Nhà văn hóa phường có còn cần thiết?

07/08/2020 - 08:54

PNO - Ngày 6/8, Thường trực Hội đồng nhân dân TPHCM và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã có buổi giám sát kết quả triển khai thực hiện một số nội dung chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” tại Sở Nội vụ TPHCM. Một số đại biểu trong đoàn giám sát đã đặt vấn đề: các mô hình đang có hiện còn phù hợp hay không.

 

Dân có đến nhà văn hóa phường?

Bà Thi Thị Tuyết Nhung - nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM - nêu trăn trở, người dân thực sự có nhu cầu đối với nhà văn hóa (NVH) phường trong bối cảnh hiện nay hay không. Theo bà, việc đánh giá nhu cầu này là cần thiết, nhằm sắp xếp lại cơ sở vật chất, con người và nội dung hoạt động.

Nhà văn hóa phường có còn cần thiết trong tình hình hiện nay?
Nhà văn hóa phường có còn cần thiết trong tình hình hiện nay?

“Nếu như quận nào cũng có NVH phường, cứ lấy con số thấp nhất là mỗi quận có chừng mười phường thì thử hỏi biên chế từ quận bổ về như thế nào? Nếu như phải thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm chuyên môn chính ở trung tâm văn hóa quận thì những người này còn thời gian đâu xuống hỗ trợ hoạt động NVH phường?” - bà Nhung nói.

Bà đề nghị Sở Nội vụ xem lại, có nên sắp xếp cụm NVH liên phường không. Các quận, huyện đều có NVH thiếu nhi, lao động, phụ nữ, trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao… đan xen nhau dày đặc. “Trong khi đó, có bao nhiêu người dân tìm đến tham dự những hoạt động chung ở những nơi này?” - bà Nhung băn khoăn. Bà cũng đề nghị nên sắp xếp lại hoặc đánh giá lại để làm cho NVH phường hoạt động tốt hơn, nhân sự được đào tạo bài bản hơn và bố trí nguồn lực tốt hơn. 

Trả lời ý kiến đại biểu, ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM - cho biết, Sở Văn hóa - Thể thao đã trình UBND TPHCM về quy chế hoạt động NVH phường, Sở Nội vụ được giao thẩm định và đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Về sự cần thiết hay không của mô hình này, cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ có đề xuất, đánh giá, riêng Sở Nội vụ ủng hộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. “Nếu các cơ quan chuyên ngành có đề nghị theo hướng đó thì chúng tôi ủng hộ ngay. Dưới góc độ cá nhân, tôi nhận thấy, hoạt động đó không còn phù hợp nhu cầu của tình hình mới” - ông Lắm nói.

Theo ông Lắm, hiện nay, người dân có thể dùng ứng dụng công nghệ để được đáp ứng mọi nhu cầu về văn hóa, không nhất thiết phải đến một nơi có các hoạt động đó mới giải quyết được nhu cầu. Đặc biệt, ở đô thị lại còn khác nữa. “Khi ban hành quy định, có thể nó cần thiết, nhưng trong tình hình mới, với sự phát triển của khoa học công nghệ, có lẽ cơ sở vật chất đó không cần thiết” - ông Lắm nhận định.

Vẫn còn những cán bộ “thế này thế khác”

Liên quan đến vấn đề xây dựng, tổ chức các lớp bồi dưỡng về văn hóa công vụ, theo ông Lắm, không phải chỉ khi tham gia các lớp học mang tên “văn hóa công vụ” mới có được nền nếp văn hóa của cán bộ, công chức: “Chúng ta học lý luận chính trị, học những chuyên ngành khác, cũng ra đạo đức cách mạng, ra những con người làm cán bộ, công chức. Không thể nói do tôi không học về văn hóa công vụ nên tôi không biết gì hết, nên tôi ứng xử như vậy”.

Sở Nội vụ đã tập trung triển khai thực hiện quy tắc ứng xử và chú trọng công tác bồi dưỡng văn hóa công vụ
Sở Nội vụ đã tập trung triển khai thực hiện quy tắc ứng xử và chú trọng công tác bồi dưỡng văn hóa công vụ

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, những năm qua, TPHCM đã có chuyển biến tích cực trong kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại các sở, ngành, quận, huyện. “Nhưng vẫn còn những trường hợp thái độ thế này thế khác, những con sâu làm rầu nồi canh. Để nâng cao chất lượng đạo đức, phẩm chất, văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, chính người quản lý từng cơ quan, đơn vị phải theo dõi, đánh giá và quyết định đối với cán bộ, công chức” - ông Lắm chia sẻ.

Ông Phạm Đức Hải - Phó chủ tịch HĐND TPHCM - đánh giá, Sở Nội vụ đã tập trung triển khai thực hiện quy tắc ứng xử và chú trọng công tác bồi dưỡng văn hóa công vụ, từ đó tạo sự chuyển biến trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ông Hải cho biết thêm, qua giám sát ở một số cơ quan, đoàn giám sát đã ghi nhận nhiều mặt được cũng như chưa được: “Việc giải quyết hồ sơ của Sở Tài nguyên và Môi trường cho dân và doanh nghiệp còn tồn đọng rất lớn, tồn đến 25.000 hồ sơ. Điều này thể hiện sự yếu kém của chúng ta trong cải cách hành chính”.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của TPHCM từ hạng 10 tụt xuống 14. Trong chỉ số PAR index 2019, chất lượng đội ngũ của TPHCM xếp hạng 45/63 tỉnh, thành, giảm 31 bậc. Theo ông Hải, có thể thấy, cải cách hành chính và đội ngũ vẫn là những vấn đề đáng quan tâm và cần phải làm ngay. 

Quốc Ngọc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Tuấn Anh 17-08-2020 09:50:54

    Chúng tôi ở nông thôn miền núi, nhà văn hóa, đặc biệt là các thiết chế văn hóa rất cần cho sinh hoạt cộng đồng, cái cần nhất là diện tích khu vui chơi thể thao, đây là nơi duy nhất ở các thôn xóm người dân có thể đến để tập luyện, rèn luyện sức khỏe sau những giờ phút lao động mệt nhọc...!!!

  • Tran Linh 07-08-2020 09:39:41

    Tôi cho rằng rất cần thiết. Vấn đề là nhận thức của cơ quan chủ quản đối với các Nhà văn hóa này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI