụ non, Tú Mỡ cùng bạn thân là Quế trêu chọc họ bằng cách làm thơ, “ngâm vịnh” những đề tài như… cái chuông điện, ông giám thị… với lời lẽ hết sức bắng nhắng, bông đùa, hoàn toàn trái ngược với đề tài cổ điển về trăng hoa, tuyết nguyệt… Chẳng hạn, bài thơ yết hậu Vịnh giám thị: “Bọn sú ba giăng có một anh/ Mặt sùi da cóc, rắn như sành/ Đố ai, ai biết là ai đó?/ Quỳnh”.
Dăm năm sau, Tú Mỡ bắt đầu “để ý” một cô gái ở Hàng Bông. Không thể “tỏ tình” bằng những vần thơ nghịch ngợm, ông chuyển sang làm thơ tình - làm hẳn một tập Câu cười tiếng khóc, lấy từ câu thơ “Cuộc nhân thế câu cười tiếng khóc” của Tản Đà, với lời lẽ rất sáo. Chẳng hạn, “Sáu khắc mơ màng tình bạn ngọc/ Năm canh tưởng nhớ bóng người vàng/ Ruột tằm chín khúc vò tơ rối/ Giấc mộng năm canh diễn khắc trường”.
Tập thơ này, Tú Mỡ đưa cho đôi bạn Hoàng Ngọc Phách và Nguyễn Pho “nhuận sắc”. Cả hai đọc xong đều… thương hại và khuyên ông nên đọc Truyện Kiều để học hỏi thêm. Thay vì làm theo lời khuyên của bạn, Tú Mỡ học thuộc tất cả thơ của Tú Xương. Có lẽ những vần thơ trào phúng mới phù hợp với tính bông đùa, nghịch ngợm của Tú Mỡ. Về sau, khi đã nổi tiếng, ông không ngần ngại nhận mình là học trò của Tú Xương. Bút danh Tú Mỡ ông ký như một cách biết ơn thầy.
Chân dung nhà thơ Tú Mỡ
Năm 18 tuổi, ông thi đậu Thành chung và xin vào làm thư ký trong Sở Tài chính, chung phòng với Nam Sơn (về sau trở thành danh họa).
Trong hồi ký, Tú Mỡ viết: “Lúc này, tôi quyết tâm học làm thơ. Trước hết, tôi mua quyển Hán Việt văn khảo để nghiên cứu các thể thơ, ca, từ, phú, rồi mua những tập thơ của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Yên Đỗ, Tản Đà, Trần Tuấn Khải… những tác phẩm mà tôi thích đọc nhất”. Sau hai năm đi làm và nghiên cứu như thế, những cảnh trái tai gai mắt trong đời sống lại đánh thức… máu hài hước trong con người Tú Mỡ. Bài thơ bông phèn đầu tiên của ông là Bốn cái mong của thầy phán được Việt Nam thanh niên tạp chí chọn in: “Mong tháng chóng qua, tiền chóng lĩnh/ Mong giờ mau hết, việc mau xong/ Mề đay mong được dăm bảy chiếc/ Lương bổng mong tăng sáu bảy đồng”…
Tưởng rằng chỉ làm chơi cho đỡ buồn, nào ngờ, thời gian này có một “lính mới” vào sở là Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh). Trong một lần trò chuyện, ông Tam nói một câu kinh điển: “Nước trong ta giải mũ, nước đục ta rửa chân”, Tú Mỡ “đế” luôn: “Nước đá cho vào bia ta uống”. Thế là mọi người cười ồ, ông Tam cũng cười, vỗ vai Tú Mỡ, nói: “Khá đấy, anh nên làm thơ hài hước đi, anh có năng khiếu về trào phúng đấy”.
Sau này, khi thành lập Tự Lực văn đoàn và ra báo Phong Hóa, Ngày Nay, Nguyễn Tường Tam đã phân công Tú Mỡ “trị” phần trào phúng cho chuyên mục Giòng nước ngược. "Ông Tam chính là người “đánh dấu bước đầu trong sự nghiệp làm thơ của tôi, từ một thư sinh chỉ làm thơ phiếm sau trở thành nhà thơ trào phúng thực thụ. Tôi có thể nói, anh Tam là người tạo ra Tú Mỡ vậy” - ông cho biết.
Nhưng đó là chuyện về sau, còn lúc bấy giờ, cùng các đồng nghiệp trong Sở Tài chính, vì yêu văn chương mà lập ra hội Tao Đàn. Tú Mỡ có nhiệm vụ làm thư ký, ghi chép lại những sáng tác thành tập thơ Ngọn bút làng ta. Trong đó, bài Phú thầy phán của Tú Mỡ được Nguyễn Tường Tam gửi cho Nam phong tạp chí và ghi… vô danh.
Sau khi in, mọi người đều nhầm tưởng là thơ Tú Xương. Nhất là những câu: “Lỡ buổi đi trưa, nhìn trước nhìn sau lấm lét, rụt rè như rắn ráo mồng năm/ Lỡ khi lầm lỗi, đứng lên ngồi xuống băn khoăn, ủ rũ như diều hâu tháng Chạp”…
Tú Mỡ đã học tập lối chơi chữ lắt léo của Hồ Xuân Hương
Để có thể đi xa trong sự nghiệp cầm bút, ngoài năng khiếu, ai cũng phải học. Tú Mỡ đã học tập lối chơi chữ lắt léo của Hồ Xuân Hương; lối châm biếm sâu cay, chua chát như ngọn roi quất vào mặt bọn rởm đời của Tú Xương; lối cười thanh cao, xỏ ngầm của Yên Đỗ; lối mỉa mai, giễu đời mà đời không giận được của Tản Đà.
Bên cạnh đó, ông còn học tập ở Voltaire, La Bruyère, René Buzelin, La Fontaine… Chưa hết, ông còn học qua những cách nói dân gian: “Người nước Nam mình, nhất là các bà ở nông thôn, gặp bất cứ việc gì, các bà nghĩ ngay bằng ca dao, tục ngữ, bằng lối pha trò của phường chèo, bằng truyện tiếu lâm hoặc ví von bằng các nhân vật truyện dân gian, bằng Truyện Kiều. Cho nên muốn làm thơ, tôi cho việc đệ nhất cần là phải học cho thuộc ngôn ngữ dân tộc và văn học dân gian”. Để rồi “nhờ đó mà những bài thơ tôi viết, tập trung thành tập, đã có nhiều màu sắc, nhiều hình thái, nhiều lối, nhiều điệu, đáp ứng được sở thích của các tầng lớp người đọc”.
Rõ ràng, Tú Mỡ đã phải học tập nhiều lắm mới có được thành công như ta đã biết. Ông cũng không quên người đã có “mắt xanh” phát hiện ra mình - vị chủ soái của Tự Lực văn đoàn. Chẳng thế mà trong tập thơ đầu tay - Giòng nước ngược, Tú Mỡ có bốn câu đề tặng: “Ít lời lẽ ngang phè/ Mấy vần thơ lỗ mỗ/ Tặng anh Nguyễn Tường Tam/ Đáp tấm ơn tri ngộ”.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.