Truyện dài Bảy bảy bốn chín của nhà văn Hoàng Công Danh là một tác phẩm nếu đã cầm lên đọc thì sẽ khó dừng lại. Câu chuyện bắt đầu từ cái chết của nhân vật, với cách kể đồng hiện giữa hiện tại và quá khứ. Tình yêu - nỗi đau, bi kịch hôn nhân và những ẩn ức... Một chuỗi các chi tiết như từng mắt xích đan cài vào nhau để rồi đi đến cuối cùng là sự thật...
Hoàng Công Danh kể một câu chuyện lôi cuốn, ấn tượng và thật sự ám ảnh. Tác phẩm thấm đẫm tinh thần Phật giáo. Và như tiêu đề truyện, Bảy bảy bốn chín là một hành trình của sự giải thoát. "Mỗi biến cố trong cuộc đời đều đến từ nhiều sự kiện trước đó, nhà Phật gọi ấy là nhân duyên. Chính điều đó là sự nhắc nhở chúng ta về cách sống mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc" - lời chia sẻ trên bìa gấp sách của tác giả cũng là một thông điệp từ đạo Phật.
|
Chân dung tự họa của nhà văn Hoàng Công Danh |
Nhà văn Hoàng Công Danh sinh năm 1987, hiện đang sinh sống và làm việc tại Quảng Trị. Anh đã xuất bản các tác phẩm: Cõng nhau trong một cõi người, Trong cơn say níu sợi dây đứt, Khói sẽ làm mắt tôi cay, Con tin Stockholm và Chuyến tàu vé ngắn.
Phóng viên: Chào Hoàng Công Danh và chúc mừng sự trở lại của anh với truyện dài Bảy bảy bốn chín! Đây thật sự là một tác phẩm rất ấn tượng nhưng câu chuyện cũng rất buồn. Cảm giác của nhân vật cuối truyện như “vừa thoát ra một cơn mê, người nhẹ bẫng như đang bay lên”. Còn tác giả, cảm giác của anh như thế nào khi viết đến dòng cuối cùng này?
Nhà văn Hoàng Công Danh: Khi viết một truyện ngắn hay truyện dài, tôi đều nghĩ xong xuôi hết mới viết. Nhưng khi kết thúc truyện thường sẽ khác với điều mình nghĩ ra trước đó. Nó đến tự nhiên, không sắp xếp được. Với Bảy bảy bốn chín cũng thế, có rất nhiều cái kết được sắp sẵn trong đầu, nhưng rồi tôi bỏ hết, chỉ để một cái kết có vẻ... nhẹ hều, như nhân vật lúc ấy.
Buổi chiều trước khi kết thúc cuốn truyện, tôi có lên một ngôi chùa tổ đình, lúc ra khỏi cổng tam quan, đi dưới hai hàng cây tự nhiên thấy mình thanh thản lạ kỳ, và thế là tôi kết truyện như vậy luôn.
|
Lời giới thiệu của nhà xuất bản Trẻ dành cho tác phẩm |
* Anh ấp ủ và viết tác phẩm này trong bao lâu? Có điều gì từ đời thực - hiện thực thôi thúc anh kể một câu chuyện về tình yêu và những vấn đề trong hôn nhân của người trẻ thời hiện đại?
- Tôi nghĩ đến câu chuyện này trước đó một năm. Rồi cứ chần chừ không muốn viết, vì đúng như bạn nói ở trên, là nó buồn. Nhưng khi nghĩ đầy ắp chuyện rồi mà không thể hiện ra thì đối với người cầm bút còn buồn hơn. Thế là tôi bắt đầu viết nhanh trong một tháng gần xong, chỉ còn cái kết. Rồi quên bản thảo ấy đi, nửa năm sau mới đem ra sửa và kết truyện.
Bạn bè xung quanh tôi, những người làng của tôi đều có thấp thoáng trong câu chuyện đó. Tôi chỉ mượn họ ở một đôi chi tiết để viết, chứ cũng không có điều gì thôi thúc phải viết cả.
* Một câu chuyện bắt đầu bằng “cái chết” có lẽ không phải là thử thách của tác giả, nhưng lại là một sự tàn nhẫn quá với nhân vật của mình. Lựa chọn thể hiện này có khiến anh trăn trở nhiều trước khi đặt bút viết tác phẩm?
- Rõ ràng cái chết đó có thể để ở cuối truyện để làm kết thúc. Nếu là trước đây tôi sẽ làm như thế, nhưng sau một quá trình viết thì tôi làm ngược lại. Để xem bạn đọc biết kết thúc rồi có còn muốn đọc nữa không. Đó cũng là thử thách với mình. Chỉ là thế thôi chứ tôi không băn khoăn gì cả (cười).
|
Một số tác phẩm đã xuất bản của Hoàng Công Danh |
* 10 năm sau tập truyện Cõng nhau trong một cõi người, một lần nữa anh chọn kể một câu chuyện đậm dấu ấn Phật giáo trong Bảy bảy bốn chín. Đây là một điều tình cờ của văn chương hay là… một cố ý để kỷ niệm dấu mốc 10 năm của tác giả?
- Sau cuốn Cõng nhau trong một cõi người tôi vẫn viết tiếp những truyện có màu sắc đạo Phật, nhưng vì nó đơn lẻ nên chưa thành một tập nào cả. Đến cuốn này thì vì nó liên quan đến cái chết, mà ở làng tôi, từ hai chục năm nay nhà nào có đám tang đều làm theo nghi thức nhà Phật, chay tịnh trong suốt kỳ đám. Tôi thấy đó là điều hay, nên đưa vào trong cuốn sách này. Kỳ thực, tôi có thể viết sâu hơn, dài hơn về chuyện này nhưng tác phẩm văn chương thì phải biết tiết chế. Điều này cũng hoàn toàn ngẫu nhiên.
* Đạo Phật có phải cũng là một điểm tựa lớn trong đời sống tinh thần của anh? Hai chữ “nhân duyên” của nhà Phật có thể được nhìn thấy rõ như thế nào trong những chặng đường, những lựa chọn của anh từ cuộc sống đến văn nghiệp?
- Tôi được sinh ra trong gia đình, làng quê có truyền thống đạo Phật. Tôi luôn coi đó là một điều may mắn và lấy đó làm điểm tựa, phương châm sống. Tính nhân quả trong nhà Phật là điều mà tôi luôn niệm suy. Giả sử mình gặp điều không hay, thì nghĩ rằng do trước đây mình làm gì đó không phải. Ấy chính là nhân duyên, cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không. Nghĩ thế thì rất nhẹ nhàng để sống và làm việc. Cuộc sống của tôi cũng như vậy, tôi không lựa chọn điều gì quá lâu, mà làm vì nghĩ chắc duyên đưa tới. Nếu làm hỏng thì nghĩ chắc duyên... chưa tới.
* Và nếu là hai chữ “biến cố”, thì thật ra cuộc đời có từng để anh trải qua những gì, để được sống và viết?
- Bất cứ ai ngồi nghĩ lại cũng sẽ thấy đời mình có nhiều "biến cố". Có người chấp nhận được, có người cứ mãi ray rứt, mắc kẹt tại biến cố. Tôi cũng có nhiều biến cố, trong cuộc sống thì tôi thường chấp nhận và lấy các điều nhà Phật dạy để soi chiếu mình. Còn trong nghề viết, chính biến cố đã giúp tôi yêu hơn công việc này, bởi tôi vốn là người học tự nhiên, "biến cố" đã làm tôi trở thành một người theo nghề chữ nghĩa.
|
Cõng nhau trong một cõi người là tác phẩm đầu tay của Hoàng Công Danh |
* Một "nhà văn viết từ làng" như Hoàng Công Danh, có lẽ lúc nào cũng ăm ắp tư liệu và tình yêu từ quê nhà...
- Tôi sinh ra lớn lên ở quê nhà, đi học rồi lại trở về quê làm việc, giờ cũng sống tại ngôi làng mình được sinh ra. Đó là diễm phúc của tôi. Lúc nào tôi cũng thấy làng mình đẹp, đẹp nhất! Những tháng năm đi học xa quê tôi nhớ quay quắt làng mình, nên khi ra trường, tôi quyết định sẽ về làng sinh sống và chắc sẽ không đi đâu nữa. Có người nói đùa với tôi rằng nếu viết chuyện từ đầu làng đến cuối làng thì cả đời viết cũng không hết. Ấy là hiện thực của trang văn, tìm gì xa xôi.
* Sau Bảy bảy bốn chín, anh có thể chia sẻ trước về những gì đang ấp ủ và sẽ tiếp tục viết trong thời gian tới?
- Tôi bắt đầu câu chuyện rất nhanh nhưng lại viết chậm, nên bản thảo dang dở vẫn còn kha khá. Nếu nghĩ được gì sẽ viết ngay chứ không ấp ủ, còn chuyện viết bao giờ xong thì tùy duyên. Chỉ xin chia sẻ là có cuốn tiểu thuyết về một ngôi chùa đã viết được nhiều nhưng vẫn chưa xong. Đó cũng là cuốn phảng phất tinh thần của tập truyện Cõng nhau trong một cõi người, mà tôi rất thích. Vì thích nên viết chậm.
Lục Diệp (thực hiện)
Ảnh do nhân vật cung cấp