Hòa trong không khí rộn ràng, tươi mới của những ngày tháng Mười, kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, sáu năm Ngày Phụ nữ Việt Nam, Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM chào đón điểm son 35 năm tuổi (20/10/1981 - 20/10/2016) với nhiều chương trình hoạt động mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, thu hút đông đảo công chúng.
Cuộc thi viết “Nhà văn hóa Phụ nữ và tôi” được phát động trong vòng hai tháng nhưng đã thu hút 268 thí sinh tham dự. Ban giám khảo đã chọn lọc 20 bài viết vào vòng chung khảo. Kết quả có một giải I, hai giải II, ba giải III và 10 bài viết đạt giải khuyến khích, sẽ được công bố và trao giải vào sáng 15/10 trong chương trình kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Nhà văn hóa Phụ nữ.
“Nhà văn hóa Phụ nữ và tôi” với những nét bút chân phương, mộc mạc nhưng chân tình, sâu lắng, thể hiện tình cảm, sự tin cậy; là điểm hẹn văn hóa, nơi trao gửi, truyền thụ những kiến thức, kỹ năng về làm đẹp, về tình người, về cuộc sống cho bao thế hệ phụ nữ, gia đình trong suốt 35 năm qua. Khép lại một cuộc thi nhưng mở ra bao tình cảm gửi gắm, hiến kế, đặt hàng để Nhà văn hóa Phụ nữ tự tin, chủ động, khởi sắc đón chào tuổi 36 tươi đẹp, đằm thắm, mạnh mẽ, thành công.
|
Lãnh đạo Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tiếp đoàn nghị sĩ Hokkaido (Nhật) tới tham quan các lớp học tại đây. |
Thi thoảng, mẹ tôi lại bật ra tiếng thở dài, nhìn con gái nhà người ta biết nấu ăn, quán xuyến nhà cửa, giỏi giang hết sức. Còn con gái nhà mình, chỉ mỗi cái học hành, xỏ kim vá áo cứ lúng ta lúng túng, huống hồ… Dấu bỏ lửng của mẹ không ngờ lại trĩu nặng trong tôi, như một lỗi lầm…
Từ đó, tôi quyết tâm học nữ công gia chánh. Không ngờ, từ cái ý nghĩ ban đầu học để không còn nghe tiếng thở dài của mẹ, tôi đã khám phá ra thế giới lung linh đầy màu sắc để mỗi ngày, tôi như tìm thấy tiếng reo vui trong mình. Tôi yêu sự khéo léo qua mỗi ngày được khám phá, được hướng dẫn, được bày tỏ; yêu cả sự vụng về của chính mình trước đây. Nơi mở cánh cửa cho tôi tìm thấy mình, tin vào đời, không đâu xa là NVH Phụ nữ TP.HCM.
Dưới mái nhà chung này, bạn như có những người cha, người mẹ thứ hai hết lòng với nghề , với học viên. Nhiều thầy cô giáo có tâm với đời, có kinh nghiệm đưa ra những phương pháp học tập - giảng dạy hay, như “học đi đôi với hành” để học viên có thể kết hợp lý thuyết với thực hành nhằm học và ôn lại bài ghi vào sâu trong trí nhớ. Cũng bằng cái tâm của người - đưa - đò, họ không ngại ngần truyền đạt hết những “bí kíp” hữu dụng cho học viên để họ có thể thành công trong tương lai. Biết bao thế hệ học viên đã thành công từ cái cơ ngơi giản dị mà hết sức căn cốt này.
Những viên gạch màu hồng - Lê Thị Kim Ngân
Các con của tôi đang từng ngày bước vào tuổi trưởng thành; và một trong những phẩm chất mà tôi muốn truyền lại và đắp xây cho các con là sự tự tin. Làm nên sự tự tin ấy, ở người phụ nữ, ngoài nét tinh tế, duyên dáng là kỹ năng nội trợ, là sự quán xuyến, chăm sóc một tổ ấm gia đình.
Tôi không trông chờ các con gái của tôi phải đầu tắt mặt tối với ngàn công việc không tên, nhưng khi các con được học và hiểu biết về “chức phận” của mỗi căn phòng trong một ngôi nhà, các con sẽ tự tin để xây dựng, gìn giữ hạnh phúc tổ ấm của mình. Tôi muốn hướng các con bắt đầu những bước đi từ nền móng của “Ngôi nhà của phái đẹp - NVH Phụ nữ.
Con đường đi tới tự tin - Đào Thị Thanh Hiếu
Tiến sĩ ngữ văn Hoàng Hồng Hà: Một thông điệp ngọt ngào, mạnh mẽ về bình đẳng giới
“Chúng ta hãy học, hãy tích lũy những tri thức, hiểu biết, kỹ năng khi có thể. Bức thành bình đẳng và giải phóng phụ nữ, trước hết và dài lâu, là do chính những phụ nữ - với bàn tay, khối óc, con tim - đặt những viên gạch của chính họ, xây cất và bảo vệ. Những viên gạch màu hồng - từ Ngôi nhà của phái đẹp - là nơi bắt nguồn cho những niềm vui, sở thích lẫn tri thức, để bạn nhận ra, được làm phụ nữ - chưa bao giờ dịu dàng và quyến rũ đến thế!” (Những viên gạch màu hồng - tác giả Lê Thị Kim Ngân).
Một thông điệp về bình đẳng giới rất ngọt ngào, rất mạnh mẽ đã được gióng lên từ những phụ nữ bình dị, từ những lớp học bình thường, học cách chăm sóc làn da, học cách nấu và bày biện một thực đơn cho bốn thành viên, học cách để lắng nghe và đối thoại với người bạn đời…
Tôi nghĩ, Nhà văn hóa Phụ nữ đã mang lại một giá trị căn cốt và bền vững cho bao thế hệ phụ nữ - mà từ đó, giá trị hạnh phúc của từng ấy thế hệ gia đình được kiến tạo, giữ gìn, nuôi dưỡng. Cuộc thi Nhà văn hóa Phụ nữ và tôi vừa như một cuộc tổng kết thành tựu - mà đôi khi, thân thuộc quá, gần gũi quá - không phải ai cũng dễ nhận ra những hữu ích lâu dài, có thật; vừa là một cột mốc mà không ít bài viết đã đặt ra cho một giai đoạn mới, một sự nhận diện cần thiết - khi “Ngôi nhà Phụ nữ” này bước qua tuổi 36.
Khép lại một cuộc thi để mở ra những chương học mới, những giáo trình và phong cách truyền thụ hiện đại, ứng dụng, là ước mơ, là đòi hỏi, là niềm tin của không chỉ hà ng trăm thí sinh thể hiện qua 268 bài viết. Thành công của Nhà văn hóa Phụ nữ và tôi lớn hơn thế rất nhiều!
|
“Ngôi nhà của phái đẹp” không chỉ là nơi dạy kỹ năng gia chánh mà còn giúp những người phụ nữ chia sẻ với nhau những nỗi niềm riêng. |
Nhà báo Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập báo phụ nữ: Phá vỡ những giới hạn đời thường
Nhà văn hóa Phụ nữ và tôi là một cuộc thi… kỳ lạ, bởi trong cái chủ đề tưởng chừng rất giới hạn đó lại mở ra biết bao tâm tư, suy nghĩ, hoàn cảnh; kể cả những khúc quanh khắc nghiệt trong cuộc đời mỗi người phụ nữ - học viên khi đến với Nhà văn hóa (NVH) Phụ nữ, để rồi ở đó, không chỉ vỡ lòng những đường kim mũi chỉ, những tỉa tót hoa lá củ quả, những rộn ràng âm thanh nhảy múa khiêu vũ mà còn gói ghém những nỗi niềm riêng chung, những cái chạm tay chia sẻ, những cái dìu nhau gượng dậy sau một cuộc tan hoang, đổ vỡ.
Một người phụ nữ từ Long An, tình cờ chị biết và đến với NVH Phụ nữ. Chị viết: “Tôi quanh năm chỉ biết đồng áng, từ trồng lúa, tôi chuyển sang trồng thanh long, sáng trưa chiều bám mặt trên ruộng rẫy. Vậy mà sau khi trải qua một khóa học ở NVH Phụ nữ, tôi trở thành một phụ nữ tự tin, thích và muốn tìm hiểu để thu nạp thêm kiến thức. Tôi thấy mình sống vui hơn”. (Mẹ con cùng đi học - tác giả Nguyễn Hoàng Yến - Tân An - Long An).
Đến khi con gái chị 18 tuổi, đậu một trường đại học tại TP.HCM; trước ngày con vào giảng đường, chị dẫn con đến đăng ký lớp cắm hoa ở NVH Phụ nữ. Từ đó, những ngày nông nhàn, chị lại về thành phố, hai mẹ con cùng tham gia những khóa học ngắn ngày, “cũng là dịp hai mẹ tôi gần gũi, cởi mở trò chuyện như hai người bạn, để tôi yên tâm “gửi” con lại thành phố này bởi cháu đã được trang bị sự tự tin, cũng như những lời khuyên, sự chỉ dẫn tận tình qua các khóa học kỹ năng sống tại NVH Phụ nữ”.
Có những bài thi tác giả nắn nót từng chữ, tên thầy cô gắn với mỗi bộ môn như cắm hoa, kết hoa, khiêu vũ, trang điểm, nấu ăn… được thí sinh trân trọng đồ nét, thể hiện tình cảm sâu sắc, tràn đầy. Cũng có bài viết, tôi thật sự chạnh lòng bởi đằng sau những câu chữ vụng về, nét chữ khó đọc lại là một dòng ký ức không thể dừng lại. Và ở những thời điểm mất mát, đổ vỡ nhất, tác giả lại tìm đến “Ngôi nhà chung” Phụ nữ để lấp đầy những trống trải, tìm quên trong những tiết học sinh động, nương tựa qua những chia sẻ chân tình từ giáo viên, bạn học…
Một cuộc thi mà hầu hết thí sinh tham dự đều không đặt nặng chuyện thắng thua, họ đến để giãi bày tình cảm, họ sống cùng ký ức đẹp và những bài học làm đẹp cho bản thân, cho chồng con để mỗi ngày qua đi, họ cảm nhận tình yêu gia đình trọn vẹn hơn, cuộc sống tươi mới hơn. Rõ ràng, thành công của NVH Phụ nữ và tôi không chỉ là một cuộc thi thố mà là sự nối dài những thành quả của “Ngôi nhà của phái đẹp” trong suốt 35 năm qua - nơi người phụ nữ với sự dịu dàng, đảm đang và tự tin trau dồi những kỹ năng sống - góp phần mang lại hạnh phúc cho chính họ và những người thân yêu quanh họ.