Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Giải thưởng mất 'thiêng' nằm trong sự xuống cấp chung của xã hội

24/04/2019 - 06:17

PNO - “Chúng ta đang ngồi lên dư luận, nhắm mắt mà trao giải thưởng” - nhà văn nổi tiếng trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử Hoàng Quốc Hải nói về hiện trạng của các giải thưởng văn học - nghệ thuật hiện nay ở nước ta.

Phóng viên: Thời gian qua, các giải thưởng văn học - nghệ thuật (VHNT) vướng nhiều chuyện lùm xùm, làm mất ý nghĩa cao quý của giải. Theo ông, chúng ta có nên bỏ các giải thưởng VHNT hay không?

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Mục đích cao cả của giải thưởng là tìm ra những tác phẩm tốt, có cống hiến cho nền VHNT nước nhà, nó kích thích văn hóa đọc và khuyến khích các nhà văn viết có chất lượng. Hiện nay, các giải thưởng của chúng ta không đạt trọn vẹn tiêu chí đó, nên công chúng không đồng tình.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước đặt ra những tiêu chí rất cao quý, nhưng tôi tự hỏi, nhiều tác phẩm được giải, chẳng hạn như ở lĩnh vực văn học, liệu in ra có bán được không? Giải Goncourt của Pháp, trước kia chỉ được nhận 1 franc, giờ  tăng lên 10 franc, giá trị vật chất chỉ mang tính tượng trưng. Sau khi công bố giải thưởng ấy, chỉ nhà xuất bản danh tiếng mới được phép in tác phẩm. Hàng triệu bản sách ra đời, công chúng sẽ trao cho giải thưởng ấy bằng tiền mua sách, tùy theo sức hấp dẫn của từng tác phẩm. Mỗi khi giải Goncourt trao, không những nước Pháp mà cả thế giới chào đón.

Ở ta, mỗi năm có đến mấy chục, thậm chí hằng trăm giải thưởng; nhưng số phận của những tác phẩm được giải ấy sau khi in ra như thế nào, không biết được. Đánh giá giá trị của một tác phẩm, một phần do các nhà chuyên môn, nhưng kiểm chứng sự đánh giá chính xác đến đâu là ở công chúng. Tôi không đặt vấn đề bỏ hay giữ giải thưởng, bởi nếu làm đúng tiêu chí của nó thì giải thưởng rất có ý nghĩa. Nó tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh tác phẩm, tôn vinh tác giả và có tác dụng thúc đẩy phong trào sáng tác có chất lượng. Còn trao giải tràn lan, không đạt tiêu chuẩn nghệ thuật cần thiết thì việc trao giải trở nên phản cảm, phản tác dụng.

Nha van Hoang Quoc Hai: Giai thuong mat 'thieng'  nam trong su xuong cap  chung cua xa hoi
 Nhà văn nổi tiếng trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử Hoàng Quốc Hải 

* Thực tế các giải thưởng không có giá trị, làm theo phong trào, vẫn diễn ra nhiều năm nay. Theo ông, phải chăng hiện nay, chất lượng của các giải thưởng đang đi xuống?

- Hình như thế, vì sau giải thưởng, người ta không tìm đọc, không xem các tác phẩm được giải. Rất ít tác phẩm gây dư luận và có ảnh hưởng đến đời sống. Thậm chí, nhiều tác phẩm còn bị phanh phui vì không có giá trị thẩm mỹ. Trao giải như thế không khuyến khích người sáng tác. Nói riêng ở lĩnh vực văn học, cứ chọn một cách ngẫu nhiên, trong 10 giải thưởng ấy, in ra, xem tác phẩm nào bán được, có công chúng, thì giải thưởng đó chính xác. Thường những tác phẩm VHNT ra đời, khoảng 5-7 năm sau không tái bản, coi như tác phẩm đó chết, bởi công chúng không có nhu cầu. Tôi muốn nhấn mạnh: việc thẩm định của cơ quan trao giải là một phần, nhưng kiểm chứng giải có chính xác hay không lại thuộc về công chúng.

* Quy chế xét giải không giới hạn đề tài, nhưng thực tế, những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng, hình tượng lãnh tụ vẫn được ưu tiên hơn. Theo ông vì sao?

- Hiện nay, chúng ta hay đặt mục tiêu chính trị vào các cuộc thi. Nhưng giá trị của VHNT không phải như vậy. Nếu một tác phẩm phản ánh đề tài chính trị mà có giá trị thì công chúng vẫn đón nhận. Còn những tác phẩm đặt ra vấn đề chính trị, nhưng nằm ngoài mong muốn của công chúng, thì họ cũng từ chối. Tuy nhiên, yếu tố nội lực của một tác phẩm đóng vai trò quan trọng nhất. Việc phù phép, đưa lên báo viết phê bình, giới thiệu, chỉ có thể đánh lừa được vài người mà thôi. Ngược lại, các tác phẩm không được giải mà hay thì độc giả sẽ tìm mọi cách để đọc, xem.

* Theo ông, có hay không việc các giải thưởng hiện nay đang né tránh trao giải cho các đề tài nổi cộm, đi vào những vấn đề nóng, bức bối của xã hội đương đại?

- Các giải thưởng cần được trao cho những tác phẩm xông xáo vào cuộc sống, phản ánh mặt trái của xã hội, mặt trái của người cầm quyền. Trong VHNT, nên khuyến khích các tác phẩm như vậy. Tác phẩm có thể viết về đời sống hiện tại hay quá khứ, nhưng phải có giá trị nghệ thuật và có ích cho cộng đồng. Tiểu thuyết lịch sử phải gửi cho đương đại thông điệp gì họ cần và cái hiện tại không phải là một mớ hổ lốn mà thông qua những hiện tượng làm cho gương mặt xã hội biến dạng, VHNT gửi thông điệp gì cho công chúng và những người có trách nhiệm. Phải chăng, chính VHNT của chúng ta hiện nay đang né tránh các vấn đề đó?

Nha van Hoang Quoc Hai: Giai thuong mat 'thieng'  nam trong su xuong cap  chung cua xa hoi
Kết quả của Giải thưởng văn học - nghệ thuật TP.HCM lần II (2012-2017) khiến công chúng ngao ngán

* Các giải thưởng hiện nay hầu như vắng bóng người trẻ. Ông có ý kiến gì?

- Văn chương, nghệ thuật không phân biệt tuổi tác già hay trẻ mà ở giá trị nghệ thuật cao hay thấp. Có những người lần đầu viết và được giải, như nhà văn Mạc Can. Dù tác phẩm của ông chưa đạt đến nghệ thuật siêu phàm, ít nhất, người ta vẫn mua và giải thưởng không có tai tiếng gì. Lực lượng trẻ thời nào cũng làm chủ xã hội. Họ là lực lượng tiên phong đi vào cái mới, chưa ai khai phá. Lẽ ra các giải thưởng phải khuyến khích những người trẻ ấy. 

Chúng ta cũng nên có một đội ngũ phê bình nghiêm túc. Phần lớn các bài gọi là phê bình trên báo chí chỉ giới thiệu tác phẩm chứ không có giá trị phê bình. Phê bình là phải chỉ ra được tác giả này phong cách sáng tác như thế nào, phải theo dõi họ cả một quá trình, chỉ ra cho tác giả biết anh/chị có ưu điểm và khuyết điểm gì cần khắc phục. Nhà phê bình không chỉ là bạn mà còn là thầy của người sáng tác. Nhưng thực tế bây giờ, những nhà phê bình như thế dường như vắng bóng. Độ vài chục năm nay, họ biệt tăm. Đáng lẽ, các tác phẩm được giải, gây tranh cãi khi được giải, viện hàn lâm, nơi các nhà phê bình làm việc, nên đứng ra phân giải. Ở các nước có tranh cãi xã hội, khi cần phân định thì các viện hàn lâm sẽ đứng ra. Đó là quan tòa chính xác nhất. Ở ta, chưa bao giờ viện hàn lâm làm được chức năng đó.

* Vì thế mà bây giờ các giải thưởng mất “thiêng” và những nghệ sĩ chân chính cũng không còn “mặn mà” với giải thưởng?

- Người viết có mục tiêu vì văn chương, nghệ thuật sẽ không quan tâm đến giải thưởng và người đọc tinh cũng không quan tâm đến giải. Một trong những giá trị thiêng liêng nhất trong xã hội là giá trị của ông thầy: thầy giáo và thầy thuốc. Người thầy thuốc, dù thuốc nam hay thuốc tây, làm đúng chức năng của mình đều được xã hội kính trọng. Bây giờ thầy thuốc không ra thầy thuốc, thầy giáo không ra thầy giáo, học sinh không ra học sinh, bệnh nhân không ra bệnh nhân. Các giá trị bị đảo lộn, niềm tin bị phá vỡ. Giải thưởng không còn ý nghĩa thiêng liêng của nó nữa cũng nằm trong sự xuống cấp một cách triệt để của xã hội.

* Vậy theo ông, chúng ta có nên chọn lọc các giải thưởng, chỉ trao một vài giải danh giá, thay vì trao tràn lan như hiện nay?

- Hiện nay, báo chí có giải của báo, đoàn thể có giải của đoàn thể, hội có giải của hội. Quá nhiều giải thưởng nên loạn cả lên. Mỹ có giải Pulitzer danh giá, trao cho ai là không cãi được. Rồi giải Nobel, giải Goncourt được cả thế giới đón nhận. Chúng ta cũng chỉ nên tập trung xây dựng một vài giải có uy tín, không cần phải giải thưởng to. Ví dụ trong lĩnh vực văn học, chọn một giải thưởng tiêu biểu, 3 năm đến 5 năm trao một lần.

Nếu trao giải chính xác, nhà xuất bản có thể in số lượng hàng triệu bản. Việc trao tặng một giải thưởng vài ba trăm triệu đồng, thậm chí một tỷ đồng, chỉ có ý nghĩa nhất thời. Nếu tác phẩm ấy có giá trị và in hàng triệu bản, nó sẽ vinh dự hơn, bởi không ai đánh giá tác phẩm VHNT chính xác hơn công chúng. Ở ta, tác phẩm được giải không ai biết. Đáng lẽ nhiều lần như thế, ta phải rút kinh nghiệm thì không ai rút cả. Chúng ta ngồi lên dư luận, nhắm mắt mà trao, thậm chí có thể trao cho một tiểu thuyết lịch sử mà bản thân tiểu thuyết ấy bôi bác lịch sử chứ không viết về lịch sử.

* Xin cảm ơn ông. 

Việt Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI