Nhà văn Hoàng Công Danh: "Tết đến, rất nhiều người quê tôi cắt mai lên phố bán..."

05/02/2024 - 07:52

PNO - Tập truyện ngắn "Bán một cành mai ăn Tết" viết về chủ đề Tết và ngày Xuân. Nhà văn Hoàng Công Danh chia sẻ đã viết từ những câu chuyện quê mình.

Tập truyện ngắn Bán một cành mai ăn Tết của nhà văn Hoàng Công Danh được nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt trước thềm năm mới. Tác phẩm tập hợp 20 truyện ngắn là những câu chuyện về mùa Xuân và ngày Tết ở làng quê miền Trung.

Nhà văn Hoàng Công Danh (sinh năm 1987) đã in nhiều tác phẩm: Khói sẽ làm mắt tôi cay, Cõng nhau trong một cõi người, Trong cơn say níu sợi dây đứt, Con tin Stockholm, Bảy bảy bốn chín… thì Bán một cành mai ăn Tết là tập sách đầu tiên anh tập trung viết về chủ đề Tết và văn hóa Tết Việt.

Những ngày cuối tháng Chạp, Phụ nữ TPHCM có cuộc trò chuyện với nhà văn Hoàng Công Danh về tác phẩm lần này.

Gia đình nhà văn Hoàng Công Danh đón Tết. Ảnh: NVCC
Gia đình nhà văn Hoàng Công Danh đón Tết. Ảnh: NVCC

* Phóng viên: Chúc mừng năm mới nhà văn Hoàng Công Danh, cùng chúc mừng tác phẩm Bán một cành mai ăn Tết của anh được phát hành. Đã in nhiều sách nhưng lần đầu tiên ra sách vào dịp Tết, cảm xúc của anh như thế nào?

- Nhà văn Hoàng Công Danh: Chúc chị năm mới an lành. Có lẽ bất cứ điều gì rơi vào khoảng thời gian của Tết thì đều đặc biệt hơn. Sách cũng thế, khi ra đúng dịp cuối năm thì đó như một món trong thị trường hàng hóa Tết. Và nó sẽ... chịu chung số phận với các sản phẩm khác: hoặc bán chạy, hoặc bị chìm khuất. Cảm xúc của tôi giờ cũng như người bán hàng Tết vậy, là hồi hộp chờ đợi. 

Các tác phẩm trong truyện có bối cảnh là vùng nông thôn miền Trung. Dù cuộc sống vẫn còn gian khó, nhưng người dân quê vẫn gìn giữ những nét đẹp của văn hóa Tết cổ truyền. Nhà văn chọn viết về cái Tết của người nghèo: người phải cắt cành mai đem bán để mua sắm Tết, người bán được cây mai rồi lại phát hiện gia tài được chôn giấu dưới gốc mai...

Những hành trình về quê ăn Tết của người tha hương, những cuộc đoàn tụ, những lần chia ly... được kể trong tác phẩm, với giọng văn dí dỏm, độc đáo, pha lẫn bi hài. Trong không khí của mùa Xuân, những câu chuyện về phận người của nhà văn lặng thầm dẫn lối qua từng câu chuyện. 

* Bán một cành mai ăn Tết là một tiêu đề rất gợi nhưng cũng rất bùi ngùi. Vì sao anh chọn truyện ngắn này làm tên chung cho cả tập truyện?

Truyện ngắn này được viết từ một lần tôi ngồi uống cà phê bên cạnh chợ hoa xuân, nhìn thấy bà cụ mang cành mai đi bán. Hình ảnh ấy khiến ai cũng cảm thương, và gợi nhớ lại những năm về trước, rất nhiều nhà ở nông thôn phải cắt cành mai đem lên thành phố bán mới có tiền sắm sửa cuối năm. Truyện này, cá nhân tôi thấy có nhiều yếu tố cảm xúc vui buồn ngày tết, nên chọn luôn làm tên sách.

Bán một cành mai ăn Tết đầy ắp không khí ngày Xuân nhưng cũng để lại nỗi thương, bùi ngùi về phận người nghèo...Ảnh: nhà xuất bản Trẻ.
Bán một cành mai ăn Tết đầy ắp không khí ngày Xuân nhưng cũng bùi ngùi về phận người nghèo... Ảnh: nhà xuất bản Trẻ.

* Có điều gì thử thách ngòi bút khi anh viết truyện ngắn riêng dành cho chủ đề Tết?

Thử thách nhất là câu chuyện của mình dù viết về phận người nhưng vẫn phải…vui vui, hoặc le lói niềm hy vọng. Bởi đấy là truyện Tết, buồn quá ai chịu nổi (cười). Đâu đó vài câu chuyện nghèo trong sách đều dính dáng đến gia đình, hàng xóm của tôi. Người ta nói, những chất liệu đời sống đều vào trang văn, và ngược lại. Cái này tôi thấy đúng với mình.

* Ký ức Tết quê lưu dấu sâu sắc nhất trong lòng anh là những năm tháng nào? Và như thế nào?

Đó là những năm tháng tuổi thơ. Tết có pháo nổ giao thừa, sáng Mồng Một xác pháo trải hồng mặt sân, rất đẹp. Và những món bánh truyền thống ngày Tết, ở quê ngày trước mọi nhà đều tự làm, nên khoảng thời gian giáp Tết, cả làng ngập tràn không khí ngày xuân...

"Trưa cuối năm chợ hoa đông nghẹt, nhờ nắng kéo chân người ta ra đường. Người mua sắm đã đành, người không sắm thì ngắm hoa tạo dáng chụp ảnh đăng facebook. Và không ít người đi để săn rẻ mấy chậu hoa bán tống bán tháo. (...) Dân buôn từ trước đã thống nhất quyết không bán phá giá, không tự hại nhau phút cuối. Thế mà chỉ mới qua đầu giờ chiều, mấy hàng hoa bắt đầu đại hạ giá ào ào..." - tình cảnh chợ hoa xuân trong ngày 30 Tết, được miêu tả trong tác phẩm. 

Tết quê nhà của tác giả. Ảnh: facebook nhà văn Hoàng Công Danh
Tết quê nhà của tác giả. Ảnh: facebook nhà văn Hoàng Công Danh

* Có ý kiến chia sẻ rằng, đời sống của “sách Tết” ngắn ngủi và có khi không dễ thu hút bạn đọc, khi người người dành thời gian dọn dẹp, thăm viếng, vui chơi giải trí ngày Xuân… Anh nghĩ sao về điều này?

- Cũng có thể đúng, vì như tôi đã nói ở trên là nó giống một món hàng cuối năm, rất dễ bị chìm đắm. Nhưng mà, có thể cũng không hẳn. Vì sách Tết ra giêng ngày rộng tháng dài vẫn có thể đọc, chứ không bị "hết hạn sử dụng" như bánh trái mứt kẹo. Thêm nữa, tôi suy nghĩ hồn nhiên rằng, có nhiều người tâm trạng chán Tết, chẳng đi đâu, chẳng gặp mặt ai, biết đâu họ lại tìm không khí xuân trong những trang sách báo Tết.

Hai mai
Hoa mai nở báo hiệu Xuân sang, những mùa sau có thể sẽ hình thành nên "vụ mùa" sách Tết... Ảnh: NVCC

* Theo anh, sách Tết sau này có thể trở thành một “mùa vụ” đáng khích lệ đối với người cầm bút? 

- Đúng là tôi chưa nghĩ đến điều này. Nhưng cứ nhìn vào báo Tết mà xem, năm nào cũng hàng trăm tờ báo Xuân, bạn đọc cả nước cũng háo hức đấy thôi, và thành một mùa báo Tết. Sách Tết cũng rất có thể như thế.

* Cảm ơn nhà văn Hoàng Công Danh.

Dù chưa nhiều, nhưng năm nay đã xuất hiện một số tác phẩm chủ đề ngày Xuân. Bên cạnh tuyển tập Nhâm nhi Tết, nhà xuất bản Kim Đồng có các tựa: Những ngày Tết ta (Tô Hồng Vân), Tết xưa thơ bé (Hương Thị), Nhớ ơi là Tết (Thái Hương Liên), Quà Tết của rừng xanh (Hồng Chiến)...

Hưởng ứng chương trình Lì xì sách Tết của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM (tại Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024), nhiều đơn vị làm sách cũng đã tích cực giới thiệu các gói quà sách đến bạn đọc. Không chỉ là tác phẩm có chủ đề Tết và mùa xuân, mà còn có nhiều tựa sách tìm hiểu về văn hóa truyền thống, cùng những trang viết trao gửi thông điệp bình an...

Lục Diệp thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI