Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: Mới thôi, đã một đời người

28/07/2023 - 08:03

PNO - Nghĩ về nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong sâu thẳm, tôi luôn nghĩ đến một sự uyên bác, người có học, có đọc hết sức chỉn chu và rất đáng ngưỡng mộ.

Hình ảnh ấn tượng nhất của tôi về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là lúc ông đến Trường viết văn Nguyễn Du. Bấy giờ, tôi đang theo học lớp biên tập báo chí, do Báo Phụ nữ TPHCM cử đi, thật ngẫu nhiên trùng với lúc anh Nguyễn Trọng Tạo ngao du giang hồ xứ Bắc. 2 anh em rủ nhau ở chung phòng. Vì thế mà vào buổi chiều nhạt nắng, ông Tường sau chuyến đi thực tế các tỉnh phía Bắc, về lại Hà Nội, ghé đến trường chơi, thăm anh Tạo. Chơi, chứ cũng chẳng có việc gì. Hồi đó, ông Tường đang trên đỉnh của sự nổi tiếng. Nghe tin ông đến, không ai bảo ai, các học viên chạy ùa đến vây quanh ông. Theo yêu cầu của anh em viết văn trẻ, ông đã có cuộc trò chuyện, trao đổi “ngoài lề” về công việc viết lách cực kỳ hào hứng. 

Trong đời làm báo, tôi đã phỏng vấn khá nhiều người. Hồi đó, chỉ có cây bút và quyển sổ tay, nhân vật phát biểu những gì, cứ thế miệt mài ghi lại. Tưởng là dễ nhưng thực ra cực khó, bởi có những người nói lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia, không dễ đề nghị họ tập trung trả lời vào câu hỏi. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lại khác hẳn. Ông có lối nói chuyện rất khúc chiết, mạch lạc. Tôi có cảm giác như ông làm chủ cả từng dấu phẩy, dấu chấm câu trong từng câu nói.

Chân dung nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ
Chân dung nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ

Riêng về chuyện “nói thơ”, ai cũng thừa nhận, thời kháng chiến, nhà thơ Xuân Diệu đi nói chuyện thơ nhiều nhất; sau này, nối gót theo ông, chỉ có thể là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Do có tài luận biện, trình bày vấn đề hấp dẫn, ông Tường đã trở thành nhân vật mà nhiều tỉnh thành, trường đại học, cơ quan đoàn thể… mời đến nói chuyện về thơ. Tôi đã có đôi lần nghe ông nói chuyện về sáng tác nói chung tại Cung văn hóa Lao Động, Nhà văn hóa Thanh Niên… mới thấy ông có tài lôi cuốn công chúng hết sức mãnh liệt.

Với ông Tường, đã có một thời gian dài, những người làm thơ trẻ ở Huế, khi in tập thơ đầu tay, đều mong muốn được ông viết Tựa. Các tập thơ ngày ấy, của bạn bè ngoài ấy gửi tặng, không gì ngạc nhiên, tôi luôn thấy lời Tựa của ông - như một “chứng nhận” chất lượng của tác phẩm. Về chuyện này, có lẽ ông Tường chỉ đứng sau Chế Lan Viên. 

Nghĩ về nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong sâu thẳm, tôi luôn nghĩ đến một sự uyên bác, người có học, có đọc hết sức chỉn chu và rất đáng ngưỡng mộ. Sức hấp dẫn của ông, theo tôi, vẫn là tùy bút chứ không hẳn thơ. Vì rằng, toàn bộ cảm hứng về thơ, ông đã chuyển tải vào văn xuôi, rất nhiều chất thơ. Có người vì quá yêu ông mà cho rằng, sau tùy bút Nguyễn Tuân, thậm chí có thể ngang ngửa ít nhiều, chỉ có thể là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tôi nghĩ điều đó không gì quá đáng.

Cho đến nay, có lẽ báo chí của chúng ta vẫn chưa thể tìm ra một ai khác viết “nhàn đàm” tuyệt vời như ông Tường. Trong ông có con người của nhà báo, vì thế bài vở ông luôn đúng quy trình, mà ở đó, mỗi bài viết đều có thông tin để đọc. Thông tin ở đây chính là vốn văn hóa, triết học, lịch sử… được ông chuyển tải một cách tự nhiên, hài hòa và cũng phù hợp thời sự. 

Chẳng hạn, ai đời đang bàn về Miền gái đẹp, ông hạ bút khiến ta giật mình: “Ai chứ như cụ Huỳnh Thúc Kháng ở tù Côn Đảo những 13 năm, ra Huế làm báo Tiếng Dân, nổi danh là ông già “mặt sắt đen sì”, mà cũng có lúc choáng váng vì sắc đẹp của một người gái quê. Trong một bài từ phán in trên báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng có hồi ức về sắc đẹp này đã làm ngẩn ngơ thời trai trẻ của ông, rằng: “Đêm ấy bọn hát đương diễn tuồng (…) bỗng bên xóm đàn bà thấy có cái tia sáng ánh ra như một luồng điện đi qua, khiến cho đám đông đương náo nhiệt ấy bỗng có vẻ yên lặng khác thường”. Rõ ràng, đó là bề dày của một thể loại ta cứ tưởng ngẫu hứng mà viết chơi, qua ông, lại có kiến văn ẩn chứa thấp thoáng…

Vì lẽ đó, khi in lại tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, người ta đã xem “nhàn đàm” là một phần cảm hứng không thể tách rời sự nghiệp văn xuôi của ông. Một khi đã đọc các tùy bút này, điều khiến chúng ta ngạc nhiên là thấy được tiếng Việt của mình hết sức giàu đẹp, lung linh hình ảnh. Ta sẽ thấy và sẽ tâm đắc qua Rất nhiều ánh lửa, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Bản di chúc cỏ lau, Hoa trái quanh tôi…

Đóng góp của ông về bút ký, nhàn đàm, tùy bút là điều không thể phủ nhận. Nhà thơ Hoàng Cát đã nhận định chính xác: “Đặc biệt khi viết về những vấn đề lớn của lịch sử, của đất nước, của dân tộc, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có biệt tài móc xích và xâu chuỗi các sự kiện lại trong mối tương quan rất biện chứng, tạo thành cái duyên hấp dẫn riêng trong các trang viết của ông”.

Với một đồng nghiệp đi trước như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, khi viết những dòng này, tôi chẳng thể tìm ra câu trả lời tại sao một tên tuổi như ông mà Từ điển văn học (bộ mới) lại bỏ sót? Điều đó, với tôi, có gì thật ái ngại, khó thể nói một cách cặn kẽ…

Mai kia tôi về ngủ trên đồi
Nắng rải hoa vàng quanh chỗ tôi
Con chim sơn ca ngày thơ bé
Nó bay về khóc mãi không thôi.

Câu thơ của ông Tường vọng trong tôi như tiếng kinh cầu đưa tiễn…

Lê Minh Quốc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI