Trong những năm gần đây, nhà văn Hoàng Yến (sinh năm 1993) đang trở thành một trong những tên tuổi nổi bật của dòng văn học lấy cảm hứng từ lịch sử. Chị vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Thượng Dương, lồng ghép những uẩn khúc trong cuộc đời vị hoàng hậu bất hạnh nhất Lý triều với vô vàn thăng trầm lịch sử. Đây là tác phẩm thứ hai của Hoàng Yến, đánh dấu sự trở lại trong vòng chỉ hơn một năm kể từ Săn mộ - Thông Thiên La Thành (2019).
Muốn bạn đọc yêu lịch sử Việt Nam
|
Nhà văn Hoàng Yến (trái) đã có hơn 6 năm gắn bó với tiểu thuyết lịch sử |
Phóng viên: Tốt nghiệp Đại học Y dược Hải Phòng chuyên khoa Răng hàm mặt rồi “kiêm” thêm nghề nhà văn, chị có gặp khó khăn nào khi theo đuổi cùng lúc hai công việc này không?
Nhà văn Hoàng Yến: May mắn là không. Viết lách đối với mình cũng giống như thú vui để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bình thường mình vẫn đi làm, lúc nào rảnh thì ngồi vào bàn viết. Với mình, xây dựng câu chuyện trong đầu cũng là một cách giải trí, thư giãn đầu óc, bởi mình vốn lười hoạt động chân tay. Hơn nữa, viết những thứ mình thích thì sẽ luôn thấy vui, lại không phải đặt nặng chuyện nộp bài đúng hạn như viết theo yêu cầu.
* Thế mạnh về những môn tự nhiên có đóng góp gì trong quá trình sáng tác của chị không?
- Nhiều chứ. Vì xuất phát điểm là “dân” tự nhiên nên mình viết bằng lý trí nhiều hơn là cảm xúc. Khi không bị cảm xúc chi phối thì tư duy logic sẽ rõ ràng, mạch lạc hơn. Ví dụ như khi viết sẽ phân tách rõ ràng được nội tâm từng nhân vật, chứ không áp đặt cảm xúc của cá nhân mình lên đó. Trong từng hoàn cảnh cụ thể, nhân vật nói gì, làm gì là do tính cách của nhân vật đó quyết định, chứ không phải tác giả muốn là được.
Điểm mạnh của mình là xây dựng cốt truyện và mạch truyện. Mình thường tính toán kỹ tình tiết, diễn biến của câu chuyện để tránh nội dung bị “tiền hậu bất nhất”. Tuy nhiên, mình cũng có điểm yếu mà bản thân đang cố gắng khắc phục, chủ yếu là về văn phong, ngôn ngữ.
* Hiện tại, chị là một trong những tác giả 9x hoạt động tích cực nhất trong dòng sách của mình. Tình yêu lịch sử nước nhà trong chị đã được nhen nhóm như thế nào?
- Thời đi học, mình không phải học sinh giỏi môn sử. Mãi đến khi bắt đầu viết lách thì mới bén duyên với lịch sử nước nhà. Khi mới bắt đầu sáng tác (năm 2014), mình đã đắn đo rất nhiều khi quyết định bối cảnh cho trilogy (bộ ba tiểu thuyết - PV) Săn mộ. Thể loại trộm mộ đã quá nổi tiếng ở Trung Quốc, với những bộ kinh điển như Ma thổi đèn (Thiên Hạ Bá Xướng), Đạo mộ bút ký (Từ Lỗi). Mình thấy cần một điều gì đó khác biệt, đủ sức ghi dấu ấn với độc giả. Và thế là Săn mộ ra đời với bối cảnh lịch sử Việt Nam.
* Tại sao chị lại lựa chọn dòng tiểu thuyết khó và tương đối kén người đọc này?
- Từ lựa chọn ban đầu kia, mình bắt đầu tìm hiểu lịch sử và rồi say mê. Cho đến bây giờ, mình đã tình nguyện gắn chặt nghiệp viết với sử Việt. Chỉ là một “kẻ qua đường” vô tình say đắm, mình biết rằng vốn kiến thức hạn hẹp của mình không thể tạo nên những trang sử thi hùng tráng... Điều mình muốn chỉ đơn thuần là cho bạn đọc một lý do để bắt đầu yêu lịch sử Việt Nam.
* Trong Thượng Dương, chị kể câu chuyện về những giằng xé, khúc mắc trong tình cảm giữa hoàng đế Lý Thánh Tông, hoàng hậu Thượng Dương và danh tướng Lý Thường Kiệt. Ý tưởng này bắt nguồn từ đâu?
- Thượng Dương lấy cảm hứng từ cuộc đời Dương Hoàng hậu. Sử sách chỉ có duy nhất một ghi chép về bà, đó là khi bà bị Thái hậu Linh Nhân ép phải tuẫn táng cùng vua Lý Thánh Tông. Sử sách cũng đặt nghi vấn là Thái hậu Linh Nhân mượn sức Lý Thường Kiệt để lật đổ Thượng Dương Thái hậu.
Ghi chép càng ít thì càng rộng đất cho sức sáng tạo. Văn học và báo chí cũng từng nhiều lần đặt giả thuyết cho thảm án này, thậm chí nhắc đi nhắc lại khiến giả thuyết ấy trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, với Thượng Dương, mình muốn vẽ ra một con đường mà chưa từng có ai đi trước đó, bằng kiến giải của cá nhân mình.
* Chị có sự gắn kết đặc biệt nào với những nhân vật lịch sử này không?
- Mình rất hâm mộ danh tướng Lý Thường Kiệt, nhưng lại đặc biệt gắn kết với vua Lý Thánh Tông - Lý Nhật Tôn khi sáng tác. Sự gắn kết này được hình thành trong quá trình viết Thượng Dương, chứ không phải vì yêu thích nhân vật trong sử sách mà tác phẩm này mới ra đời.
|
Tiểu thuyết Thượng Dương xoay quanh vụ thảm án Thượng Dương cung năm 1073 - Ảnh: Đinh Tị |
* Dường như cách chị sáng tác là len lỏi vào những khoảng trống của lịch sử, những điều không được ghi chép kỹ lưỡng trong sử sách để viết nên câu chuyện của riêng mình?
- Đó là hướng đi chung của những tác giả viết dã sử có nghiên cứu lịch sử một cách nghiêm túc. Theo mình, quan trọng nhất là làm sao cho thật giả hòa làm một, khi đọc thì độc giả không nhận ra chỗ nào hư cấu, chỗ nào thuần kiến thức lịch sử. Tuy nhiên, mình luôn chủ động thêm chú thích về những sự kiện, nhân vật có thật từ những tài liệu học thuật uy tín để độc giả tham khảo, đối chiếu.
* Tiểu thuyết Thượng Dương có dung lượng lên tới 100.000 từ lại được chị phát triển từ truyện ngắn cùng tên. Quá trình này có gây cho chị khó khăn nào không?
- Truyện ngắn cùng tên có nội dung rất bi thương, vì chủ yếu xoay quanh mối tình trắc trở giữa vua Lý Thánh Tông và Dương Hoàng hậu. Mình thì lại là kiểu “không vui không chịu được”, nên thấy viết mấy trăm trang bi kịch thì… khó nhằn quá. Bởi vậy, mình mới quyết định viết dưới góc nhìn của nhà vua từ lúc bé đến lúc lớn, thêm một số yếu tố hài hước để cân bằng.
Bên cạnh đó, tiểu thuyết cũng yêu cầu xây dựng thêm rất nhiều tuyến truyện và nhân vật. Nếu truyện ngắn chỉ đơn thuần xoay quanh tình yêu, thì tiểu thuyết lại mở rộng đến tình bạn, tình anh em, tình phụ tử, đạo quân thần. Tuy nhiên, Thượng Dương lại được hoàn thành rất nhanh, chỉ trong vỏn vẹn 6 tháng.
* Hiện nay, công chúng ngày càng khắt khe hơn với các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật đậm chất lịch sử, chủ yếu ở tính xác thực. Điều này có khiến chị thấy áp lực?
- Có thể nói là mình hoàn toàn không thấy áp lực về vấn đề này. Bởi không chỉ có độc giả ngày càng khó tính, mà chính bản thân mình cũng ngày càng khắt khe và yêu cầu cao hơn với tác phẩm của mình. Cách đây 4 năm, mình viết truyện ngắn đầu tiên về Lý Chiêu Hoàng nhưng không nghiên cứu kỹ lưỡng nên có rất nhiều lỗi sai về lịch sử. Tuy nhiên, tới Thượng Dương, mình bám sát cuốn Đại Việt sử ký Toàn thư, tham khảo thêm nhiều tư liệu khác để đảm bảo độ xác thực.
* Khi gắn bó với thể loại truyện dã sử, chị có lo ngại sẽ bị so sánh với các tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc?
- Văn học Trung Quốc vô cùng đồ sộ về tác phẩm, nên việc trùng lặp một số tình tiết hay thậm chí ý tưởng dẫn tới bị so sánh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên ngôn ngữ, văn hóa và con người Việt Nam vẫn có những nét riêng, không thể bị nhầm lẫn.
Mình tin là khi đọc Săn mộ hay Thượng Dương, độc giả sẽ cảm nhận được đó là câu chuyện diễn ra trên đất Việt, kể về con người Việt. Và đây là mảng đề tài dã sử, nên lòng tự hào dân tộc đôi khi còn khiến một bộ phận độc giả ưu ái tác giả Việt hơn so với tác giả Trung Quốc.
Cảm ơn chị rất nhiều vì cuộc trò chuyện!
Minh Trang (thực hiện)
Ảnh: NVCC